Thứ Năm, 27 tháng 6, 2019

Lê Minh Hà: PHẠM TOÀN LÀM CHO TA THÊM HẠNH PHÚC


Lê Minh Hà

Tên ông luôn xuất hiện trong mục tên người có thể kết bạn ở FB của tôi, nhưng tôi chưa bao giờ xin kết bạn với ông.

Địa chỉ e-mail của ông luôn xuất hiện trong nhiều e-mail gửi chung tôi thường nhận được. Nhưng tôi chưa bao giờ chủ động thự từ với ông.

Ông là Phạm Toàn - Người vừa về trời.

Chẳng có gì là bất ngờ khi người về đã vượt xa ngưỡng độ tuổi xưa nay hiếm, nhất là khi người còn bệnh trọng nữa. Tôi là người ốm đau một đời, chưa bao giờ thích tương lai sống dài chỉ để phấn đấu cho từng hơi thở. Nghĩ mình đi nhanh thì cũng chả làm khổ ai vì nỗi tưởng tiếc gì đâu. Nhưng có những người thì riêng việc họ còn có mặt ở thế gian này đã là may mắn với nhiều người khác. Cuộc đời hình như đáng sống hơn vì có họ, nhất là khi người ta đã ngộ được ra hạnh phúc rất giản đơn: hạnh phúc là được biết. Có thể vì thế chăng mà những người đồng hành cùng ông trong lẽ sống đã nhất thiết phải gặp ông những ngày cuối cuộc đời ông.
Phạm Toàn là người làm cho ta thêm hạnh phúc, vì nhờ ông mà biết nhiều hơn.

Nhưng tôi chưa từng có giao tình với ông. Chẳng thể bảo rằng thiếu duyên, mà vì mình thiếu một điều gì đó để níu lấy chữ duyên đó cho những kì ngộ tiếp.

Mấy năm trước về vì Phố Vẫn Gió, nhà thơ Hoàng Hưng hẹn từ Tân Sơn Nhất là gặp nhau ở phố Quang Trung, chỗ đỗ xe bus từ Nội Bài về. Trò chuyện chán chê, anh Hoàng Hưng rủ tối đó đến chơi với Phạm Toàn. Tôi biết về Cánh Buồm của Phạm Toàn và những người đồng điệu qua anh Hoàng Hưng cũng nhiều rồi, và còn biết nhiều hơn về ông nữa. Nhưng mà tối đó tôi có một cái hẹn khó có với người bạn bác sĩ từng nhiều lần giữ tôi ở lại được mặt đất này, nên không thể đi cùng nhà thơ Hoàng Hưng.

Cũng vì Phố Vẫn Gió, có lần Cao Huy Thuần viết thư cho tôi, kèo thêm cả Phạm Toàn vào. Ông có rủ tôi cùng tham gia nhóm Cánh Buồm. Nhưng mà tôi chỉ gửi một icon mặt cười rồi im lặng.

Có những lúc mỗi người chỉ có thể ở trong thế giới riêng có khi hoàn toàn rỗng của mình, xoay xoả với những mong mỏi dự định của riêng mình, không sẵn sàng trước bất kể điều gì, bất kể ai. Tôi, lần đầu trao đổi thư từ với Phạm Toàn, ở đúng thời điểm ấy. Tôi đã từng như thế với một người khác: nhà thơ Lê Đạt, lặng im, không một lần thư từ chào hỏi như lẽ ra phải thế, ngay cả khi chúng tôi có tập Truyện Cổ Viết Lại in chung. Cảm giác các ông có lẽ hiểu thôi: khi chưa thể làm gì cùng nhau, tôi chỉ muốn làm một người đọc, làm kẻ hậu bối, không muốn họ mất thì giờ cho mình. Phạm Toàn như con thuyền luôn ra khơi, chẳng làm được điều gì cùng ông, tôi có khác gì vảy hà bám đáy thuyền, vô nghĩa.

Có điều, may mắn, trong cái lần trao đi đổi lại e -mail với Phạm Toàn, nhờ /vì Cao Huy Thuần, tôi đã nói được với ông: Ông – Phạm Toàn – Châu Diên là một trong những người thầy đầu tiên của tôi, lúc tôi lên bốn tuổi, còn chưa đi học.

„… rốt cục hai cuốn sách giáo khoa Bình dân học vụ bìa màu vàng đất cất trên bàn thờ là hai cuốn sách tôi đọc rất kĩ, nhuận không biết bao nhiêu lần. Những trang sách đó dạy dỗ tôi đủ thứ, từ Cách mạng tới tình yêu, từ văn xuôi kiểu có gì kể nấy đến thơ nhất định phải có vần, từ đọc thành tiếng cho tới đọc bằng mắt. Đến bây giờ tôi còn nhớ tên một nhà văn có bài được lấy in trong sách là ông Châu Diên, sau này là một nhà giáo hết sức đặc biệt trong nền giáo dục nước nhà – nhà giáo dục, nhà văn, dịch giả Phạm Toàn, người không coi việc dạy học chỉ là truyền thụ kiến thức và kinh nghiệm riêng lẻ cho học sinh tùy theo cấp học, người cùng bạn hữu đồng nghiệp cố công đưa một cách nhìn mới về học trò vào nền giáo dục phát triển kiểu múa sạp tiến lùi tiến vỗ tay lùi tiến lùi của Việt Nam hiện tại để từ đó tìm ra cách dạy mới. Không có cái gì là nhất, kể cả sự đúng, chỉ có sự hơn và chưa, vì thế mà tôi cho rằng cách nhìn học trò như một cá thể người độc lập có khả năng tiếp thu công nghệ giáo dục của ông ấy mà đem áp dụng đại trà theo kiểu đừng cứng nhắc là rất nên cho học sinh, rất tiện cho người làm nghề giáo. Kể thế thì có thể nói rằng ông Châu Diên Phạm Toàn cũng là thầy dạy tôi từ xa, khi chưa thành trò và khi đã thành thầy, có điều ông ấy chưa bao giờ biết...“


(Trích THÁNG NGÀY Ê A)


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét