Những ước mơ chết ngạt!
Nguyễn Thùy Dương
Đầu tiên, tôi xin chân thành chia buồn cùng thân nhân các nạn nhân chết ngạt trong thùng containe trên đường đến Anh. Dù là quốc tịch nào, độ tuổi ra sao thì đối diện với cái chết trong sợ hãi đều đáng thương như nhau cả! Xin một lần nữa được nói lời thương tiếc đến các vị.
Mỗi năm số người vượt biên đến các nước phát triển là rất nhiều, không riêng gì người Việt mới vượt biên trái phép. Nhưng cũng không thể phủ nhận có không ít người Việt đang vật vã để " chạy trốn " khỏi đất nước của mình. Người ta chỉ chạy trốn khi bị áp bức, khi không có lối thoát, khi cùng đường, khi hi vọng bị thổi tắt......
Hàng ngàn cô dâu Việt bị bạo hành ở nước ngoài vì ước mơ chân trời mới. Khoan hãy trách họ lười biếng tham lam có ai từng hỏi họ phải đau khổ chạy ăn từng bữa ở quê nhà ra sao hay không? Chẳng có ai bắt họ được nghèo bền vững hay nghèo mà hạnh phúc cả. Họ biết trước đau khổ khó khăn trước mắt không? Biết dĩ nhiên họ biết nhưng quan trọng là họ chấp nhận đặt cược. Vì đơn giản là họ không nhận ra ván bài số phận tại quê nhà để đặt cược. Có lẽ trong mắt họ số phận tại quê nhà là sự mặc định. Ngay cả cơ hội để đặt cược cũng không có?
Những người chết trong cái thùng container oan nghiệt kia họ còn rất trẻ. Họ chấp nhận nguy hiểm, chấp nhận mất mát, chấp nhận hi sinh để chạy trốn khỏi đất nước. Có phải chăng vì đất nước không cho họ hi vọng về những điều tốt đẹp? Không đảm bảo cho họ về niềm tin thay đổi? Họ ra đi mang theo niềm tin vượt qua nguy hiểm, lao động siêng năng để thay đổi cuộc đời. Vậy ở quê nhà dù lao động siêng năng người ta cũng không thể thay đổi cuộc đời sao? Ai đã cướp mất những cơ hội đó của họ?
Hậu Thống nhất chúng ta xé lòng với nỗi đau thuyền nhân trên biển, ám ảnh với từng câu chuyện trẻ em gái bị cưỡng hiếp bởi những toán cướp mọi rợ. Nỗi đau thuyền nhân là điều mà tôi luôn sợ hãi. Trong thâm tâm tôi chưa bao giờ muốn nó lập lại dù chỉ một lần nào nữa. Đã quá đủ cho những đau thương mất mát.
Mặt đất này chưa từng phân biệt vẫn chứa chấp chúng ta vậy tại sao lại phân biệt Bắc Nam để nhạo cười cái chết trong hoảng loạn. Khi nào chúng ta còn mang tư duy thù hằn, phân biệt vùng miền thì ngày đó chúng ta vẫn còn khoá mình trong cái bẫy của bản thân. Thời gian tiếp xúc với Ấn, tôi có nhiều điều không đồng quan điểm tuy nhiên có một câu nói của Ấn đã khiến tôi mở ra một suy nghĩ khác: "Em đừng quan tâm họ từng sai ra sao, từng là người như thế nào? Vì như thế em đã giết chết người ta bằng cái suy nghĩ nhỏ bé của em, quan trọng hơn em đang giam giữ tư duy của mình ". Người miền Nam thù hằn người miền Bắc vì quá khứ đau thương, người miền Bắc coi người miền Nam là đám lệch lạc đu càng. Và thế là chúng ta bận thù hằn nhau để cho lũ sâu mọt phá nát đất nước, phá nát cuộc đời con chúng ta, gây nợ trên chính con cái ta.
Có ba loại sức mạnh chiến thắng tất cả: sức mạnh của trí tuệ, sức mạnh của tình yêu thương, sức mạnh của sự giận dữ, căm hờn. Ngày nào chúng ta chưa đủ trí tuệ và tình yêu thương, ngày đó chúng ta vẫn bị dắt mũi bởi sự giận dữ căm hờn. Để rồi chúng ta thiêu đốt mình trong đó. Hãy học để yêu thương, để thay đổi ý thức tốt hơn có như vậy chúng ta mới đủ dũng cảm để thay đổi cuộc sống này tốt đẹp hơn. Đừng để con cháu chúng ta phải là nạn nhân tiếp theo của những ước mơ chết ngạt.
Vâng! Hãy yêu thương hơn hai chữ ĐỒNG BÀO! Đừng để bị ai đó dắt mũi bởi sự giận dữ, căm hờn.
Trả lờiXóa