Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2018

NGỪNG TRIỂN LÃM CƠ THỂ NGƯỜI TẠI TP HCM

Một mẫu vật trưng bày tại triển lãm cơ thể người ở Nhà văn hóa Thanh niên TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần.
Một mẫu vật trưng bày tại triển lãm cơ thể người ở Nhà văn hóa Thanh niên TP HCM. 
Ảnh: Quỳnh Trần.
Ngừng triển lãm cơ thể người tại TP HCM

VNE
Thứ sáu, 6/7/2018, 20:04 (GMT+7)

Sở cho biết đơn vị tổ chức không trung thực khi xin cấp phép mẫu vật trưng bày bằng nhựa nhưng thực tế là cơ thể người thật.

Triển lãm cơ thể người ở TP HCM gây tranh cãi về khoa học và đạo đức

Tối 6/7, Sở Văn hóa, Thể thao TP HCM cho biết đã yêu cầu đơn vị tổ chức triển lãm cơ thể người Mystery of Human body dừng hoạt động trưng bày từ ngày 7/7. Đồng thời, ban tổ chức phải cung cấp cho Sở kế hoạch tổ chức, hồ sơ pháp lý, nguồn gốc, lý liệu, chất liệu cụ thể các mẫu vật từ Hàn Quốc vào Việt Nam và các văn bản do cơ quan chức năng Việt Nam cấp như hải quan, Bộ Y tế... Từ đó, Sở báo cáo xin ý kiến Bộ Văn hóa, Cục Mỹ thuật, Bộ Y tế... về triển lãm.


Qua công tác hậu kiểm, Sở phát hiện phía ban tổ chức - công ty cổ phần dịch vụ và thương mại Khai Thiên - không trung thực trong hồ sơ đề nghị cấp phép trưng bày khi ghi các mẫu vật bằng nhựa, nhưng thực tế là tử thi, bộ phận người hiến tạng cho khoa học và được nhựa hóa. Ngoài ra, thời gian triển lãm mở cửa tại Nhà văn hóa Thanh niên (từ ngày 21/6 đến 31/12) không đúng theo văn bản chấp thuận của Sở (từ ngày 1/11/2017 đến 1/9/2018).

Ghi nhận dư luận qua hai tuần trưng bày, Sở đánh giá triển lãm mang lại cảm giác ghê rợn cho người xem, bên cạnh việc không rõ xuất xứ của các xác sống, nội tạng cơ thể người. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến đánh giá triển lãm giúp khán giả hiểu thêm về cơ thể người, nội dung giáo dục cao, hình thức sinh động...

Tối 6/7, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm - có buổi kiểm tra độc lập tại triển lãm. Chia sẻ với VnExpress, ông đánh giá so với hình ảnh đăng tải trên mạng xã hội mà ông xem qua, các mẫu vật nhìn bên ngoài không quá rùng rợn, về mặt thị giác có thể chấp nhận để trưng bày. Tuy nhiên, điều ông băn khoăn là nguồn gốc của các mẫu vật. "Chúng ta không biết lai lịch của người hiến xác, họ có thỏa thuận hay không để trưng bày trong triển lãm", ông chia sẻ.


Cục trưởng Cục Mỹ thuật Vi Kiến Thành kiểm tra triển lãm tối 6/7. Ảnh: Mai Nhật.

Ngoài ra, Cục trưởng cho rằng việc trưng bày cơ thể người thật là nhạy cảm so với văn hóa tâm linh người Việt. Ông Thành đang đợi báo cáo của Sở gửi lên Bộ. "Nếu hồ sơ xin phép ghi là mẫu vật bằng nhựa trong khi thực tế là từ cơ thể người, đơn vị tổ chức có dấu hiệu gian dối", cục trưởng nhận định.

Triển lãm Mystery of Human body (Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người) - lần đầu được tổ chức ở TP HCM - gây tranh cãi khi trưng bày 137 mẫu vật được nhựa hóa nhờ công nghệ bảo tồn xác người Plastination.

Sáng 5/7, theo chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa TP HCM yêu cầu ban tổ chức triển lãm giải trình. Đầu năm nay, Cục trưởng Vi Kiến Thành từng từ chối cấp phép chương trình tại Hà Nội. Đại diện cơ quan quản lý đánh giá triển lãm "ghê rợn, phản cảm về hiệu ứng thị giác và có thể gây ghê sợ cho người xem". Họ chỉ đồng ý cấp phép nếu trưng bày tại các đại học y khoa để phục vụ nghiên cứu.

Mô hình triển lãm làm từ tử thi, được bảo tồn nhờ công nghệ nhựa hóa do nhà giải phẫu học người Đức Gunther Von Hagens sáng chế. Năm 2003, công ty sản xuất của Gunther Von Hagens (đặt tại Đại Liên, Trung Quốc) tổ chức triển lãm tại 20 thành phố ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Austria, Bỉ, Thụy Sĩ, Đức và Anh, mỗi thành phố đều gây tranh luận lớn. Lượng khán giả lúc đó vào khoảng 13 triệu người, riêng Đức thu hút bốn triệu người, Hàn Quốc góp ba triệu người. Theo Tân Hoa Xã, bình quân mỗi ngày có một khán giả ngất xỉu vì không sẵn sàng tâm lý xem triển lãm. Trước tin đồn tiến sĩ Hagens kiếm được 800 triệu USD nhờ tổ chức triển lãm, ông nói: "Tôi mong mình kiếm được nhiều tiền như thế, càng nhiều càng tốt".
Mai Nhật

5 nhận xét :

  1. Ở Mỹ có nhiều người muốn hiến xác để được bảo quản và triển lãm như thế. Không có gì ghê gớm cả. Đây là cơ hội học hỏi về cơ thể của chính con người chúng ta.

    Trả lờiXóa
  2. Thập niên 60 của thế kỷ trước, VN đã cho triển lãm mẫu tượng trong suốt to bằng người thật "Người đàn bà thủy tinh" của CHDC Đức ở nhiều tỉnh/thành. Người xem có thể nhìn rõ toàn bộ cơ quan nội tạng mà không cảm thấy "ghê sợ" gì.

    Trả lờiXóa
  3. Vậy xử lý thằng gian dối này và thằng quan liêu như thế nào? Hay lại nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc. Chắc vụ này ĐCS không lãnh đạo?

    Trả lờiXóa
  4. [Sở cho biết đơn vị tổ chức không trung thực khi xin cấp phép mẫu vật trưng bày bằng nhựa nhưng thực tế là cơ thể người thật. ]
    -Phải phạt thôi, đơn vị tổ chức không trung thực gây dư luận không tốt trong xã hội?

    Trả lờiXóa
  5. Rất mong có họa sỹ nào dựng lại chân dung của "thi thể" nhựa hóa rồi đưa lên thông tin đại chúng. Biết đâu tìm được nguồn gốc của người bị nhựa hóa.

    Trả lờiXóa