Thứ Tư, 10 tháng 7, 2019

EVFTA: ẢNH HƯỞNG VỚI KINH TẾ VN VÀ NHU CẦU CẢI TỔ


Liên minh Châu Âu ký Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư với Việt Nam (EVIPA) tại Hà Nội hôm 30/6/2019 

EVFTA: Ảnh hưởng với kinh tế Việt Nam 
và nhu cầu cải tổ 

TS. Đinh Trường Hinh 
Gửi cho BBC
từ Washington D.C.

Ngày 30 tháng 6 vừa qua, khối thị trường chung Âu Châu (EU) đã ký kết với Việt Nam một hiệp định thương mại ưu đãi (gọi tắt là EVFTA).

Sau TPP, đây là hiệp định có tiềm năng ảnh hưởng sâu rộng đến kinh tế VN nhất từ trước đến nay. Vì TPP đã không còn nữa từ khi Hoa Kỳ rút lui, thay vào đó là hiệp định CPTPP không còn chặt chẽ như trước, có thể nói là EVFTA, nếu được thực hiện đúng đắn, sẽ đem lại rất nhiều thay đổi cho Việt Nam, trong mậu dịch hàng hóa, cũng như các lãnh vực khác như đầu tư, sở hữu trí tuệ, môi trường.

Lợi hại của EVFTA: Cụ thể hơn, EVFTA sẽ: i) mở rộng thị trường xuất khẩu (tăng xuất cảng Việt Nam sang một khối thị trường rất lớn trên thế giới-khoảng 15 % thị trường thế giới) và cùng lúc giảm giá mặt hàng các đồ dùng nội địa Việt Nam; 2) tăng đầu tư FDI và sản xuất; 3) thay đổi về thể chế (luật lệ, tính chất minh bạch).

Cùng với những lợi điểm đó, EVTFA cũng sẽ có những thách thức cho Việt Nam:

i) các công ty lớn ở Âu Châu sẽ dễ khống chế thị trường VN;

ii) hàng Việt Nam sẽ phải vượt qua những kỹ thuật cao (về y tế, về môi trường, về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ) trước khi được các nước trong EU nhập khẩu;

iii) Việt Nam sẽ không được quyền trực tiếp giúp đỡ các công ty trong nước dù các công ty này đang ở trong giai đoạn phôi thai, điều mà các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore đã làm trước khi trở thành phát triển. Bản quyền hình ảnh Getty Images Image caption Thủy sản là một trong các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu

EVFTA đi xa hơn WTO và các hiệp định khác

Khác với các hiệp định thương mại thông thường (Preferential Trade Agreement gọi tắc là PTA), TPP và EVFTA thường được gọi là hiệp định thương mại sâu sắc (Deep PTA), vì không phải chỉ đòi hỏi những cải tổ về mậu dịch hàng hoá, mà còn bao gồm cải tổ ở các lãnh vực khác gọi là phi biên giới (beyond-the-border reforms).

Đó là các lĩnh vực đầu tư, dịch vụ, bảo vệ sở hữu trí tuệ, giảm thủ tục hải quan, bảo vệ môi trường, ngăn chặn vai trò các công ty quốc doanh, mua sắm hàng hoá nhà nước, giải quyết các tranh chấp...nghĩa là đi xa hơn những thoả thuận của WTO.

Cho đến nay có rất ít những hiệp định này được ký kết và thi hành.

Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên trên thế giới ký hiệp định này với EU, và là nước thứ tư ở Á châu (thứ hai trong ASEAN) sau Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore (ba nước này là ba nước đã phát triển).

Cũng vì những cải tổ này rất sâu rộng, nhiều chuyên gia cũng không biết chính phủ Việt Nam có đủ khả năng chuyên môn để làm tất cả không, hay chỉ phải làm những cải tổ cấp bách để tránh những vụ kiện cáo tạm thời mà bỏ qua những cải tổ thực sự cần thiết cho nền kinh tế.

Lợi ích của EVFTA

Các điều khoản truyền thống của EVFTA, cụ thể là giảm hay loại bỏ các thuế quan của EU thật ra sẽ không làm tăng xuất cảng VN qua thị trường Âu Châu nhiều.

Lý do là vì phần lớn các mặt hàng sẽ được giảm mức thuế như dệt may hay điện tử thì hoặc là mức thuế hiện tại đang rất thấp hay Việt Nam hiện đang hưởng những ưu đãi song phương.

Mặt khác, EVFTA cũng có các quy tắc nghiêm ngặt về nguồn gốc xuất xứ của hàng hoá (rules of origin, xin xem tiếp theo dưới đây).

Nhưng các cải tổ phi biên giới mà EVFTA đòi hỏi thì sẽ đem lại nhiều lợi ích cho kinh tế Việt Nam nhiều hơn vì sẽ làm gia tăng tính cạnh tranh cho hàng hoá Việt Nam.

Những cải tổ này có tiềm năng giúp giải quyết hai vấn đề khúc mắc nhất trong kinh tế Việt Nam hiện nay: đó là tăng năng suất lao động và giúp các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam phát triển để trở thành lớn mạnh như các doanh nghiệp nước ngoài, thay vì chỉ dùng sức lao động chân tay của dân Việt Nam hiện nay để làm giàu cho các nước khác.

Muốn được vậy, Việt Nam phải tận nắm những cơ hội của EVFTA để thực thi những cải tổ sâu rộng gọi là "cải tổ của thế hệ thứ hai" - đây là cách độc nhất để Việt Nam trở thành một nước có thu nhập cao và một nền kinh tế dựa trên giá trị gia tăng của trí tuệ.

Những cải tổ này nhằm giữ được quân bình vĩ mô và cùng lúc đó nâng cấp (upgrade) kỹ nghệ theo chiều ngang lẫn chiều sâu hầu tăng mức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam và tạo công ăn việc làm vững vàng cho người dân.

Do đó, điều quan trọng mà các hiệp định thương mại ưu tiên sâu sắc như TPP và EVFTA đem lại là những cơ hội mới cho các công ty tư nhân Việt Nam được nâng cấp trong chuỗi giá trị toàn cầu - hoặc trực tiếp, bằng cách cung cấp các khuyến khích cụ thể; hoặc gián tiếp, bằng cách giải quyết các rào cản liên quan để nâng cấp.

Muốn tận dụng những cơ hội này, Việt Nam phải khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển và tăng năng suất lao động bằng cách thiết lập và tăng cường các mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI cũng như tăng khả năng hấp thụ và phát triển công nghệ của các doanh nghiệp trong nước.

Quá trình sản xuất ở Việt Nam hiện nay có rất ít sự liên kết này: các doanh nghiệp lớn trong nước và doanh nghiệp nước ngoài không gắn kết với các doanh nghiệp nhỏ hoặc vừa trong nước, theo liên kết xuôi hoặc ngược thông qua việc sử dụng sản phẩm đầu vào hoặc sản phẩm trung gian nội địa.

Hậu quả là các sản phẩm cuối cùng (final product) có rất ít giá trị gia tăng (value-added), công nghệ và kiến thức không được chia sẻ, nền kinh tế không đi lên mức cao hơn được.

Như vậy, gặt hái những lợi ích từ hội nhập kinh tế qua EVFTA cần đòi hỏi những chính sách ưu đãi và kích hoạt thích hợp cho các công ty tư nhân Việt Nam. Một mặt, các chính sách này phải bao gồm tất cả mọi ngành và có lợi cho nền kinh tế nói chung - đặc biệt là cho doanh nghiệp tư nhân - nghĩa là cải thiện cơ sở hạ tầng, cải thiện vốn nhân lực, giúp đào tạo dạy nghề, và tăng cường pháp trị và thiết lập cơ hội bình đẳng cho tất cả các loại doanh nghiệp (không phân biệt tư nhân hay quốc doanh).

Ngoài ra, cần phải có những cải tổ theo chiều sâu như giảm vai trò của doanh nghiệp nhà nước, đối xử bình đẳng các nhà xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp; khuyến khích phát triển các cụm sản xuất (clusters); đầu tư xây dựng các khu công nghiệp đồng bộ (plug-and-play) và các khu công nghệ; khuyến khích và tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp thông qua hợp đồng thầu phụ; khuyến khích đầu tư nước ngoài vào các hoạt động thượng nguồn và hạ nguồn để hoàn thiện chuỗi giá trị; khuyến khích FDI liên kết với các công ty trong nước qua hình thái liên doanh và đẩy mạnh liên kết hàng dọc; và phát triển mạng lưới quan hệ với nước ngoài và mạng lưới xã hội.
EVFTA có khác với TPP không?

EVFTA được đàm phán cùng lúc với TPP và được kết thúc cùng lúc vào năm 2015 do cùng một phái đoàn VN cho nên các điều khoản của EVFTA cũng tương tự như TPP.

Các điều khoản của EVFTA thông thường được đánh giá là dễ dàng hơn nhưng cũng chính vậy mà ảnh hưởng đến kinh tế sẽ nhỏ hơn so với TPP. Chẳng hạn trong lĩnh vực dệt may, quy tắc nguồn gốc của TPP đòi hỏi tất cả các công đoạn sản xuất, bắt đầu từ sợi, phải thực hiện tại Việt Nam hoặc nhập từ một nước trong TPP.

Quy tắc này của EVFTA ít hơn vì chỉ đòi hỏi về vải thay vì sợi, tức là công đoạn đi sau sợi. Hiện Việt Nam đang nhập khẩu hầu hết các loại sợi và vải từ bên ngoài các đối tác EU, cho nên EVTFA sẽ giúp phát triển các ngành công nghiệp thượng nguồn trong nước về ngành này. 

Phát triển nguồn nhân lực là mấu cốt của cải tổ

Để có một nền kinh tế bền vững dựa trên trí tuệ thay vì tay chân, Việt Nam cần phải có chiến lược phát triển nguồn nhân lực bằng cách cải tổ để tăng cường phối hợp giữa các bộ chịu trách nhiệm về giáo dục và đào tạo nghề; giảm bớt kiểm soát các trường đại học và trường dạy nghề; tăng cường tự chủ của các trường này, nhất là trong việc sửa đổi giáo trình cho phù hợp với đòi hỏi trên thị trường lao động; tăng cường liên kết nhà trường với doanh nghiệp; định hướng nhu cầu đào tạo nghề và nhu cầu của doanh nghiệp cũng như có các biện pháp khuyến khích doanh nghiệp nhận sinh viên thực tập.

Nói tóm lại, EVFTA có phải là "cú hích" cho nền kinh tế VN hay không là tùy theo những chính sách phù hợp đi kèm theo có hiệu quả hay không.

Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả, chủ tịch công ty EGAT tại Hoa Kỳ, nguyên là chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới ở Washington, D.C. (1978-2014). Hiện sống tạ̣i bang Virginia, Hoa Kỳ, ông đã đăng tải các tác phẩm như: Công nghiệp nhẹ châu Phi (2012), Các câu chuyện kể từ mặt trận phát triển kinh tế (2013), Phát triển công nghiệp nhẹ tại Việt Nam (2013), và Công việc làm, kỹ nghệ hoá, và toàn cầu hoá (2017).

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét