Ông Dương Danh Dy,
nhà nghiên cứu về TQ vừa qua đời
BBC
19-09-2018
Một cựu đại sứ nói với BBC rằng tin nhà nghiên cứu Dương Danh Dy qua đời "là tổn thất lớn vì ông ấy có hiểu biết sâu rộng, đánh giá chuẩn xác về quan hệ Việt-Trung".
Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy qua đời hôm 18/9, hưởng thọ 84 tuổi.
Tính đến 16:00 hôm 19/9, chưa thấy truyền thông Việt Nam đưa tin về việc ông Dy qua đời, nhưng con trai ông đã xác nhận tin buồn trên trang Facebook cá nhân.
Ông Dương Danh Dy được nhìn nhận "là một trong những người hiểu Trung Quốc nhất" và từng có nhiều bài viết về quan hệ Việt-Trung, Chiến tranh biên giới 1979 và Hội nghị Thành Đô.
Năm 1977, ông được lãnh đạo Bộ Ngoại giao Việt Nam cử sang làm bí thư thứ nhất tại Đại sứ quán Việt Nam ở Bắc Kinh, chuyên làm công tác nghiên cứu.
Trong một bài trên BBC Tiếng Việt hồi năm 2009, ông viết: "Mong rằng một số nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện nay nên nhớ chuyện sau: Nếu không biết lời dặn của Chủ tịch Mao với đoàn cố vấn Trung Quốc khi sang giúp Việt nam thời kỳ chống Pháp: "Tổ tiên chúng ta trước đây đã làm một số việc không phải với nhân dân Việt Nam, các anh sang giúp nước bạn lần này là để trả nợ cho cha ông"; và nếu không thấy trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, Thủ tướng Chu đã tới dâng hương tại đền thờ Hai Bà, thì chắc chắn những người Việt Nam thời đó không dễ quên được chuyện cũ để nhanh chóng hòa hiếu với Trung Quốc như sau đó đâu?"
"Vết thương chung phải do cả hai bên cùng đồng tâm, thành ý chữa trị thì mới có thể lành hẳn."
"Chúng ta không nói lại chuyện cũ là vì nghĩa lớn, chứ không phải vì chúng ta không có lý, không phải vì người Việt Nam sợ hãi hay chóng quên."
Trong một bài khác về Hội nghị Thành Đô, ông viết: "Hơn 20 năm sau Hội nghị Thành Đô, nay có dịp nhìn lại vấn đề, ngưòi ta sẽ thấy "ngộ" ra được một số điều mà ngay từ khi được phổ biến "kết quả" của Hội nghị, những người quan tâm đến tình hình đất nước lúc đó đã ít nhiều biểu thị sự không đồng tình." Bản quyền hình ảnh XinHua Image caption Các ông Lê Đức Anh và Đỗ Mười lên làm lãnh đạo Việt Nam sau cuộc họp Thành Đô
'Hiểu biết sâu rộng'
Hôm 19/9, ông Nguyễn Trung, cựu đại sứ Việt Nam tại Thái Lan nói với BBC: "Tôi đang chuẩn bị đi viếng ông Dương Danh Dy, một người bạn lâu năm của tôi. Ông ấy qua đời là tổn thất lớn vì ông ấy có hiểu biết sâu rộng về Trung Quốc, đánh giá chuẩn xác về chính sách của Bắc Kinh đối với Hà Nội, cũng như quan hệ Việt-Trung."
"Theo như tôi hiểu, những gì ông ấy biết thì đều viết ra cả, chứ không giữ lại."
"Đương nhiên trong công tác nghiên cứu thì có những gai góc nhưng ông ấy không tránh né vấn đề."
"Có thể nói những ý kiến của ông Dương Danh Dy cũng như của ông Nguyễn Trọng Vĩnh đều rất xác đáng."
"Tất nhiên là ông Dương Danh Dy cũng như những người làm ngoại giao, nghiên cứu khác ở Việt Nam đều có mong muốn quan hệ Việt-Trung được tiến triển, dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau."
"Nhưng đó chỉ là mong muốn, còn muốn trở thành sự thật thì cần có một quá trình rất dài," ông Nguyễn Trung nói với BBC.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Asean và là cựu đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Indonesia, viết trên trang cá nhân: "Ông Dy là một trong những cây đa, cây đề những nhà nghiên cứu gạo cội về chính sách đối ngoại của Trung Quốc và Trung Quốc đương đại còn sót lại."
"Khi làm việc, ông luôn tìm cách tạo sự khác biệt trong cách nhìn nhận, đánh giá, cách viết và cách trình bày những suy nghĩ của mình và đây là cách mà những người làm việc cùng có thể học được ở chú rất nhiều. Còn một điểm khác rất ít thấy ở người lớn tuổi và nhất là người nghiên cứu Trung Quốc là ông rất tôn trọng các ý kiến xác đáng, dựa trên cơ sở nghiên cứu của các cán bộ trẻ, có năng lực, mặc dù đó là ý kiến hay quan điểm khác biệt."
Truong Huy San
(HUY ĐỨC)
DƯƠNG DANH DY - MỘT TRONG NHỮNG NGƯỜI HIỂU TRUNG QUỐC NHẤT - ĐÃ RA ĐI
Nhà ngoại giao Dương Danh Dy vừa mất hôm qua. Ông được coi là một trong những người VN hiểu Trung Quốc nhất; đúng hơn là hiểu dã tâm đối với VN của Chính quyền Trung Quốc nhất.
Ông nhận vai trò Bí thứ thứ nhất Đại sứ quán VN tại Bắc Kinh vào tháng 9-1977, thời điểm mà xung đột giữa VN và TQ đang bị đẩy dần tới đỉnh điểm; và, rời Trung Quốc năm 1996, thời kỳ "hữu nghị hậu Thành Đô", khi đang làm Tổng lãnh sự VN tại Quảng Châu.
Không chỉ tiếp xúc được với nhiều nhân chứng lịch sử, nhờ rất thông thạo tiếng Trung, Dương Danh Dy có lẽ là người VN đọc được nhiều nhất các tài liệu, sách báo, nhật ký, hồi ký có liên quan tới VN của các lãnh đạo và nhà ngoại giao TQ. Cho dù có rất nhiều bạn bè người Hoa, ông Dương Danh Dy chưa bao giờ mơ hồ về chính quyền Bắc Kinh.
Theo đại sứ (VN tại Hà Lan) Đinh Hoàng Thắng, ông Dương Danh Dy là người được Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ trao tận tay hai tập đánh máy cuốn Hồi Ức của ông. Sau khi giúp ông Trần Quang Cơ hoàn chỉnh cuốn Hồi Ức, chính ông Dương Danh Dy là người đã công bố cuốn Hồi Ức nói chi tiết nhất về các chuyển động trước Hội nghị Thành Đô này (khi Thứ trưởng Trần Quang Cơ còn sống).
Trí tuệ, tâm huyết và nhiệt thành yêu tổ quốc, Dương Danh Dy không chỉ là một nhà ngoại giao mà còn là một nhà Trung Quốc học. Các công trình của ông vừa giúp người Việt nhìn thấu tâm can "bạn vàng" vừa nhận ra cả những sai lầm của chính mình sau vừa đúng 7 thập niên dùng gạch đá và máu để đắp đường biên vô sản.
Thành Kinh Phân Ưu ! Vô cùng thương tiếc một bậc Thầy ! R I P Dương Danh Dy . Cầu cho Ngài Dương An Nghỉ Ngàn Thu nơi Vĩnh Hằng !
Trả lờiXóa