Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2019

Lê Ngọc Sơn: NGUỒN KIỀU HỐI & XƯƠNG MÁU ĐỒNG BÀO



Lê Ngọc Sợn
27-10-2019

Khi các anh chị nghị viên tại Ba Đình mải bàn thế nào là nhân tài thì một thảm hoạ nhân tai đối với người Việt tại Anh đang thu hút ống kính của giới truyền thông quốc tế.

Với kinh nghiệm và hiểu biết hạn hẹp của mình, (1) tôi có linh cảm rằng 39 người trong xe tải là có “dòng máu Lạc Hồng 4 ngàn năm”; và (2) đa số anh chị em trong chiếc xe lạnh định mệnh đó là đồng hương của mình - quê Nghệ Tĩnh.

Gia đình tôi có 4 anh em sang Đức học và nghiên cứu các bậc sau đại học. Quả thật ở vùng quê nghèo thì hầu như ít người không biết đến. Nhưng chính vì thế, dăm năm trở lại đây, tôi và gia đình cực kỳ khó xử, khi rất nhiều người đến nhà đặt vấn đề: cho con cháu họ đi Đức với.

Tôi bảo là nhà cháu đi bằng con đường học hành. Học xong cũng xác định về, vì không thích ở nước ngoài. Và quả thật, ở VN không thiếu đất dụng võ, tội chi ở nước ngoài. Và nếu con cô chú có khả năng học, thì cháu sẵn sàng hướng dẫn. Còn để đi theo con đường vượt biên thì cháu không biết, và không khuyến khích, bởi con đường đó là một con đường đầy nước mắt, đi khó trở lại, đi dễ khó về.

Mỗi năm tôi cũng tư vấn để cho vài trường hợp sang học thạc sĩ, hoặc học phổ thông. Còn những trường hợp “theo đường dây” thì tôi khuyên họ đừng chọn, vì tôi không biết. Tất nhiên, đa số lại thích con đường của những đường dây đưa người. Bởi vì nó dễ dàng, không mệt óc, và được thổi phồng là “mau giàu có”.

Nhiều người hiểu thì không sao, nhưng cũng có những trường hợp rất khó ăn khó nói. Vì họ cứ nghĩ mình không muốn con cái họ đổi đời, sợ họ hơn mình 😥😥😥😥

Thực sự thì những lao động đi theo đường dây này sang các nước châu Âu (Đức, Anh...) làm nghề gì?

Đa số ở Đức thì chọn làm nghề móng (nails) hoặc làm trong các nhà hàng Việt. Đa số chủ người Việt cũng bóc lột đến nơi đến chốn (tất nhiên, có thế họ mới dám rủi ro tuyển những người không giấy tờ; và bản chất 2 bên đều có lợi). Rất ít, cực kỳ hạn hữu, mới có Tây thuê những người này. Sang Anh thì khác hơn chút, “trồng cỏ” là nghề được cho là mau giàu.

Cái khổ của mấy ông người Việt mình là đi Tây khổ bỏ xừ, nhưng về Việt Nam hay chém là “sướng”, “thu nhập vài ngàn, nhẹ nhàng”... Thế là mấy ông ở nhà tin sái cổ, nghe theo. Con gái con trai đủ 16, 17 là “định hướng đi nước ngoài”. Dần dần, nhiều làng quê ở Nghệ An - Hà Tĩnh kéo nhau ầm ầm “đi vùng kinh tế mới”. Thế nên, có đám cưới ở Berlin của người quê Hà Tĩnh, có đến hơn 600 anh/chị/em khách khứa là người... xã Thiên Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) đến dự. Đến Berlin, ra bất cứ ngõ ngách nào, bạn dễ nghe tiếng trọ trẹ dễ thương quê em.

Cứ thế, họ ra đi. Lũ lượt lứa thanh niên này đến lứa thanh niên khác.

Tôi nghĩ, đây là vấn đề quan trọng hơn chuyện bàn về định nghĩa nhân tài. Nó vừa là câu chuyện sinh kế xã hội, vừa là câu chuyện hình ảnh và danh dự quốc gia. Tương lai của dân tộc này không thể đến từ nguồn kiều hối được đánh đổi bằng xương máu.

===

(Trang nhất của báo “Times of London” hôm nay, tiêu đề là câu nói của một nạn nhân người Hà Tĩnh: “Con đang chết dần vì con không thể thở. Con xin lỗi mẹ”! Nguồn ảnh: Gs Tran Huu Dung)

1 nhận xét :

  1. Tôi khóc sau khi đọc bài báo này . Ôi đau thương nòi giống lạc hồng . Mẹ Việt nam ơi , vì đâu nên nỗi !

    Trả lờiXóa