Thứ Hai, 2 tháng 7, 2018

TS. Đinh Hoàng Thắng: DI SẢN TRẦN QUANG CƠ

Ông Trần Quang Cơ (22 tháng 5 năm 1927 – 25 tháng 6 năm 2015)

Di sản Trần Quang Cơ

TS. Đinh Hoàng Thắng 
Tưởng niệm 03 năm, ngày Ông Trần Quang Cơ đi xa. 

Không có bất cứ phát biểu nào sau khi xem phim, nhưng tâm sự thì ai nấy chắc chắn là trùng trùng chất chứa. Lúc bấy giờ, chỉ kịp nghĩ, chỉ có sự im lặng mênh mông mới không xúc phạm đến khí phách Trần Quang Cơ? Như Lý Bạch đời Đường từng viết: “Sự liễu phất y khứ/ Thâm tàng thân dữ danh, có thể diễn nghĩa: Việc xong phất áo ra đi / Giấu kín cả thân lẫn danh.

Vào sáng 23/6/2018 — nhằm mồng 10 tháng 5 Nhâm Tuất — khoảng một trăm cán bộ Bộ Ngoại giao, chủ yếu là bạn bè thân quen của cố thứ trưởng Trần Quang Cơ, hân hạnh được làm khách của bà Trần Thị Vượng, quả phụ của thứ trưởng. Ba năm trước đây — vào đêm mồng 10 tháng 5 Quý Mùi (2015) ông Trần Quang Cơ đã trút hơi thở cuối cùng tại Bệnh viện Hữu nghị, Hà Nội. “Lễ Đại tường”, giỗ mãn tang cố thứ trưởng đã diễn ra trong không khí giản dị, trang nghiêm và đầy xúc động tại Nhà khách Chính phủ, số 2 Lê Thạch. 

Sự im lặng mênh mông?

Bộ phim ngắn về cuộc đời và sự nghiệp của một con người mà lúc nằm xuống được lãnh đạo Bộ Ngoại giao đánh giá rất cao, đã đem ra “trình làng”. Đấy là nghĩa cử của cả một thế hệ ngoại giao, thế hệ “hậu Trần Quang Cơhậu Nguyễn Cơ Thạch”. Nghĩa cử ấy, vừa sâu lắng, vừa cảm động. Một vài bạn trẻ được dự “Lễ Đại tường” băn khoăn hỏi tôi: sau khi xem bộ phim “nhỏ mà lớn” như vầy, phần nào nói lên tấm lòng của hậu thế đối với cố thứ trưởng, tại sao không có lời phát biểu nào? Tiễng vỗ tay như bị hoá vàng” vào thinh không vậy? Tôi an ủi: “Các cháu không nghe bác Vượng vừa nói đấy à, hôm nay, bác ấy thấy bác Trần Quang Cơ đã về đây cùng chúng ta. Với bác, giờ đây, mọi sự tôn vinh đều trở nên không cần thiết nữa”. 

Nhân thể, phóng tác theo nguồn mạch cảm khái của nữ văn sĩ trẻ Hà Thuỷ Nguyên[1]: Giờ đây, mệnh của ông ấy đã cạn, phận của ông ấy đã xong! Ông đã thoát khỏi vũng lầy, bay lên cao thẳm. Ông uốn mình giữa thiên thanh, đất Đại Việt lạnh hương đưa tiễn. Ngày này, tiếng chuông chùa thong thả tiễn ông về trời. Nỗi buồn đau của đấng anh hùng, chỉ có sự giải thoát mới cứu rỗi. Thân xác để trần gian, tên tuổi lưu vào sử xanh, chức vụ trả cho hậu thế, chỉ còn mấy giò phong lan ông ấy gửi lại những người thân thương trong gia đình…

Tuy không có lời nào thốt ra sau khi xem phim, nhưng tâm sự thì ai nấy chắc chắn là trùng trùng chất chứa. Lúc ấy chợt nghĩ, chỉ có sự im lặng mênh mông mới không xúc phạm đến khí phách Trần Quang Cơ. Như Lý Bạch trong Hiệp khách hành từng hạ bút: “Sự liễu phất y khứ / Thâm tàng thân dữ danh”, có thể dịch thành thơ: “Việc xong rũ áo ra đi / Xóa nhòa thân thể, sá gì tiếng tăm”. Nhưng cây bút “gạo cội” Nguyễn Trung không đồng ý với cách giải thích ấy của tôi, đã chất vấn: có đúng là sự im lặng mới không xúc phạm đến hương linh các cụ hay ngược lại? Bởi vì, theo nhà ngoại giao này, sứ mệnh dang dở mà thế hệ đi trước để lại đang là gánh nặng quá lớn đối với nền ngoại giao nước nhà trong thời buổi sóng gió hiện nay. Không thể im lặng mãi như thế được… 

“Song kiếm hợp bích” 

Ba năm trước, tôi đã viết, khí phách Trần Quang Cơ hẳn nhiên đạt tới “đỉnh” khi ông quyết định công bố “Hồi ức và Suy nghĩ” khá sớm[2] (khoảng đầu 2001). Cho đến nay, có thể nói, chưa có một cuốn hồi ký chính trị nào, từ ngày lên mạng, lập tức trở thành nguồn tư liệu “gối đầu giường” đối với giới quan sát và các nhà nghiên cứu muốn có nguồn tham chiếu trung thực để phân tích nội tình Việt Nam những năm hậu chiến, thậm chí để thấu hiểu cả những sự kiện mà di lụy của chúng còn kéo dài mãi tới hôm nay và mai sau. Vì vậy, khi trang bìa cuốn “Hồi ức…” tái hiện trên màn hình, người xem chú mục vào những ngón tay mổ cò trên cái laptop cũ, dòng chữ bay lượn thật linh thiêng, đầy thần khí.

Ông Trần Quang Cơ.

Ba năm sau, giờ đây lại được bà quả phụ Trần Thị Vượng tặng cuốn “Ngược dòng thời gian”. Có thể coi đây là cuốn hồi ký thứ hai của Trần Quang Cơ, một cuốn tự truyện được lưu hành trong khuôn khổ “Tủ sách gia đình”. Cuốn này gồm hai phần, phần I mang tựa đề như tên sách, trong đó ông đã c gắng nhớ lại hình ảnh những năm xa xưa của đời mình”. Phần II là “Vài mảnh quá khứ” do ông “góp nhặt lại (t chính ông dùng) một vài kỷ niệm về quảng thời gian từ năm 1987 đến năm 2003, qua một số bài viết, tham luận tại các hội nghị quốc tế và trả lời phỏng vấn báo chí. Như một lẽ tự nhiên, “Hồi ức và Suy nghĩ” cùng với “Ngược dòng thời gian” đúng là một “song kiếm hợp bích”. Làm thế nào để đất nước phát triển được an toàn (nói chữ là bền vững) và làm thế nào để sống, tồn tại và đi ra được với thế giới, bên cạnh một Trung Quốc vừa là “đối tác”, vừa là “đối tượng”?

Di sản Trần Quang Cơ chắc chắn còn giá trị đối với cuộc đấu tranh của ngoại giao Việt Nam hiện tại và tương lai[3]. Tiếc là bài báo đặc biệt, “Một nhân cách lớn đã ra đi”, tường thuật lễ tang của cố thứ trưởng cách đây ba năm, do đích thân bộ trưởng Phạm Bình Minh đọc điếu văn, đã bị “cất” vào kho, không còn trên mạng nữa, cả ở Báo mới.com, lẫn báo của BNgoại giao. Chưa có Luật an ninh mạng, điếu văn do đương kim Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đọc, vẫn bị “dập” như thường. Sau Luật An ninh mạng, phát biểu vừa qua của Chủ tịch nước có bị “cắt-đục-bỏ” như đã thấy thì cũng không lấy chi làm lạ! Cũng chẳng sao! Những ai quan tâm có thể tìm đọc cuốn “Khí phách Trần Quang Cơ”, nơi còn lưu giữ hầu như đầy đủ tất cả bài viết về ông từ các đồng nghiệp lẫn “học trò” của ông ở Việt Nam và từ các bạn bè quốc tế[4]. 

Kỷ niệm nhỏ — Trách nhiệm lớn 

Trong lời nói đầu cuốn “Ngược dòng thời gian”, Trần Quang Cơ có nhắc đến “Tổng kết 50 năm ngoại giao Việt Nam” (Hà nội tháng 8/1998) nhưng rồi ông cũng chỉ coi đó như “một kỷ niệm nhỏ” của người viết ra nó để giúp người đọc “giải khuây”. Chẳng nhẽ một đề tài nghiêm cẩn trong đợt tổng kết ấy như “Bối cảnh quốc tế và ngoại giao Việt Nam thời gian 1991—1995”, mà ông lại xếp vào thang giá trị “mua vui cũng được một vài trống canh”? “Giải khuây”, vì chất lượng công trình do những hạn chế khách quan, hay vì ông biết, có nghiên cứu ra rồi cũng chẳng được dùng? Thật ra thì di sản Trần Quang Cơ không hề “nhỏ”. Hai ông Nguyễn Cơ Thạch và Trần Quang Cơ nổi tiếng là những ông “Vua” tổng kết, là những chuyên gia “khai sơn phá thạch” bộ môn “Phương pháp luận” nghiên cứu quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại của các nước.

Sinh thời, ông Trần Quang Cơ từng nói với người viết bài này rằng, khoảng cách giữa nhiệm vụ chính trị đối ngoại lẽ ra cần làm và phải làm so với chính sách được phép triển khai trên thực tế bao giờ cũng có độ vênh khá lớn. Độ vênh ấy nhiều khi do chính thực tại đầy mâu thuẫn của đất nước tạo nên và ở ta, nó là lực cản đối với tiến trình hội nhập. Nghĩ lại, điều ông nói thật chí lý. Mặt trận ngoại giao hiện nay thực sự đang “tứ bề thọ địch”. Ngay đến các nhà nghiên cứu “quốc doanh” cũng phải thừa nhận: Việt Nam đang bị bao vây chiến lược. Cái độ vênh giữa chính sách ngoại giao với thực tại đất nước hôm nay ngày càng trở nên quyết liệt, thậm chí có thể rơi vào tình huống nguy hiểm hơn bao giờ hết!

Trong bối cảnh nói trên càng dễ nhận ra khoảng trống về trí tuệ và bản lĩnh do “cặp bài trùng” Nguyễn Cơ Thạch — Trần Quang Cơ, cũng như các bậc tiền bối về ngoại giao để lại đối với nền ngoại giao nước nhà thật to lớn. Cục diện thế giới và chuyển động trong khu vực giờ đây có những mặt khó hơn thời chiến tranh. Nay là lúc thế hệ “học trò” các ông cùng một lúc phải chiến đấu quyết liệt trên cả hai mặt trận: ứng phó với những thách thức khắc nghiệt của trật tự quốc tế đang ló dạng và ứng phó với độ vênh ngày càng doãng ra giữa đòi hỏi bức bách về an ninh—phát triển của đất nước với khả năng hành động bị nhiều ràng buộc của lãnh đạo quốc gia./.


2 nhận xét :

  1. Nhượng bộ một lãnh thổ có thể có những hệ quả không lường trước trong tương lai. Nếu chính quyền giải quyết tranh chấp mà đi đến một thỏa hiệp, nó bị cáo buộc là nhượng bộ lãnh thổ của quốc gia, phản bội đất nước.
    (W. Churchill)

    Trả lờiXóa
  2. Đọc xong bài viết thấy thất vọng khi nhớ đến tiếng vỗ tay trong đám tang Trần Độ!

    Trả lờiXóa