Thứ Năm, 9 tháng 8, 2018

SỨC MẠNH MỀM CỦA TRUNG QUỐC Ở VIỆT NAM RA SAO?

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Phạm Bình Minh (phải) tiếp ông Dương Khiết Trì, nhân vật cao cấp nhất của ngoại giao Trung Quốc, tháng 6/2014 tại Hà Nội, sau căng thẳng giàn khoan Trung Quốc, 5/2014.
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, ông Phạm Bình Minh (phải) tiếp ông Dương Khiết Trì, nhân vật cao cấp nhất của ngoại giao TQ, tháng 6/2014 tại HN, sau căng thẳng giàn khoan TQ, 5/2014.

Sức mạnh mềm của Trung Quốc 
ở Việt Nam ra sao?

Kính Hòa
RFA

2018-08-08

Bên cạnh việc phô trương sức mạnh quân sự tại các vùng tranh chấp lãnh thổ trên bộ cũng như trên biển, trong thời gian gần đây Trung Quốc cũng bắt đầu sử dụng một cách tiếp cận mới trong những quan hệ quốc tế của mình. Đó là thúc đẩy sự hợp tác văn hóa, kinh tế, nghiên cứu khoa học,… với nhiều nước trên thế giới.


Một trong những sự thể hiện sức mạnh mềm của Trung Quốc ở Đông Nam Á là sáng kiến Hợp tác Lan Thương Mekong.

Lan Thương là tên đoạn sông Mekong chảy qua lãnh thổ Trung Quốc, thuộc tỉnh Vân Nam. Hội nghị đầu tiên của Lan Thương Mekong được tổ chức vào tháng 3/2016 tại thành phố Tam Á, trên đảo Hải Nam của Trung Quốc, bao gồm sáu quốc gia là Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Thái Lan, Campuchia và Myanmar.

Thực ra viễn cảnh hợp tác tất cả các quốc gia ở lưu vực Mekong, bao gồm cả Trung Quốc đã được các quốc gia thành viên của Ủy hội sông Mekong đưa ra từ trước. Ủy hội này bao gồm bốn nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan, được thành lập chính thức vào năm 1995, dựa trên những sáng kiến đưa ra từ rất xa, vào năm 1957. Ủy hội sông Mekong luôn muốn kết nạp hai quốc gia Trung Quốc và Myanmar làm thành viên chính thức.

Nhưng thay vì gia nhập một tổ chức đã có sẵn, Trung Quốc đã đề xướng việc thành lập một tổ chức mới, Lan Thương Mekong.

Với tổ chức này Trung Quốc bắt đầu dùng một khoản tiền lớn để tài trợ cho những dự án nghiên cứu và phát triển dọc sông Mekong.

Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan nói với đài Á châu tự do:

“Mới đây chính Trung Quốc dự tính sẽ đầu tư khoảng 10 tỉ đô la Mỹ vào Tiểu vùng Mekong mở rộng. Riêng trong số đó có 300 triệu dành riêng cho nghiên cứu Lan Thương và Mekong. Theo tôi biết thì nó đã được sử dụng từ năm 2016, cho khoảng 40 dự án gọi là thu hoạch sớm, cho các trung tâm về môi trường, về nguồn nước, về nghiên cứu Mekong.”

Vào ngày 6/8/2018, Học viện ngoại giao của Việt Nam đã làm lễ khánh thành Trung tâm nghiên cứu sông Mekong, và ngay trong ngày lễ khánh thành này đã tổ chức một cuộc hội thảo mang tên Định hình vành đai phát triển kinh tế Lan Thương Mekong. Tham dự hội thảo này, ngoài các chuyên gia Việt Nam là những chuyên gia của những quốc gia đã tham gia vào dự án Lan Thương Mekong, có cả người đại diện của Tòa Đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội.

Từ những thông tin trên, đã có lời đồn đoán rằng Trung tâm nghiên cứu sông Mekong của Học viện ngoại giao được thành lập với sự giúp đỡ tài chính của Trung Quốc.
.


Tranh biếm họa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với lãnh đạo các quốc gia 
trong vấn đề hợp tác sông Mekong RFA

Chúng tôi đã đặt câu hỏi này với người điều hợp hội thảo ngày 6/8, nhưng không nhận được trả lời.

Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng nói ông không có thông tin, nhưng nếu thực sự có sự giúp đỡ của Trung Quốc thì ông cũng không ngạc nhiên. Ông nói thêm rằng vì Việt Nam đã tham gia vào tổ chức Lan Thương Mekong, nên việc xây dựng trung tâm nghiên cứu Mekong là cần thiết. Tuy nhiên ông đặt ra nghi vấn rằng liệu tiền bạc của Trung Quốc có thể được sử dụng cho việc nghiên cứu tác hại của những đập nước trên thượng nguồn, do chính Trung Quốc gây ra? Ông nói rằng nếu việc nghiên cứu đó được thực hiện thì nó quả là một câu chuyện cổ tích.

Một trong những chuyên gia Việt Nam tham dự hội thảo ngày 6/8 là Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, hiện là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế tại Đại học Khoa học xã hội nhân văn ở Thành phố Hồ Chí Minh, nói với chúng tôi rằng Trung Quốc đang bắt chước theo mô hình của Mỹ sau thế chiến thứ hai, nhằm khuếch trương những giá trị về văn hóa, thể chế,… của một cường quốc ra bên ngoài.

Đó là cách tiếp cận bằng sức mạnh mềm.

Một trong những chương trình được dùng để khuếch trương sức mạnh mềm là thành lập các Viện Khổng tử, tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Viện Khổng Tử tại Việt Nam được chính thức khánh thành vào tháng 12/2014 tại Đại học quốc gia Hà Nội.

Ảnh hưởng của Viện này hiện nay ở Việt Nam như thế nào?

Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, từng tốt nghiệp Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, Trung Quốc cho biết:

“Hiện tại Học viện Khổng tử đó cũng chỉ hoạt động theo cơ chế là giảng dạy tiếng Hoa, tổ chức thi lấy bằng, … để tạo nguồn thu cho học viện. Thỉnh thoảng có một số hoạt động giao lưu văn hóa với các giảng viên từ Trung Quốc sang, như là viết thư pháp, trình bày những seminar về văn hóa Trung Quốc. Tôi thấy những hoạt động đó cũng chưa có gì nổi bật.”

Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng thì nói rằng tầm ảnh hưởng của Viện Khổng Tử tại Hà Nội không thể so sánh với các trung tâm văn hóa của các quốc gia Mỹ, Pháp, Nhật Bản tại Việt Nam được.
.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại lễ khai trương Viện Y học Khổng Tử 
ở trường đại học RMIT tịa Melbourne, Australia hôm 20/6/2010. AFP

Ông nói tiếp về cái gọi là sức mạnh mềm của Trung Quốc:

“Tôi thấy Trung Quốc họ đã giết chết cái sức mạnh mềm của họ, nếu quả như họ có sức mạnh mềm, trước khi mà họ có ý bỏ tiền ra xây trung tâm này học viện nọ để khuếch trương quyền lực tại Việt Nam. Tôi thấy cái sức mạnh mềm mà họ muốn tung ra đó chả có mấy giá trị ở Việt Nam.”

Cựu viên chức ngoại giao Việt Nam này đưa ra những ví dụ là chỉ cách đây vài ngày tàu Trung Quốc đã đâm chìm tàu đánh cá của Việt Nam, Trung Quốc liên tục dùng sức mạnh quân sự đe dọa Việt Nam dừng lại việc thăm dò và khai thác dầu khí trên thềm lục địa của Việt Nam.

Theo Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, câu khẩu hiệu bốn tốt 16 chữ vàng mà các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam hay nêu ra trước đây về tình hữu nghị Việt Nam Trung Quốc, thực chất cũng là biểu hiện của việc tuyên truyền sức mạnh mềm của Trung Quốc, nhưng việc sử dụng câu khẩu hiệu tuyên truyền đó ở Việt Nam đã giảm đi rất nhiều, nhất là sau vụ giàn khoan dầu của Trung Quốc xâm lấn thềm lục địa Việt Nam vào năm 2014.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam hiện đang làm việc tại Singapore, trong một tin nhắn với chúng tôi nói rằng những người cộng sản Việt Nam hiểu rất rõ những ý định của các đồng chí Trung Quốc của họ, vì trong quá khứ người Trung Quốc đã nhiều lần chơi lấn lướt về mặt ngoại giao và chính trị đối với nước láng giềng Việt Nam.

Ông đưa ra một nhận xét rất thú vị là hiện nay các nhà lãnh đạo Việt Nam khi đi chữa bệnh ở nước ngoài thì họ không sang Trung Quốc nữa. Người cuối cùng làm việc đó là ông Lê Đức Anh nguyên Chủ tịch nước, năm nay đã 97 tuổi.

1 nhận xét :

  1. Sức mạnh mềm của trung quốc ở Việt nam thể hiện ở chỗ những nhà lãnh đạo đỉnh cao trí tuệ của ta VÔ CÙNG MỀM.

    Trả lờiXóa