Phụ nữ Trung Quốc mang vác hàng hóa từ cửa khẩu Móng Cái sang Trung Quốc.
TQ dùng VN để ‘đỡ đạn’ trong cuộc chiến thương mại với Mỹ?
VOA
Khánh An
9-7-2018
Nếu mô hình hợp tác kinh tế qua biên giới theo ý tưởng của Trung Quốc được xúc tiến thành công tại Việt Nam, quốc gia Đông Nam Á này có thể trở thành một điểm “trú ẩn” cho nguồn hàng hóa Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan mới của Mỹ trong cuộc chiến thương mại đang thành hình giữa hai cường quốc.
Khu hợp tác kinh tế qua biên giới, thường được gọi tắt là “khu hợp tác kinh tế”, là một ý tưởng do Trung Quốc đưa ra và đang đàm phán với nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Mô hình này được mô tả là “hai nước một khu, tự do thương mại, vận hành khép kín”. Theo đó, khu vực hợp tác kinh tế sẽ có các phân khu theo chức năng như khu chế tạo, gia công, kho bãi, thông quan hàng hóa, trung tâm thương mại…, và hai chính phủ sẽ cùng phối hợp quản lý, khai thác và chia lợi nhuận.
Từ năm 2007, Hà Nội và Bắc Kinh bắt đầu xúc tiến mô hình khu hợp tác kinh tế qua biên giới tại các tỉnh như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai… nhưng cho đến nay vẫn chưa hoàn thành quá trình đàm phán để bắt đầu xây dựng.
Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 11 năm ngoái của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên đã ký Bản ghi nhớ đồng ý đẩy nhanh tiến độ đàm phán thỏa thuận khung cho việc xây dựng các khu vực hợp tác kinh tế này.
Trước tình hình cuộc chiến thương mại đang bắt đầu thành hình, khi Washington hôm cuối tuần rồi “nổ phát súng đầu tiên” bằng việc đánh thuế 25% lên hàng hóa của Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD, khiến Bắc Kinh tuyên bố sẽ đáp trả, một số chuyên gia quốc tế dự đoán Việt Nam sẽ trở thành một nơi “trú ẩn” giúp cho hàng hóa Trung Quốc “đỡ đạn” trước đòn đánh thuế quan nặng nề của Mỹ khi đi vào thị trường Hoa Kỳ.
Chuyên gia Murray Hiebert của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington, Mỹ, nhận định với VOA rằng khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra.
Ông phân tích: “Chúng ta đã thấy điều đó rồi đấy thôi. Khi Việt Nam tham gia vào Hiệp định Thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Trung Quốc thấy rằng Việt Nam sẽ tiếp cận được dễ dàng hơn vào thị trường Mỹ nên đã tìm cách sản xuất hàng hóa tại Việt Nam để hưởng lợi từ TPP”.
Mặc dù vậy, theo chuyên gia của CSIS, trong bối cảnh tranh chấp thương mại, Hoa Kỳ chắc chắn sẽ “để mắt kỹ hơn” đến luồng hàng hóa Trung Quốc thông qua một nước thứ ba như Việt Nam để vào Mỹ nên đây không phải là một lối thoát dễ dàng.
Tổng bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
đón tiếp tại Hà Nội vào ngày 12/11/2017.
Theo tường thuật của tờ Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP), hiện các quan chức của tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, đang nhắm đến 7 khu vực biên mậu với Việt Nam để đưa các nhà xuất khẩu từ Trung Quốc đến lắp ráp sản phẩm tại đây và dán nhãn “made in Vietnam”.
Một trong những khu vực này là thị xã Bằng Tường, thuộc thành phố cấp địa khu Sùng Tả của Trung Quốc. Phó thị trưởng của thành phố này, Lu Hui, bày tỏ với SCMP rằng rất muốn tạo ra một khu hợp tác với Việt Nam với “nguồn vật liệu, vốn và nhân công tự do”, và các sản phẩm được sản xuất trong khu vực này có thể được lựa chọn dán nhãn “made in Vietnam” hay “made in China”.
Trong khi đó, Bí thư Đảng Cộng sản ở Bằng Tường nói thẳng rằng tranh chấp thương mại với Washington khiến cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc “gặp khó khăn” khi đưa sản phẩm “made in China” trực tiếp sang Mỹ, nên một số sẽ được vận chuyển thông qua các nước thành viên ASEAN.
Quan chức đứng đầu Đảng Cộng sản ở Bằng Tường đề nghị những khu vực biên giới Trung Quốc với Việt Nam như Bằng Tường nên “xúc tiến tích cực hơn” để biến “thương mại vận chuyển” thành “gia công và sản xuất tại địa phương”, vẫn theo SCMP.
Theo các chuyên gia quốc tế, những cuộc biểu tình gần đây tại Việt Nam chống lại dự luật Đặc khu vì lo ngại “mất chủ quyền” về tay các nhà đầu tư Trung Quốc cũng sẽ là một trở ngại lớn cho việc xúc tiến kế hoạch khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt-Trung.
Kể từ khi đưa ra chiến lược đầy tham vọng “Vành đai, Con đường”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa chính sách “ngoại giao láng giềng” lên hàng thứ hai về mức độ quan trọng trong chính sách đối ngoại của nước này. Nhờ đó, ý tưởng về các khu hợp tác kinh tế qua biên giới đã giành được một sự ủng hộ chính trị mạnh mẽ và được cung cấp nguồn lực từ trung ương.
Ngoài Việt Nam, Trung Quốc còn xây dựng các khu hợp tác kinh tế với Myanmar, Lào, Kazakhstan, Nga. Tuy nhiên cho đến nay, chỉ có một khu hợp tác kinh tế với Kazahstan là hoàn thành và đi vào hoạt động.
Theo đánh giá của chuyên gia Hiebert, còn quá sớm để đưa ra kết luận cụ thể về tác động của cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ lên nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên theo chuyên gia này, dù thế nào thì Việt Nam chắc chắn cũng sẽ bị ảnh hưởng trong cuộc chiến của hai cường quốc, nhưng “ở một mức độ không lớn”, vì Việt Nam không phải là một nhà cung cấp toàn cầu như Singapore, Malaysia… về các sản phẩm như linh kiện điện tử, vốn là mặt hàng chịu tác động nặng từ chính sách thuế quan mới của Mỹ.
Chuyên gia của CSIS nói thêm rằng không những vậy, Việt Nam có thể sẽ còn hưởng lợi nếu biết cách “xoay sở” thúc đẩy thương mại tự do với châu Âu, Nhật Bản và các nước ASEAN, bên cạnh những “lợi ích ngắn hạn” từ việc hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc gặp trở ngại khi xuất khẩu.
Trong một gia đình , ông bố là chủ mà chỉ lo riêng cho bản thân , ăn chơi vô độ , nợ nần chồng chất , chẳng lo gì cho vợ con , ai góp ý thì đàn áp . Gia đình ấy ắt phải lụn bại
Trả lờiXóa