Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2019

TƯỞNG NHỚ GIÁO SƯ BÙI DUY TÂN - 10 NĂM, NGÀY ĐI XA

Bùi Duy Tân (1932 - 2009)

Nguyễn Xuân Diện: Hôm nay, 14-9 âm lịch, là tròn 10 năm Giáo sư Bùi Duy Tân đi xa. Ông là Giáo sư hướng dẫn luận án Tiến sĩ của tôi. Nhân dịp này, tôi xin khơi một đỉnh trầm tưởng nhớ Thầy và chia sẻ cùng chư vị bài viết của tôi khi Thầy vừa ra đi. Bài viết này đã đăng trên báo Thể thao & Văn hóa, số ra vào ngày tổ chức lễ viếng Thầy.

GIÁO SƯ CỔ VĂN BÙI DUY TÂN ĐÃ VỀ VỚI CỔ NHÂN

Giáo sư Nhà giáo Nhân Dân Bùi Duy Tân, một trong những chuyên gia đầu ngành về văn học cổ Việt Nam vừa trút hơi thở cuối cùng lúc 5h15 phút, ngày 31 tháng 10 năm 2009 tại Bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội.

Sinh ngày 20.10.1932, tại huyện Kim Bảng, Nam Hà, Giáo sư Bùi Duy Tân là một nhà giáo giàu kinh nghiệm, với trên 40 năm chuyên nghiên cứu và giảng dạy văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến đầu thế kỷ XVIII, GS Bùi Duy Tân được giới học thuật trân trọng đánh giá là một trong những chuyên gia lão thành về lĩnh vực này. Với trên 20 cuốn chuyên khảo đã xuất bản từ năm 1964 cho đến trước khi trái tim ngừng đập, Bùi Duy Tân đã đi trọn một hành trình tìm kiếm những giá trị vĩnh hằng mà cổ nhân gửi gắm cho hậu thế qua những áng văn chương. Hành trình tìm kiếm bền bỉ và đầy trân trọng của ông như đã được cổ nhân tiếp sức và đền công trên mỗi trang, mỗi dòng viết. Hàng loạt tác gia văn học cổ đã được ông tìm đến, lật từng trang cổ thi, với sự tra cứu tỷ mỷ và với tấm lòng ngưỡng mộ cổ nhân, ông đã đưa ra những kiến giải, nhận định mới, khiến các bạn bè trong giới phải ghi nhận. Đó là Sái Thuận, nhà thơ lớn đất cổ Kinh Bắc, là Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, là Diên Hà Lê Quý Đôn, là Ức Trai Nguyễn Trãi, Nguyễn Bảo, là Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, là Hoàng đế Lê Thánh Tông, Thư Hiên Nguyễn Tông Quai…Bùi Duy Tân viết không nhiều. Ông cũng không viết nhanh. Nhưng mỗi trang viết của ông đều chứa chất trong đó những suy ngẫm về cổ nhân, và thấm đẫm sức lao động miệt mài của một nhà khảo cứu tâm huyết. Ông viết như trò chuyện với người xưa, như một tri ân với những người hiền thuở trước. Văn chương cổ là thứ văn chương chở đạo – đạo của người quân tử. Tìm hiểu, nghiên cứu, nghiền ngẫm, noi dõi văn chương của người xưa, với Bùi Duy Tân chính là cách học theo đạo của người quân tử.

GS Bùi Duy Tân luôn luôn mong muốn mọi người và nhất là học trò của mình hiểu đúng người xưa. Ông kiên trì với việc trả lại sự thật lịch sử cho tác giả bài thơ Nam quốc sơn hà. Ông chứng minh bằng hàng chục thư tịch cổ và truyền thuyết để thấy rằng tác giả bài thơ này là vô danh chứ không phải của Lý Thường Kiệt như nhiều người vẫn nghĩ. Và ông khẳng định đây là hiện tượng sáng tác tập thể về đề tài đất nước, khẳng định nền độc lập tự chủ của dân tộc. Bùi Duy Tân đã đưa ra cách hiểu đúng duy nhất với câu thơ của Lê Thánh Tông viết về Nguyễn Trãi: “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo”, trước đây vẫn được dịch và hiểu là: “Ức Trai lòng sáng như sao Khuê”, nay, nên được dịch và hiểu là: “Lòng Ức Trai rạng tỏa văn chương”(do chữ Khuê là tên ngôi sao biểu tượng văn chương, Tảo là loài rong biển, có nghĩa rộng là màu vẻ đẹp đẽ).

Hai Thầy trò trong ngày tôi bảo vệ luận án tiến sĩ (30.3.2007).

GS Bùi Duy Tân đã đào tạo được nhiều học trò giỏi. Ông hướng dẫn thành công 6 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Các học trò của ông vẫn đang noi theo chí của ông, đều đang trên hành trình tìm kiếm những giá trị vĩnh hằng mà cổ nhân đã nặng lòng gửi gắm. GS. Bùi Duy Tân vẫn thường nói với học trò mình rằng, mỗi khi ngồi vào bàn viết, khi đặt bút viết là phải như thấy người xưa (và cả các học giả nghiêm cẩn đời nay) đang dõi theo từng câu văn, từng nhận định của mình. Khi ấy, mỗi lời văn, mỗi nhận định cần phải khách quan và nghiêm cẩn.

Xin kính chúc Thầy ngàn thu thanh thản yên nghỉ giữa vùng non nước sông Châu núi Đọi yên bình, cùng những người hiền thưở trước. Và xin nguyện mỗi lần ngồi vào bàn viết là như thấy Thầy đang dõi theo mỗi trang chữ, dòng văn…

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét