Thứ Hai, 15 tháng 10, 2018

Mai Thanh Sơn: CÓ HAY KHÔNG MỘT TẦNG LỚP QUÝ TỘC VIỆT?


CÓ HAY KHÔNG MỘT TẦNG LỚP QUÝ TỘC VIỆT?

Mai Thanh Sơn
15-10-2018


Mấy hôm nay dân mạng xôn xao về đủ thứ chuyện liên quan đến chủ đề Quý tộc và Tinh hoa Việt. Dự là chỉ đọc để biết thông tin và thời tiết xã hội thôi, nhưng rồi thấy các bác ngày càng đi quá xa với câu chuyện trời ơi đất hỡi. Sao các bác cứ phải mất thời gian vào cái chủ đề vô bổ, trong khi từ ngày 13/10/2018, đồng Mao tệ đã chính thức được lưu thông trên đất Việt thì không mấy ai quan tâm nhỉ? Tranh luận là quyền của các bác, nhà cháu ngứa mồm thì "sắc mắc" vậy thôi, chả có ý phê phán gì đâu ạ. Nhưng xin các bác lưu ý cho mấy chuyện:

Ở nước ta, trong khu vực người Kinh, chưa từng có đẳng cấp quý tộc cha truyền con nối (tập ấm). Mà thực ra, ở cấp quốc gia, tại phương Đông (ngoại trừ khu vực Trung Cận Đông), chỉ có Ấn Độ và Nhật Bản từng có đẳng cấp quý tộc mà thôi. Quý tộc Ấn Độ được hình thành dựa trên nền tảng đạo Bà la môn (Brahman), còn giới quý tộc Nhật Bản được sinh ra từ chế độ phong kiến, với 2 đẳng cấp cao là Daimio (lãnh chúa) và Samurai (võ sĩ). Nhật Bản cũng là quốc gia có chế độ phong kiến điển hình nhất ở châu Á. Ở người Kinh, không có một tôn giáo nào chi phối đến sự phân chia đẳng cấp xã hội, cũng không có chế độ phong kiến, vậy thì làm sao có thể hình thành nên đẳng cấp quý tộc?

Khách quan mà nói, vào thời nhà Trần, chế độ phong kiến, gắn với nó là sự hình thành đẳng cấp quý tộc, đã manh nha hình thành. Nhưng rồi vì nhiều nguyên nhân, quá trình phong kiến hóa đã không thể trở thành hiện thực. Khi đó, các vua Trần đã phân phong điền trang thái ấp cho các thân vương, nhưng người được phân phong cũng không phải là lãnh chúa. Đất trong thái ấp vẫn là đất vua, dân ở đó vẫn là thần dân của triều đình. Người được phân phong thái ấp chỉ được quyền hưởng một phần tô thuế. Họ có quyền thành lập các đội hương binh, theo chính sách "ngụ binh ư nông", nhưng không phải để cát cứ, mà để chống giặc ngoại xâm khi đất nước lâm nguy. Từ thời Lê, với sự ảnh hưởng sâu rộng của Nho giáo, chế độ quân chủ ngày càng được củng cố vững chắc. Với mô hình nhà nước quân chủ, tuyển đội ngũ quan lại theo chế độ thi cử, ngoại trừ con cái của giới ca công kỹ nữ, ai cũng có thể bước chân vào chốn quan trường - nếu học giỏi và thi đỗ. Nhưng quan lại của triều đình không phải là quý tộc, khi "hết quan" họ sẽ "hoàn dân". Con cái họ không có quyền "tập ấm"/cha truyền con nối, muốn bước chân vào chốn quan trường, cũng lại phải học và thi đỗ. Ngay cả khi các công thần, quan lại được triều đình phong tước (vương, hầu), con cái cũng không được tập tước.

Không chỉ với giới quan lại, ngay cả với dòng họ của các vương triều xưa, tính chất quý tộc cũng không được khẳng định. Con cháu trực hệ của các vua Lý, Trần, Lê, Hồ, Mạc, Nguyễn hiện nay, ai dám xưng mình là quý tộc? Mở mồm ra, e sẽ trở thành trò cười cho thiên hạ ngay tắp lự. Tôn thất nhà Nguyễn hiện nay vô khối người đang làm đủ mọi thứ nghề để mưu sinh trên mấy chục quốc gia, ai dám nhận là quý tộc? Tôi chắc là không ai cả. Họ có thể tự hào, và đó là quyền rất chính đáng, về tổ tiên/dòng dõi của mình, nhưng chẳng ai dám nhận mình thuộc "đẳng cấp quý tộc/đẳng cấp trên".

Nói như vậy không có nghĩa là ở Việt Nam chưa từng có tầng lớp quý tộc. Có đấy, nhưng là ở những người anh em thần thánh Thái, Mường và Chăm chứ không phải ở người Kinh. Người Thái và người Mường ở vùng Tây Bắc từ lâu đã hình thành các vùng lãnh thổ "liên làng/siêu làng" gọi là "Mường". Triều đình của người Kinh gọi họ là các "châu kimi"/phiên thuộc, hàng năm phải triều cống. Nhưng về bản chất, mỗi mường thực ra là một tiểu quốc, một lãnh địa cát cứ. Họ có bộ máy quản lý chặt chẽ dựa trên các bộ luật, có bộ máy chế tài, có chính sách tô thuế, có các đạo quân riêng. Việc quản lý các mường đều do các quan lang/tạo mường thuộc các tổ chức tông tộc (dòng họ) khép kín, tính theo dòng cha nối đời đảm trách. Ở người Thái, đó là các dòng Lò, Cầm, Đèo. Người Thái Tây Bắc có thành ngữ "Lang dệt mo, Lò dệt tạo": họ Lang/Lương chỉ làm thầy cúng, còn họ Lò mới được làm lãnh chúa. Ở Tây Bắc, họ Cầm và họ Đèo đều là những dòng họ phái sinh của họ Lò; ở miền Tây Thanh Nghệ, đó là các dòng Lo Căm và Sầm. Còn ở người Mường, đó là các dòng Đinh, Quách, Bạch và Hà. Họ Bùi có giỏi đến đâu cũng chỉ là thường dân mà thôi. Các đẳng cấp này tồn tại mấy trăm năm, không phụ thuộc vào sự thay đổi các thể chế triều đình của người Kinh. Nhà Trần thay nhà Lý, nhà Mạc uýnh nhà Lê, vua Gia Long đả bại Quang Toản. Kệ, đấy là chuyện của người Kinh. Các dòng Lò vẫn cai trị người Thái. Các dòng Đinh, Quách, Bạch, Hà vẫn làm chủ xứ Mường. Bền vững thế đó. Chế độ đẳng cấp của các tộc người Thái và Mường chỉ bị bãi bỏ từ khi có cuộc cách mạng do Người (mà ai cũng biết là ai đấy) lãnh đạo thành công và Tây Bắc trở thành một lãnh thổ không thể tách rời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Riêng ở người Chăm, sự phân tầng đẳng cấp vẫn tồn tai cho đến nay chủ yếu do chịu ảnh hưởng của đạo Bà la môn (Brahman). Nhưng về bản chất, chế độ đẳng cấp chỉ ảnh hưởng đến đời sống tinh thần, không có vai trò trong các lĩnh vực khác.

Một số người quan niệm rằng, "quý tộc" là một trạng thái tinh thần. Nói như vậy chưa hẳn đúng. Đành rằng, cho đến nay chưa hề có một định nghĩa chuẩn về "quý tộc", nhưng trạng thái tinh thần cũng chỉ là một cách hiểu (kiểu tinh thần hiệp sỹ, tinh thần võ sỹ đạo...). Để được coi là "quý tộc", còn có những điều kiện rất quan trọng nữa là truyền thống gia tộc được thừa nhận rộng rãi bởi sắc phong của triều đình, hoặc của thần dân trong lãnh địa của mình.

Nói như vậy đủ thấy rằng, các bác đừng tưởng các bác có vàng muôn bạc tỉ trong tay là có thể trở thành quý tộc. Các bác là tỉ phú. Không ai phủ nhận. Các bác có thể xài xe sang, đi du thuyền riêng, máy bay riêng, ăn trong những nhà hàng sang trọng nhất, ngủ trên những tấm nệm được các nghệ nhân Trung Đông dệt bằng tay. Đó là chỉ dấu của mức sống cao, chỉ những người giàu có mới có thể hưởng thụ. Các bác có thể đến nhà hát lớn hàng đêm để xem vũ ballet, nghe nhạc giao hưởng. Đó là chỉ dấu của học vấn cao hoặc sự tinh tế trong cảm thụ nghệ thuật mà không phải ai cũng có. Nhưng nếu chỉ như vậy mà các bác nghĩ rằng mình là quý tộc thì thật nực cười. Hãy xem lại gốc rễ của mình. Và hình dung rằng, nhỡ đâu một ngày thị trường không còn đứng về phía các bác nữa, lúc đó tương lai của các bác và con cháu sẽ ra sao? Đấy là chưa kể, cuộc sống còn có biết bao rủi ro khác, hôm nay vừa là anh hùng, ngày mai đã trở thành cái gì đó rất khó định danh. Nguyễn Văn Mười Hai, Tăng Minh Phụng, Đinh La Thăng, và chan chan các đại gia khác nữa đều là những tấm gương rất đáng nên soi.

(Hôm nay viết thế thôi, mai sẽ bàn tiếp về chuyện Tinh hoa).

7 nhận xét :

  1. Ngày nay VN cũng có tầng lớp quý tộc, tinh hoa đấy mà đứng đầu bảng là vợ chồng ca sĩ Mỹ Linh-Anh Quân!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hay là như ông ca sĩ ĐVH là quý tộc tinh hoa nên ký phéng tên mình vào họa phẩm của người khác! Quý tộc hay hèn tộc? Tinh hoa hay tinh quái? hĩm.

      Xóa
  2. Giàu có nhiều đấy, nhưng không là quý tộc. VN giờ có tầng lớp quý vật chất thôi.

    Trả lờiXóa
  3. "Quý tộc" là một khái niệm có nội hàm chỉ những gia đình trong gia tộc danh giá, có truyền thống học vấn cao và có tiềm lực về kinh tế. Như vậy, ngoại diên của khái niệm, trước hết chỉ những gia đình thuộc giới tinh hoa, có học vấn, có khả năng hiểu biết văn hóa xã hội, đồng thời phải là những người có kinh tế (Tất nhiên là kinh tế do trí thức tạo ra chứ không phải bằng cách ăn sống nuốt tươi!). Tầng lớp đó ở Việt Nam chúng ta hiện nay cực hiếm. Lý do: nếu học vấn cao, nhân phẩm cao quý thì nghèo(vì bị các thế lực có tiền từ sự ngu dốt, đê hèn bẹp chết); ngược lại, những người trong gia tộc có rất nhiều tiền thì dốt nát nhưng lại hay dạy đời theo đúng kiểu có tiền là có tất cả! Vì thế, quý tộc theo đúng nghĩa của nó là hiếm lắm, trung trung, ương ương thì nhiều!!! Vì thế, xây nhà hát Quý tộc sẽ không khả thi vì sẽ rất ít buổi sáng đèn vì người am hiểu nghệ thuật thì không có tiền, còn người nhiều tiền thì chẳng hiểu gì về nghệ thuật cả. Đấy là cái thứ quái thai mà xã hội...tạo ra nó!

    Trả lờiXóa
  4. CCRĐ sai, cải tạo tư sản sai nốt. Điều này cũng đảng tự nhận là sai, nhưng không thể sửa, mà trong mấy chục năm qua chúng ta phải làm lại từ đầu trên cái nền hoang tàn của cải tạo. Đằng đợi đến lúc hậu quả tồi tệ của luật ANM xảy ra mới sửa. Chúng ta không muốn tại Liên hợp quốc, tên VN được xướng lên trong danh sách những nước vi phạm nhân quyền. Bí mật đời tư, bí mật kinh doanh, muốn kiểm tra thì phải có lệnh của Tòa án, của cơ quan công tố. Không có một nước nào lại quy định cho nhân viên AN tùy tiện kiểm tra như thế.

    Trả lờiXóa
  5. Theo như tôi biết thì quý tộc là một tước hiệu và phải được phong. Quý tộc thì bao gồm cả quý tộc giàu và quý tộc nghèo . Quý tộc còn có tính kế thừa,càng nhiều đời càng danh giá .Còn nếu anh có nhiều tiền nếu không có lý do để được phong quý tộc thì mãi chỉ là nhà giàu mà thôi.

    Trả lờiXóa
  6. Mấy đứa CON HÁT_ Xướng ca vô loài mà cũng là Quý tộc à? sao Buồn cười đến thế..

    Trả lờiXóa