Trịnh Hữu Long
Luật Khoa tạp chí
13.1.2020
“Đế quốc chủ nghĩa Pháp dùng pháp luật đạo tặc, dùng võ lực dã
man cướp đất của nông dân bản xứ, mỗi lần cho bọn địa chủ người Pháp,
cho các công ty tài chính hàng ngàn, hàng vạn mẫu, để chúng lập đồn điền
cao su, bông, vải, mía, lúa, v.v.”
Đó là những gì được ghi
trong “Nghị quyết về nông dân vận động”, được Đại hội Đảng lần thứ II của đảng
Cộng sản Đông Dương thông qua ngày 28/3/1935. [1]
Năm sau đó, có một người đàn ông ra đời ở một vùng quê Bắc Bộ.
Người đàn ông này sẽ dành 84 năm cuộc đời của mình để chứng kiến và
trực tiếp tham gia những biến động xã hội long trời lở đất, mà trọng tâm
của nó là những cuộc dịch chuyển đất đai khổng lồ từ tay giai cấp này
sang tay giai cấp khác. Ông sau cùng mắc kẹt giữa những cuộc dịch chuyển
đó và bị nó nghiền nát trong tiếng súng nổ, giữa làng quê mà ông đã
được sinh ra.
Tên ông là Lê Đình Kình.
Ông Kình là tất cả những gì mà đảng Cộng sản Việt Nam có thể kỳ vọng ở một đảng viên.
Ông là nông dân, thành phần cốt cán của cuộc cách mạng mà đảng Cộng sản khởi xướng.
Ông sinh ra và lớn lên ở một làng quê Bắc Bộ, thành lũy cách mạng quan trọng bậc nhất trong lịch sử của đảng Cộng sản.
Ông gia nhập đảng ở độ tuổi đôi mươi.
Ông cầm súng trong cuộc “kháng chiến chống Mỹ”, làm nên tính chính danh của đảng Cộng sản.
Ông từng là chủ nhiệm hợp tác xã trong thời kỳ hợp tác xã vẫn còn là trái tim của nền kinh tế.
Ông từng là trưởng công an xã – người bảo vệ cho an nguy của chế độ.
Ông từng là bí thư đảng ủy, chủ tịch xã trong những năm 1980, trực
tiếp thi hành chính sách của đảng Cộng sản ở cấp sát nhất với quần chúng
nhân dân.
Trong mắt đảng Cộng sản,
không ai có thể có bản lý lịch đẹp hơn đảng viên Lê Đình Kình.
Nhưng cuối cùng, ông chết trong một cuộc đụng độ với chính đảng mà
ông dành cả đời phục vụ. Xác ông nằm ở trụ sở của cơ quan công quyền mà
ông từng là lãnh đạo. Và là một cái xác không còn nguyên vẹn: ông bị mổ
tử thi.
Người cộng sản hoàn hảo là ông đã chết với tư cách là một kẻ khủng bố trong con mắt của đảng.
Còn với đảng Cộng sản, năm ông Kình ra đời, họ đã phải thanh minh thế này trong một thư ngỏ gửi công luận Pháp:
“Chúng tôi không phải là những
kẻ khủng bố. Chúng tôi là những người cộng sản chân chính và chúng tôi không từ
bỏ bất cứ một nguyên tắc mácxít – lêninnít nào. Rõ ràng là không đúng nếu trình
bày chúng tôi như những kẻ khủng bố và những phần tử gây rối loạn, trái lại
chúng tôi là những người đấu tranh nồng nhiệt nhất cho tinh thần hòa hợp và
bình đẳng giữa các dân tộc và cho hòa bình thế giới”. [2]
Ông Kình đã đi trọn một vòng đời từ khi đảng Cộng sản bị cáo buộc là
một nhóm khủng bố, đến khi chính ông bị chính quyền của đảng Cộng sản cáo buộc là kẻ cầm đầu của một nhóm gây rối có vũ trang, còn những tiếng nói ủng hộ đảng Cộng sản thì lên án ông là một kẻ khủng bố thực sự.
Ông đã đi trọn một vòng đời từ một xã hội bị thực dân Pháp dùng bạo
lực cướp đất đến một xã hội khác, có tên gọi khác, nhưng vẫn buộc ông
phải chết để bảo vệ mảnh đất mà ông cho là của dân làng mình, trước súng
ống của những người ông gọi là đồng chí.
Cái chết của ông Kình không
đơn thuần là cái chết của một lãnh tụ nông dân. Dường như đảng Cộng sản không
nhận thấy họ đã đi một quãng đường xa thế nào để vô hiệu hóa người cộng sản tốt
nhất của mình, ngay trên thành lũy cách mạng quan trọng nhất của mình.
Khẩu hiệu “người cày có ruộng”
đã vĩnh viễn được chôn cùng với quan tài của người cộng sản Lê Đình Kình. Lịch
sử đang lặp lại chính nó. Một vòng nữa.
___
Tài liệu tham khảo:
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét