Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2019

Mai Thanh Sơn: CHÚNG TA HIỂU GÌ VỀ TRUNG QUỐC?


CHÚNG TA HIỂU GÌ VỀ TRUNG QUỐC?

 Mai Thanh Sơn

Đó là câu hỏi không dễ trả lời. Người biết chữ Hán và Trung văn ở Việt Nam thì nhiều. Nhưng người thực sự hiểu về Trung Quốc có bao nhiêu? Ngay cả những người từng viết sách và hàng chục bài nghiên cứu về Trung Quốc, liệu có dám tự khẳng định là đã hiểu sâu sắc về Trung Quốc? Nếu đặt câu hỏi như vậy, tôi chắc không ai dám tự nhận về mình.

Tinh thần dân tộc/quốc gia Việt Nam là vốn quý. Nhưng nếu đẩy cái tinh thần đó lên mức cực đoan sẽ như thế nào nhỉ? Bài học "dân tộc thượng đẳng" của người Đức hay "những đứa con thần mặt trời" của người Nhật và sự nảy nòi chủ nghĩa phát xít còn nguyên giá trị. Những năm gần đây, Tập Cận Bình và giới cầm quyền Bắc Kinh dường như đang đi vào vết xe đó. Nhưng để hiểu được những toan tính của họ thật không dễ. Mỹ lơ là Trung Quốc vài chục năm, bây giờ đang phải trả giá bằng cuộc thương chiến vô tiền khoáng hậu. Việt Nam hồ hởi bắt tay gật gật/hảo hảo "đồng chí 4 tốt, 16 chữ vàng", bây giờ thử ngoảnh lại xem sao?

Bạn cũng như tôi, có thể căm ghét bọn cầm quyền có tư tưởng bành trướng ở Trung Nam Hải. Nhưng không thể không kính trọng nhân dân Trung Quốc và nghiêng mình trước di sản văn hóa khổng lồ kéo dài suốt 5000 năm của họ. Đó là một dân tộc/quốc gia kỳ lạ. Tổ tiên họ từng run sợ trước Tây Hạ, Khiết Đan. Vua tôi Tống triều khuất phục trước vó ngựa Mông Thát. Minh triều bị đạo quân Bát Kỳ của người Mãn đánh cho tan tác. Rồi mới đầu thế kỷ XX đây thôi, người Nhật đã dán cho Trung Quốc nhãn "Đông Á bệnh phu". Nhưng cứ sau mỗi đận như vậy, Trung Quốc lại trỗi dậy, nguây nguẩy sống và thôn tính luôn cái thằng đã từng xâm lược mình. Tây Hạ, Khiết Đan, Mông Thát, Mãn Thanh lần lượt bị xóa xổ. Con dân của các quốc gia đó cứ lần lượt gia nhập vào cái cộng đồng có tên là "Hán tộc".

Mà cũng chưa thấy có nhà nghiên cứu từ Đông sang Tây nào thử lý giải vì sao tên quốc tế của cái quốc gia tham lam này bắt đầu từ chữ Tần/Chin (China)*, nhưng tên của tộc người đông dân nhất thế giới, là chủ thể chính của quốc gia đó lại là "Hán". Và tư tưởng "đại Hán" là cái gì?

Lịch sử Trung Quốc có nhiều thăng trầm, thắng/thua nhưng nhìn tổng thể đó là tiến trình bành trướng. Điều đó đúng. Nhưng lịch sử văn hóa Trung Hoa là một tiến trình TÍCH HỢP/CHIA SẺ/và LAN TỎA. Sự bành trướng của Trung Quốc luôn có sự kết hợp giữa sức mạnh quân sự, kinh tế với sức mạnh văn hóa. Và đây mới là điều đáng sợ/và cũng đáng nể nhất, tạo nên sức sống của dân tộc/quốc gia này. Họ có thể thua trên bàn cờ quân sự, nhưng cuối cùng vẫn thắng trên tổng thể và đồng hóa những người từng thắng trận. Đó là bài học mà người Việt không được phép lơ là.

Từ 2500 năm trước, người Trung Quốc đã lấy "Bát mục" (cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ) làm phương châm giáo dục. Điều đó có thể đùa được sao?

"Hán" vốn dĩ không phải là tên 1 tộc người. Nguyên ủy, đó là tên 1 dòng sông, chi lưu của Trường Giang, sau được lấy làm tên của 1 vương triều/một quốc gia có thời gian thịnh trị kéo dài mấy trăm năm. Rồi nó trở thành 1 ngọn cờ, tập hợp dân chúng của tất cả các bộ lạc, liên minh bộ lạc, các tiểu quốc bị thôn tính/hoặc ảnh hưởng (Bách Việt, Bách Bộc, Tây Hạ, Khiết Đan, Mông Cổ, Mãn Thanh...). Và "Hán" trở thành 1 siêu tộc vĩ đại, không thuần huyết nhưng chia sẻ được với nhau những giá trị văn hóa chung. Sau 2000 năm, nó trở thành 1 truyền thống/một sức mạnh. Đó là bài học cần được tìm hiểu kỹ lưỡng.

Nửa thế kỷ trước, những người Trung Quốc xa xứ vẫn giữ quan niệm "lạc diệp quy căn" (lá rụng về cội). Rồi họ dịch chuyển dần sang "lạc diệp duy căn" (lá rơi xuống gốc) và cuối cùng, ngày nay đã là "lạc diệp vi căn" (nơi nào lá rơi, nơi đó là gốc). Nghĩa là, nơi nào họ từng sống và chết, nơi đó sẽ là đất gốc của họ. Điều đó có thể lơ là được chăng, khi mà trên đất này đâu đâu cũng thấy người Trung Quốc mua đất làm nhà, lấy vợ sinh con?

Người Trung Quốc đang vận động với tốc độ kinh hãi. Còn chúng ta cứ lẹt đẹt chạy theo. Rồi bây giờ không ít người chỉ trông mong vào sự thất bại của Trung Quốc trong thương chiến với Mỹ. Có gì đó không ổn trong cách nghĩ của chúng ta thì phải?

Đón đọc thớt sau: "Thục nhân" và "Sinh nhân"

*Riêng người Nga gọi Trung Quốc là "Kitai". Trước đây, GS Trần Quốc Vượng phán đoán, chữ "Kitai" có lẽ bắt nguồn từ chữ "Khiết Đan" mà ra.

Ảnh: "Thượng Cam Lĩnh" đã không còn là mô hình chiến trận của quân đội Trung Quốc nữa.

5 nhận xét :

  1. Thưa anh Mai Thanh Sơn, tôi rất tâm đắc với bài viết của anh. Nhưng để đạt được thì cần khuyến khích bạn đọc nên nghe bài nói chuyện của tướng Trương Giang Long. Khổ thay các nhận đinh gia, các hướng dẫn gia, các báo chí gia...không rõ trên đầu chúng ta đang có vấn đề. Vấn đề đó được rò rỉ băng tướng Long nói chuyện với học viên của mình./.

    Trả lờiXóa
  2. Những vị có trách nhiệm với vận mệnh của quốc gia , dân tộc nên lấy bài này làm " bài học sâu sắc " .

    Trả lờiXóa
  3. Bài viết hay quá ! Xin trân trọng cảm ơn tác giả MAI THANH SƠN và Tễu Blog !

    Trả lờiXóa
  4. Tôi thì hiểu là 4000 năm nay chưa bao giờ có tình hữu nghị Việt Trung đúng nghĩa cả . Người lao động chân lấm tay bùn có thể không hiểu điều này , nhưng những nhà chính trị mà còn mơ hồ về điều này thì chỉ có giải nghệ thôi .

    Trả lờiXóa
  5. Hoan hô Mai Thanh Sơn. Tôi đồng ý với anh.

    Trả lờiXóa