Thứ Hai, 5 tháng 11, 2018

Trần Đình Thu: MỤC ĐÍCH CUỐI CÙNG CỦA MỸ LÀ GÌ?


Trần Đình Thu

AI NÓI MỸ CHỈ QUAN TÂM ĐẾN KINH TẾ TRUNG QUỐC MÀ KHÔNG QUAN TÂM ĐẾN CHÍNH TRỊ TRUNG QUỐC LÀ CHƯA HIỂU MỸ

Thật ra việc thay đổi chế độ chính trị hoặc thay đổi chính quyền của một quốc gia mới là đích nhắm của Mỹ khi tiến hành cuộc chiến với một quốc gia khác, còn kinh tế hay quân sự chỉ là phương tiện để Mỹ đạt đến mục đích đó mà thôi.

Bởi vì việc thay đổi chế độ chính trị hay chính quyền là sự thay đổi sâu sắc nhất, căn cơ nhất, kéo theo mọi sự thay đổi khác về sau.

Mà không chỉ Mỹ, từ xưa đến nay tất cả các quốc gia mạnh khi tấn công một quốc gia yếu hơn thì kết cục bao giờ cũng phải tạo ra một chính quyền mới thân thiết hay một hình mẫu tổ chức chính quyền tương tự với quốc gia mạnh đó chứ không bao giờ để tồn tại chính quyền cũ hay chế độ chính trị cũ trước đó.

Với Trung quốc cũng vậy. Giả sử Trung quốc không phải là một nước xã hội chủ nghĩa thì Mỹ cũng phải tìm cách thay đổi một chính quyền mới thân Mỹ hơn vào cuối cuộc chiến, còn hiện tại Trung quốc đang theo mô hình chính trị đối lập với Mỹ thì Mỹ sẽ nhắm đến việc thay đổi mô hình chính trị này sao cho gần giống với Mỹ nhất có thể chứ không bao giờ dừng lại ở vấn đề kinh tế hay thương mại. Vì nếu dừng lại như vậy, sẽ tiềm ẩn nguy cơ rất lớn cho việc Trung quốc tiếp tục gây hấn nước Mỹ về sau.

Hay nói cách khác, Mỹ sẽ muốn tạo ra một nước Trung quốc là đồng minh của Mỹ, có chế độ chính trị như Mỹ là chế độ dân chủ cộng hòa thay vì xã hội chủ nghĩa như hiện nay.

Chẳng hạn như Cu Ba hiện nay. Mỹ không tiến hành chiến tranh quân sự mà chỉ bao vây kinh tế nhưng đích ngắm vẫn là Cu Ba phải từ bỏ xã hội chủ nghĩa một cách triệt để nhất. Vì thế nên dù Liên Hợp Quốc kêu gọi Mỹ chấm dứt cấm vận Cu Ba nhưng Mỹ vẫn bỏ ngoài tai.

Hiện nay trên thế giới đa phần theo chính thể cộng hòa trong đó có Mỹ. Thể chế cộng hòa chia làm nhiều loại nhỏ như cộng hòa dân chủ, cộng hòa đại nghị, cộng hòa lập hiến, cộng hòa liên bang… tôi không đi sâu vào mà chỉ nói chung với thể chế này quyền lực nhân dân được đảm bảo rất cao hay nói cách khác là tính dân chủ rất cao.

Một số ít các nước theo thể chế quân chủ lập hiến như Anh, Nhật, Thái Lan… trong đó quyền lực nhân dân cũng khá cao tuy không bằng thể chế cộng hòa.

Có 1 nhóm các nước được các nhà nghiên cứu xếp vào nhóm cộng hòa nhưng tôi muốn tách ra là các nước cộng hòa Hồi giáo.

Và nhóm cuối cùng là nhóm các nước xã hội chủ nghĩa trong đó quyền lực của nhân dân bị tước đoạt gần hết hay nói cách khác là tính dân chủ thấp. Trong nhóm này có 3 nước có tính chất XHCN cao nhất là Trung quốc, Bắc Triều Tiên và Cu Ba. Có một tác giả trên tờ Pháp luật TP.HCM xếp nhóm này vào nhóm các nước cộng hòa (cộng hòa xã hội chủ nghĩa) tôi cho đó là một cách phân loại phản khoa học và ngớ ngẩn.

Với Trung quốc, Mỹ sẽ rất muốn Trung quốc thay đổi thể chế thành cộng hòa vì cách này sẽ biến Trung quốc thành một nước an toàn nhất cho Mỹ.

Đây là mục đích cuối cùng của Mỹ.

1 nhận xét :

  1. Khi Trung Quốc thay đổi thành một nước cộng hòa thì Việt Nam sẽ như thế nào nhỉ?

    Trả lờiXóa