Thứ Ba, 30 tháng 10, 2018

Phan Hồng Giang: ĐỐI MẶT VỚI CÁI ÁC

Tiến sĩ Khoa học, Dịch giả Phan Hồng Giang. Ảnh: Nguyễn Xuân Diện.
.
ĐỐI MẶT VỚI CÁI ÁC
Phan Hồng Giang
29 - 10 - 2018
Lời Toà Soạn: Trong xã hội chúng ta đang sống quả thực là có  nhiều điều bất ổn, bất bình thường về nhiều phương diện trong đó có vấn đề đạo đức. Sa sút đạo đức xã hội, kể cả trong hàng ngũ cán bộ,  đảng viên, công chức,  viên chức là điều đã quá rõ ràng và đã được Đảng ta xác nhận, khẳng định. Sa sút đạo đức có nghĩa là cái Thiện bị yếu thế trước cái Ác; cái ác thao túng hành vi của các thành viên và cả cộng đồng. Có cái ác chỉ phương hại đến mt hoặc vài cá thể, có cái ác làm tổn thương cả cộng đồng to lớn. Có cái ác trông thấy được, nhận biết được, có cái ác không dễ nhận ra vì nó được ngụytrang, che lấp bởi rất nhiều thủ đoạn. Có cái ác nằm ngay trong chính bản thân ta. Nhận ra cái ác, đối mặt với nó và chống lại nó là điều không hề dễ dàng vì có những lúc nó ẩn nấp trong vỏ bọc cái thiện.
Văn hoá Nghệ An đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Phan Hồng Giang về vấn đề này.
Phan Văn Thắng (PVT): Cái ác, cùng với cái thiện luôn cùng có chỗ trong đời sống xã hội. Xã hội càng bất ổn, rối loạn thì cái ác càng nhiều, càng phi nhân tính hơn. Có nhiều quan niệm khác nhau về cái ác tùy vị trí và cách tiếp cận với nó. Riêng ông, ông quan niệm như thế nào là Cái Ác?
Phan Hồng Giang (PHG): Cái ác ở cấp độ cá nhân đơn lẻ là hành vi xâm phạm nhân phẩm, tài sản hoặc thân thể, tính mạng người khác.
Cụ Khổng Tử ngày xưa đã nói: “Nhân chi sơ tính bản thiện”. Tôi nghĩ câu nói đó thể hiện một mong muốncủa cụ nhiều hơn là xác nhận một thực tại. Trong Con Người, phần “Con” - phần hoang dã - vốn rất nhiều. Nó như cỏ dại, không cần chăm bón cũng nẩy nở nhanh chóng, trong khi cái Thiện - cái phần “Người” - thì giống như cây lúa, phải săn sóc kỹ lưỡng mới mong cho ra hạt mẩy căng đầy. Trừ số không nhiều những người tử tế, có thể thừa nhận không ít người mang ý định chủ đạo là cố thu lợi về phần mình, tham quyền, ham danh, hám tình, dễ mê cờ bạc, hút sách... Đây chính là nguồn gốc sâu xa của cái ác, không dễ gì để loại bỏ.
PVT: Có thể “phân loại” cái ác không? Từ thực tiễn đời sống xã hội nước ta hiện nay, ông có thể phân loại như thế nào về loại hình tội ác, những kẻ thủ ác không, thưa ông?
PHG: Có thể tạm phân loại cái ác dưới góc độ chủ thể gây ra cái ác và đối tượng chịu tác động của hành vi đó. Như vậy, ở trường hợp này là có cái ác do một cá nhângây ra, ở trường hợp khác lại do một nhóm người có tổ chức đứng ra thực hiện. Đối tượng chịu thiệt hại vì vậy có khi chỉ là một vài người đơn lẻ, lúc khác lại là cả một cộng đồng đông đảo, hoặc tồi tệ hơn, là cả một dân tộc, một quốc gia.
Nguồn gốc dẫn đến hành vi độc ác có thể là một tiêu chí để phân loại cái ác. Có cái ác chủ yếu là do bẩm sinh, do đặc điểm tâm sinh lý méo mó, bệnh hoạn - ta vẫn thấy có người sinh ra đã sợ nhìn máu chảy, không dám cả cắt tiết gà, còn có kẻ thì giết người không ghê tay. Có cái ác là sản phẩm của môi trườngnhiễu nhương từ trong gia đình, nhà trường đến ngoài xã hội. Có những hành vi tội ác lại được chỉ lối rõ ràng từ ý thức, nhận thức lý thuyết bài bản hẳn hoi, không ít khi còn được nâng lên thành chủ nghĩa này nọ...
Cũng có thể phân loại theo mức độ nặng nhẹ, theo quy mô của của hành vi độc ác - nhẹ thì như đứng đầu hiên nhà ứng khẩu bài chửi bới xỏ xiên ai đó bắt mất gà nhà mình, nặng thì đâm chém, gây thương tích hoặc thậm chí gây xung đột đổ máu, gây chiến tranh thảm khốc kéo dài...
Nhiều khi không gây ra tội ác nào vẫn bị coi là tội ác - đó là khi người ta im lặng trước cái ác, “mũ ni che tai” bỏ mặc cho cái ác hoành hành, vô tình trở thành đồng lõa với cái ác.
PVT: Hitler, Pol Pot và các nhà nước độc tài, phát xít khác đã gây ra rất nhiều tội ác cho loài người. Có những kẻ không bao giờ trực tiếp giết ai cả nhưng với đường lối, chính sách chính trị của mình, họ đã hành hạ và gây ra cái chết cho rất nhiều người. Rồi lại có, những chính sách sai lầm bắt đầu từ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm mà gây nên tội ác cho cả cộng đồng. [Vụ cướp đất ở Thủ Thiêm chẳng hạn]. Chúng ta có thể gọi tên loại tội ác này là gì không?
PHG: Anh đặt vấn đề rất sâu sắc. Như tôi đã nhắc đến ở trên, loại tội ác này xuất phát từ ý thức, nhận thức lý thuyết rất chi là bài bản, từ tham vọng quyền lực, tham vọng lưu danh hay ham lợi bất chính. Đây mới chính là cái ác đáng sợ nhất, gây ra những thảm cảnh lịch sử khủng khiếp nhất, mà kỳ quặc thay, nhiều khi còn được tung hô, tôn vinh.
PVT: Cái ác, rõ ràng đó là vấn đề đạo đức. Vậy, nó phản ánh gì về phương diện văn hóa?
PHG: Đạo đức là một thành tố quan trọng của văn hóa. Cái Ác cũng như cái Thiện đều là những khái niệm công cụ của vấn đề đạo đức cũng như của văn hóa. Xây dựng và phát triển văn hóa không thể tách rời việc cố gắng giảm thiểu cái ác trên cơ sở bồi đắp cái thiện ngày càng đầy đặn.
PVT: Nguyên nhân nào đẩy con người đến hành vi tội ác? Có nguyên nhân nào từ những rối loạn tâm lý do các ẩn ức lịch sử hoặc các vấn đề/chính sách xã hội chưa phù hợp không? Còn trong xã hội ta, tại sao cái ác như ngày càng nhiều hơn, tàn bạo hơn?
PHG: Như tôi đã nói ở trên, các nguyên nhân đẩy con người đến hành vi tội ác có thể là từ đặc điểm tâm sinh lý bẩm sinh, từ tác động tiêu cực của môi trường, và tai hại nhất là từ ý thức, nhận thức sai trái của các thế lực giành được vai trò chỉ đường dẫn lối. “Ẩn ức lịch sử” như anh nói cũng có thể là một nguyên nhân. Chẳng hạn như chiến tranh kéo dài liên miên, cái chết hiện hữu mọi lúc mọi nơi dần dần khiến người ta nhàm quen với cái chết. Dễ thấy rằng khuyết tật của chính sách cũng dễ dẫn đến sử dụng bạo lực như phản ứng của Đoàn Văn Vươn (Hải Phòng), hay Đặng Văn Hiến (Đak Nông) mới đây, khi đất đai của mình bị thu hồi bất công.
PVT: Còn trong xã hội ta, tại sao cái ác có chiều hướng ngày càng nhiều hơn, tàn bạo hơn?
PHG: Cái ác trong xã hội ta hiện nay quả là “có chiều hướng ngày càng nhiều hơn“. Đó là một thực trạng nhức nhối. Không hiện tượng xấu xa nào mà không có điểm phát sinh. Theo thiển nghĩ của tôi, điểm tạm coi là khởi nguồn của cái ác nở rộ hôm nay là khi chúng ta, từ hơn nửa thế kỷ trước du nhập mô hình “thổ địa cải cách” từ phương Bắc, cổ súy cho hiện tượng đấu tố - con chỉ mặt bố mẹ rủa xả, gọi bố mẹ bằng mày, vợ trổ tài chửi bới xỉa xói đức ông chồng trót mang danh “địa chủ” để tỏ rõ mình đã “giác ngộ giai cấp”(!)... Từ thời điểm luân thường đạo lý tối thiểu bị chà đạp không chút e dè như thế, cái ác đã bắt đầu sinh sôi, phổng phao, đâm thêm nhành ngọn, dường như không còn gì cản được. Cái ác sau đó được tiếp thêm sức mạnh từ các khuyết tật hệ thống của xã hội để dường như dần chiếm thế thượng phong, đẩy cái thiện vào thế bị động chống đỡ, khiến “người ngay sợ kẻ gian”, người tố cáo tham nhũng sợ kẻ tham nhũng trả thù... như ta vẫn thường thấy.
PVT: Nhận xét của ông không phải là không có lý, không có cơ sở. Tuy nhiên tôi nghĩ là ông chưa nhắc đến hậu quả của mấy chục năm chiến tranh; của xã hội hậu chiến kéo dài triền miên trong đói kém, lạc hậu; của những mặt trái của kinh tế thị trường bộc lộ và tác quái trên một nền tảng xã hội bối rối do cơ chế bao cấp để lại...Ông có nghĩ là có một nguyên nhân từ cái xấu được phổ biến quá nhiều trong môi trường thông tin ngày càng hiện đại và thông minh hơn hiện nay?
PHG: Môi trường thông tin hiện đại cũng có thể coi là một nguyên nhân dẫn đến cái cái xấu được nhắc đến quá nhiều, khiến người ta dần trở nên tê liệt cảm xúc trước các hành vi độc ác “cướp - giết - hiếp” đã thành quen thuộc, vô tình làm giảm sự phẫn nộ của xã hội trước cái ác.
PVT: Để giảm thiểu cái ác, tội ác trong đời sống xã hội, chúng ta phải bắt đầu từ đâu, từ khía cạnh nào của vấn đề, chính trị, kinh tế, luật pháp hay văn hóa?
PHG: Để giảm thiểu cái ác, tội ác trong đời sống xã hội, cần bắt đầu từ đâu? Đây là một câu hỏi không dễ trả lời. Nhìn từ góc độ nào, nhiều người đều thấy các vấn đề chính trị, kinh tế, luật pháp, giáo dục hay văn hóa đều đóng vai trò quan trọng. Dễ đi đến kết luận rằng cần phải có giải pháp đồng bộ, không coi nhẹ một mặt nào. Tuy nhiên, từ góc nhìn của riêng tôi, tôi vẫn thấy chính trị - nói rõ hơn là thể chế chính trị - với vị trí thường được coi là “thống soái” phải là nơi bắt đầu của những nỗ lực chống lại cái ác. Đơn giản là bởi vì những khiếm khuyết trong thể chế đã là môi trường thuận lợi đầu tiên cho cái ác nẩy sinh và phát triển.
PVT:Mọi vấn đề của xã hội đều có nguồn gốc từ thể chế, tức là từ cấu trúc và cách quản trị, điều hành xã hội. Một xã hội mà cái Thiện thắng thế thì cái Ác sẽ bị đẩy lùi. Từ kinh nghiệm lịch sử của dân tộc Việt Nam, và của các quốc gia dân tộc khác trên thế giới, theo ông, điều căn cốt nhất, có ý nghĩa then chốt là gì để mọi người hướng đến cái Thiện và đẩy lùi cái Ác?
PHG: Câu hỏi của anh hầu như đã hàm ý trả lời. Ai cũng thừa nhận rằng trong xã hội ta hiện nay cái ác đang rất phổ biến. Tham quyền vô độ, thủ lợi bất chính, bạo lực lên ngôi, giả dối thắng thế, vô cảm tràn lan = đó có thể coi là những nét chính trên gương mặt cái ác. Tất cả dường như là sản phẩm của sự thiếu minh bạch, công khai, của việc quyền tự do dân chủ của người dân bị xâm phạm. Ở đây cần nhắc lại lời dạy của tiền nhân: “Tính cách là do hoàn cảnh tạo nên. Muốn thay đổi tính cách theo hướng tích cực, trước tiên cần cải tạo hoàn cảnh”.
Từ kinh nghiệm lịch sử của dân tộc Việt Nam và của các quốc gia dân tộc khác trên thế giới, để mọi người hướng đến cái Thiện, đẩy lùi cái Ác, điều căn cốt nhất, theo tôi là chúng ta phải tôn trọng các giá trị phổ quát của nhân loại, sòng phẳng và mạnh mẽ hơn nữa trong sự nghiệp to lớn và cấp bách nhằm xây dựng một Nhà nước pháp quyền thượng tôn pháp luật, một nền kinh tế thị trường lành mạnh đúng nghĩa, một xã hội dân sự phát triển đa dạng, một quốc gia hội nhập sâu rộng vào dòng chảy hiện đại tiên tiến của thế giới.
PVT: Cảm ơn ôngvề cuộc trao đổi này. Quả thực tôi vẫn rất bối rối khi nghĩ về cái ác. Vừa mới đây thôi, một nữ sinh viên ở Hà Nội ném đứa trẻ sơ sinh (dù là đã chết như cô ta nói) từ tầng 31 xuống sân và cả gia đình 4 người gồm cha mẹ và hai đứa con còn rất nhỏ ở hà Tĩnh tự vẫn đã làm tôi kinh sợ về cái ác. Tại sao cô sinh viên kia lại làm thế, và tại sao cặp vợ chồng kia bắt hai đứa con phải cùng chết. Dư luận xã hội, áp lực đám đông hay là những quan niệm đạo đức cũ không còn tương thích nhưng vẫn có khả năng chi phối những lớp người hôm nay? Thú thật tôi vẫn hoang mang khi cố gắng nhận thức về cái ác./.

1 nhận xét :

  1. Sao không giống với định nghĩa của UBKT TW Đảng về đạo đức đảng viên ?

    Trả lờiXóa