Thứ Tư, 23 tháng 10, 2019

SƯ - SƯ BỐ MÀY, TAO CHỊU, CHỈ CÓ TRỜI BIẾT ĐẤT BIẾT

Hình ảnh núi đá vôi ở phía đông bắc cột cờ Lũng Cú bị "bức tử" để xây dựng siêu chùa 
thời 4.0 sư Thích Thì Phang:
 
Mạc Phong Tuyền
SƯ - SƯ BỐ MÀY, 
TAO CHỊU, CHỈ CÓ TRỜI BIẾT ĐẤT BIẾT

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, bản kỷ, quyển 2, (trang 80 bản dịch). Chép về kỷ nhà Lý, đoạn dẫn nhập biên về hoàng đế khởi tổ nhà Lý – tức Lý Thái Tổ: 

“Húy là Công Uẩn, người châu Cổ Pháp, Bắc Giang, mẹ họ Phạm, đi chơi chùa Tiêu Sơn cùng với người thần giao hợp rồi có chửa, sinh vua ngày 12 tháng 2 năm Giáp Tuất, niên hiệu Thái Bình năm thứ 5 [974] thời Đinh. Lớn lên làm quan nhà Lê, thăng đến chức Điện Tiền Chỉ Huy Sứ. Khi vua Ngọa Triều băng, tự lập làm vua, đóng đô ở thành Thăng Long. Ở ngôi 18 năm [1010-1028], thọ 55 tuổi [974-1028], băng ở điện Long An, táng ở Thọ Lăng. Vua ứng mệnh trời, thuận lòng người, nhân thời mở vận, là người khoan thứ nhân từ, tinh tế hòa nhã, có lượng đế vương. Song chưa làm sáng chính học, lại ưa thích dị đoan, bị lụy về chuyện đó.” – Hết trích.

Lược trích vậy để thấy, các vua chúa khởi tổ cho một triều đại nào đó, thường có thiên hướng huyền thoại hóa phát tích của mình. Một nhằm phù phép gán gốc cho mình là người thần – người trời (thiên tử), giáng thế mang chân mệnh đế vương, vừa có sự uy vũ của kẻ hào kiệt dũng lược nắm trong tay binh binh quyền, vừa thuận ý trời, nên việc tự khởi hoặc phế truất đi tiền triều nào đó để lập vương vị của mình là hợp lẽ tạo hóa, là cái cớ toàn vẹn để quần dân cúi đầu tùng phục. Hai là nhằm lấp liếm đi gốc gác thật của mình vì e phạm điều tế nhị. Lý Công Uẩn là minh chính tiêu biểu cho cả hai trường hợp này.

Các sử gia đời sau trong quá trình giải thiêng lịch sử, không tin ông là thai bào của mẹ “giao hoan” với thần thánh. Mà là kết tinh của cuộc ân ái vụng trộm giữa mẹ ông và thiền sư Vạn Hạnh ( vị cao tăng thông tỏ tam đạo Phật – Khổng – Lão, được tin dùng làm quân sư của vua Lê Đại Hành, uy thế lẫy lừng triều đình và nhân quần, thân trọng như một quốc sư nhà Tiền Lê), từ đó mà tạo nên “đứa con ghẻ” của Phật môn, cần phải giấu biệt thân thế. 

Không thể “đường đường chính chính” làm cha Công Uẩn, Vạn Hạnh nhận Công Uẩn làm môn đồ, nhằm tiện bề dưỡng dục, hun đúc trí dũng, mưu cầu nghiệp lớn. Dựa sự hậu thuẫn của “sư phụ” mà Công Uẩn thênh thang quan lộ, nhiệm chức Điện tiền chỉ huy sứ, đứng đầu cấm quân. Lê Đại Hành quý mến chọn làm Phò Mã, từ đó càng dễ bề khuynh loát quyền bính. Đó là lý do khi Lê Long Đĩnh (con trai Lê Đại Hành) băng, Công Uẩn lập tức tiếm ngôi nhà vợ, lập ra triều Lý thông qua quan vận và hòa đàm mà không cần khởi sự binh đao.

Đó là thí dụ điểm nhãn, giải thích một phần cho sự ngờ vực có lý do của người Việt ngày nay về sự thăng tiến tựa hỏa tiễn trên đường quan nghiệp của nhiều vị quan chức lãnh đạo tối cao, cấp cao của đất nước. Mà trong đó có nhiều vị hồ sơ thân thế rất sơ sài, mơ hồ không chép cụ thể bố là ai, hoặc “ghi đại” một cái tên nào đó đã tử nạn bởi “tên rơi đạn lạc”, đến ngay cả dân chúng thuần gốc ở quê quán đó cũng không biết “ông bố” này đã từng cất tiếng khóc ở làng.

Bàn thêm về Lý Công Uẩn, vì có xuất thân dòng đạo, nên khi lên ngai, thiên đô ra Thăng Long, việc đầu tiên là tức tốc xây dựng vô số chùa chiền, bạt độ cơ số tăng ni: “Đổi châu Cổ Pháp (quê quán) gọi là phủ Thiên Đức, thành Hoa Lư gọi là phủ Trường Yên, sông Bắc Giang gọi là sông Thiên Đức. Xuống chiếu phát tiền kho 2 vạn quan, thuê thợ làm chùa ở phủ Thiên Đức, tất cả 8 chùa, đều dựng bia ghi công.” – Đvsktt.

Khiến cho sử thần Lê Văn Hưu nhà Hậu Lê phê trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Bản Kỷ, Quyển 2, trang 82 bản dịch:

“Lý Thái Tổ lên ngôi mới được 2 năm, tông miếu chưa dựng, đàn xã tắc chưa lập mà trước đã dựng tám chùa ở phủ Thiên Đức, lại trùng tu chùa quán ở các lộ và độ cho làm tăng hơn nghìn người ở Kinh sư, thế thì tiêu phí của cải sức lực vào việc thổ mộc không biết chừng nào mà kể. Của không phải là trời mưa xuống, sức không phải là thần làm thay, há chẳng phải là vét màu mỡ của dân ư? Vét máu mỡ của dân có thể gọi là làm việc phúc chăng? Bậc vua sáng nghiệp, tự mình cần kiệm, còn lo cho con cháu xa xỉ lười biếng, thế mà Thái Tổ để phép lại như thế, chả trách đời sau xây tháp cao ngất trời, dựng cột chùa đá, điện thờ Phật, lộng lẫy hơn cung vua. Rồi người dưới bắt chước, có kẻ hủy thân thể, đổi lối mặc, bỏ sản nghiệp, trốn thân thích, dân chúng quá nửa làm sư sãi, trong nước chỗ nào cũng chùa chiền, nguồn gốc há chẳng phải từ đấy?”

Từ đó để mà thấy, dẫu liệt đế Lý Công Uẩn là một hoàng đế yêu nước thương dân nhưng vì quá mộ đạo mà cũng tạo nên nhiều điều phiền nhiễu hệ lụy cho dân chúng và hậu thế. Tuy nhiên thì việc làm đó còn có ít nhiều lý do chính đáng để “xuề xòa” vì sự sùng bái Phật pháp khởi phát tự chân tâm của Lý đế, mà chẳng vì điều ngoại thân. 

Chứ ngày nay ở một vài nước đi theo chủ nghĩa vô thần, từng phá đình, dỡ chùa, đập tượng, xua tăng đuổi ni… xem như đó là sự tất yếu cải cách văn hóa, là thành quả “chiến công vang dội”cần tinh biểu ghi danh công trạng của công cuộc bài trừ mê tín dị đoan. Ấy mà chỉ mấy chục năm sau lại cố gắng xây nên những đại quần thể chùa to nhất thế giới, hành lang la hán dài nhất châu lục, tượng Phật cao nhất toàn cầu. Đó là những siêu dự án Chùa tỷ đô, phá nát hệ sinh thái tự nhiên rừng, núi, sông suối hàng trăm Héc ta, nghiền nát di tích dưới bánh xích và gầu múc để tạo nên siêu chùa thời 4.0 có Casino, Sân Gôn, Massage, và hàng tá các dịch vụ mà chỉ có trời biết đất biết. 

Đó là cách nhanh nhất để biến các tập đoàn mại bản đội lốt tâm linh thâu tóm hàng km2 công thổ quốc gia, móc túi không thương tiếc người hành hương chiêm bái. 

Tất cả vì điều gì? 

Nếu có thể cung thỉnh anh linh liệt đế Lý Thái Tổ về để thỉnh kiến, thì có lẽ ngài cũng chỉ trả lời được:

“Sư, Sư bố mày, tao chịu, chỉ có trời biết và đất biết!”

Mạc Phong Tuyền
 
 

3 nhận xét :

  1. Buôn thần bán Thánh, trời đát sẽ không dung thứ cho lũ mặt người dạ thú này

    Trả lờiXóa
  2. Lũ buôn Thân bán Thánh,hại Nước phản Dân này sẽ bị Trời Đất các bậc Thánh Thần trừng trị đến môn đời.

    Trả lờiXóa
  3. " Trên bảo dưới chẳng thèm nghe " là hậu qủa của các vụ xây dựng trái phép, không phép nhưng xử lý không nghiêm . Vậy nên cần kiên quyết thực sự chứ không chỉ bằng khẩu hiệu , nào là " kiên quyết " , nào là " triệt để " nhưng rồi ... " Nói dzậy mà không phải dzậy " . Kinh nghiệm của kẻ làm bậy là : Nhanh mồm hứa ( hão ) dỡ bỏ rồi lần lữa , chây ỳ kéo dài , " chạy " cửa trên sao cho nhanh cho " khỏe " ... Rồi chờ lâu lâu . dư luận lắng xuống , rồi lãng quên , rồi quan lẳng lặng cho " chìm xuồng " ; Vậy là ...êm !
    Mà đã kiên quyết , triệt để , thực thi pháp luật thì việc " Tối thượng " là phải xử lý công minh , bình đẳng tất cả mọi người , mọi trường hợp . Kiểu xử lý cải lương , không nhất quán , không bình đẳng ( anh này bắt dỡ bỏ , anh kia thì phạt nhẹ hều cho tồn tại ...) thì hô hào " Giữ kỷ cương . Lấy lại lòng tin của dân ... " mãi mãi chỉ là " khẩu hiệu suông " .

    Trả lờiXóa