Thứ Năm, 11 tháng 4, 2019

QUỐC HỘI YẾU KÉM, VẪN CHƯA RA ĐƯỢC LUẬT BIỂU TÌNH


Luật Biểu tình 
vẫn đang trong quá trình nghiên cứu

Một Thế Giới
11/04/2019 13:17

Luật Biểu tình đã được lùi, hoãn nhiều lần và không ít đại biểu quốc hội coi đây như “món nợ” của Quốc hội đối với nhân dân. Theo Tờ trình dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 của Chính phủ, Luật Biểu tình vẫn đang trong quá trình nghiên cứu.

Theo Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 của Chính phủ, có 2 dự án luật bị rút; lùi thời hạn trình 2 dự án; bổ sung vào Chương trình 6 dự án, dự thảo. Sau khi điều chỉnh, số lượng các dự án thuộc Chương trình năm 2019 sẽ là 26 dự án, tăng 9 dự án so với Nghị quyết số 57/2018/QH14.

Đối với Luật Biểu tình, tờ trình của Chính phủ cho biết thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ, Bộ Công an đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu lý luận, cơ sở pháp lý và tổ chức khảo sát thực tế tại các đơn vị, địa phương để nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Biểu tình bảo đảm thực thi quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, “tránh các thế lực thù địch lợi dụng biểu tình để gây rối mất trật tự, chống phá Đảng, Nhà nước ta”.

Luật Biểu tình đã được lùi, hoãn nhiều lần và không ít đại biểu quốc hội coi đây như “món nợ” của Quốc hội đối với nhân dân. Nói như đại biểu quốc hội khóa 13 Lê Nam (Thanh Hóa) thì “Quốc hội khóa 13 sẽ rất vinh dự là Quốc hội trả nợ được nhân dân Luật Biểu tình, mà 12 khóa Quốc hội trước đây chưa có điều kiện thực hiện”. Tuy nhiên, cho đến Quốc hội khóa 14 thì luật này vẫn dở dang.

Nhìn lại, từ năm 2012, tại báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo gửi tới Quốc hội, Chính phủ nhận định, từ giữa tháng 2.2012, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân có phần gia tăng về số lượt người, số đoàn đông người và tính chất mức độ gay gắt hơn, thậm chí có người dùng vũ khí nóng để chống người thi hành công vụ.

Đồng thời báo cáo cho rằng “đáng lo ngại” là có một số vụ việc do xuất phát từ yếu kém, sai phạm của một số chính quyền địa phương nên đã tác động tiêu cực và làm giảm sút niềm tin của một bộ phận không nhỏ nhân dân, cán bộ đối với chính quyền.

Theo đó, Chính phủ xác định sẽ tập trung tổ chức thực hiện đồng bộ 7 giải pháp cho vấn đề này. Một trong số các giải pháp đó là “đề nghị Quốc hội sớm ban hành Luật Tiếp công dân, Luật Biểu tình để đưa công tác tiếp công dân vào nền nếp, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để đấu tranh, xử lý những trường hợp lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo, lợi dụng dân chủ gây mất an ninh, trật tự”.

Tuy vậy, tại Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013, dự án Luật Biểu tình chưa được đưa vào. Đến năm 2014, Luật Biểu tình đã được đưa vào Nghị quyết điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13, năm 2014 và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, thế nhưng sau đó Chính phủ đã xin lùi luật này đến kỳ họp của năm 2016.

Đến năm 2017, cho rằng Luật Biểu tình là luật phức tạp, cần có thêm thời gian nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất chưa đưa vào chương trình của Quốc hội năm tới. Và đến nay, Luật Biểu tình vẫn chưa được gọi tên trong chương trình của Quốc hội.

Như vậy, có thể đến cuối năm 2019 Luật Biểu tình vẫn chưa thể được ban hành, dù đề nghị cần thiết phải xây dựng luật này được Chính phủ đưa ra từ 8 năm trước, và việc đưa luật này vào chương trình cũng đã được Quốc hội, Bộ Chính trị quyết.

Trong một cuộc trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, luật sư Kiều Anh Vũ (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng quyền biểu tình là quyền cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp của mỗi quốc gia. Tại Việt Nam, qua các bản Hiến pháp khác nhau, quyền biểu tình đều được ghi nhận và hiện nay được quy định tại điều 25 Hiến pháp năm 2013.

Như vậy, ông Vũ cho rằng mặc dù quyền biểu tình là quyền Hiến định, quyền cơ bản của công dân nhưng công dân chỉ được thực hiện quyền này theo quy định của pháp luật, nghĩa là phải có Luật Biểu tình. Do đó, để Hiến pháp thực sự đi vào đời sống với đầy đủ ý nghĩa của nó, phải có Luật Biểu tình.

“Có thể nói Luật Biểu tình là một đạo luật “hướng dẫn thực hiện Hiến pháp” về quyền biểu tình. Sớm xây dựng và ban hành Luật Biểu tình chính là “trả nợ nhân dân”, ông Vũ nói.

Trong bối cảnh hiện nay, theo ông Vũ, việc ban hành Luật Biểu tình càng trở nên quan trọng. Ở góc độ nào đó, có thể thấy rằng đã có những cuộc biểu tình diễn ra trên thực tế với tên gọi, cách thức thực hiện khác nhau như các hoạt động tập thể phản đối hành vi sai trái của Trung Quốc đối với chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa; phản đối hành vi sai trái của Formosa...

Tuy nhiên, vì chưa có Luật Biểu tình nên những cuộc biểu tình như vậy chưa được thừa nhận chính thức và cũng không có cơ sở xác định tính hợp pháp hay bất hợp pháp của cuộc biểu tình.

"Vì chưa có Luật Biểu tình nên cơ quan có thẩm quyền cũng chưa quản lý được hoạt động biểu tình, việc biểu tình (nếu có) của người dân chỉ mang tính tự phát và dễ gây ra tình trạng mất an ninh trật tự, an toàn xã hội. Thậm chí quyền biểu tình còn bị lợi dụng để chuyển hóa cuộc biểu tình thành hoạt động gây rối, tuyên truyền, chống phá… Những bất cập đó là vì chưa có Luật Biểu tình để điều chỉnh, quản lý", luật sư Vũ nêu.

Do đó, luật sư Vũ cho rằng Luật Biểu tình ra đời không chỉ tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền Hiến định của mình mà còn phục vụ cho việc quản lý nhà nước, đấu tranh với các hành vi lợi dụng, lạm dụng quyền biểu tình để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Lam Thanh

1 nhận xét :

  1. Chưa có luật cũng không có nghĩa là CẤM ! Ngồi chơi không ăn lương chả ngán gì ai mà yếu kém cái gì ?

    Trả lờiXóa