Thứ Tư, 13 tháng 11, 2019

THẢM CẢNH CỦA NỀN GIÁO DỤC THỜI HIỆN TẠI


THẢM CẢNH CỦA NỀN GIÁO DỤC THỜI HIỆN TẠI
9 - 11 - 2019

Tôi là một nhà giáo đã hơn 35 năm đứng trên bục giảng trường phổ thông, nay đã nghỉ hưu, nhưng càng ngày tôi càng thấy xẩy ra nhiều vụ việc “vô giáo dục” của ngành giáo dục. Đạo đức cán bộ quản lí của ngành, đạo đức nhà giáo, đạo đức của người học đã xuống cấp một cách nghiêm trọng không thể coi đó là sự cá biệt. Các nhà giáo có lương tri khi nghe các cháu học sinh Tiểu học hát: “Em yêu trường em với bao bạn thân và cô giáo hiền, như yêu quê hương, cắp sách tới trường trong muôn ngàn yêu thương...”, đều cảm cảm thấy nhói lòng, tương lai của các cháu sẽ ra sao khi chúng trực tiếp chịu ảnh hưởng của môi trường “vô giáo dục”?

Tôi tạm tính sau 3 đời Bộ trưởng gần đây, giáo dục nước nhà mất bao nhiêu năm loay hoay, xoáy long lóc mà vẫn tụt hậu so với khu vực, chưa dám so với các nước phát triển.
 
Một ý kiến, một cải cách, một dự án, một thí điểm của Bộ giáo dục nó động tới gần trăm triệu người dân, hệ lụy của nó ảnh hưởng tới nhiều thế hệ người Việt. Cho nên cần phải nghiên cứu thật kỹ, tính đến cả hiệu ứng ngược của nó, không nên vội vàng, hấp tấp, quan liêu hoặc ham hố và hơn nữa có thể còn tránh được sự mê đắm, sung sướng hoặc tự sướng vào các dự án, đề án “hoang tưởng” trước sức hấp dẫn của đồng tiền mà làm bấn loạn cả xã hội.
 
Các quốc gia trên thế giới, họ đều lấy nền giáo dục làm quốc sách hàng đầu để phát triển đất nước. Ở Việt Nam cũng coi “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, nhưng nói không đi đôi với làm. Trong khi đó lại duy trì một nền giáo dục sai lầm về triết lí giáo dục, cho nên hậu quả để lại nặng nề nhất là làm đổ vỡ những giá trị đặc biệt quan trọng đó là giá trị nhân tính, nhân văn... Thực trạng hàng trăm nghìn sinh viên ra trường không có việc làm.
 
Có thể điểm qua những “thành tựu” nổi cộm lớn nhất của ngành giáo dục sau 3 năm (từ 2016) thời Bộ trưởng đương nhiệm hiện nay là:
 
1. Mới nhậm chức Bộ trưởng đề xuất xóa bỏ hơn một triệu giáo viên phổ thông ra khỏi biên chế nhà nước chuyển sang chế độ lao động hợp đồng, để nâng cao chất lượng giáo dục… thì quả thật là hấp tấp, quan liêu và ham hố. Thử hỏi vì điều gì mà các thầy/cô giáo ở vùng sâu, vùng xa miền núi khó khăn lại đánh liều cả mạng sống của mình để vượt lũ, vượt đường núi gian nan mang “cái chữ” đến cho con em các dân tộc vùng núi khó khăn?
 
2. Đề xuất đổi “học phí” thành “giá dịch vụ đào tạo” (học giá) đã làm dạy sóng dư luận, không chỉ bởi ngữ nghĩa bị đánh tráo mà đó còn là cơ sở dẫn đến tình trạng tiêu cực, lạm thu phát sinh trong quá trình triển khai mà khó ai kiểm soát được. Việc chuyển đổi từ cơ chế thu “học phí” sang “học giá” theo hướng “tính đúng, tính đủ” các chi phí cần thiết cho hoạt động đào tạo. Đó chính là đưa môi trường giáo dục đại học Việt Nam biến thành thương trường, thương mại trong giáo dục, bởi khi đã đổi thành “giá” thì nó mang tính chợ búa chứ đâu còn mang tính giáo dục.
 
3. Vụ 20 cô giáo ở thị xã Hồng Lĩnh bị điều đi tiếp khách cho lãnh đạo chỉ là vui vẻ thôi.
 
4. Cô giáo ở Hải Phòng bắt học sinh súc miệng bằng nước giẻ lau bảng.
 
5. Cô giáo ở Quảng Bình chỉ đạo cả lớp tát một học sinh 231 cái.
 
6. Cô giáo ở huyện Nhà Bè, TP HCM lên lớp im lặng suốt 3 tháng.
 
7. Thầy Hiệu trưởng ở Phú Thọ dâm ô với nhiều học sinh nam của trường mình.
 
8. Đề xuất Nữ sinh viên Sư phạm bán dâm đến lần thứ tư sẽ bị đuổi học.
 
9. Nam sinh Hải Dương đâm thầy giáo trọng thương.
 
10. Nam sinh ở Bình Định vác gậy đánh thầy giáo phải đi cấp cứu.
 
11. Cháu học sinh tử vong ở trường quốc tế dởm.
 
12. Thầy giáo 55 tuổi ở Kiên Giang quan hệ tình dục với nữ sinh lớp 10 đến mang thai.
 
13. Gian lận thi cử ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình với quy mô công nghiệp năm 2018.
 
14. Năm học 2019 – 2020 ưu tiên “dạy người”. Thử hỏi mấy chục năm qua giáo dục vẫn dạy người chứ có dạy súc vật đâu. 
 
Thể chế chính trị nào, nhà trường ấy. Hơn một thập niên qua, ngành GD chong chao bên bờ thảm hoạ. Qua rất nhiều vụ việc nổi cộm trên đây trong ngành giáo dục cho thấy, ngành này như một cơ thể đang mang nhiều căn bệnh trầm trọng, càng chữa bệnh càng nặng thêm. Những căn bệnh “thâm căn cố đế” đã đến giai đoạn di căn thì đương nhiên các cái “ung nhọt” nó phải vỡ ra. Chính vì thế, các vụ việc như những cơn địa chấn của ngành giáo dục đã liên tiếp xẩy ra và còn tiếp tục xẩy ra là đương nhiên. Sự “khắc nhập” để tinh giản biên chế giữa 2 cấp học lại đang bắt đầu từ năm học 2019 - 2020 minh chứng cho sự luẩn quẩn không có lối thoát của giáo dục Việt Nam.

Hà Nội, ngày 9 tháng 11 năm 2019
Đ.H.T

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét