Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2019

Lê Đăng Doanh: VĨNH BIỆT NHÀ TRÍ THỨC TOÀN NĂNG, CƯƠNG TRỰC

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh và Giáo sư Hoàng Tụy (bên phải). Ảnh: Xuân Diện.
 
Vĩnh biệt nhà trí thức toàn năng, cương trực

Lê Đăng Doanh
15/07/2019
 
Giáo sư Hoàng Tụy luôn thẳng thắn lên tiếng chỉ ra những yếu kém cần khắc phục trong quản lý nhà nước, nhất là trong ngành giáo dục

Giáo sư (GS) Hoàng Tụy - nhà toán học lỗi lạc, nhà trí thức cương trực giàu lòng yêu nước và là người có công lớn xây dựng ngành toán học Việt Nam, đưa toán học vận dụng vào công cuộc kháng chiến và xây dựng kinh tế qua vận trù học - đã qua đời chiều 14-7 tại Hà Nội , thọ 92 tuổi.

Cha đẻ của phương pháp "lát cắt Tụy"

GS Hoàng Tụy luôn thẳng thắn lên tiếng chỉ ra những yếu kém cần được khắc phục trong quản lý nhà nước, nhất là trong ngành giáo dục mà ông đặc biệt quan tâm. Với hoài bão muốn vận dụng khoa học vào cuộc sống, ông đã trực tiếp báo cáo với Thủ tướng Phạm Văn Đồng về vận dụng vận trù học vào quản lý kinh tế như giao thông vận tải hay cung ứng gạo. Ông đã tham gia lãnh đạo Trung tâm Phân tích hệ thống được thành lập trong Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương với mong muốn vận dụng điều khiển học vào quản lý kinh tế từ những năm 1980. Là một nhà toán học tầm cỡ quốc tế, sự ra đi của ông là một mất mát lớn không chỉ đối với ngành toán học mà còn đối với đội ngũ trí thức của đất nước.

GS Hoàng Tụy sinh ngày 7-12-1927 tại làng Xuân Đài, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam; là cháu nội của cụ Hoàng Văn Bảng, em ruột Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu. Cha mất sớm, gia đình 7 anh em, ông đã sớm bộc lộ năng khiếu về toán. Tháng 5-1946, ông đỗ kỳ thi tú tài phần một và bốn tháng sau đó, đỗ đầu tú tài toàn phần ban toán tại Huế. Ông dạy toán tại vùng tự do Liên khu V và biên soạn sách giáo khoa về hình học, được in ra trong điều kiện vật chất rất khó khăn của cuộc kháng chiến. Năm 1951, ông đi bộ từ Liên khu V lên Việt Bắc, học tiếp toán học tại Trường Khoa học cơ bản do nhà toán học Lê Văn Thiêm lãnh đạo.

Từ năm 1961-1968, ông là Chủ nhiệm Khoa Toán của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, góp phần xây dựng Khoa Toán trở thành một trung tâm toán học của cả nước. Ông là Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam từ năm 1980 -1989. Ông có nhiều công trình nghiên cứu toán học xuất sắc, có tầm cỡ quốc tế.

Năm 1964, GS Hoàng Tụy đã phát minh ra phương pháp "lát cắt Tụy" (Tuy’s cut) và được coi là cột mốc đầu tiên đánh dấu sự ra đời của một chuyên ngành toán học mới: Lý thuyết tối ưu toàn cục (global optimization). Ông có nhiều công trình được công bố trên các tạp chí toán học quốc tế danh tiếng.

Thế giới tôn vinh

Nhiều hội nghị quốc tế đã được tổ chức để vinh danh những đóng góp khoa học của GS Hoàng Tụy. Kỷ niệm năm ông 70 tuổi, tháng 8- 1997, Viện Công nghệ Linköping (Thụy Điển) đã tổ chức một hội thảo quốc tế với chủ đề "Tìm tối ưu từ địa phương đến toàn cục" để tôn vinh giáo sư Hoàng Tụy, "người đã có công trình tiên phong trong lĩnh vực tối ưu toàn cục và quy hoạch toán học tổng quát".

Nhân dịp GS Hoàng Tụy 80 tuổi, tháng 12-2007, hội nghị quốc tế về "Quy hoạch không lồi" đã được tổ chức ở Đại học Rouen của Pháp để ghi nhận những đóng góp tiên phong của ông cho lĩnh vực này nói riêng và cho ngành tối ưu toàn cục nói chung. Với cống hiến to lớn cho toán học, năm 1996, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1, năm 2010 được tặng Giải thưởng Phan Chu Trinh và năm 2011 được tặng Giải thưởng Constantin Carathéodory. Tháng 6 vừa qua, những bài báo và phát biểu của ông đã được Nhà xuất bản Thế Giới xuất bản trong tuyển tập "Xin được nói thẳng", thể hiện tâm huyết của ông muốn chấn hưng ngành giáo dục và đất nước.

Tinh thần khảng khái, cương trực của GS Hoàng Tụy còn sống mãi với non sông đất nước mà ông đã gắn bó và cống hiến bằng trái tim và khối óc của mình.

Lê Đăng Doanh

1 nhận xét :

  1. GS(toán học) Hoàng Tụy - 1 ngôi sao sáng trên bầu trời Việt nam, phía trước 1 ngôi sao toán học khác : GS Lê văn Thiêm đang an nghĩ ở nghĩa trang Thủ đức, tôi đã có 1 số dịp thắp hương lên mộ Ông để tỏ lòng kính trọng cho chỉ biết Ông cùng các vị khác như Trần đức Thảo ...ở đơn nguyên bên cạnh của nhà B6 - Kim liên.

    Trả lờiXóa