Thứ Năm, 6 tháng 6, 2019

BÀI HỌC XƯƠNG MÁU VỀ “TINH THẦN QUỐC TẾ VÔ SẢN”.

Lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia và bộ đội tình nguyện Việt Nam phối hợp 
tập luyện nâng cao kỹ thuật chiến đấu. Ảnh: TTXVN
 
Chu Mộng Long

BÀI HỌC XƯƠNG MÁU
VỀ “TINH THẦN QUỐC TẾ VÔ SẢN”.


Thời tôi đi học cấp ba và cầm súng ra chiến trường trong chiến tranh biên giới Tây – Nam, tôi được dạy về “tinh thần quốc tế vô sản”. Đó là tinh thần vô tư vì đồng giai cấp, đồng chí hướng, đồng lý tưởng. Các thầy giáo chứng minh sự giúp đỡ của các nước cộng sản anh em mà tiêu biểu là Liên Xô và Cu Ba dành cho chúng ta trong cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại.


Một lần tôi hỏi, còn Trung Quốc thì sao? Chính trị viên của tôi nói, sự thật Trung Quốc không là cộng sản, đúng hơn, nhà cầm quyền Bắc kinh đã phản bội lý tưởng cộng sản và trở thành cái quái thai chủ nghĩa cộng sản. Sự thật là toàn bộ vũ khí do Liên Xô giúp ta khi đi qua đường Trung Quốc đều bị Trung Quốc dán nhãn là của Trung Quốc. Đến vũ khí phổ biến là súng trường AK tưởng là của Trung Quốc nhưng cũng là do Liên Xô chế tạo. Khi chúng ta đứng về phía Liên Xô vạch trần thủ đoạn của Trung Quốc thì Trung Quốc căm thù mà xúi giục Khmer đỏ đánh phá sự nghiệp cách mạng của ta.

Chính trị viên đã nói vậy thì tin vậy.

Ngay cả Khmer đỏ là ai, những thằng lính chúng tôi cũng không biết được. Chỉ biết bọn này khát máu, do nhà cầm quyền Bắc Kinh nuôi để chống Việt Nam. Sau này đọc tài liệu mới biết Pol Pot là lãnh tụ cộng sản Khmer. Năm 1949, khi du học ở Paris, Pol Pot gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, năm 1953 trở về Campuchia và tham gia Việt Minh chống Pháp. Đảng Cộng sản Campuchia dưới sự lãnh đạo của Pol Pot từng là một phần máu thịt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Mãi đến cuối những năm 1960, sau khi bị chính quyền Lon Nol truy lùng, Pol Pot mới lãnh đạo một nhóm người nổi dậy chống chính quyền và được sự hậu thuẫn của Bắc Kinh. Lúc đó Đảng Cộng sản Việt Nam cũng có quan hệ thân thiết với Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Nói dài về lịch sử Khmer đỏ trong các mối quan hệ chằng chịt như vậy để thấy rằng, sự thật là không có một “tinh thần quốc tế vô sản” vô tư nào cả. Tất cả đều là lợi ích của một nhóm quyền lực. Có lợi thì liên minh, bất lợi thì đánh nhau như kẻ thù không đội trời chung. Mâu thuẫn Liên Xô – Trung Quốc kéo dài dẫn đến chiến tranh Xô – Trung những năm 1969, 1970. Từ đó, kéo theo chiến tranh Việt – Cam, rồi chiến tranh Việt – Trung vào năm 1979 đẫm máu.

Ngay cả trường hợp Fidel Castro đi theo Liên Xô chống Mỹ cũng chỉ vì sự tự ái cá nhân khi bị Tổng thống Mỹ sỉ nhục trong một cuộc ngoại giao mà tôi từng viết.

“Tinh thần quốc tế vô sản” là cái gì vậy? Đó chỉ là cái nhãn hay mặt nạ về ý thức hệ để khi cần thì tạo ra một liên minh chống Mỹ và chống phương Tây để giành và giữ chính quyền. Các cuộc xung đột và chiến tranh giữa các nước cộng sản trên kia chính là sự tự lột trần chiếc mặt nạ ấy. Tôi là người thiện cảm với lý tưởng cộng sản (vì lý tưởng này đã có từ thời cổ đại Hy Lạp với khát vọng thực hiện tự do, bình đẳng cho giới bình dân), nhưng không ngây thơ tin tưởng có “tinh thần quốc tế vô sản” nào cả. Kể cả “tinh thần dân tộc”, tức vì lợi ích của mỗi quốc gia mà các đảng cộng sản buộc phải đánh nhau, cũng không đáng tin. Chỉ vì lợi ích nhóm mà cả quốc gia, dân tộc đã lao vào cuộc nồi da xáo thịt. Với bài học lịch sử ấy, nhân loại cần cảnh giác cao độ với cái gọi là “ý thức hệ”, “tinh thần quốc tế”, kể cả những nhãn hiệu mới ra đời như “bốn tốt, mười sáu chữ vàng”.

Chu Mộng Long

1 nhận xét :

  1. Bài này Chu Mộng Long viết đúng và trúng. Không có đồng minh vĩnh viễn chẳng có kẻ thù mãi mãi. Chỉ có lợi ích của dân tộc là trường tồn.

    Trả lờiXóa