Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2019

Dấu lặng cuối tuần: KÝ ỨC TUỔI THƠ



Tác giả Nguyễn Văn Thiệp

KÝ ỨC TUỔI THƠ

Nguyên Văn Thiệp


Tôi được sinh ra trong một gia đình điền chủ. Là đứa thứ ba, trong năm người con của bố mẹ. Do chỉ mỗi mình là con trai, nên cả nhà cưng chiều tôi lắm, nhất là bà ngoại. Ngoại cưng chiều thằng cháu trai của ngoại là có lý do đấy. Chả là Ngoại có mỗi một người con là mẹ của chị em chúng tôi. Chính vì thế, nên sự yêu thương của Ngoại dành cho con cháu gần như riêng tôi được độc quyền.

Hồi đầu thập niên 50 của thế kỷ 20, xã hội có nhiều biến động. Một hôm, có bà ăn mày (ăn xin) người đẹp, nhìn có phong cách và đáng nể lắm, đến xin gia đình tôi. Nhìn thấy mấy cây rơm to vật vã, bà nói: những thứ này sẽ làm khổ cậu mợ đấy. (Do bố mẹ tôi hồi đó rất trẻ, nên mọi người thường gọi là cậu mợ). Thế rồi, tôi thấy những người trong làng, xóm hay đến xin bố mẹ tôi lúc thứ này, khi thứ khác. Thậm chí, có người đến xin tiền để mua vài cân thịt vì ngày mai là rằm, không có gì để "cải thiện" hoặc không có cái thắp hương. Bố mẹ tôi đều vui vẻ đáp ứng tất cả. Đến năm tôi lấy vợ, một bà ở trong làng nói với tôi: năm xưa, đến xin ông bà nhà cậu cho thằng nhà tôi cái áo, bà đang cầm cái áo định mặc cho cậu, đã đưa cho tôi. Nghĩ mà ngại quá. Tôi về nói chuyện với mẹ, mẹ bảo: bà ấy đến xin tiền với lý do may cho con trai cái áo, mẹ đưa luôn cái áo mới của con cho bà ấy, vì hai đứa cùng tuổi, bằng nhau.

Mùa đông năm 1955, cơn bão Cải Cách Ruộng Đất chính thức quần thảo trên quê hương tôi. Lúc đầu phát động phong trào, đêm nào cũng họp, nào thành lập hội nông dân, hội thiếu niên, rồi dân quân du kích, các thành phần cốt cán...

Khi đội cải cách đã xây dựng được đội ngũ cho công cuộc, là đêm đêm họp để đánh giá, quy kết nhà nào là phú nông, địa chủ, cường hào, ác bá...


2. Cuộc họp ở nhà đầu ngõ đêm nay nghe khá căng thẳng. Đầu tiên, mọi người uống nước thấy nước chè xanh hôm nay có mùi lạ. "Ngài" đội (cải cách) bảo:

- Đây là âm mưu của bọn phản động đang phá hoại phong trào cải cách ruộng đất của ta. Chúng đã cho thuốc độc vào nồi nước chè, hòng đầu độc bà con nông dân. Đề nghị đoàn thanh niên khiêng nồi nước này ra rãnh làng để đổ, còn bã chè giữ lại làm chứng tích, hiện vật. Thật khổ cho chủ nhà, đã mất công đun nước, lại bị những cái đầu đất thó (đất sét) nó nghi cho đã có âm mưu làm phản. Vì gia chủ là người nhút nhát, nên sáng hôm sau, mời mấy người đến phân bua, rồi bới đống bã chè xem có thuốc độc không ? Người ta vạch từng chiếc lá chè để tìm. Cuối cùng cũng tìm ra thủ phạm: một mảnh lá sắn (lá củ mì). Chính cái mảnh lá sắn ấy, nó đã làm tình, làm tội chủ nhà và bà con nông dân trong cuộc họp.

Đêm sau họp, thần kinh mọi người thật căng thẳng, chẳng kém gì đêm hôm trước. Giữa lúc thần kinh mọi người căng như dây đàn, thì.... bộp, một vật lạ không biết từ đâu, rơi xuống sân. Ngài "đội" hô: mọi người nằm xuống. Đồng thời ra lệnh cho anh em du kích chốt chặt lối ngõ. Xong, "ngài đội" cầm đèn pin soi tìm "vật thể lạ" đó. Cuối cùng cũng tìm ra thứ "oanh tạc" của bọn phản động đã gây rối: một quả hồng xiêm chín, bị loài dơi nó tha, đã đánh rớt xuống hội nghị. Thật hú hồn !



3. Khi "công cuộc" cải cách ruộng đất đã chín mùi. Tức các thành phần "đàn áp", "bóc lột" bà con nông dân đã được phân định.

Một sáng, trên đường cái Chợ La, đoạn gần Cầu Chảy Nước, một đoàn người khá đông, từ làng La Cả đi tới. Nghe tinh thần của đoàn người cứ hừng hực, khí thế lắm. Họ dong theo một ông địa chủ, mặc áo dài the, với sợi dây thừng trên cổ. Vừa đi, vừa bị đẩy cho chúi mũi. Họ điệu đến "trường xử" Cầu Gạo Cũ. Mọi người bảo, đấy là ông Lý Lệ, lý trưởng của làng La Dương, hôm nay lên ngọn đầu đài.

Rồi ông Lý Vấn, làng Đông Lao cũng được đội cải cách cho về với ông bà tổ tiên.

Những làng nhỏ như La Dương, Đông Lao thì chỉ phải "góp" một người. Còn làng to như La Phù phải "góp" hai mạng. Tất cả đã có quy định: làng này bao nhiêu ông, làng kia là mấy vị "được" đi gặp ông bà ông vải. Cái hôm "xử" đến ông Đội Cương, hoặc ông Lý Nghĩa (xin lỗi đã nhắc đến tên húy của các vị), bố mẹ tôi như người hết tinh thần, nghe buồn lắm. Vì tất cả những vị này đều là thân quen của gia đình tôi.

Gia đình tôi có một người mà tôi phải gọi là ông chú, là người bên họ ngoại. Ông Đội Thu, là bạn và cùng hoạt động cách mạng với thiếu tướng Đặng Kim Giang. Ông có con gái là dì Kẹo, người đẹp lắm, được gả cho ông Đội Cương mà tôi đã nói ở trên. Năm 1954, ông Đội Cương đã xuống đến Hải Phòng để di cư vào Nam. Thế mà bố vợ là ông Đội Thu xuống Hải Phòng, tìm được con rể là ông Đội Cương, dỗ dành người con rể quay về, đảng và nhà nước sẽ khoan hồng cho. Con rể nghe theo bố vợ, đã quay về. Rồi kết cục như thế nào thì các bạn đã rõ. Còn bố vợ cậy là đã tham gia cách mạng từ trước tổng khởi nghĩa (1940), vẫn bị quy thành phần địa chủ, mất sạch cửa nhà, ruộng đất.

4. Bãi xử bắn các thành phần gọi là cường hào, ác bá, và địa chủ là khu ruộng trước nền Cầu Gạo Cũ. Nhà tôi ở xóm đầu làng, nên từ nhà đến đây khoảng 400m. Chính vì ở gần bãi xử, nên tiếng hò hét, hoặc tiếng chiêng tiếng trống ở đây cũng vọng được đến nhà tôi. Các bạn phải biết rằng: thôn quê ngày xưa yên tĩnh lắm. Bố tôi kể rằng: xưa, cụ nội tôi cứ buổi trưa, đứng ở Cầu Chảy Nước, gọi thợ cày ruộng tận bên Đống Ràm về ăn cơm. Ngoài thể chất cụ là người to khỏe, vấn đề ngoại cảnh là không gian yên tĩnh và cánh đồng đầy nước, nên âm thanh được truyền dẫn tốt hơn, tuy khoảng cách khá xa, tới trên một cây số (km).
.
Người chị lớn của tôi hay cõng thằng em, là tôi ra đây xem đấu tố. Thật buồn cho cái cảnh nhà quê, sao nghèo nàn và nhôm nhếch vậy, mặc dù làng tôi từ xưa vẫn được mệnh danh là làng trù phú nhất khu vực. Ấn tượng nhất là các bà nông dân lên đấu tố: mặt mũi lèm nhèm đã đành, cách trang phục, ăn mặc của họ sao nó lôi thôi, xộc xệch đến vậy. Hình như tính chất đanh đá nổi trội của họ đã làm mờ đi, làm thui đụi cái chất thông minh của một người bình thường. Ô ! Cứ như diễn kịch trên sân khấu ấy. Họ đập và siết hai bàn tay vào nhau rồi chĩa bàn tay vào mặt người bị tố. Họ dựng lên những chuyện thậm vô lý: năm bốn lăm (45), mầy lấy khoan (thợ mộc), mầy khoan đê, làm khúc đê (Đông Lao) bị vỡ, gây ngập nhà cửa ruộng đồng, làm nhà tao hỏng mấy mẫu lúa, ngập thối mất mấy quây thóc, để nhà tao đói khổ đói sở, con tao phải đi chăn trâu, cắt cỏ cho nhà mày. Cứ thế, cứ thế, những điều tố cáo tưởng như chỉ xảy ra ở thế giới bên kia liên tục được tuôn trào. Còn một điều lạ nữa là "ngài" chánh án và thẩm phán thì một chữ bẻ làm tư cũng không có. Ấy thế mà cũng xét xử được những "tội nhân" phải mang mức án cao nhất: tử hình.

Trước khi xử một người phải mang án tử, người ta đọc một bài diễn văn, nôm na: cường hào, ác bá đã gây nên bao cái chết của nhân dân, của bà con, họ hàng chúng ta đây. Hãy dành một phút mặc niệm, tưởng nhớ đến người đã chết. Thế là chiêng trống, tù và, rồi tiếng khóc than nổi lên ầm ĩ. Tiếp đến, tòa tuyên án kẻ phạm tội ác án tử hình. Rất nhanh, các dân quân, du kích lôi kẻ án tử, cột vào cột tre đã chôn sẵn, nhét giẻ đầy mồm. Chừng một tiểu đội bộ đội được chở trên camion đến từ lúc nào. Rồi, sầm sập đổ bộ xuống thực hiện công việc. Một điều kỳ lạ, nhưng ngẫu nhiên, người bị xử tử có một cuộc tiễn đưa, đám ma rất lớn, đầy đủ chiêng khua trống đánh, tù và rúc, rồi mấy làng người đến khóc tiễn biệt. Chẳng lẽ, đây là việc Trời làm để an ủi gia đình và hương hồn người oan khuất.

.
5. Người ta luôn xúi bẩy con cái của các nhà địa chủ đấu tố bố mẹ mình, nhất là với các người con nuôi. Thậm chí, trong các cuộc họp họ còn khuyến khích, vận động các người con nuôi này đứng lên đấu tố cha mẹ nuôi của mình. Thời đó, luôn có những tấm gương sáng cho mọi người học tập về lòng trung thành, biết ơn người đã cưu mang mình.

Anh Mùi là con nuôi ông cụ Lềnh Côi ở xóm Đồi, liên tục được vận động trong các cuộc họp. Nhưng, lẽ phải, lòng trung thành, biết ơn người đã nuôi dưỡng mình từ bé đã cho anh câu trả lời dứt khoát: Không ! Cháu không thể tố cha mẹ cháu, người đã nuôi dưỡng cháu.

Bà ngoại mình cũng vậy. Cũng nên nói qua để các bạn hiểu được hoàn cảnh bà ngoại của mình. Cụ Yến, thân sinh ra bà ngoại của mình, do làm ăn sa sút, đã định cầm, bán ngôi nhà đang ở để trả nợ. Giữa lúc đó, thì cụ Hai Tý, nhà giầu có, là đại gia của làng Đông Lao, mãi mới đẻ được người con trai, (sau này cũng là người con trai duy nhất của cụ). (Cụ bà Hai Tý là chị ruột bà nội của mình. Hai chị em là con của cụ đồ nho, dòng họ Nguyễn Thế). Cụ Hai đi xem bói, thầy bói phán: Phải nuôi một người con nuôi để tạo phước, thì người con trai của cụ mới sống. Thế là đến xin bà ngoại mình để nuôi, và hứa thanh lý hết nợ nần cho cụ Yến. Vì bà ngoại mình là con nuôi, nên đội cải cách cứ vận động ngoại của mình đứng lên tố cụ Hai Tý. Nhưng đội cải cách đã nhận được sự phản ứng rắn chắc như bức tường beton: Không ! Về phía cụ Hai Tý rất lo sợ bà ngoại mình tố. Bà ngoại mình đã sang Đông Lao động viên, an ủi cụ Hai: Mẹ yên tâm, con không bao giờ tố mẹ, mẹ lo sợ gì.



Sáng hôm nay, tiếng ồn ào từ Cầu Gạo Cũ vọng về. Đến dở buổi, một loạt tiếng súng vang lên. Mình nghe thấy liền bảo: Bà ơi, người ta lại bắn, bà ơi. Ngoại không nói gì, ngoại làm Dấu Thánh Giá rồi nguyện: Lạy Chúa, xin Ngài cất bớt sự dữ đi cho quê hương con. Rồi cũng từ lúc ấy, ngoại chẳng nói chuyện với mình nữa, lẳng lặng quét tước, dọn dẹp và thì thầm cầu nguyện. Nói thêm để các bạn rõ, từ khi cuộc cải cách tràn về, bà hay sang với chị em tôi, có khi ngày nào cũng sang và sang từ sớm.

Ở quê tôi, từ khi mọi người được chia quả thực, thì ngày nào cũng như ngày hội. Dân quân du kích thì khoác súng, vác gậy đi tuần tra. Thiếu niên tập đánh trống (đồng) cổ động, tập hô khẩu hiệu. Thanh niên nam nữ tập hát, tập múa. Những bài hát được nghe, đến nay vẫn nhớ: 

.
Đường ta, ta cứ đi.
Nhà ta, ta cứ xây.
Ruộng ta, ta cứ cày
Cày cả ngày

Hoặc bài múa ngựa: Đồ rê pha son, lá son, la sí,,,đồ rê...

Hoặc bài múa đũa: Sòn sòn sòn, la sòn la đố son, , , la sòn la đố sòn la sòn mi đồ...

Cả bài hát Liên Xô cũng về tới quê tôi: "Nắng trong bóng cây, , xuân sáng ngời,,, kìa cô em dãi nắng, reo vang tiếng cười..."

Với các ông các bà nông dân thì như "mùa xuân trên thiên đường". Ngược lại, đời sống của các gia đình địa chủ giống như: đang trên thiên đàng nay sống ở địa ngục. Ngày mai chủ nhật, đi lễ, hôm nay phải đến nhà gặp cán bộ xin phép:

Thưa ông (hoặc thưa bà), ngày mai chủ nhật, ông (hay bà) cho phép con được đi lễ ạ.

Cán bộ hỏi:

- Đi lễ ở đâu?

- Dạ, thưa ông, (hay bà) con xin phép được đi Hà Đông (hoặc Tình Lam, Quốc Oai) để dự lễ ạ.

Ngài cán bộ trả lời:

- Ơ.. ơ... ơ... ờ.
 

6. Một ngày cuối năm 1955, đã vào tiết đông. Trời nắng ấm, đàn chim sẻ lích rích đua nhau rúc mấy cây rơm to tướng bên hàng cau cao vút. Những con lợn trong chuồng đang réo ăn inh ỏi...

Bỗng tiếng trống đồng của đội thiếu niên hối hả xuất hiện ngoài ngõ. Tiếng hô khẩu hiệu náo loạn, hối hả: đả đảo địa chủ... Hồ Chủ Tịch muôn năm... Rồi tiếng ồn ào, loạn xạ. Rồi người mang đòn khiêng, quang gánh, thúng mủng kéo đến. Các bà vấn tóc thì cắm trên vành khăn chiếc lá cờ đỏ, đuôi nheo, bằng giấy, cỡ bằng bàn tay. Các ông thì cắm cờ vào vành khăn quấn đầu rìu hoặc tai chó. Cái đoàn người ồn ào, loạn xạ ấy kéo đến, đầy sân nhà tôi. Họ bắt bố tôi mở hết cửa nhà trên, nhà dưới, nhà ngang. Họ bắt mở cả cửa chuồng trâu, chuồng bò, chuồng lợn, chuồng gà, rồi bắt mở cửa nhà bếp. Ai mang quang thúng thì vào kho xúc thóc, ai mang đòn thì đến khiêng chum tương, chum muối, vại dưa, vại cà.... Cứ thế, cứ thế, họ hối hả gồng gánh, mang vác. Họ hì hụi tháo dỡ, rồi khiêng đi nào giường, tủ, bàn, ghế... Riêng đồ thờ, họ bắt bố tôi tháo dỡ, để trên chiếc chõng tre ở giữa sân. Tất cả những gì thuộc về đồ thờ họ bỏ lại, không lấy. Còn những gì không phải đồ thờ họ khuân đi hết, từ chiếc đèn dầu cho đến cái điếu bát, điếu ống để hút thuốc lào họ cũng chẳng tha. Thứ tôi có ấn tượng và tiếc nhất là cái chuồng nuôi chim bồ câu. Bố tôi bảo cái chuồng chim này do cụ thợ mộc người làng Xốm đóng cho, nó chi tiết, cầu kì và nghệ thuật lắm. Ồ ! Đúng là trẻ con. Bao nhiêu thứ đẹp, đáng giá thì chẳng tiếc, đi tiếc cái chuồng nuôi chim bồ câu.



7.
"Thài lài, rau rệu, ngắc ngo
Mẹ con nhà khó, ăn no lại nằm"

Câu ca dao này đã khắc sâu trong tôi, tưởng như không bao giờ phai mờ.

Khi "ông bà nông dân" đến lột sạch mọi thứ của nhà tôi, họ không bớt lại một thứ gì. Từ chổi cùn, rế rách, cho tới cái liềm cùn, con dao rỉ. Thóc lúa vét sạch, thậm chí dỡ cả chân quây ra để vét, rồi lấy luôn chân quây, cót, nẹp, dây thừng, tất tần tật. Con trâu, con bò, đàn lợn đang nuôi, họ lấy hết. Ngay đến đàn gà trong chuồng, họ đóng cửa chuồng lại để bắt, chẳng sót một con. Giường, tủ, bàn, ghế họ cũng khuân đi. Những tấm gỗ dâu đen nhánh, phẳng phiu, kê được kín vài gian nhà cho thợ cày, thợ cấy, người giúp việc nằm ngủ, họ cũng khuân đi hết. Tất tần tật mọi thứ trong nhà đều ra đi theo "ông bà nông dân".

Mãi đến chiều, khi không còn gì, mọi thứ "quả thực" đã được khuân đi, thì họ đóng tất cả các cửa của những ngôi nhà đang ở, rồi chỉ cái chuồng trâu, chuồng bò, phán: Đội (cải cách) cho chúng mày cái nhà này để ở. Bố mẹ tôi thu xếp ảnh tượng (Chúa) và các đồ thờ xuống "ngôi nhà mới", xắp xếp chỗ để Chúa ngự.

Mùa đông năm ấy rét lắm, nhưng tôi không cảm thấy rét. Sẵn những cây rơm to tướng, bố mẹ rút thật nhiều vào "nhà" rải ổ cho cả nhà nằm nghỉ. Trời phú cho cái tuổi con nít vô lo vô nghĩ. Cái "long sàng" mới này thật thú vị, nó êm, nó ấm hủm, sao mà sung sướng thế. Tạ ơn đảng và bác Hồ đã ban cho sự sung sướng này.

Tối nay không có gạo, nên treo niêu. Lần đầu tiên cái đói nó đến với tôi, sao nó chẳng thú vị chút nào. Nó làm tôi trằn trọc không ngủ được, chỉ chực khóc. Thế rồi cũng qua được một đêm cùng với cái đói làm sôi sục gan ruột.

Ngoại đã sang ở hẳn với gia đình tôi. Ngoại dắt chị gái lớn ngày ngày đi mót khoai cùng với ngoại. Mấy hôm đầu, chỉ được lưng rổ khoai giun (củ khoai chỉ bé bằng ngón tay). Ô ! Thế là đã hạnh phúc rồi, đã trị được cái đói trước mắt. Dần dần, được khoai to hơn, lại còn được nhiều hơn. Càng ngày, hai bà cháu mót được càng nhiều. Ăn không hết, phải thái lát, phơi khô để cất đi. Cũng lạ, sao lại mót được nhiều khoai thế. Thì ra, theo như ngoại tôi nói: các gia đình địa chủ đã trồng khoai trên ruộng của mình, nay ông bà nông dân được chia quả thực, không phải gieo trồng lại được gặt hái. Cái trò không gieo mà được gặt, thì việc "gặt" sẽ làm nhi nhăng, nhì nhằng, cẩu thả, cho xong việc. Và, địa chủ nhà ta lại có cái mà ăn, không bị chết đói. Lời cổ nhân nói đâu có sai: trời sinh voi, trời lại sinh cỏ. Thế là "dân riêng trong sa mạc" vẫn được Trời ban cho manna để sống.

Một hôm, mẹ tôi ở ngoài đồng về nói với tôi: Con ra xem này, Chúa cho manna, Chúa lại cho chim cút để dân Người được sống. Vừa nói, mẹ vừa chìa chiếc nón lá cho xem. Ủa ! Một mớ sâu vòi mầu nâu, to bằng ngón tay cái, bóng nhẫy, cứ cựa quậy. Vừa nhìn thấy, tôi đã sáng mắt, vì loại sâu vòi này, tôi đã được chén do anh Nhàn, người ở của gia đình, bắt và đun cho ăn nên biết vị ngon của nó.

Cái đói bây giờ không còn hoành hành tôi nữa. Nhưng thèm hạt cơm trắng lắm. Đến nỗi, mẹ đi lễ chủ nhật ở Hà Đông về, đã xuống chợ Đơ mua mấy bát cơm về làm quà cho chị em tôi. Mẹ kể, mẹ bảo người bán hàng cứ đơm cho chỗ cơm chóc, cơm cháy, cho rẻ để được nhiều. Khi mẹ chia cơm cho mấy chị em, tôi sướng quá, kêu lên: hôm nay mẹ cho con được ăn vã cơm.

Ngày tháng dần trôi theo rau khúc, rau khoai, khoai khô, bí đỏ. Nhưng tuyệt đối không trôi cùng cơm trắng nước trong. Cái ăn đã thiếu, chỗ ở cũng cực khổ, là môi trường phát sinh bệnh tật. Thế quái nào mà mấy chị em mắc bệnh, phải tiêm, đều bị apxe, đến khổ.

Trong một cuộc họp, cán bộ tuyên bố: ai biết làm nghề gì, thì cho làm. Thế là mấy nhà địa chủ như ngã đuối vớ được cọc, đều xin dệt vải gia công cho nhà nước. Và, địa chủ vẫn thích ruộng. Đầu tiên, bố mẹ tôi được cho cấy hai sào. Đây là loại ruộng ma che, quỷ hờn, đám ruộng này của Bà Chúa, ở vệ rặng xóm Đồi. Ai cũng sợ ruộng này, người ta tin, rằng ai cấy ruộng này sẽ bị Bà Chúa vật, không va vấp kiểu này, cũng bị bệnh tật kia. Nhưng bố mẹ tôi vẫn cấy, mà còn cấy hẳn lúa nếp nhá. Cái đám ruộng này, do ở vệ rặng tre, lá tre rụng xuống, nên đất quá tốt, gây ốp mất lúa. Bị đổ non, nên gặt xanh đem về làm gạo đồ. Thứ gạo đồ này đem thổi xôi, ăn ngon cực. 

.
8. Tết Bính Thân đã đến (1956). Quê tôi vui lắm. Ở đình làng lại mở hội, rước xuống Quán Trẩy. Theo truyền thuyết thì nơi đây, chính là lăng mộ vị thành hoàng của làng La Phù. Là hầu tướng quan lang(....) thời vua Hùng Vương thứ 17.

Tết đó, gia đình tôi ăn tết bằng rau rệu, lùng khúc và khoai khô. Cái món khoai khô này để trong chiếc áo quan "may sẵn" của bà nội. Thời ấy, làm gì có bao, túi nilon như bây giờ mà đựng. Do không kín khít, nên bị ẩm rồi mốc, rất khó ăn. Đặc biệt, tết đó có món đặc sản là ốc vặn và sâu vòi, mấy món này đột nhiên ngon như món của hotel 4 sao vậy. Quên, tí nữa là quên không nhắc đến món chân giò lợn luộc mà chú mèo mướp đã có công khuân ở đâu về, góp cho bữa tiệc ngày tết thêm phong phú

Nhà tôi được cấy bốn sào (bắc bộ) bên cánh đồng Rộc Rọ, nơi có truyền thuyết đánh thắng con hổ lớn đầu đàn của tráng sỹ người làng La Cả. Từ nhà sang đến cánh ruộng này xa quãng hai cây số rưỡi (2,500km). Cả đi cả về mất hơn một giờ đồng hồ. Trên đường đi còn phải qua một cây cầu bắc bằng ba cây tre, mà người Nam Bộ gọi là Cầu Khỉ. Con sông có cây cầu này gọi là Sông Đào, rộng chừng 100 mét, nối từ sông Nhuệ quãng thị xã Hà Đông, sang sông Đáy. Trên đường làm ruộng về, bố mẹ lại xuống quãng sông này, mò, bắt những chú ốc vặn ở những cây tre cắm làm cột cho cây cầu này. Nhờ vậy mà "nguồn đạm" cung cấp cho gia đình không bị thiếu.

Đám ruộng hai sào Bà Chúa ở chân tre xóm Đồi, qua nhiều người cấy rồi lại bỏ chạy vì Bà Chúa vật cho liểng xiểng. Qua tay bố mẹ tôi cấy thì gia đình chẳng làm sao, vẫn bình yên, khỏe mạnh. Hay là, cái vía của bọn địa chủ nó mạnh, nó khỏe, nên Bà Chúa không vật nổi bọn nó. Vụ thứ hai, đã có kinh nghiệm, nên lúa tốt bời bời. Thế là cả nhà lại có cơm trắng nước trong để chén.

Năm 1954, bố tôi thu xếp tiền, vàng đã gửi đi, chuẩn bị cho cuộc di cư vào Nam. Bố đã xuống đến Hải Phòng, nhưng nghĩ đến hai bà mẹ (mẹ đẻ và mẹ vợ) rồi vợ, con, thế là lại quay về, không đi nữa. Chỉ đến lúc gần chết, bố mới nói cho con gái lớn biết, (tức người chị lớn, người hay cõng tôi đi xem các cuộc đấu tố). Bố bảo: Lúc đầu định đưa mẹ và các con đi. Nhưng bác Thủ Ba cũng muốn đi cùng. Rồi còn bà nội, bà ngoại của các con nữa, chẳng lẽ để hai bà mẹ ở lại. Mà đi tất cả thì bè này lớn quá, bố không kham nổi. Thế là bố đành ở lại, bỏ cả tiền, vàng đã gửi. Về chuyện này, chưa bao giờ bố nói cho ai hay, ai biết

Rồi một ngày, có một ông tác phong như cán bộ, mặc áo xanh công nhân, đeo xà cột, đội mũ lie rộng vành, đi xe đạp đến. Ông cán bộ dừng ở sân dưới, đứng đấy quan sát khắp khu nhà và gia đình một lúc lâu. Rồi tiến đến phía chúng tôi nói: Bình an của Chúa luôn ở cùng gia đình. Đến lúc đó, mọi người mới nhận ra: Ô ! Cha Bàng. Cha xứ cũ của chúng tôi. Trước cải cách, cha coi xứ Đông Lao. Sau cha chuyển xuống Hà Nam coi xứ Phủ Lý. Hôm nay đến xem gia đình có bình an không, ai mất ai còn. Vì qua đợt "sóng gió" vừa rồi, nhiều người không chịu đựng nổi, đã quyên sinh. Là linh mục phụ trách cũ, cha sợ bố mẹ tôi không giữ được luật Chúa, cũng quyên sinh chăng. Thấy mọi người còn đầy đủ, cha mỉm cười, gật đầu chào mọi người rồi quay xe đi.


9. Trời mới tờ mờ sáng, hai bà cháu đã dậy chuẩn bị đi chợ Hà Đông. Chợ này tên cũ là chợ Đơ, chợ này khá to và đầy đủ các mặt hàng cho người dân trong vùng mua sắm. Từ đồ gốm, sành sứ, đến sản vật của trên rừng, dưới biển cũng có, rồi sản vật của nhà nông: lúa, ngô, khoai, sắn, rau, dưa, củ, quả.... các loài gia súc, gia cầm...đều có để mua bán. Từ nhà xuống đến chợ Đơ chừng sáu cây số, cuốc bộ nhanh cũng hết tiếng rưỡi đồng hồ mới tới nơi. Chả thế mà hai bà cháu phải đi sớm lắm, để còn có thời gian cho vòng về. Vì bố và mẹ đều bị quản chế, không được ra khỏi địa phương, nên hôm nay ngoại đưa chị xuống chợ Hà Đông để đong gạo cho biết đường đi, và còn để biết cách thức đong gạo như thế nào ? Nghĩ mà thấy tội nghiệp cho một đứa trẻ, mới mươi tuổi đầu đã phải vượt bộ quãng đường xa tới sáu cây số, trên vai còn gánh thêm mươi cân gạo. Thế mà không nghe thấy một lời oán trách, hay lời kêu ca về sự khổ ải mà chị gánh chịu. Chị cứ âm thầm hy sinh, chịu đựng gian khổ vì bố, vì mẹ, rồi vì các em nữa. Càng nghĩ càng thấy: Người chị của mình thật vĩ đại. Ấy thế mà vừa vài tháng trước thôi, tôi đã phá của chị một hộp sáp nẻ mà chị rất yêu quý. Nghĩ lại thấy ân hận quá

Mùa hè năm ấy (1955), có ngôi sao chổi to và sáng lắm, xuất hiện ở hướng chính Tây trong nhiều ngày. Chiều chiều, khi hoàng hôn buông xuống, ánh sáng ban ngày đã dịu bớt, cứ nhìn về hướng Tây, quãng lưng trời, là thấy ngay ngôi sao chổi này. Chiều nào, chị em tôi với mọi người lại ra Mả Dai, nhìn lên nóc nhà cụ Tú là đã thấy. Ngôi sao này sáng lắm, có cái "chổi" dài cỡ một cánh tay người lớn, chĩa chổi trở xuống, đi nhoàng nhoàng như ma đuổi xuống chân trời, rồi lặn mất, để chiều muộn hôm sau lại xuất hiện phía trên của nóc nhà cụ Tú. Các cụ già bảo nhau: Điềm xấu đấy ! Lại loạn mất thôi ! Lại có đánh nhau đấy!... Các cụ bảo cho nhau biết: tinh những điều xấu sẽ đến.

Bố tôi lấy khung cửi dệt lụa ngày trước dựng lại bên nhà bà ngoại. Từ khi công việc cửi canh đi vào hoạt động, mẹ tôi say mê quá sức. Hôm nào cũng sang ngoại làm, từ sáng sớm tới lúc gà gáy nửa đêm mới đứng dậy để đi về. Chị em tôi thương mẹ lắm. Mới tối được một lúc, chị em đã dóng đèn để sang ngoại đón mẹ. Tối nào cũng vậy, chơi chán rồi lăn ra ngủ. Có lẽ, phải được một giấc dài, mẹ mới tới đánh thức mấy chị em dậy để đi về.

Một đêm, có lẽ trời đã sang tiết hạ, trên đường đón mẹ về, tới giếng Bạch, bỗng trời đất sáng rực. Nhìn về hướng Tây, một "con hỏa" (sao băng) cỡ bằng vốc tay người lớn, sáng rực, lúc đầu đỏ như hòn than, sau tím dần tím dần, đến tím ngắt rồi tắt. Nó tạo thành một dải băng, rộng đến gang tay, dài tới vài sải tay, ở phần đầu có mầu đỏ như than cháy, phần chót mầu tím ngắt. Nằm gần như ngang với chân trời, được một lúc mới tắt hẳn. Hiện tượng thiên văn thật lắm kỳ lạ.


(Còn nữa).

2 nhận xét :

  1. Kẻ nào đã mang đau thương đến quê hương tôi?
    Đến đời cháu nội tôi bây giờ là 4 đời bị lừa phỉnh, nhồi sọ và chúng nó vẫn chưa bị quả báo.
    Con cháu của bọn cướp của, giết người ngày xưa thì nay vẫn tiếp tục cướp của, giết người có điều chúng tinh vi hơn.
    Chúng là ai?
    Không khó để nhận ra vì mồ mả, lăng tẩm, lâu đài của chúng và con cháu chúng rất to.
    Không khó để nhận ra những ông bà nông dân, công nhân vẫn nghèo, đói và ngu dốt...

    Trả lờiXóa
  2. Câu chuyện thật này ly kỳ hơn ngàn lần chuyện tưởng tượng, vì sức tưởng tượng của con người thì có giới hạn còn sự ác độc thì vô tận, chắc vậy. Tác giả đã viết hay nhưng trí nhớ của ông còn hay hơn, làm sao một đứa trẻ nhỏ 5, 7 tuổi mà nhớ được như vậy, chắc là hoàn cảnh hãi hùng mà đứa nhỏ trải qua làm sao mà quên. Tội nghiệp dân tộc Việt Nam, thật xót xa.

    Trả lờiXóa