Thứ Tư, 8 tháng 8, 2018

HÃY THAY ĐỔI NHỮNG GÌ ĐÃ LỖI THỜI !


Hãy thay đổi những gì đã lỗi thời

Lê Hùng  

Báo Lao Động
25/04/2015

Cuộc trường chinh của dân tộc Việt Nam suốt 20 năm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đã về đích thắng lợi vào ngày 30.4.1975. Non sông đã liền một dải! Sau 40 năm nhìn lại, thế hệ những người làm nên chiến thắng và cả những người bại trận đều đã già, người còn - người mất. Thế hệ những người sinh ra sau 1975 - con cháu của cả bên thắng lẫn bên thua - hiện đang là lớp người gánh vác nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc.


1. Thế hệ sinh ra thời hậu chiến đang chiếm số đông trong số hơn 90 triệu dân nước Việt. Họ không bị vướng bận nhiều với quá khứ chiến tranh, chia cắt. Cần được huy động tối đa trí tuệ và sức lực để đưa đất nước lên một tầm cao mới.

Mong ước là vậy. Nhưng trên thực tế, nhiều chính sách hiện nay vẫn chưa tạo sự công bằng cho cống hiến. Trên danh nghĩa ta có một nền hành chính do dân và vì dân, tạo thuận lợi cho sự cống hiến của mọi công dân, nhưng vẫn đang nặng về “xin-cho”. Đi học ư? Phải có đơn! Đi làm ư? Đơn!

Ngay cả trường hợp người dân bị oan sai cũng phải có đơn - muốn cơ quan gây oan sai cho mình xin lỗi công khai hoặc bồi thường cũng phải có đơn! Trong khi các nước quanh ta mỗi năm đón hàng chục triệu khách du lịch, mọi thủ tục đón khách được đơn giản tối đa, thì ở ta muốn nhập cảnh ư - phải có đơn xin thị thực. Sao không đơn giản là tờ khai nhập cảnh như các nước đang làm? Tóm lại, trong nền hành chính nước ta hiện nay, người dân có nguyện vọng gì đều phải có đơn gửi cơ quan công quyền.

2. Ta hãy xem một bộ hồ sơ xin việc của một công dân gửi tới bất cứ đâu, từ cơ quan nhà nước, doanh nghiệp (DN) tư nhân, đầu tư nước ngoài… đều bao gồm: Đơn; Lý lịch; Bằng cấp; Hộ khẩu; Chứng minh thư (công chứng). Trong túi hồ sơ này, ta hãy xem bảng lý lịch tự thuật, không biết do ai soạn thảo và từ khi nào mà ở các cửa hàng sách, báo, văn phòng phẩm, tạp hóa… đều có bán một túi hồ sơ có mẫu đơn và mẫu lý lịch in sẵn, chỉ cần điền vào rồi xin xác nhận của chính quyền phường, xã.

Sẽ không có gì đáng nói, nếu chỉ là những khai báo về nhân thân, nhưng nội dung của mẫu sơ yếu lý lịch đã không còn phù hợp với xã hội hiện nay. Nó mang nặng tính phân biệt khi yêu cầu khai báo thành phần gia đình từ hồi cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp - thời kỳ đã trôi qua quá lâu. 
.

Bản mẫu còn yêu cầu cá nhân phải khai mình thuộc thành phần và tôn giáo gì - trong xã hội văn minh, bao dung tôn giáo đang được đề cao, quyền có đức tin là quyền của mỗi người, không cần phải khai báo với ai. Việc khai có phải là đoàn viên hay đảng viên chỉ nên dành cho các trường hợp xin tuyển dụng vào các cơ quan Đảng, Nhà nước. Còn đi học, đi làm thì chỉ cần học giỏi, làm chăm là đạt yêu cầu rồi.

Trong khi con cái của những người sinh ra sau 1975 đã bước vào đời, đi học, đi làm, nhưng tờ khai lý lịch vẫn yêu cầu khai bố mẹ trước Cách mạng Tháng Tám làm gì, ở đâu, trong kháng chiến chống Pháp làm gì ở đâu, từ năm 1955 làm gì ở đâu? Xin thưa, thế hệ đó nếu còn thì cũng đã “xưa nay hiếm” rồi! Đến thế hệ cha mẹ của các cháu sinh ra khi nước nhà đã thống nhất còn không hề biết đến chiến tranh, hay những biến cố mà mẫu lý lịch yêu cầu thì làm sao các cháu khai được gì?

3. Vậy mà các công dân trẻ vẫn phải điền vào những hướng dẫn vô lý năm này qua năm khác. Tất nhiên chỉ là chung chung, thậm chí là bịa cho có. Mỗi năm có hàng triệu bản sơ yếu lý lịch như thế được khai và xin xác nhận ở chính quyền phường, xã.

Ở các thành phố còn có thể dễ dàng xin xác nhận, chứ còn ở vùng nông thôn thì không đơn giản. Khi có người xin xác nhận lý lịch, việc đầu tiên ông xã kiểm tra xem gia đình này còn thiếu nghĩa vụ gì chưa đóng góp không? Đã đăng ký nghĩa vụ quân sự chưa? Nếu chưa thực hiện thì còn lâu mới được xác nhận, hoặc nếu muốn xác nhận thì “phải biết điều” với các “quan” xã.

