Đào Tiến Thi
Nhạc sỹ Văn Cao lớn
lên và bước vào nền Tân nhạc Việt Nam tại đất cảng Hải Phòng. Từ nhỏ
sống với cha trong nhà máy bơm nước, kê tấm phản bên cạnh cái máy bơm làm bàn
học, lớn lên đi làm ở nhà bưu điện rồi thất nghiệp, thế nhưng mảng nhạc tình của
ông trước Cách mạng tháng Tám, viết trên cái nền bụi bặm của phố cảng và giữa
cuộc sống nghèo khó, bấp bênh của mình, lại không gợn chút “bụi trần”. Cung
đàn xưa, Thiên thai, Suối mơ, Bến xuân, Buồn tàn thu,... đều như
những cõi mộng đẹp của một tâm hồn yêu đời, ham sống.
Riêng Cung đàn
xưa có vẻ mông lung, khó hiểu. Chính Văn Cao cũng chỉ nói chung chung đây
là “tiếng nói của kỷ niệm”, cái kỷ niệm “nó cứ đeo đẳng, không thể quên được”,
về “những điều đã mất trong những những ngày tuổi trẻ của mình[1]”.
Lấy trong ý tứ
mà suy[2]
thì đây là kỷ niệm về một mối tình, một mối tình thoáng qua (hoặc cũng có thể
là mối tình trong tưởng tượng) nhưng để lại dư vị đầy tiếc nuối.
Có một nàng
bỗng nhiên xuất hiện và “xe kết” cùng chàng. Tác giả không tả cuộc tình
mà chỉ tả cảm giác hiện tại và hồi tưởng lại cảm giác quá khứ. Mở đầu bằng hình
ảnh “cây đàn bỏ quên”, tượng trưng mùa xuân tàn, cho cuộc tình duyên đã lỡ:
Hồn
cầm phong hương hình dáng xuân tàn
Ngày
dần buông trôi sầu vắng cung đàn
Từ người
ra đi chờ vắng tin người
Từ người
ra đi là hết mơ rồi.
Chữ phong hương các
ca sỹ thường hát là phong sương và hầu hết các bản nhạc cũng in như vậy.
Nhưng bản in trong hồi ký Phạm Duy nhớ là phong hương, và theo
tôi như thế hợp lý và hay hơn. Phong sương là “gió sương”, không ăn nhập
gì ở đây. Còn phong hương là “gói kín mùi hương” lại. Hồn cầm phong
hương hình dáng xuân tàn có thể hiểu là: hương sắc mùa xuân đã được phong
kín trong hồn đàn, nhìn vào cây đàn chỉ thấy hình dáng xuân tàn mà thôi, ngụ ý
rằng người đẹp đã đi rồi, tất cả đều tàn tạ, Trúc se ngọn thỏ, tơ chùng phím
loan[3].
Từ nỗi ngậm ngùi ấy, tác giả chuyển nhanh sang hồi tưởng:
Cung thương là tiếng đàn
Cung nam
là tiếng người
Ai
oán khúc ca cầm châu rơi
Tình duyên lãng đãng nhớ thương dần pha phôi.
Mối tình cũ như
tiếng đàn, tuy đã tắt nhưng còn ngân mãi trong lòng người. Nhưng tiếng đàn ấy
không tươi vui nữa mà buồn xa vắng, buồn tái tê:
Cung đàn ngân buồn xa vắng trong tiếng thầm
Buồn tê tái trong tiếng ngân, buồn như lúc xuân sắp
tàn
Ơi
đàn xưa còn vương nhắc chi tới người
Lòng
ta tắt bao thắm tươi u hoài duyên đưa.
Và cái nhức nhối nhất là quá khứ không chịu trở
thành kỷ niệm, nó cứ sống mãi cùng hiện tại, đặc biệt khi xuân về:
Chiều
năm xưa
gót hài khai hoa/ mắt huyền lưu xuân/ dáng
hồng thơm hương
Chiều
năm nay
bóng
người khơi thương/ tiếng đàn gieo oan/ giấc mộng chàng Trương
Về ba hình ảnh
trong câu nhạc thứ nhất, nhạc sỹ Phạm Duy viết:
“Những cô hái mơ,
cô bán hoa, cô hàng nước, cô lái đò, cô láng giềng xuất hiện trong các bản nhạc
tình thuở đó làm sao mà có được những gót hài khai hoa, mắt huyền lưu xuân,
dáng hồng thơm hương như trong bản Cung đàn xưa của Văn Cao? Chỉ cần
có 12 chữ và chỉ để xưng tụng một người tình tưởng tượng mà thôi, Văn Cao đã
đưa nhạc tình Tiền chiến lên tới một cao độ vượt khỏi những khuôn sáo cũ mèm[4]”.
Cái “khuôn sáo cũ
mèm” mà Phạm Duy nói đến có lẽ là những cô hái mơ, cô bán hoa,… trên kia vẫn
chưa thực sự thoát khỏi tính ước lệ của thơ ca cổ điển. Ca khúc tình yêu trong
nhạc Tiền chiến phát triển theo quy luật tương tự Thơ mới. Nghĩa là ban đầu chỉ
dám nói đến thứ tình yêu xa xăm, nặng về tưong tư sầu mộng:
Em
chỉ là người em gái thôi
Người
em sầu mộng của muôn đời
Tình
anh như tuyết giăng đầu núi
Vằng
vặc đêm thu nét tuyệt vời.
(Lưu Trọng Lư)
Và không phải ngẫu
nhiên mà những bài hát đầu tiên của nền Tân nhạc (nhạc Tiền chiến), đã phổ nhạc
một số bài thơ đầu của Thế Lữ, Nguyễn Bính. Nhưng Văn Cao xuất hiện đã đem đến
cho nhạc tình Tiền chiến một hơi thở mới: cái đắm say nồng nàn. Giống như Xuân
Diệu đã đem đến cái đắm say nồng nàn cho Thơ mới vậy.
Trở lại câu thơ –
nhạc nói trên của Văn Cao, có thể nói, người nhạc sỹ – thi sỹ trẻ Văn Cao
đã đặt người yêu của mình ở vị trí tuyệt mỹ mà vẫn thực. Nó vừa ước lệ theo
kiểu Làn thu thuỷ nét xuân sơn[5]
của văn chương cổ điển lại vừa gợi tả một người con gái có dáng, có da, có nét, có cả chất sexy
nữa. Người đẹp lướt qua như một làn gió, không hình không ảnh mà lại rõ mồn
một bởi cảnh hoa nở tưng bừng theo gót chân nàng. Mắt nàng sâu thẳm chứa
đầy một mùa xuân tình ái. Nàng đi đến đâu ngát thơm đến đấy. Nàng lãng đãng
xa xôi từ chốn Bồng Lai đến với “gót hài khai hoa”, rồi tình tứ mặn mà
với “mắt huyền lưu xuân” và thoắt cái, nồng nàn say đắm với “dáng hồng
thơm hương”. Nhưng cái nồng nàn say đắm của Văn Cao cũng khác Xuân Diệu. Nếu Xuân
Diệu “Hãy sát đôi đầu, hãy kề đôi ngực” – thiên về tả thực, nhiều tính nhục
cảm, thì Văn Cao thiên về gợi cảm,
cho nên nồng nàn mà vẫn thanh tao, trần thế mà vẫn là người của chốn Đào Nguyên.
Ta cảm nhận cái thơm tho của ái tình hơn là mùi vị của khứu giác.
Nàng đến nhanh mà
đi cũng rất nhanh. Chiều năm xưa vừa mới rực rỡ thì chiều năm nay đã điêu tàn: Chiều năm nay/ bóng người
khơi thương/ tiếng đàn gieo oan/ giấc mộng chàng Trương. Người đi rồi, chỉ còn lại bóng, khơi thêm
vết thương lòng. Người đi rồi, tiếng đàn bây giờ là tiếng gieo oan (cất
lên lời an oán). Người đi rồi, bây giờ ta chỉ yêu bằng mộng, giấc mộng của
chàng Trương, giấc mộng xa vời, không bao giờ thành.
Theo hồi ký của
Phạm Duy, thì chữ “gieo oan” được chép là “giao hoan”. “Tiếng đàn giao hoan” phải
chăng là tiếng đàn gợi nhớ cuộc giao
hoan? Nghĩa đen của từ này là “cùng vui với nhau” (Thêm nến giá nối hương bình / Cùng nhau lại chuốc chén quỳnh giao hoan
- Truyện Kiều), ở đây có
thể hiểu là tiếng đàn gợi nhớ cuộc gặp gỡ đẹp của đôi lứa. Chàng nhấm nháp khoảnh khắc yêu đương cũ,
rõ ràng có thực mà bây giờ như trong mơ, như mối tình của chàng Trương Chi thuở
trước. Và nếu ta hiểu là tiếng đàn “giao hoan” thì “giấc mộng chàng Trương” cũng bớt phần bi luỵ. Nó
như một khát vọng về hạnh phúc không thể với tới, chứ không phải một tình yêu đơn phương.
Đoạn kết trở lại nỗi ngậm ngùi thấm thía khi đã
biết chắc cuộc tình này một đi không trở lại.
Giờ
còn mong chi người hát theo đàn
Giờ
còn mong chi hợp cánh hoa tàn
Lời
đàn năm xưa xe kết đôi lòng
Lời
đàn năm nay đôi lứa xa vời
Khi
hôn hoàng xuống dần
Trăng
lên vàng mái lầu
Nghe
thoáng tiếng kinh cầu xa xa
Ngàn
lau thấp thoáng bóng kinh kỳ sầu bao la.
Bài này chưa phải
là đỉnh cao nhất trong nhạc tình của Văn Cao trước Cách mạng. Khát vọng tình yêu và
hạnh phúc còn được Văn Cao tiếp tục phát triển ở hai tuyệt tác Trương Chi
và Thiên Thai. Tuy nhiên, nếu so sánh với nỗi “thất tình” trong Trương
Chi và Thiên Thai thì trong Cung đàn xưa, ít bi luỵ hơn. Cung
đàn xưa chủ yếu vẫn là dư vị ngọt ngào của mối tình đầu. Duyên đã lỡ nhưng tình
thì còn mãi. Hạnh phúc tuy ngắn ngủi nhưng thực sự đã chạm đến chứ không phải
là điều huyễn hoặc.
Có nhiều ca sỹ hát
bài này, mỗi người mỗi vẻ, nhưng Ánh Tuyết thật xứng đáng là người giải nhất
chi nhường cho ai[6].
Với giọng ca Cao như thông vút, buồn như liễu[7],
với ánh mắt u buồn, sâu thẳm, Ánh Tuyết nồng nàn mà không suồng sã, buồn mà
không bi luỵ, người nghe cảm nhận một tình yêu vừa lãng mạn cổ điển lại vừa đắm
say hiện đại.
(Bài đã đăng TC Thế giới trong ta)
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét