Luân Lê
25-11-2018
Cái điều tôi lo lắng hơn cả, chính là vấn đề bạo lực và dối trá của giáo viên, đồng thời nghiêm trọng hơn là sự im lặng hoặc sự đồng thuận từ các học sinh để thực hiện những mệnh lệnh sai trái, không chỉ về mặt đạo đức mà còn là về luật pháp.
Chúng ta thử nhìn lại một vị hiệu trưởng lùi xe đâm gãy chân học sinh và sau đó lập biên bản lấy ý kiến toàn trường về việc không có bất cứ một sự việc nào về tai nạn xảy ra tại trường ngày hôm đó. Mọi thứ chỉ thực sự được dư luận biết đến và hành vi này mới bị xử lý khi gia đình đã tuyệt vọng phải cầu cứu tới truyền thông, dư luận. Sự dối trá không chỉ bởi kẻ đứng ở cương vị hiểu trưởng, mà còn nhận được sự đồng thuận từ các giáo viên và học sinh. Họ cứ thế làm theo mà bất chấp luân thường, đạo lý.
Tiếp sau đó chính là việc giáo viên bắt cả lớp phải quỳ suôt nhiều giờ đồng hồ vì một hành vi được cho là không đúng mực của một bạn trong lớp. Sau đó cả lớp cũng cứ thế tuân phục và quỳ theo mà không một học sinh nào dám đứng lên phản đối hoặc từ chối thứ mệnh lệnh khốn nạn đó từ chính giáo viên của mình.
Cũng có một trường hợp tương tự, một giáo viên bắt từng học sinh tát vào mặt một bạn cùng lớp vì vi phạm nội quy trong giờ học. Và những học sinh này cũng răm rắp làm theo và học sinh kia đành đứng im chịu trận trước những cái tát dội xuống từ bạn bè và trước sự giám sát của giáo viên.
Cũng vừa mới đây, có một giáo viên công khai miệt thị và nhục mạ nghề nghiệp của phụ huynh một học sinh và sau đó còn cuộn sách lại rồi tát rụng răng của chính học sinh này ngay tại lớp học và trước sự chứng kiến của tất cả các học sinh. Và mọi thứ cũng cứ thế diễn ra theo bất cứ cái cách nào mà giáo viên này muốn. Không một ai lên tiếng và cũng không một học sinh nào có nhận thức rằng đó là những điều cần phải bị ngăn chặn ngay lập tức.
Đến nay, một giáo viên khác lại tiếp tục dùng các học sinh của mình để tát một học sinh được cho là chửi tục sau khi nghe báo cáo từ đội cờ đỏ, đến mức học sinh này phải nhập viên và dù sau đó đã được ra viện nhưng vẫn chưa dám đến lớp vì sợ hãi. Trong tình cảnh này, các học sinh cũng lại một lần nữa tuân phục vô điều kiện mà thực hiện mệnh lệnh phi nhân tính và vô pháp của giáo viên. Không những thế, giáo viên này còn ra lệnh rằng nếu ai tát không mạnh thì sẽ bị tát lại. Và sự việc ấy đã diễn ra như một hành vi tra tấn, nhục hình đối với học sinh, là một đứa trẻ. Khốn tệ hơn, hiệu trưởng trường này lại muốn đạt được trường chuẩn quốc gia nên đã đề nghị báo chí không lên tiếng. Thật bỉ ổi và không còn ngôn từ nào có thể dành cho những kẻ như vậy.
Tại sao lại có những sự việc đau lòng và đáng báo động đó? Phải chẳng quyền uy của giáo viên đã quá lớn và với tư tưởng (như một nét văn hoá) rằng họ có quyền dạy dỗ và giáo dục đứa trẻ nên họ tự cho mình được tìm mọi biện pháp trừng phạt (hà khắc và kể cả xâm hại con người) để giáo huấn, cải sửa học sinh? Và cũng phải chăng vì một lẽ, chính các phụ huynh không mấy khi quan tâm đến việc học hành của con cái, với sự thiếu hiểu biết của mình, lại đồng thuận và giao phó mọi việc cho giáo viên, nếu có những lời chia sẻ hay phản ánh của con mình thì lại gạt phắt đi và quở trách chúng? Mà hơn hết, chính môi trường giáo dục kiểu trừng phạt và theo kế hoạch, chỉ tiêu và thành tích, không có sự giáo dục cơ bản về nền tảng nhân quyền, luật pháp, nên mọi sự mới xảy ra tồi tệ và khủng khiếp như thế?
Giáo dục không dạy những đứa trẻ về các giá trị đạo đức, nhân quyền, những kiến thức luật pháp cùng các cơ chế bảo vệ mình hay phản kháng, từ khước các yêu cầu, đề nghị sai trái, độc ác. Những đứa trẻ được dạy dỗ để tuân lệnh và phục tùng bất phản kháng trước mọi chỉ lệnh của giáo viên và hệ thống giáo dục. Những học sinh chỉ đơn thuần là đến trường để được giáo dục mà trở thành những bầy cừu ngoan ngoãn và để mặc sức những kẻ nhân danh sự giáo dục đày đoạ và hành hạ, từ thể xác tới tinh thần, với một mục đích duy nhất là làm cho thoả mãn các điều kiện và tiêu chuẩn mà hệ thống ấy thiết định nên.
Thật xót xa và đau đớn cho thực trạng giáo dục nước nhà. Thật bất hạnh cho dân tộc khi các thế hệ ngày càng trở nên mất phương hướng và rơi vào những sự huỷ hoại, suy đồi ăn mòn chúng và cả tương lai của chúng.
Những đứa trẻ ấy đến trường mà sẽ như cảm thấy là một cực hình, sợ hãi những người đứng trên bục giảng và khiếp nhược cả chính những đứa trẻ là bạn bè của mình. Những đứa trẻ kia, với danh xưng cờ đỏ, sẽ lại báo cáo chúng tới giáo viên, giáo viên sẽ phẫn nộ và rồi ra lệnh cho những người bạn đang chung ghế, chung lớp giáng xuống thân thể mình những cái tát đầy sự man rợ?
Làm sao những đứa trẻ có thể trở nên bình thường và tâm hồn chúng làm sao có thể bình yên, tươi đẹp sau khi phải chịu đựng sự tra tấn dã man ấy từ tất cả những bàn tay của sự phi nhân?
Tương lai nào chờ đợi chúng phía trước, sau cảnh bạo hành kinh hoàng như trong một trại cải tạo tập trung của thời phát xít đó?
Đánh 1 em bé tiểu học 231 cái tát thì ác độc hơn bọn tội phạm . Bọn chúng ít đụng đến trẻ em. Thế mà cô giáo !???
Trả lờiXóaHọc cái thói bạo lực và dối trá từ đâu ?
Nhà trường chỉ là một bộ phận. Cả xã hội ta đều như bạn Lê Luân chỉ ra mà; tất cả chỉ việc tuân lệnh, không tuân lệnh thì già cả và đáng kính như ông Chu Hảo cũng bị thóa mạ tới tấp và nhừ đòn...
Trả lờiXóaCô hiệu trưởng và cô giáo Thủy trông hình giống nhau quá ta ! Như hai chị em song sinh vậy.
Trả lờiXóa