Mà xác nhận của ông phường, ông xã nội dung ra sao? Chỉ là UBND phường, xã xác nhận ông, bà… ở tại… có địa chỉ tại phường, xã. Chủ tịch (phó chủ tịch) ký tên - đóng dấu. Hết! Chỉ vậy thôi. Xác nhận cũng như không. Vì theo yêu cầu của nhà tuyển dụng, trong túi hồ sơ đều có hộ khẩu, chứng minh thư công chứng rồi thì cần gì đến xác nhận vô thưởng vô phạt của ông phường, xã nữa? Nhưng không có nó thì hồ sơ coi như chưa đầy đủ, không được tiếp nhận. Khổ thế!

Đã đến lúc cần có cải cách triệt để trong những thủ tục giấy tờ, nhân thân để mỗi công dân Việt Nam khi lớn lên trong một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất không phải vướng bận với quá khứ. Làm sao để thế hệ trẻ hôm nay không còn mặc cảm về thành phần, tôn giáo hay bên nọ bên kia. Cần bãi bỏ những mẫu giấy tờ đã lỗi thời như mẫu lý lịch tự thuật. Công dân khi đi làm, đi học đã có chứng minh thư công dân. Nhà nước đang dần triển khai quản lý hồ sơ công dân từ khi sinh đến khi mất. Nếu những ngành nghề nào cần kiểm tra lý lịch kỹ càng hơn, đã có lý lịch tư pháp của ngành tư pháp cấp lâu nay.

Hãy để cho thế hệ trẻ hiện nay, sống ngẩng cao đầu và cống hiến thật nhiều cho đất nước.
Lê Hùng

9 nhận xét :

  1. Bài viết chuẩn và rất xác đáng.
    Những quy định về "hành là chính" thể hiện văn hoá xin cho ban phát. Lấy vợ phải có đơn xin đăng ký kết hôn, sinh con khai sinh cho con phải có đơn xin khai sinh. Đi đâu phải có đơn xin tạm vắng tạm trú. Rồi đủ thứ đơn. Đơn xin thành lập doanh nghiệp. Đơn xin làm nhà, đơn xin chứng nhận đăng ký xe. Đơn xin cấp lại căn cước công dân. Đơn xin ...
    Cái gì cũng phải có đơn làm như tất tần tần tật thượng vàng hạ cám đều là tải sản của chính quyền của người có quyền chức, mà họ là người ban phát cho dân.
    Nghĩ mà buồn cười là vố lý nhưng nó cứ mặc nhiên tồn tại.
    Đã đến lúc người dân phải lên tiếng đòi hỏi bãi bỏ các loại đơn từ xin xỏ, chấm rất kiểu xin cho ban phát vô lối, không riêng đơn xin mà nhiều việc còn phải kẹp thêm tiền mới được quan xem xét...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. đúng thật trên đất nước VN này còn có những chuyện rất hài hước:Làm đơn để mua một cái đơn, làm một cái đơn khác để báo đơn mới được cấp bị hỏng, mà cái đơn bị hỏng không do người mới được cấp làm hư, (hỏng tin thì đến xếp hàng vào lúc 2h sáng để mua đơn xin cho con vào trường mẫu giáo trung tâm tp thì biết!)

      Xóa
  2. Họ có thật sự muốn cho thế hệ trẻ được ngẩng đầu không ?

    Trả lờiXóa
  3. Đây là nội dung bài đăng trên báo Lao Động dịp 30/4/2015 của tác giả Lê Hùng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chúng tôi đã kiểm tra lại. Đúng như bác nói. Vậy là bác Quốc Toản copy từ Lao Động mà không đề nguồn dẫn và ghi tên tác giả.

      Nay đã sửa lại rõ ràng.
      Xin chân thành cảm ơn Bác !!!!

      Xóa
    2. Cảm ơn bác Xuân Nguyên!

      Xóa
  4. Tôi có anh bạn có con nhập học lớp 1, khi kê khai hồ sơ nhập học cho con, đến mục "Nơi sinh" anh ta viết:
    Nơi sinh: Xã ... huyện ... tỉnh ....
    Đến nộp cho cô giáo, hôm sau cháu bé con anh mang tờ khai về bảo bố: "Cô giáo bảo là bố khai chưa đúng nơi sinh, phải là ở bệnh viện nào chứ viết như bố là không đúng."
    Anh bạn hoang mang thật sự bởi khi vợ anh đang nhổ mạ ngoài đồng thì trở dạ sinh ra con bé chứ có bệnh viện bệnh viếc gì đâu. Đang vò đầu bứt tai thì ông nội cháu bé nói: Nơi sinh nếu không phải làng xã thì cứ ghi "L..." là đúng nhất, bởi thằng nào chẳng chui từ đó ra.

    Trả lờiXóa
  5. Họ duy trì sự lạc hậu này để hành dân đấy. Dân mà cúi đầu chấp nhận thì còn lâu nhà nước mới bỏ. Dân nuôi một đống cán bộ để bắt nạt mình, thật buồn cho dân quá!

    Trả lờiXóa
  6. Người ta cần duuy trì cái lỗi thời lạc hậu ,gọi là ngu dân hóa . Trong một số trường hợp cụ thể ,các vị vua chúa còn muốn tha hóa ,bần cùng hóa dân chúng .

    Trả lờiXóa