Thứ Năm, 27 tháng 6, 2019

Lại Nguyên ÂN: VĨNH BIỆT BẬC ĐÀN ANH PHẠM TOÀN



Vĩnh biệt bậc đàn anh Phạm Toàn

Lại Nguyên Ân
26-6-2019

Quả thật tôi không còn nhớ đã quen anh từ hồi nào, gặp anh lần đầu ở đâu! Có lẽ từ giữa những năm 1980s – 1990s.

Tại nhà anh Dương Tường, hoặc tại thư viện Trung tâm Đông Tây nơi phố mới Trần Quý Kiên tọa lạc trên làng cốm khi xưa vừa xóa sổ!

Vốn đã biết bút danh Châu Diên của anh từ “Con nhện vàng”, rồi các bài ký hay truyện ký Châu Diên trên Văn nghệ cùng thời Chu Văn, Vũ Thị Thường những năm 1960s, cho nên những năm 1990 gặp anh lại như thấy một người khác, một nhà giáo dục có tư tưởng độc lập, mặc dù vẫn còn đó một nhà văn của “Người sông mê”…


Gần Phạm Toàn /Châu Diên/, gặp và đọc Bùi Ngọc Tấn, Vũ Thư Hiên, Nguyễn Xuân Khánh, tôi nhận ra một bộ phận thuộc thế hệ nhà văn tưởng đã tắt lụi đi sau Nhân văn-Giai phẩm, sau thanh trừng NQ 9, “xét lại hiện đại”, v.v…, hóa ra vẫn còn những kẻ sống sót này, sống sót và làm lại khuôn mặt thế hệ. Chỉ với dăm ba tác giả này thôi, thế hệ nhà văn miền Bắc ấy (thế hệ 3X) vẫn tỏ rõ tâm hồn và tài năng đàn anh so với thế hệ tiếp sau (thế hệ 4X)!

Với riêng Phạm Toàn, tôi được chịu những ơn ích cụ thể, đồng thời lại ân hận vì không dám đảm nhận những việc anh muốn giao phó…

Ấy là những kẻ kịp học chữ Nga để biết chút ít về thế giới đương thời mình, nhưng lại không kịp học chữ Pháp chữ Hán để xử lý các văn bản thuộc di sản lớp trước mình. Khi làm các cuốn sưu tập Vũ Trọng Phụng, Lưu Trọng Lư, gặp những đoạn câu chữ Pháp, tôi thường gởi email nhờ anh, phamtoanvidai, rồi phamtoankhiemton, luôn luôn, tôi được anh giúp rất nhanh chóng.

Khi khảo chuyện văn bản Số Đỏ, tôi cần có 2 truyện ngắn Guy de Maupassant để minh chứng cái “liên văn bản” mà Vũ Trọng Phụng viện đến, trong một chương kể quan hệ tay ba Xuân Tóc Đỏ, Bà Phó Đoan, Cô Tuyết con cụ cố Hồng. Chỉ cần tôi tìm được văn bản chữ Pháp gởi cho anh, anh đưa lại bản dịch rất nhanh chóng.

Hồi 2017 đây, đang cùng các bạn Quảng Ngãi chuẩn bị kỷ niệm Nguyễn Vỹ, tôi có bản chụp “Tập thơ đầu” bằng chữ Pháp. Tôi lại nhờ anh, anh bảo các cậu bao giờ dùng đến, cho tớ một ít thời gian. Rồi anh cũng sớm gửi lại bản dịch, một bản dịch thơ mà khi đem hỏi ông Tiến Đặng bên Pháp, ông xem qua rồi nói OK.

Anh giúp cho như thế, nhưng những việc anh định giao thì tôi không dám làm, không dám nhận.

Anh rủ tham gia công việc Cánh Buồm? Tôi không dám, vì biết mình không có chuyên môn tương ứng, không thể làm được. Tôi lại cũng có một lô những việc đã định ra trước rồi, nên không thể làm thêm việc…, nhất là những việc cần có chủ kiến từ trước để có thể theo đuổi lâu dài.

Tôi ân hận vì chẳng giúp anh được gì!

Vĩnh biệt anh.

Mong sự nghiệp Cánh Buồm anh đi đầu sẽ có các bạn trẻ tiếp nối.
____________

Mạc Văn Trang

ƯỚC GÌ!

Phạm Toàn là người đa tài, ông viết văn, làm thơ, chơi đàn piano, violon, đọc không biết bao nhiêu sách và có trí nhớ kỳ lạ. Đặc biệt ông quá giỏi tiếng Pháp, tiếng Anh. Ông không chỉ dịch sách Triết học, văn học, Tâm lý học, Giáo dục học... từ tiếng Anh, Pháp ra tiếng Việt mà còn dịch ngược thơ Việt ra tiếng Pháp, tiếng Anh. Ông không chỉ đọc, dịch mà nghe, nói đến trình độ bình Thơ và kẻ chuyện Tiếu lâm bằng tiếng Anh, tiếng Pháp, tán chuyện trêu chọc với các bạn bè Anh, Pháp... Tiếng Trung chắc ông cũng khá, nhưng tôi chưa thấy thể hiện bao giờ.

Nhưng tất cả tài năng, tâm sức của ông dồn hết vào bộ Sách giáo khoa Văn và Tiếng Việt Cánh Buồm cho học sinh lớp 1 đến hết phổ thông.

Tôi thường nói, sách Cánh Buồm 3 trong Một: vừa là sách hướng dẫn giáo viện, sách cho học sinh tự học, vừa là sách hướng dẫn bài tập cho học sinh. Phạm Toàn làm được như vậy vì trong ông tích hợp năng lực của “ba nhà”: Nhà văn + Nhà giáo + Nhà nghiên cứu Tâm lý học, Giáo dục học, mặc dù ông chả có bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ gì cả.

Từ khi ông lâm bệnh, mỗi lần đến thăm ông, thấy ông buồn, tôi lại trêu cho ông vui. Có lần bảo, anh có biết tôi ước gì không? Ước gì bọn IT nó nghiên cứu ra cách cắm cái USB vào não anh, rồi Send to một phát vào đó, xong rồi Save vào não tôi... Ông cười, ờ nhỉ, hay đấy nhỉ... Đó là câu nói đùa, nhưng là niềm ước ao, tiếc nuối vô hạn thật sự. Ôi giá mà được như thế, anh Toàn ơi!

26/6/2019
(Mạc Van Trang)



Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét