Thứ Tư, 18 tháng 9, 2019

Chu Mộng Long: CHẾT SẶC VỚI ĐÁM THẦY DÙI CỦA CHỊ TIẾN


Chu Mộng Long

CHẾT SẶC VỚI ĐÁM THẦY DÙI CỦA CHỊ TIẾN

"Đại học" thì hiển nhiên khác với "Trường đại học" chứ ai chẳng biết mà phải dài dòng thanh minh để đánh lạc hướng dư luận?

Đọc xong bài báo này, tôi phát hiện không phải chị Tiến ứng tác ra Đại học Sức khỏe (Health University) bao gồm nhiều trường đại học: Y, Dược, Nha, Điều dưỡng... mà chính các thầy dùi đang làm dự án tầm quốc gia (để vạy vốn ODA) hiến kế cho chị Tiến.

Thường dự án được đẻ ra từ những cái đầu tham lam cóp nhặt đâu đó của người ta, không rõ đầu cua tai nheo gì nên toàn hiểu sai và làm sai. Mà có sai thì mới dọn đường cho những kẻ kế tiếp làm dự án mới để cho cỗ máy xay tiền tiếp tục vận hành.

Tôi tra cứu cả ngày nay thì thấy mấy thầy dùi đã đọc lộn ngược như thằng bé nhìn váy phụ nữ khi tập thể dục. Trên thế giới tuyệt nhiên không có Đại học Sức khỏe (Health University) mang nghĩa bao trùm nào cả. Chỉ có trường hoặc khoa sức khỏe, mà phải cụ thể là sức khỏe công cộng (School of Public Health) hay sức khỏe chuyên ngành (Faculty of Health Professions) trực thuộc một đại học đa ngành nào đó. Không có chữ Health đứng một mình. Chẳng hạn như các trường, các khoa đó trực thuộc University of Memphis, University of Technology Sydney, University of Queensland... Những trường, khoa nhỏ này đồng nghĩa với Y tế công cộng hay Y tế dự phòng của ta. Có nghĩa là, nó là một chuyên ngành ở cấp độ giám sát, tư vấn, phòng chống bệnh tật, điều dưỡng, bồi dưỡng sức khỏe cho mọi người chứ không phải là một đại học đa ngành.

Chỉ có một đại học có tên là Sức khỏe toàn cầu (Global Health University), đại học này chỉ làm việc đào tạo và tư vấn các lãnh đạo, quản lý y tế, kể cả tư vấn về trị liệu vật lý, trị liệu tâm thần, dinh dưỡng, và cả thể dục thể thao.

Khi các thầy dùi khoe: "Hiện nay trên thế giới có xu hướng gọi là "Medicine and Health Sciences", "Health and Medical Sciences", hoặc chung là "Health Sciences"... thì cũng nên biết đó là các khoa chuyên ngành chứ không phải đại học mang nghĩa bao hàm nhiều trường hay nhiều khoa. Mà người ta vẫn giữ mấy chữ Medicine hay Sciences, lẽ nào các thầy không nhìn thấy nó là chữ gì?

Khái niệm Health hoàn toàn đồng nghĩa với Sức khỏe của tiếng Việt. Nó không thể bao hàm các nội dung y khoa, mà hoặc là mang nghĩa rất rộng là vấn đề sức khỏe đời thường phi chuyên môn nói chung, hoặc là không chỉ chăm sóc sức khỏe bằng y học mà còn cả thể dục thể thao, chế độ dinh dưỡng, đấm bóp, mát xa, hoặc là phải kết hợp với một thuật ngữ y khoa để thành một chuyên ngành hẹp của y khoa. Các trường hợp dẫn trên không mang nghĩa rộng mà mang nghĩa hẹp như một chuyên ngành của y khoa nói chung.

Thực ra bản thân từ Pharmacy (gốc Hy Lạp) đã hàm chứa cả nghề y lẫn nghề thuốc, vì thời xưa thầy chữa bệnh cũng là thầy thuốc. Cho nên thời thực dân người Việt gọi chung là Trường Thuốc. Sau khi khoa học phát triển, nghề chữa bệnh và nghề thuốc tách ra thành chuyên ngành riêng biệt mới có từ Medicine. Răng, Hàm, Mặt hay Tim, Mạch, có phát triển và tách ra thì vẫn thuộc Medicine. Còn vấn đề chăm sóc sức khỏe như phòng bệnh, điều dưỡng, các trị liệu vật lý, tâm thần, kể cả thẩm mỹ... mới được đẻ ra thì vẫn cứ nằm trong Medicine chứ không thể lấy cái khái niệm phi chuyên môn là Sức khỏe bao phủ lên như vác cái bao bố trùm lên đầu người để mang đi thủ tiêu được.

Lại có đứa nịnh thúi lý luận rằng, nhập nhiều trường hay khoa vào một đại học có tên như vậy là để phát triển với quy mô to lớn. Dạ thưa, toán học: 1+1=2, hiển nhiên 2>1. Nhưng một tổ chức hành chính, một trường đại học mà nhập nhiều cái lại với nhau chưa hẳn đã là phát triển lớn. Nếu lớn thì sao nhà nước không nhập dăm bảy tỉnh lại mà phải tách dần ra khi dân số hay điều kiện kinh tế phát triển ? Trường đại học mà nhập cục lại làm một càng chứng tỏ quy mô đào tạo các trường hay khoa đang teo lại và chết dần. Còn nếu phát triển mạnh thì phải tách ra, các thầy dùi, các ông bà nịnh thúi ạ!

Còn nếu mang nghĩa tách ra phát triển khoa thành trường thì hãy để nó độc lập tự chủ mà phát triển, nhốt chung tất cả vào trong một cái rọ heo để làm gì? Một cái rọ heo phi chuyên môn mà quản được tất cả các trường với chuyên môn khác nhau như thời bao cấp ấu trĩ sao?

Ngôn ngữ có những mặc định trong tính quy ước xã hội của nó. Xã hội không chấp nhận mới có chuyện bị cả làng chửi chứ không ai rảnh mà bạ đâu chửi đó. Dù là thằng tư bản hay thằng địch nào đó dùng đúng thì cũng nên học tập mà dùng theo cho chuẩn. Đừng tiếp tục tự đẻ ra "Bộ đội" thay cho "Lính", "Công an" thay cho "Cảnh sát", "Thuế" thay cho "Nghĩa vụ"... vì sợ liên quan đến "Lính ngụy" hay "Cảnh sát ngụy" hay "Thuế của bọn thực dân". Trong khi "bộ đội" là lính đánh bộ của Mao thì lại tha về nhà mình rồi dùng tuốt tuồn tuột cho hải quân, không quân, thiết giáp mà không biết sai. Thà là dùng "Cấp 1, Cấp 2, Cấp 3" như cụ Hồ, cải cách một hồi lại lẩn quẩn: "Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông". Hóa ra Tiểu học với Trung học cơ sở không phải "phổ thông"? Mà "phổ thông" thì ở cấp cao hơn "cơ sở"? Thằng "ngụy" nó dùng "Tiểu học, Trung học đệ nhất cấp, Trung học đệ nhị cấp" đúng hệ thống phân cấp, cứ theo nó mà dùng thì có gì mà phải xấu hổ?

Ngôn ngữ phản ánh trình độ văn hóa, giáo dục. Kẻ không thèm học ai thì chỉ có thể là kẻ vô học, cho nên mới to tiếng: "Tao thích thì tạo dùng như thế đấy! Còn ai dùng khác kệ mẹ nó!". Kẻ vô học mà ngồi ghế cao sang không chỉ làm đảo lộn các giá trị văn hóa mà còn làm rối loạn ngôn ngữ.

Không chừng đám thầy dùi của chị Tiến lại học quân anh Thể: "Sau một thời gian nghiên cứu, Bộ Giao thông Vận tải đã sáng suốt gọi Trạm thu phí là Trạm thu phí". Giống như một thời sợ dùng chữ "Cảnh sát", nên sau một thời gian nghiên cứu, ta đã sáng suốt chính thức thừa nhận Cảnh sát là Cảnh sát, Thuế là Thuế mà không sợ liên quan đến Cảnh sát ngụy hay Thuế của bọn thực dân!

2 nhận xét :

  1. Bài viết rất hay .Cảm ơn tác giả......

    Trả lờiXóa
  2. Danh xưng của một đại học không quan trọng bằng phẩm chất giáo dục đào tạo. Tôi đã từng theo học Khoa Y của đại học Y Dược những năm 1979-1983. Khi đến Mỹ tôi cũng học và tốt nghiệp kỹ sư điện tại đại học Bách Khoa California State Polytechnique, Pomona. Mặc dù mang tên "Bách Khoa Polytechnique"nhưng ngoài các nghành kỹ thuật nó dạy cả văn chương, nghệ thuật, kiến trúc, các nghành khoa học xã hội và khoa học tự nhiên. Sau đó tôi còn tiếp tục học và tốt nghiệp từ University of California, San Francisco viết tắt là UCSF. UCSF là trường chuyên về Y Tế, dạy Y, Nha ,Dược, Y tá,Vật Lý Trị Liệu, và đào tạo Tiến Sĩ về các nghành Y Sinh, nhưng nó chẳng bao giờ tự xưng là "đại học sức khỏe hay Health University". Cũng cần nói thêm đây là một trong những trường hàng đầu của nước Mỹ,với ngân sách khoảng 6 tỉ đô la, tổng số sinh viên khoảng 1500 với ban giảng huấn 3000 người và hơn 25 ngàn nhân viên phục vụ cả chục bệnh viện của trường, gồm nhiều người được giải Nobel và các giải thưởng khoa học khác,xếp hạng nhất về Dược và Y tá, hàng 2 về Nha Khoa, sau Harvard, hạng 4 về Y khoa, sau Harvard, Yale, và John Hopskin.
    Muốn biết chi tiết về UCSF thì xem link này. Và nhớ rằng dù cđ́ đổi tên đại học Y Dược thành đại học sức khỏe mà phẩm chất đào tạo kém thì cũng vứt đi
    https://en.wikipedia.org/wiki/University_of_California,_San_Francisco

    Trả lờiXóa