Thứ Ba, 10 tháng 12, 2019

HỌC TRÒ THÀNH CON TIN CẢ RỒI, ÔNG GIÁO Ạ !


Sách giáo khoa “cài cắm” tinh vi kiểu này,
học trò thành con tin ông giáo ạ!


Bùi Hoàng Tám
VietTimes  9/12/2019 

VietTimes -- Những ngày qua, báo chí xôn xao xung quanh chuyện một số cán bộ chủ chốt của Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh nhận hàng tỉ đồng tiền “thù lao” từ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam để tổ chức biên soạn bộ sách giáo khoa (SGK) miền Nam.

Những ngày qua, báo chi xôn xao xung quanh chuyện một số cán bộ chủ chốt của Sở Giáo dục & Đào tạo TP HCM nhận hàng tỉ đồng tiền “thù lao” từ NXB Giáo dục để tổ chức biên soạn bộ sách giáo khoa miền Nam.

Cụ thể, mỗi tháng ông Giám đốc sở (trưởng ban) nhận 6tr đồng. Phó giám đốc (Phó trưởng ban) 5triệu. Các thành viên còn lại đối với nhóm tư vấn hỗ trợ là 2,5 triệu đồng/người, 3,5 triệu đồng đối với ủy viên, ủy viên thường trực là 4 triệu đồng/người/tháng.

Tóm lại tính sơ sơ, chỉ riêng ông Giám đốc 4 năm qua được nhận khoảng gần 300 triệu đồng (288tr), ông Phó 240tr đồng.

Có lẽ cũng nên giải thích lý do, theo Nghị quyết 88 nhằm xã hội hóa giáo dục của Quốc hội thì các cơ sở giáo dục phổ thông được quyền lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tức là các trường được quyền tự chọn cho mình sách giáo khoa của các nhà xuất bản khác nhau cả nước.

Tuy nói là “ý kiến giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh” nhưng thực tế, học sinh và phụ huynh thì chẳng biết mặt mũi nó như thế nào nên rất khó lựa chọn. Phương án tốt nhất, họ gửi niềm tin vào giáo viên.

Trong khi giáo viên thì khó có thể trái lời hiệu trưởng. Hiệu trưởng càng khó “cưỡng” lại ý thích của trưởng phòng mà trưởng phòng giáo dục thì ơ hay, sách có sự tham gia của sếp Giám đốc sở, liệu có đủ can đảm để… từ chối.

Có lẽ nắm được tâm lý này, với tầm nhìn xa, trông rộng của mình, 4 năm trước (2015), NXB Giáo dục đã “cài cắm” bằng cách mời một số lãnh đạo chủ chốt và các chuyên viên liên quan của Sở Giáo dục & Đào tạo TP HCM tham gia Ban chỉ đạo biên soạn sách giáo khoa miền Nam với những khoản chi khá hậu hĩnh nói trên. Đất nước thống nhất đã gần 40 năm rồi, còn bày ra “sách miền Nam, sách miền Bắc”? Ơ hay! Phải chăng lợi ích nhóm đã dẫn lối đưa đường người ta đi đến những cách làm “rất lạ” như vậy?

Trả lời báo chí, Phó Giám đốc Nguyễn Văn Hiếu, một trong số những người được “trả lương tháng” khá cao, nói: “Tôi khẳng định tất cả 5 bộ SGK đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt đều bình đẳng và có cơ hội như nhau trong quá trình chọn lựa sách ở các trường tiểu học trên địa bàn TP…”.

Việc “khẳng định” là của ông Phó giám đốc Hiếu, còn tin hay không thì ở phía người dân.

Liệu có đáng tin không khi mà các vị, những người có vị trí rất quan trọng trong việc lựa chọn SGK đang “ăn lương tháng”của một nhà xuất bản?

Liệu có đáng tin không khi chính các vị tham gia biên soạn sách thì lại chính các vị có tiếng nói quyết định (thực chất) trong việc lựa chọn này kiểu “chân anh đá bóng, tay anh cầm còi”?

Liệu có tin được không khi doanh nghiệp bỏ cả đống tiền chỉ để thuê các ông (bà) có vị trí trong việc lựa chọn SGK mà không chọn các thầy cô giáo, các nhà chuyên môn khác?

Nói thẳng, việc làm của các vị là phá hoại chủ trương rất quan trọng nhằm từng bước thay đổi diện mạo giáo dục nước nhà, đó là chống độc quyền sách giáo khoa bởi mấy lẽ.

Thứ nhất, giả sử tất cả 63 tỉnh thành cả nước đều làm như vậy thì giáo dục Việt Nam sẽ thành “nồi lẩu thập cẩm” với sự “cát cứ giáo dục” của… 63 “sứ quân”.

Thứ hai, giả sử một NXB nào đó đủ tiềm lực bỏ ra từ 1-2 tỉ đồng/tỉnh để thâu tóm thì khi đó, sự độc quyền lại tái lập và một khi có độc quyền trong việc in ấn, xuất bản SGK với mỗi năm nhiều triệu bản thì việc “bù lỗ” cho một vài trăm tỉ vốn bỏ ra ban đầu chỉ là “muỗi”.

Thứ ba, trả lời báo chí, luật sư Ngô Quang Lạc, Công ty Luật Tâm Phúc cho biết trong Luật Cạnh tranh và luật Chống tham nhũng quy định rõ tại khoản 2 Điều 8 và điều 22: "Cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình".

Cuối cùng, cần xử lý đối với vụ việc này như thế nào?

Theo tôi, Bộ Giáo dục & Đào tạo cần phối hợp với UBND TP HCM để tìm phương án giải quyết. Trong đó, cần có quy định nghiêm cấm các cán bộ có quyền, các sở GD&ĐT tham gia “chỉ đạo”, biên soạn sách dưới bất cứ hình thức nào. (Nhưng sáng nay, đọc ý kiến trả lời vòng vo trên báo Thanh Niên của đại diện giấu tên của Bộ GD&ĐT thì phải nói thật là ai cũng thấy thất vọng với “cái tổ con tò vò”).

Tiếp đó, để đảm bảo khách quan, trung thực, đặc biệt là niềm tin, đề nghị xem xét lại quyền đứng trong hội đồng lựa chọn sách giáo khoa phổ thông mới tới đây của Sở GD & ĐT TP HCM bởi chính họ đã tự đánh mất đi quyền đó của mình.

Tóm lại như tục ngữ phương Tây, “không có bữa trưa nào miễn phí” và cũng chẳng có “miếng pho mat không nằm trong bẫy chuột”.

Khi cầm đồng tiền của người ta, là đã tự biến mình thành con tin của họ.

Khi người thầy làm con tin thì nhiều thế hệ học trò buộc phải trở thành con tin, ông giáo ạ!

2 nhận xét :

  1. Cuối cùng, cần xử lý đối với vụ việc này như thế nào?

    Trả lờiXóa
  2. Một kiểu Mafia trong Giáo dục!

    Trả lờiXóa