Thứ Ba, 30 tháng 7, 2019

KHI LỊCH SỬ ĐƯỢC GIẢI MÃ BẰNG... ĐOÁN MÒ


Khi Lịch sử được giải mã bằng… phán đoán! 

(Nhân đọc cuốn “Việt Nam thế kỷ X: những mảnh vỡ lịch sử” của Trần Trọng Dương,
NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội, 2019) 


Phạm Hoàng Mạnh Hà
.
Văn hóa Nghệ An
Thứ tư, 17 Tháng 7 2019 10:17 


Cuốn “Việt Nam thế kỷ X: những mảnh vỡ lịch sử” (từ đây gọi tắt là Việt Nam thế kỷ X) của tác giả Trần Trọng Dương (TTD), cán bộ Viện Nghiên cứu Hán Nôm ngay sau khi xuất hiện đã thu hút sự chú ý của dư luận bởi nhiều nguyên nhân: nhà xuất bản tổ chức ra mắt sách khá “rầm rộ”, các bài viết hầu hết đều là những vấn đề lớn, “phức tạp”; thậm chí, có thể nói, Trần Trọng Dương đã “lật nhào” không ít quan điểm của các sử gia tiền bối… khiến chúng tôi không thể không lên tiếng sau khi đọc hết cuốn sách.

Trước khi nói lên những cảm nghĩ về công trình của TTD, xin được dẫn lại câu chuyện về một “phép tính sai”, từng được cộng đồng mạng share (chia sẻ) khá nhiều, nội dung như sau: Trong buổi họp phụ huynh cuối năm. Thầy giáo viết 4 đề toán trên bảng, đơn giản đến nỗi học sinh Tiểu học cũng làm được, và tự tay lần lượt viết đáp án:2+2=4; 4+4=8; 8+8=16; 9+9=20. Các bậc phụ huynh vừa thấy đáp án cuối cùng đều nhao nhao cả lên: “Thầy đã tính sai một câu rồi”. Thầy giáo quay người lại, chậm rãi nói: “Đúng vậy! Mọi người đều đã nhìn thấy rất rõ. Câu cuối này đã bị tính sai. Nhưng tôi đã giải đúng 3 đề toán đầu tiên. Tại sao lại không có ai khen tôi vậy. Mà chỉ nhìn thấy đề toán mà tôi đã tính sai?” 

Các bậc phụ huynh nghe vậy đều ngẩn cả người. Cả căn phòng bỗng chốc im lặng như tờ. “Kính thưa các phụ huynh, khi giáo dục con trẻ, điều hay không nằm ở việc chúng ta đã phát hiện ra bao nhiêu chỗ sai của trẻ, mà nằm ở việc chúng ta đã dành bao nhiêu lời khen ngợi, động viên mỗi khi các em đã làm đúng” - thầy giáo chầm chậm cất tiếng” (dẫn theo website: tinhyeuvacuocsong.com).

Cần phải nói ngay là, dẫn câu chuyện này, cá nhân tôi (có thể còn nhiều người khác nữa), khi đọc hết cuốn Việt Nam thế kỷ X, không phải không nhìn thấy “3 phép tính đúng” của tác giả. Thế kỷ X trong lịch sử Việt Nam vốn dĩ là một giai đoạn bản lề nhưng rất khó tiếp cận, nghiên cứu sao cho thấu đáo vì sử liệu khan hiếm, biến động liên tục - chỉ trong 100 năm mà có tới 6 dòng họ nối nhau cầm quyền: Khúc - Dương - Kiều - Ngô - Đinh - Tiền Lê (chưa kể tới rất nhiều biến động khác (như “loạn 12 sứ quân”). Và trong bối cảnh dư luận xã hội rồi học sinh, sinh viên ngày càng thờ ơ với môn Sử nói riêng, các môn thuộc khối C nói chung mà lại có một TS Hán Nôm nặng lòng với lịch sử nước nhà, ở một thế kỷ khó tường minh bậc nhất… là điều đáng được ghi nhận.

Song như thế không có nghĩa độc giả được quyền bỏ qua “phép tính sai” trong cuốn sách. Và nếu có bỏ qua, chắc hẳn cũng phụ lòng tác giả, vì hơn ai hết, TTD là người mong được góp ý để cuốn sách sẽ hoàn thiện hơn trong những dịp in lại.

“Phép tính sai” thứ nhất: lạm dụng suy diễn, phán đoán

Như đã nói, chúng ta rất khan hiếm sử liệu về thế kỷ X. Ngay cả những sự kiện được bộ chính sử lớn nhất của dân tộc ghi lại cũng khá mơ hồ, phi logic. Tuy nhiên, việc lịch sử có thể thiếu logic là một chuyện, còn tùy ý suy diễn, đoán định lại là chuyện khác, chưa biết chừng còn dẫn đến “xuyên tạc lịch sử”. Xin được chứng minh cụ thể như sau:

Để định nghĩa “sứ quân”, TTD dẫn Từ Nguyên và khẳng định: Sứ quân hay Thứ sử là từ chỉ “những người đứng đầu nắm giữ chức đầu của một châu mục nào đó” (tr.136). Tuy nhiên, ở phần khảo luận về “Có hay không loạn 12 sứ quân”, TTD dù đã rất khéo léo khi định danh chung chung là 21 “lực lượng quân sự” song dường như do trót xem “sứ quân” là “Thứ sử” nên không ít cá nhân đã được tác giả “nâng cấp”, “hô biến” thành người “đứng đầu châu mục” như Nguyễn Thủ Tiệp, Phạm Lệnh Công…

Với Nguyễn Thủ Tiệp: Đại Việt sử ký toàn thư (và một số bộ sử khác) xác nhận là một trong 12 sứ quân thời “Ngô mạt” song thông tin về sứ quân này chỉ vẻn vẹn chưa đầy 1 dòng: Nguyễn Thủ Tiệp (xưng là Nguyễn Lệnh Công) chiếm Tiên Du(1), ngoài ra không hề giải thích về giới hạn, phạm vi của địa danh (Tiên Du). TTD cũng cố gắng tìm kiếm, giải mã nhưng rồi buộc phải thừa nhận: Về Tiên Du, “sử liệu trống đúng khoảng thời gian của thời Ngô - Đinh” (tr.155). Tuy nhiên, tác giả Việt Nam thế kỷ X không chấp nhận dừng ở thông tin các bộ chính sử đã đề cập mà cố gắng tiến xa hơn - hoàn thiện chân dung sứ quân Nguyễn Thủ Tiệp bằng… thao tác phán đoán.

TTD đoán định: Có thể suy đoánông trấn giữ vùng đất Bắc Ninh (tr155). Chưa dừng lại ở đó, TTD còn đẩy xa hơn phán đoán của mình: Bắc Ninh “nếu thời Tiền Lê là lộ Bắc Giang thì có thể tạm thời truy lên đến thời Ngô là châu Bắc Giang giống như châu Nam Sách chăng? Vậy thì khả năng cao Tiên Du là châu lị của châu Bắc Giang” và “hồn nhiên” kết luận: Nguyễn Thủ Tiệp là Thứ sử châu Bắc Giang (tr.156).

Tóm lại, từ chi tiết “Nguyễn Thủ Tiệp chiếm Tiên Du”, TTD không những không phát hiện thêm được tư liệu mới nào mà còn liên tiếp phán đoán, dùng suy luận này làm tiền đề cho phán đoán khác và cuối cùng đặt sứ quân này vào vị trí “Thứ sử châu Bắc Giang” khiến người đọc không thể không ngỡ ngàng. 

Trường hợp Phạm Lệnh Công, mặc dù thừa nhận họ Phạm “không nằm trong danh sách 12 sứ quân trong sử liệu Việt Nam cũng chưa từng được sử Trung Hoa ghi nhận” (tr161); thông tin bổ sung cũng không gì khác ngoài những gì sử liệu đề cập nhưng TTD tiếp tục phán đoán để suy dựnglên một chân dung Phạm Lệnh Công khá hoàn chỉnh: Ông có khả năng là một cựu thần của Ngô Quyền… hoặc giả lực lượng của họ Phạm (Lệnh Công) cũng khá mạnh khiến cho họ Dương phải kiêng nể… Phạm Lệnh Công trở thành bố vợ của vua Ngô và là ông ngoại của Ngô Xương Xí (tr.162-163).

Cần phải nói ngay là chính sử chỉ ghi lại sự kiện Ngô Xương Ngập “chạy về Nam Sách Giang, trú ngụ ở nhà Phạm Lệnh Công ở Trà Hương”(2). Còn các chi tiết: Phạm Lệnh Công “là cựu thần nhà Ngô”, “lực lượng khá mạnh khiến họ Dương phải kiêng nể” hoàn toàn là suy đoán của TTD. Thậm chí, có thể nói, cuộc hôn nhân tưởng tượng giữa con gái Phạm Lệnh Công với Ngô Xương Ngập là do “TTD chủ trì hôn lễ”. Không thể thực hiện phép suy luận “bà Phạm Hoàng Hậu, mẹ của Ngô Xương Xí, cũng biết đến một bà Phạm Hoàng Hậu nữa là vợ thứ 5 của Lê Hoàn” để lắp ghép một cách khiên cưỡng: “Có khả năng đó cũng là bà họ Phạm ở Nam Sách Giang” (tr.164). Sử cũ chỉ chép việc trong lúc chạy trốn, Xương Ngập từng “trú ngụ ở nhà Phạm Lệnh Công” thuộc Nam Sách Giang, “lấy vợ ở Nam Sách Giang” (3) (sinh ra Ngô Xương Xí) chứ không hề khẳng định Xương Ngập lấy con gái Phạm Lệnh Công như suy đoán của tác giả Việt Nam thế kỷ X.

Chưa hết, TTD còn phỏng đoán: Nếu Đỗ Động Giang đã là một đơn vị hành chính thì ta cũng cũng có thể nghĩ Nam Sách Giang cũng là một châu (tr.163). Thật kỳ lạ, sao có thể lấy tiêu chí “Đỗ Động Giang là đơn vị hành chính” để quy đổi “Nam Sách Giang là một châu”. Không lẽ vì có chung chữ “Giang” mà chúng phải tương đương về quản lý hành chính hay sao? Đáng nói hơn, từ việc phán đoán Nam Sách Giang là một châu, TTD tiếp tục “lấy phán đoán chồng phán đoán”, thoải mái khoác cho Phạm Lệnh Công (vốn chỉ sở hữu một tư gia ở Trà Hương/Thôn Trà - Nam Sách Giang) tấm áo “Thứ sử” - “có khả năng Phạm Lệnh Công chính là Thứ sử của châu Nam Sách Giang” (tr.163).

Tương tự như vậy, về căn cứ của sứ quân Trần Lãm, Đại Việt sử ký toàn thư chép: Trần Lãm (xưng là Trần Minh Công) chiếm Bố Hải Khẩu(4) (nay là vùng thành phố Thái Bình. Từ một cá nhân cát cứ trên một vùng địa lý, TTD dẫn thông tin của Lê Tung (sử gia thời Lê Sơ): “Trần Công Minh chiếm Trường Châu” và suy đoán: Khả năng cao ông là Trường Châu thứ sử (tr.146).

Thao tác phán đoán được TTD sử dụng rất nhiều lần, áp dụng với tất cả các đối tượng. Chân dung 21 đội quân, không nhiều thì ít, đều được tái hiện bằng… suy diễn chủ quan của tác giả. Có thể kể thêm một số trường hợp:

- Nguyễn Siêu: từ chi tiết Nguyễn Nê (bố Nguyễn Siêu) lập gia thất năm 931, TTD suy đoán Nguyễn Khoan (con cả) sinh sớm nhất năm 931, Nguyễn Siêu (con thứ hai) sinh năm 933, Nguyễn Thủ Tiệp (con thứ ba) sinh năm 935 (tr.155). Không rõ tác giả Việt Nam thế kỷ X dựa vào đâu để khái quát chu kỳ sinh đẻ “hai năm một bé” này? Hoạt động của anh em sứ quân họ Nguyễn cũng được phác dựng bằng phán đoán: “Nguyễn Siêu là sứ quân bị tiêu diệt sớm nhất. Nguyễn Khoan và Nguyễn Thủ Thiệp chắc chắn không ngồi nhìn anh em mình bị tiêu diệt như vậy” (tr.154); Khả năng caoNguyễn Siêu cũng là bề tôi của nhà NgôThế thì có thể suy luận rằng, từ Nguyễn Nê đến ba người con trai đều đã bản địa hóa và trở thành người Việt, làm quan cho một gia tộc Việt (tr.154).

Với Lã Đường, Đại Việt sử ký toàn thưViệt sử lược chỉ ghi ngắn gọn, đại ý: Lã Đường, hiệu là Lã Tá Công, giữ Tế Giang; nhưng TTD thì… thoải mái suy đoán: “Miền Tế Giang có khả năng là nằm trong phạm vi đất Đằng Châu do Phạm Át Phòng quản lý… nhưng khả năng Tế Giang vẫn là một đơn vị tương đối độc lập có dân, có thành, có đất và có lực lượng quân sự” (tr.157)!

Chân dung Lý Khuêtrong óc tưởng tượng của TTD rất sống động, đa thông tin: “Nếu theo thần tích, ông (tức Lý Khuê) đã chết dưới tay Đinh Bộ Lĩnh thì có thể suy ra rằng, ông có cùng kẻ thù với Nguyễn Thủ Tiệp… Năm 967, có thể Nguyễn Thủ Tiệp vì trả thù cho các anh cũng đã thất bại… Có lẽ, Lý Khuê nổi lên sau khi Thủ Tiệp chết…” (tr.159-169).

Những phán đoán như trên rất nhiều, thậm chí “dày đặc” trong phần khảo cứu “Có hay không loạn 12 sứ quân?”. Chúng tôi xin phân tích trường hợp nhân vật Lê Lương để tạm khép lại nội dung này.

Cần phải nói ngay là đến thời điểm này, vẫn chưa có bất cứ một nhà nghiên cứunào có thể định lượng các tiêu chí để một cá nhân trở thành sứ quân (diện tích đất đai trấn giữ, lựclượng quân độicùngvũ khí, trang thiết bị…) nên chưa thể khẳng định Lê Lương có tầm vóc một sứ quân hay không?Văn bia chùa Hương Nghiêm, núi Càn Ni (thời Lý) chỉ cho chúng ta những thông tin ít ỏi: …Lê công (tức Lê Lương) thuộc một dòng họ lớn ở quận Cửu Chân, châu Ái, nước Việt. Gia thế giàu thịnh, nhà thường chứa hơn trăm lẫm thóc; môn khách thường có tới ba nghìn. Ông dốc lòng làm việc thiện, tôn sùng tượng giáo, mở mang phong cảnh đẹp đẽ này. (Do đó) tiếng tăm lừng lẫy…. Lúc bấy giờ trong châu quận bị mất mùa đói kém, ông xuất thóc của nhà cấp phát cho dân. Về sau Đinh Tiên Hoàng biết ông là người có đạo nghĩa bèn phong tước Kim tử Quang lộc đại phu, cho làm Đô quốc dịch sử quận Cửu Chân, châu Ái, lại sắc ban cho mở cõi, Đông từ Phân Dịch, Nam từ Vũ Long, Tây từ đỉnh núi Ma La, Bắc từ chân lên Kim Cốc, đời đời con cháu được quyền trông coi(5).

Ấy thế nhưng, qua trí tưởng tượng của TTD, chân dung vị hào trưởng ở Ái châu rất sinh động: “Lê Lương có khả năng cao là một vọng tộc nhiều đời ở Thanh Hóa, mà tổ tiên ông có lẽ chính là Ái châu Thứ sử Lê Cốc… Ông chắc chắn phải có lực lượng quân sự riêng. Lực lượng quân sự này đủ để bảo vệ lãnh thổ do gia tộc ông quản lý. Nhưng ông có lẽ đã chỉ “tự giữ” đất của mình” (tr.179).

Đó là chưa kể, với vùng đất Thanh Hóa xưa, theo Đại Nam nhất thống chí: Nước ta, đời Đinh, (Tiền) Lê vẫn theo tên gọi châu Ái, năm Thuận Thiên thứ I đổi làm trại, sau đổi làm phủ Thanh Hóa(6). Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho biết thêm: Bấy giờ (thời Đinh) cả nước chia làm 10 đạo(7) - vì vậy, việc TTD phong Lê Lương là “lãnh chúa quận Cửu Chân” (tr.178) vừa sai về mặt địa danh học, vừa thiếu căn cứ khi tự ý “nâng cấp” một hào trưởng lên “lãnh chúa”.

Phép tính sai thứ hai: lấy phán đoán làm tiền đề để khẳng định

Như đã phân tích, nếu như ở “phép tính” thứ nhất, TTD bằng kỹ năng phán đoán đã suy dựng lên rất nhiều nhân vật, sự kiện thì ở “phép tính” thứ hai,từ tiền đề được “phán đoán”, tác giả mặc nhiên xem đó là kết luận. Đây là điểm trừ rất lớn về mặt phương pháp luận và (theo chúng tôi) không thể áp dụng trong nghiên cứu lịch sử.

Chẳng hạn như lực lượng của các sứ quân, cái gọi là “lực lượng quân sự của” Lã Đường, Lê Lương hoàn toàn do TTD phỏng đoán:

-Nhưng khả năngTế Giang (căn cứ của Lã Đường) vẫn là một đơn vị tương đối độc lập có dân, có thành, có đất và có lực lượng quân sự (tr.157)…

-Ông (Lê Lương) chắc chắn phải có lực lượng quân sự riêng. Lực lượng quân sự này đủ để bảo vệ lãnh thổ do gia tộc ông quản lý (tr.179).

Từ hai “chân đế” rất lỏng lẻo này, TTD thản nhiên khái quát “Tính chất quân sự của 21 lực lượng”:Một điều có thể nhận định rằng, 21 lực lượng thống kê ở trên đều có quân đội riêng, dù họ là quân triều đình nhà Ngô, quân của các Thứ sử, quân của các trại, của các quan lại cấp thấp, hay chỉ là tù trưởng các dân tộc thiểu số. 

Một dẫn chứng khác là về gốc tích của các sứ quân, tác giả Việt Nam thế kỷ X phán đoán:

- Thế thì có thể suy luận rằng, từ Nguyễn Nê đến ba người con trai (Nguyễn Khoan, Nguyễn Siêu, Nguyễn Thủ Tiệp) đều đã bản địa hóa và đều trở thành người Việt, làm quan cho một gia tộc Việt (tr.154).

- Tổ tiên của ông (Lê Lương) có lẽ chính là Ái châu Thứ sử Lê Cốc. Lê Cốc người gốc Bắc đến Ái châu làm quan…” (tr.179).

Bỏ qua chi tiết “làm quan cho một gia tộc Việt” (tối nghĩa), cả hai tiền đề: gia tộc họ Nguyễn và tổ tiên Lê Lương “gốc Bắc” chỉ là suy luận của tác giả, song ở trang 188, TTD dường như “quên mất” hai mệnh đề này chỉ là giả thiết để rồi nhanh chóng “đi đến một số nhận định”- Về nguồn gốc dân tộc, có những vị sau đây là người Bắc di cư đã được Việt hóa như Trần Lãm, 3 anh em họ Nguyễn, Đỗ Cảnh Thạc… có vị gốc Bắc (tức Trung Quốc) nhưng đã di cư 300-400 năm và đã Việt hóa hoàn toàn như Lê Lương.

Hay như thân thế sứ quân Ngô Nhật Khánh, Đại Việt sử ký toàn thư chép: Nhật Khánh là con cháu của Ngô Tiên chúa Quyền, trước xưng là An Vương, cùng 12 sứ quân mỗi người chiếm giữ một vùng. (Đinh) Tiên Hoàng dẹp yên, lấy mẹ Khánh làm hoàng hậu, lấy em gái Khánh làm vợ Nam Việt Vương Liễn (con Đinh Tiên Hoàng), còn lo sinh biến, lại đem công chúa gả cho Khánh, ý muốn dập hết lòng oán vọng của hắn(8).TTD lập luận và phỏng đoán: …Cách tạo lập quan hệ hôn nhân đặc biệt này cùng với sự kiện Ngô Nhật Khánh xưng An Vương, chúng ta có thể đoán định rằng ông chính là con trai của Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn (tr.136). Song, sự phỏng đoán này chỉ tồn tại trong… hơn mười trang giấy, đến trang 147, tác giả “vô tư” khẳng định: Như thế, Ngô Nhật Khánh là cháu nội của Ngô Quyền.

Vấn đề huyết thống Đinh Toàn, TTD một lần nữa quên mất giả thiết: Đinh Toàn có khả năng là con đẻ của Dương hậu và Lê Hoàn (tr.205) để lập tức khẳng định: Để giành được ngôi báu, Lê Hoàn không chỉ dùng chiêu “gửi trứng”, “đánh tráo huyết thống” mà còn sử dụng cả bạo lực để tiêu diệt những kẻ chống đối và thanh trừng, lôi kéo những người trung lập (tr.206).

Quả thật, nếu những góc khuất chưa thể giải mã trong quá khứ đều được “đánh nhanh diệt gọn” bằng phán đoán theo cách của TTD thì lâu nay, giới Sử học chẳng cần phải lao tâm khổ tứ quá nhiều. 

Một số vấn đề khác

Về tư liệu: Ở nội dung “Đinh Bộ Lĩnh và loạn Ngô Xử Bình” (tr.89), đây là phần viết khá dài, khảo cứu về nhiều sự kiện lịch sử. Thông qua rất nhiều tư liệu (không ít sử liệu “vênh” nhau về nội dung), TTD từng bước xử lý để phác dựng lại cục diện chính trị từ nửa sau thế kỷ X đến khi Đinh Bộ Lĩnh thống nhất đất nước. Tuy nhiên, đáng chú ý là trước một lượng tư liệu khá đồ sộ, TTD không khỏi lúng túng và cách xử lý của tác giả Việt Nam thế kỷ X có thể đã sai về sử liệu học.

Điển hình là sự kiện Đinh Bộ Lĩnh kết liên minh với Trần Lãm, Đại Việt sử ký toàn thư chép: Đinh Mão, năm thứ 17 (tức năm 967). Bấy giờ trong nước không có chủ, 12 sứ quân tranh nhau làm trưởng, không ai chịu thống thuộc vào ai. Đinh Bộ Lĩnh nghe tiếng Trần Minh Công là người có đức mà không có con nối, bèn cùng với con là Liễn đến nương tựa. Minh Công thấy Bộ Lĩnh dáng mạo khôi ngô lạ thường, lại có khí lượng, mới nuôi làm con, ơn yêu đãi ngày càng hậu(9). TTD phủ nhận mốc thời gian (năm 967), cho rằng “việc chép này là không logic” (tr.100). Tác giả Việt Nam thế kỷ X đưa ra thời điểm năm 944, dựa vào một đoạn thơ trong Thiên Nam ngữ lục: Khá khen họ Trần Minh Công/Ở ngoài Bố Hải cả dung anh tài/Bộ Lĩnh tuổi đã hai mươi/Ngồi chẳng chỗ ngồi, ăn chẳng chỗ ăn… Chú nay chửa có con trai/Lo sau hậu tự cho ai việc này.

Như chúng ta đều biết, Thiên Nam ngữ lục là một bản sử ca trường thiên, một tác phẩm văn vần dài nhất trong kho tàng văn học viết bằng chữ Nôm còn lại đến ngày nay. Tác phẩm xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ XVII, bao gồm 8.136 câu thơ lục bát, 31 bài thơ chữ Hán và 2 bài thơ Nôm… ngoài những bài thơ mang tên tác giả thuộc các thời đại Lý, Trần, Hồ còn có những bài bắt nguồn chính sử, dã sử, truyền thuyết dân gian, thần tích hoặc do chính tác giả sáng tác(10). Điều này có nghĩa: Để xác minh một sự kiện lịch sử, TTD đã dùng nguồn tư liệu văn vần đậm tính truyền khẩu, không tường minh về tác giả, niên đại “muộn” để phủ nhận ghi chép của bộ sử chính thống có niên đại “sớm”.

Về khái niệm: Ở phần viết về “Ngô Xử Bình - Tham tá đảo chính” (tr.145), TTD  dựa trên “các sử liệu Tống - Minh” kết hợp với “thông tin 500 con cháu họ Ngô ở Đỗ Động Giang” mà Đại Việt sử ký toàn thư đề cập để đoán định: Ngô Xử Bình đã kéo quân về Cổ Loa cướp quyền họ Ngô, đồng thời cho rằng: Đây là phát hiện quan trọng nhất về tình hình chính sự nhà Ngô mà trước nay được gọi là “loạn sứ quân”. Từ phát hiện này, TTD đề xuất: Cái “loạn sứ quân” phải chăng nên gọi là “loạn Ngô Xử Bình” (tr.146)!

“Loạn Ngô Xử Bình” theo cách hiểu của TTD phải chăng là việc Ngô Xử Bình cướp quyền họ Ngô (nguyên nhân) dẫn đến tình trạng “sứ quân nổi loạn” (kết quả) - tức “loạn” về yếu tố chính trị, quân sự. Còn khái niệm “loạn 12 sứ quân” muốn nói đến tình trạng cát cứ của 12 sứ quân là nguyên nhân, kết quả dẫn đến “đất nước loạn lạc” - “loạn” về mặt chính trị, xã hội.

Theo chúng tôi, hai cái “loạn” này khác nhau về kết cục, nội hàm ý nghĩa nên không thể dùng khái niệm sau (loạn Ngô Xử Bình) thay thế cho khái niệm trước (loạn 12 sứ quân). Tuy nhiên, chúng tôi không phủ nhận đề xuất của TTD mà chỉ xem đây là điểm có thể trao đổi.

Cuối cùng, với mong muốn Việt Nam thế kỷ X ngày càng có hàm lượng khoa học cao sau mỗi lần xuất bản, chúng tôi xin “nhặt” giúp tác giả một “hạt sạn” trong quá trình giải mã địa danh Đường Lâm: suốt từ trang 51 đến trang 88, với hai chủ đề: Đường Lâm - Sơn Tây một chặng huyền sử thế kỷ XXĐường Lâm là Đường Lâm nào?..., TTD (cùng các nhà nghiên cứu đồng quan điểm) đã dựa vào nhiều căn cứ để chứng minh: Địa danh Đường Lâm (nơi đóng đô của sứ quân Ngô Nhật Khánh) thuộc Hoan Châu (Nghệ - Tĩnh ngày nay). Nhận định này được nhắc lại ở trang 136 trong phần khảo về Ngô Nhật Khánh - An Vương. Nói cách khác, quan điểm nhất quán của tác giả Việt Nam thế kỷ X là phủ nhận địa danh Đường Lâm tại địa điểm nay thuộc Sơn Tây.

Tuy nhiên, ở nội dung “Đinh Bộ Lĩnh và loạn Ngô Xử Bình”, TTD vẫn trích lại sơ đồ Sự phân bố địa bàn chiếm giữ của 12 sứ quân và căn cứ của Đinh Bộ Lĩnh (tr.94). Ở lược đồ này, vị trí Đường Lâm được xác định theo các quan điểm cũ (thuộc Sơn Tây) - tức tác giả tự mâu thuẫn. Dẫu vậy, chúng tôi không cho rằng đây thuộc về lỗi chuyên môn mà có thể chỉ là sự thiếu cẩn thận trong quá trình xử lý bản thảo. Hy vọng rằng, nếu Việt Nam thế kỷ X có dịp được in lại, TTD sẽ “tái xử lý” lược đồ phân bố các sứ quân sao cho khớp với nhận định của chính mình.
____________

Chú thích:
1: Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên (1272 - 1697), Đại Việt Sử ký toàn thư, Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam dịch (1985 - 1992), Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1993, phiên bản điện tử do tác giả sưu tầm, tr.54.
2: Đại Việt Sử ký toàn thư, sách đã dẫn, tr.52.
3: Đại Việt Sử ký toàn thư, sách đã dẫn, tr.52 và 54.
4: Đại Việt Sử ký toàn thư, sách đã dẫn, tr.54.
5: Càn NisơnHương Nghiêmtựbi minh, trong cuốn Thơ văn Lý - Trần(1977), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 423-430.
6: Quốc sử quán triều Nguyễn(1992), Đại Nam nhất thống chí, tập 2, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.224.
7: Quốc sử quán triều Nguyễn (1998), Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Viện Sử học dịch, Nxb Giáo dục, tr.238.
8: Đại Việt Sử ký toàn thư, sách đã dẫn, tr.59.
9: Đại Việt Sử ký toàn thư, sách đã dẫn, tr.54.
10: Nguyễn Thị Lâm (2000), Đôi nét về những bài thơ được ghi chép trong Thiên Nam ngữ lục, Thông báo Hán Nôm học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, tr.212-218.

3 nhận xét :

  1. Rất đồng ý: Suy luận hơi bị nhiều. Tuy nhiên, tác giả có thể để ra những giả thuyết. Nhưng giả thuyết phải viết riêng ra, ví dụ ở mục Bàn Luận. Tất nhiên, mục này chỉ để mọi người... bàn luận

    Trả lờiXóa
  2. Cũng có thể viết một bài với tiêu đề: ĐỌC SỬ NGƯỜI KHÁC VIẾT BẰNG PHƯƠNG PHÁP...ĐỌC MÒ.

    Trả lờiXóa
  3. Tháng 8 năm 1995, trên bãi biển Cửa Lò, GS Trần Quốc Vượng gọi tôi lại uống rượu. Và thầy dạy: "Mày có biết không, có một trăm cách đọc Đại Việt sử ký toàn thư mày ạ! Sử học là một Môn học, nó rông hơn là một Khoa học đấy. Cái này tao nói xưa rồi".
    Khi ấy tôi mang máng gật đầu. Lúc này, tôi hiểu một phần câu chuyện.
    Qua việc đọc những ý kiến góp ý cho TTD, tôi thấy mừng vì nghiệm ra một điều: Con đường tìm một "ngôn ngữ" chung để hiểu quá khứ, để bàn với nhau về qua khứ... còn gập ghềnh trắc trở mới hy vọng đến đoạn thênh thang.

    Trả lờiXóa