Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2019

ĐÃ ĐẾN LÚC NÊN XÓA BỎ CÁC HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT


ĐÃ ĐẾN LÚC NÊN XÓA BỎ 
CÁC HỘI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT 

Đặng Văn Sinh

1- Văn học nghệ thuật được xem như cây cảnh, con cảnh

Chuyện này không mới. Tôi chỉ nhắc lại bởi từ hơn mười năm nay, các nhà quản trị quốc gia đã mấy lần đưa vấn ra bàn thảo, nhưng chẳng hiểu vì sao cái tổ chức quốc doanh vô bổ và vô tích sự này vẫn “thoát hiểm”.

Từ hơn bảy mươi năm qua, thực chất, các hội chỉ là cánh tay nối dài của Đảng, sống vật vờ như một thứ cây cảnh con cảnh để trang trí mà không có những hoạt động tự thân với tư cách sáng tạo thẩm mỹ. Bởi lẽ, mọi loại hình sáng tác đều phải tuân theo “tôn chỉ mục đích” trong “Điều lệ”, nhất cử nhất động luôn bị giám sát bởi một cơ quan siêu quyền lực là Ban Tuyên huấn. Mọi sự phản biện đều cấm kỵ. Các tác phẩm “phạm húy” sẽ nhanh chóng bị “đèn đỏ” chỉ bằng một cú điện thoại. Thế là cuốn sách, bức tranh hay bản nhạc ấy đi đời nhà ma. Và chưa biết chừng, tác giả còn được dán cho cái nhãn rất “sang trọng”, chẳng hạn như “thế lực thù địch” hay “suy thoái đạo đức”...


Từ Hội Nhà văn đến Liên hiệp toàn quốc các Hội Văn học nghệ thuật cũng như 63 Hội địa phương, một năm được cấp hàng trăm tỷ từ ngân sách nhà nước, tiền ấy ở đâu ra? Đương nhiên là tiền thuế của dân chứ không phải của Đảng hay Chính phủ. Tọa hưởng tiền thuế của dân nhưng không phục vụ dân mà lại viết theo “định hướng”, theo “chủ trương”, những người cầm bút, cầm cọ ấy liệu có xứng đáng là văn nghệ sĩ. Chẳng những thế, ở các Hội địa phương, ngoài việc trả tiền lương các “nhà” trong phạm vi biên chế, cho dù kinh phí eo hẹp, hàng năm vẫn mở cái gọi là “trại sáng tác” kết hợp với công đoạn tham quan, để có cơ hội tiêu “tiền chùa”. Đương nhiên, kết quả của những “trại sáng tác” ấy là một mớ hổ lốn văn bản sai ngữ pháp và lỗi chính tả nhiều “như quân Nguyên”, thậm chí năm sau còn “tăng trưởng” hơn năm trước. Đọc và viết tiếng Việt còn không chuẩn vậy sáng tác cái gì? Thế nhưng, kỳ đại hội nào, các báo cáo tổng kết cũng véo von tụng ca về những tác phẩm “ngang tầm thời đại”...

.Hàng năm Hội Nhả văn Việt Nam đều trao giải thưởng (trong đó có không ít giải đểu, giải rởm) và cứ 5 năm một lần, Đảng ta trao Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Thử hỏi, trong những danh sách dài dằng dặc ấy, có tác phẩm nào xứng đáng “ngang tầm thời đại”. Xin thưa cho dù đốt đuốc giữa ban ngày cũng không đào đâu ra. Bởi lẽ, đó là những sản phẩm quốc doanh viết theo “nghị quyết”, hoàn toàn thiếu vắng dấu ấn sáng tạo. Duy nhất chỉ có cuốn tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh là xứng đáng. Nhưng trớ trêu thay, cũng chính các vị Ban Chấp hành bỏ phiếu đồng thuận vinh danh tác phẩm rất sáng giá này lại âm thầm ký vào văn bản xin rút lại vì “chưa đọc kỹ”(!?).

Trong khi ấy, những tác phẩm từng được truyền thông lăng xê với đủ thứ mỹ từ, bốc thơm lên tận chín tầng mây như “Thời xa vắng” hay “Mảnh đất lắm người nhiều ma” thử hỏi đến giờ còn chút ấn tượng nào trong lòng bạn đọc? Trong khi ấy, cuốn sách “Bên thắng cuộc” của Huy Đức và “Đèn cù” của Trần Đĩnh, hai tác giả này chẳng là thành viên của một hội đoàn nào, bản thảo bị tất cả các nhà xuất bản từ chối, phải in ở nước ngoài, thế mà đã trở thành những quả “bom tấn” làm dậy sóng văn đàn Việt. Nói không quá chút nào, nếu nước ta là một cường quốc, dân chủ, văn minh, coi trọng những giá trị phổ quát về quyền con người như Nhật, Pháp, Hàn Quốc, rất có thể, hai tác phẩm này lọt vào danh sách đề cử Giải Nobel văn chương...

Ảnh chụp bài thơ CON CÓC của tác giả Văn An đăng trên tạp chí NÂM NUNG. Tác giả là một lãnh đạo "đỉnh cao trí tuệ" của Hội Văn học nghệ thuật Đắk Nông...

2 - Chính trị hóa văn chương

Ngay phần đầu bản “Điều lệ” của Hội Nhà văn Việt Nam, Điều 2. Tính chất mục đích của Hội, đã ghi rất rõ ở Khoản1: “Hội Nhà văn Việt Nam (gọi tắt là Hội) là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp tự nguyện của các nhà văn Việt Nam (bao gồm những người sáng tác: thơ, văn xuôi, kịch bản, lý luận phê bình, dịch thuật văn học) lấy hoạt động văn học là nghề nghiệp của mình”.

Như vậy, trước hết Hội Nhà văn Việt Nam là một tổ chức chính trị rồi phần sau mới đến nghề viết văn, làm thơ... Và cũng bởi có nội hàm “chính trị” như vậy, Nhà nước mới cấp kinh phí hoạt động thường niên như một cơ quan hành chính sự nghiệp.

Chẳng trách, vào năm 2018, khi nhận được tin vui, Đảng chưa cắt bao cấp của Hội Nhà Văn và Ủy ban Toàn quốc Các Hội VHNT Việt Nam, ông Hữu Thỉnh mừng quớ lên: “Nhà nước vẫn nuôi anh em chúng ta”. Có một một đạo lý mà mọi người đều phải thấm nhuần, ai chi tiền người đó có quyền thao túng. Tuy nhiên ở đây xảy ra một nghịch lý. Tiền của dân, do dân đóng góp thông qua các sắc thuế, nhưng Đảng và Nhà nước lại coi là của mình rồi phóng tay ban phát xem như một ân huệ. Kẻ nhận được ân sủng ấy đương nhiên là phải viết những lời tụng ca. Nhân dân bị cướp công chỉ biết ngẩng mặt kêu với Cao Xanh.

Hội nghề nghiệp mà mang màu sắc chính trị như vậy nên rất dễ biến tướng thành hội xôi thịt. Người ta không ngại kết nạp cả những đối tượng chưa bao giờ làm văn chương hoặc văn chương quái thai như Hoàng Quang Thuận. Đọc hai tập thơ “Thi vân Yên Tử” và “Hoa Lư thi tập” của ông GSTS rởm, tôi chỉ muốn ói mửa, vậy mà Hội Nhà văn Việt Nam lại tổ chức hội thảo rất hoành tráng, đồng thời, ông Chủ tịch còn ưu ái làm văn bản đề nghị Viện Hàn lâm Thụy Điển xét tặng Giải Nobel văn chương...

Trong nhật ký của mình, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng có đoạn nói về Nguyễn Đình Thi. Vào cuối những năm năm mươi của thế kỷ XX, một lần nhà văn Nguyễn Đình Thi tâm sự với tác giả kịch Vũ Như Tô đại ý là, ở các nước Âu Mỹ, nhà văn phải là người thực sự có tài (...). Như mình chẳng hạn, chắc sau này, cái còn được người ta nhớ có lẽ chỉ là nhạc phẩm “Người Hà Nội”. Đến như Nguyễn Khải, một đại tá quân đội, văn chương lừng lẫy một thời, vậy mà trước lúc về với tổ tiên còn tự phản tỉnh bằng thiên tùy bút chính trị “Đi tìm cái tôi đã mất”, coi Giải thưởng Hồ Chí Minh chỉ như một tấm bia mộ sang trọng cho một đời cầm bút.

3- Trường đào tạo viết văn và các nhà văn trẻ

Sinh thời, ông trùm tuyên huấn Tố Hữu đã gọi Trường Viết văn Nguyễn Du là một thứ “tào lao” làm không ít văn nghệ sĩ xuất sinh từ cái lò này mếch lòng nhưng không dám công khai phản ứng. Về vấn đề này, Tố Hữu đúng. Không ai và bất cứ trường ốc nào có thể dạy được người ta viết văn và trở thành nhà văn. Văn chương hoàn toàn là loại hình hoạt động cá thể, độc lập, thậm chí cô đơn. Trường Viết văn và Hội đoàn chỉ đào tạo ra những công chức viết văn đồng phục chẳng khác gì các xã viên hợp tác xã nông nghiệp thời bao cấp hay người thợ trong dây chuyền sản xuất thời công nghiệp hóa.

Viết văn, làm thơ là sáng tạo. Sản phẩm là duy nhất, không giống với bất cứ ai. Thời phong kiến, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Gia Thiều, Bà Huyện Thanh Quan..., có được đào tạo ở trường Viết văn hoặc là thành viên của bất cứ Hội đoàn nào đâu mà các vị ấy để lại cho đời những tác phẩm bất hủ như “Truyện Kiều”, “Qua Đèo Ngang”, “Cung oán ngâm khúc”, “Vịnh tranh Tố nữ”? Trước năm 1945, các trào lưu văn học nở rộ, nhiều nhóm văn bút ra đời khuấy động văn đàn Việt như “Tự lực văn đoàn”, “Tiểu thuyết thứ bảy” (tuần báo, ra đời năm 1934, chuyên đăng tải tiểu thuyết và truyện ngắn), “Tiểu thuyết thứ năm”, “Dạ đài”..., chẳng cần Nhà nước bảo hộ cấp tiền mà vẫn có nhà xuất bản ra sách đều đều, có báo và tạp chí đăng tải những tác phẩm sáng giá làm vẻ vang cho nền văn học nước nhà như “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng”, “Tắt đèn”, “Lều chõng” của Ngô Tất Tố, các tiểu thuyết tình cảm của Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, truyện ngắn Thạch Lam và hàng loạt ký sự, tùy bút văn chương của Vũ Bằng, Tam Lang...

Từ những dẫn chứng thêm, Hội Văn học nghệ thuật, xét đến cùng là miếng thịt thừa ăn bám vào bầu sữa của Nhà nước đang teo tóp dần bởi nạn tham nhũng và hệ lụy của nền kinh tế có đuôi. Nguồn cung cấp sữa ấy lại là nhân dân, những người phải è lưng râ đóng đủ loại thuế và phí mỗi ngày một tăng theo phương châm “Trăm thứ thuế thuế gì cũng nhặt/ Rút chặt dần như thắt chỉ se” (Phan Bội Châu). Những cũng chính người dân, kể cả thành phần trí thức tinh hoa, từ lâu đã quay lưng lại với nền văn học quốc doanh. Vậy còn lý do gì mà không xóa sổ các hội đoàn ấy?

Tuy nhiên vẫn còn một phương án. Hội vẫn tồn tại nhưng cắt bao cấp từ ngân sách. Tự cân đối thu chi. Nào, liệu đến lúc ấy các vị có nuôi được nhau chăng một khi không còn bầu sữa mẹ? Mà nói thật, chuyện này cũng chẳng trì hoãn được lâu đâu. Đảng ta rất muốn các văn nghệ sĩ là “hạt bụi lấp lánh” lắm nhưng ngặt nỗi...hết tiền, đành botay.com./.

Đ.V.S.

4 nhận xét :

  1. Tác giả Đặng Văn Sinh thiếu hiểu biết về cơ chế đề cử giải Nobel văn học. Buồn một phút.

    Trả lờiXóa
  2. Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Bà Huyện Thanh Quan,Nguyễn Công Trứ (Chưa kể bên tàu là các nhà thơ Đường như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Đào Tiềm, Tô Đông Pha...) được ĐÀO TẠO trường quy viết văn, làm thơ từ chân tơ kẽ tóc.
    Mới học được 300 chữ Hán, đã được TẬP thế nào là "đối" các kiểu, thế nào là trùng điệp, đảo trang. Học được hai năm, biết thế nào là Thi qua Kinh thi (thi pháp thơ), thế nào là Văn các kiểu, thế nào là niêm, luật, hài thanh, sử dụng vận bộ thành thục. Học lên nữa thì Kinh sử tử tập để đi thi... Với nhà nho, cầm kỳ thi họa được đào tạo căn cơ lắm. Vậy mà người tài còn sót ít vậy.
    Giáo trình tây học làm nên những "nhà văn hiện đại" đầu thế kỷ XX các mẫu văn chương được học thuộc như cháo chảy để có những nhà văn nửa tây nửa ta, đem đến cái mới cho phát triển văn chương. Các ông thầy tôi, dù dạy toán hay địa, đọc trầm vanh vách tiểu thuyết, thơ ca Pháp và họ viết theo.
    Sang văn chương chống Pháp, họ tiếp tục sáng tạo những giá trị và "tha hóa" dần vào nghiệp dư. Và cũng từ đây, cuộc tranh luận 1949, xuất hiện những ý kiến: văn không cần học??? tạo nên tình trạng văn chương minh họa thô thiển một thời trước sau năm 1960
    Văn học chống Mỹ thuộc lớp "có học" sáng tác mới tồn tại được lâu dài.
    Còn văn học dân gian là trầm tích lâu dài, nó là quặng chứ không phải là vàng. Khảo sát nó thì thấy, số lượng cái giá trị chiếm một tỷ lệ nhỏ nhoi. Nếu những gì tồn tại lâu dài, nó hàm chứa sáng tạo của lực lượng tôn giáo (có tu tập), sự tham gia của trí thức bình dân...
    Vấn đề không phải là có các khoa văn chương hay có trường Nguyễn Du hay không? Dạy cái gì, dạy như thế nào? Học cái gì, học như thế nào?
    Tổng thể văn hóa và văn chương Việt Nam không thể cứ NGHIỆP DƯ mãi mãi như thế này.
    Là một loại nghệ thuật, văn chương cũng như hội họa, âm nhạc, điêu khắc, vũ đạo, điện ảnh, sân khấu...cần được đào tạo rất chuyên nghiệp mới sáng tạo được dù cho, các ngành đó cũng có vài người "chả học hành gì" cũng có vài ba tác phẩm sống sót qua thời gian.

    Trả lờiXóa
  3. Rất nhiều người viết đúng chính tả, văn phạm nhưng lại không viết được một câu văn nào ra hồn. Vì họ không có khả năng tưởng tượng và sáng tạo!

    Trả lờiXóa
  4. Có lẽ đa phần người dân đã biết, chính thức từ giữa 1954, tất cả, hiến pháp, pháp luật, văn hóa, giáo dục, tôn giáo...phải là công cụ...Cho nên, chuyện bác Đặng Văn Sinh cũng là nói cho vui thôi mà...Thay đổi ư ? Hãy chờ đấy ! Có điều, không nên phủ nhận sạch trơn. Thời xa vắng, Mảnh đất lắm người nhiều ma,..., hay Thơ Trần Nhuận Minh - đồng hương của bác -, không phải không có giá trị nhân văn và lịch sử...Sự cam chịu chắc không là bất tận....Bởi suy cho cùng, cơ cấu xã hội như thế thực chất là của bá quyền...Hãy kiên lòng, sẽ thấy nắng mai lên...

    Trả lờiXóa