Bìa cuốn sách “Việt Nam thế kỷ thứ X – Những mảnh vỡ lịch sử”
Phạm Trung Đà:
MƯỜI BÀI PHẢN BIỆN CUỐN SÁCH
“VIỆT NAM THẾ KỶ X – NHỮNG MẢNH VỠ LỊCH SỬ”
CỦA TIẾN SĨ TRẦN TRỌNG DƯƠNG
Sách do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm ấn hành năm 2019.
“VIỆT NAM THẾ KỶ X – NHỮNG MẢNH VỠ LỊCH SỬ”
CỦA TIẾN SĨ TRẦN TRỌNG DƯƠNG
Sách do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm ấn hành năm 2019.
Bài 1: THẤY GÌ TỪ 1 CUỐN SÁCH SỬ ĐÃ NHẮC ĐẾN WIKIPEDIA:
“VIỆT NAM THẾ KỶ X – NHỮNG MẢNH VỠ LỊCH SỬ”?
Lịch sử Việt Nam thế kỷ 10 vốn thiếu rất nhiều sử liệu và nhiều vấn đề vẫn là câu đố cho giới nghiên cứu nói riêng cũng như những người muốn tìm hiểu nói chung. Cũng chính vì thiếu thông tin, thiếu tài liệu, việc “giải mã” các sự kiện, các nhân vật, mối quan hệ của họ với các nhân vật khác cũng như tuổi tác… giai đoạn này đã trở thành chủ đề rất thú vị. Từ nhiều năm qua, mới có một tác giả dám “động chạm” vào khu vực mà không nhiều người muốn xông vào. “Việt Nam thế kỷ X – những mảnh vỡ lịch sử” của TS. Trần Trọng Dương do NXB Đại học Sư phạm xuất bản năm 2019 là một cuốn sách như vậy.
Điều đáng nói là, trong cuốn sách có 2 lần tác giả nhắc tới wikipedia. Chắc chắn quá trình tìm kiếm thông tin, tài liệu, tác giả đã tiếp cận với wikipedia và có dùng tài liệu của wikipedia tại 1 trong số các bài viết.
1. Điểm mạnh.
Cuốn sách không đi xuyên suốt toàn bộ chặng đường lịch sử, vào “hang cùng ngõ hẻm” mọi vấn đề của “giai đoạn phục quốc” này, mà tập trung vào một số vấn đề khá “nóng” theo chủ đề, với từng bài viết độc lập, ít nhiều có liên hệ với nhau. Tựu chung cuốn sách đã làm được một số công việc quan trọng:
1.1. Hệ thống hóa, thống kê các công trình đã nghiên cứu về giai đoạn này, kể cả một số công trình nghệ thuật hay truyện tranh. Công việc này không khác gì luận án tiến sĩ, kê cứu về những công trình đã có trong và ngoài nước để đối chiếu và rút ra luận điểm của mình
1.2. Dẫn chiếu, bổ sung sử liệu thời Đường và thời Tống để củng cố cho luận điểm. Phương pháp này khá mạnh và hiệu quả, nhất là với vấn đề vị trí Đường Lâm
1.3. Đính chính được một số quan niệm “truyền thống” chưa chính xác, kể cả quan niệm do một số chuyên gia “gạo cội” đầu ngành.
1.4 Quan tâm đến tuổi của các nhân vật. Điểm này khi nghiên cứu các nhân vật lịch sử thế kỷ 10 tôi cũng rất để ý. Không nhiều người trong giới nghiên cứu để tâm đến điều này. Đặc biệt với lịch sử thế kỷ 10, việc quan tâm tìm hiểu tuổi của các nhân vật là 1 phần không thể thiếu để suy luận ra các vấn đề liên quan. Dù có điểm thống nhất và không thống nhất với tác giả, nhưng tôi nhất trí rằng đây là 1 nội dung không thể thiếu khi nghiên cứu về giai đoạn này, gắn chặt với những vấn đề khác.
Về phương pháp, sách có chú dẫn khá đầy đủ và chi tiết về tài liệu sử dụng, thể hiện sự nghiêm túc của tác giả. Là chuyên gia Hán Nôm, tác giả có những kiến giải sâu về văn tự rất xác đáng liên quan đến vị trí Đường Lâm và quốc hiệu Đại Cồ Việt.
2. “Dấu ấn” wikipedia trong cuốn sách:
2.1. Trang 110, bản đồ các lực lượng cát cứ (nhiều hơn 12 sứ quân) được tác giả lấy nguồn từ wikipedia. Bản đồ này có thêm lực lượng nổi dậy ở 2 thôn Đường, Nguyễn từng làm đau đầu cả Dương Tam Kha lẫn Ngô Xương Văn.
2.2. Trang 138. Về nhân vật Ngô Nhật Khánh. Tác giả dẫn quan điểm của wikipedia về nhân vật này và cho rằng tuy không dùng làm sử liệu được nhưng thông tin từ wikipedia có tính tham khảo thú vị.
3. Hạn chế
3.1. Những “hạt sạn”
Phải nói rằng những hạt sạn này là đáng tiếc, vì nó còn sót lại, có lẽ do nguyên nhân của sự rà soát chưa hết chứ không phải do kiến thức của tác giả
a. Trang 142. Tác giả dựa vào thần tích “Độc nhĩ đại vương” cho biết Đỗ Cảnh Thạc sinh năm 928 (tr 141). Tuy nhiên ở thời điểm năm 945, nhân vật này chỉ 17 tuổi lại được tác giả ghi thành 20 tuổi. Cũng trang 142, năm 950 tác giả xác định nhân vật này 22 tuổi; sang năm 951 vẫn 22 tuổi dù chính xác theo thần phả thì phải là 23 tuổi (đầu trang)
b. Trang 163. “Kinh đô Cổ Loa” thời Đinh. Tác giả chép việc Phạm Cự Lượng mang quân vào “kinh đô Cổ Loa” giúp Lê Hoàn lên ngôi hoàng đế. Ở đây rác giả nhầm lẫn, chính xác kinh đô nhà Đinh là Hoa Lư (cuối trang).
c. Trang 297, 299. Dẫn lại từ tài liệu của Song Cối Hoàng Thúc Trâm: “(thời điểm Lê Hoàn được nhường ngôi) Quân Tống sắp kéo sang, nước Đại Cồ Việt có nguy cơ rơi vào tay Triệu Khuông Dẫn (tên của vua Tống)”. Chỗ này nguyên bản của Hoàng Thúc Trâm viết, và ông Hoàng có lầm lẫn. Vua Tống lúc đó (năm 980) là Triệu Quang Nghĩa/Triệu Khuông Nghĩa, chứ không còn là Triệu Khuông Dẫn vì Dẫn đã chết năm 976. Chỗ này dù trích dẫn lại, tác giả vẫn có thể “đính chính” thay Hoàng Thúc Trâm (giữa trang).
3.2 Về những “luận điểm” mới và cũ
Khoan nói về từng luận điểm cụ thể vì nó nhiều và dài. Điểm sơ sơ trong cuốn sách, có tất cả gần 10 vấn đề. Có những vấn đề tác giả đã thành công trong việc “lật đổ” quan điểm, luận điểm cũ của giới chuyên môn lớp trước. Còn một vài vấn đề khác, một số hoàn toàn mới do tác giả phát hiện hoặc không mới mà do một số tác giả khác từng nêu trước đây, có vẻ chưa thỏa đáng. Những bài tiếp theo sẽ nói sâu hơn về các vấn đề này.
Phạm Trung Đà
Bài 2: Loạn 12 sứ quân
Bài 3: Hình tượng Đinh Tiên Hoàng
Bài 5: Cái chết của Đinh Tiên Hoàng
Bài 6: Chuyện gia đình Ngô Nhật Khánh - có phải là "bẻ nguồn" hay "vặn nguồn" theo cách nói của Wikipedia?
Bài 10: "Xác định thời điểm kết thúc ngàn năm Bắc thuộc" - Một bài viết được biên tập kiểu Wikipedia.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét