Thứ Tư, 18 tháng 7, 2018

Hoàng Hải Vân: MỘT NỀN GIÁO DỤC THỐI NÁT HẾT THUỐC CHỮA !


MỘT NỀN GIÁO DỤC THỐI NÁT HẾT THUỐC CHỮA !
Hoàng Hải Vân
18-7-2018

Thốt lên lời mất dạy này tôi thành thật xin lỗi các thầy giáo và các nhà lãnh đạo có tâm huyết với sự nghiệp giáo dục nước nhà. Chuyện gian lận thi cử vô tiền khoáng hậu vừa diễn ra ở Hà Giang chỉ làm vỡ ra một cái nhọt trong cơ thể ung nhọt đã sưng tấy lên mấy chục năm nay của nền giáo dục, đến nỗi sờ vào chỗ nào cũng thấy đau nhức.

Vào đầu những năm 2000, anh Lương Hoài Nam của Vietnam Airlines có mời tôi tham gia cùng một nhóm nhà báo đi 1 vòng quanh thế giới bằng máy bay, sau đó đi hàng chục chuyến bay nội địa của Mỹ, Pháp, Hàn Quốc…, mục đích là giúp Vietnam Airlines khảo sát các chuyến bay nội địa của các nước nhằm cải tiến dịch vụ. Tôi không còn nhớ mình đã viết những gì, chỉ có chuyện này là không quên : Tiếp viên hàng không Việt Nam có 2 cái nhất thế giới : đẹp nhất thế giới và bằng cấp cao nhất thế giới (phần lớn đều có bằng đại học). Chính 2 cái nhất đó biến thành nhược điểm của người phục vụ : ít chu đáo với hành khách (dĩ nhiên không phải ai đẹp và có học vấn cao đều thiếu chu đáo). Mà hành khách thì cần sự chu đáo chứ không quan tâm người phục vụ có đẹp hay không và có bằng cấp gì. Các tiếp viên hàng không của Mỹ, Pháp phần lớn không đẹp và không có bằng đại học, nhưng họ làm cho hành khách vô cùng dễ chịu.

Câu chuyện diễn ra lâu rồi. Ngày nay tiếp viên của các hãng hàng không Việt Nam có bớt đẹp và bớt bằng cấp để tăng sự chu đáo lên hay không thì tôi không biết. Nhưng chuyện bằng cấp thì không chỉ là vấn đề thời sự mà còn phát triển thành một căn bệnh nan y.

Đương nhiên bằng cấp không có gì xấu nếu như gắn với thực học. Trong lịch sử Việt Nam hiện đại, không tính thời Pháp thuộc và không bàn vấn đề ý thức hệ, hai nền giáo dục mà bằng cấp được coi là có giá trị phổ biến ngang với thực học là nền giáo dục Việt Nam dân chủ cộng hòa dưới thời hai vị Bộ trưởng đáng kính Nguyễn Văn Huyên và Tạ Quang Bửu và nền giáo dục Việt Nam cộng hòa. Sau năm 1975, một “lỗi hệ thống” từ đâu đó đã khiến cho nền giáo dục của nước Việt Nam thống nhất dần dần bị biến dạng. Bằng cấp từ chỗ là một tờ giấy chứng nhận thực học đã biến thành mục đích ngày càng rời xa việc trang bị tri thức. Học không còn để phát triển trí tuệ, để sống khỏe mạnh và tử tế mà để tập trung vào việc lấy bằng, bất kể lấy cái bằng đó để làm gì.

“Đầu têu” của việc sính bằng cấp là các quan chức nhà nước. Sau chiến tranh, một bộ phận khá đông cán bộ phải đi học bổ túc hoặc học tại chức để bổ khuyết trình độ, đó là điều cần thiết. Nhưng dần dần thay vì học để có cho được trình độ, người ta lại học để có cho được cái bằng. Việc “chuẩn hóa” trình độ cán bộ lẽ ra căn cứ vào thực học, lại bị bộ máy quan liêu đem bằng cấp thay thế, việc lấy bằng lại dễ hơn việc học thật nên có không ít người từ lớp 4 lớp 5 học bổ túc và tại chức một lèo lên luôn … tiến sĩ. Ngay từ những năm 80 của thế kỷ trước, có không ít chuyện khôi hài xung quanh các lớp học tại chức. Một giảng viên Trường Đại học Tổng hợp Huế khi chấm bài các sinh viên tại chức đã áp dụng một “nguyên tắc” : Ai qua khỏi đèo Hải Vân đến Huế học đều được thầy đánh giá là ham học, nên bài kiểm tra cho ít nhất 6 điểm, nhưng đã học tại chức thì không bao giờ được 9 điểm. Theo đó, mỗi lần chấm bài thầy không cần đọc, cứ lần lượt chấm 6 -7-8, 6-7-8 điểm… cho hết xấp bài thi. Thậm chí có người còn không buồn ngó đến bài thi mà giao cho “đệ tử” lật từng bài ra đọc tên sinh viên, thầy căn cứ vào tên thân hay sơ mà cho điểm. Học tại chức sau này còn dễ đến mức, sếp “cử” nhân viên đi học hộ, đi thi hộ, sếp chỉ ngồi ở cơ quan mà đợi lấy bằng.

Hiện nay trong trường học từ phổ thông đến đại học, dân chủ học đường thiếu vắng, các hoạt động ngoài nhà trường có ý nghĩa rèn luyện kỹ năng sống như phong trào hướng đạo sinh ngày xưa đã bị bãi bỏ mà không hề có sáng kiến gì mới thay thế. Hoạt động “Đoàn Hội Đội” trước đây mang một số ý nghĩa nay biến thành quan liêu rặt cờ xí khẩu hiệu. Thay cho những hoạt động ý nghĩa, học sinh dành toàn bộ tinh lực cho học thêm để đi thi. Hoạt động ngoại khóa được coi là hồ hỡi nhất hiện nay là “phong trào” tư vấn mùa thi do một số phương tiện truyền thông tổ chức, nó chẳng hề có một ý nghĩa giáo dục thực chất nào. Học sinh, sinh viên bị nhào nặn đến mụ mẫm để nhai nuốt những kiến thức cũ mèm, giáo điều và khập khiễng. Phẩn lớn các học sinh giỏi trở thành tài năng trên các lĩnh vực đều là những em bứt khỏi khuôn sáo của nhà trường để vươn lên tự mình tiếp cận các tri thức đa dạng và phong phú, đó không phải là kết quả của nền giáo dục do nhà nước cung cấp mà là kết quả của những nỗ lực cá nhân.

Trong stt tới tôi sẽ nói về nguyên nhân.

HOÀNG HẢI VÂN

10 nhận xét :

  1. Thi cử gian dối bắt được rành rành ra đấy mà vẫn có sao đâu, thậm chí còn được cơ cấu lên bộ trưởng như cái anh Đào gì ấy Dung nhỉ. Đúng là nền giáo dục XHCN ưu việt có khác.

    Trả lờiXóa
  2. Trên TV thông báo, những HS Hà Giang được nâng điểm vẫn được sử dụng điểm phúc tra để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học. Vì các em “vô can”, đó là việc làm sai của người lớn chứ không phải của các em. Lạ, một HS dốt tự nhiên được hưởng thành quả bất minh mà có, lại “vô can”? Các em không thể vô can, các em biết trình độ thực sự mình đến đâu, nhưng vẫn sử dụng kết quả ảo “do người khác phạm tội mà có”, sao lại vô can? Một HS vô tình mang điện thoại vào phòng thi, không hề sử dụng, nhưng nếu bị phát hiện thì bị đình chỉ thi. Chẳng nhẽ sử lý con voi không bằng con kiến?
    Hãy hủy kết quả của toàn bộ các bài thi được nâng khống điểm, xử lý hình sự những kẻ vi phạm. Đối với HS, hãy đình chỉ thi tốt nghiệp1 năm tiếp sau. Hãy chấm phúc tra toàn bộ các bài thi trắc nghiệ trong 2 năm qua tại tất cả các địa phương kiên quyết loại bỏ các thí sinh gian lận hiện đang học tại các trường đại học. Tiến tới, hãy xóa bỏ thi tốt nghiệp phổ thông mà chỉ xét tốt nghiệp, và để các trường đại học tự tổ chức thi tuyển sinh riêng.

    Trả lờiXóa
  3. Cách sửa bài hi của Vũ trọng Lương ở Hà Giang làm cho người ta nghi ngờ kết quả thi của cả nước ! Thật quá dễ dàng !

    Trả lờiXóa
  4. Nền GD quay cóp , nền GD gian dối , nền GD nhai mãi mớ giẻ rách giáo điều trong khi cả thế giới đã ném vào sọt rác . Than ôi ! Thương thay cho con cháu chúng tôi biết trông chờ vào đâu để nên người ?

    Trả lờiXóa
  5. Trợ lý: Thưa sếp, sáng nay đi thi sếp có đủ thời gian chép bài không ạ?
    Sếp: Nói chung tớ chép đầy đủ, cậu khá lắm. Nhưng tớ chỉ nhắc cậu lần sau phải cẩn thận, nếu tớ không tỉnh táo dựng con số 8 lên mà cứ viết theo cậu thì chỉ có toi.
    Trợ lý: ?!?!?!...

    Trả lờiXóa
  6. Ngôn ngữ Việt Nam gốc tiếng La-Tin phải đánh vần là A, Bê , Xê v.vv chớ không A ,Bờ ,Cờ ! được 'Nó' nát bét từ cách ...đánh vần !

    Trả lờiXóa
  7. Không cứ là "nền giáo dục", thử ngẫm mà xem, có phải tất cả những "nền" khác đều "thối nát hết thuốc chữa" không!?

    Trả lờiXóa
  8. Tôi nghĩ mấy chục năm nay ngành Giáo dục luôn luôn cải tiến...Bổ sung thêm nhiều môn học, không ngừng thay đổi sách giáo khoa gây tốn kém cho học sinh và phụ huynh, cải cách chữ viết với mục đích đưa chữ viết vào tài liệu số hoá thay cho ngồi đánh máy gõ từng phím chữ máy tính... Đã tạo ra một nền giáo dục đa năng toàn diện, song cũng phát sinh nhiều hệ luỵ và nhược điểm. Giáo dục đã trở thành ghánh nặng tài chính cho phụ huynh và học sinh và rộng ra là gánh nặng cho toàn xã hội. Trơ thành một ngành mang tính thương mại hơn là đào tạo ra lớp người có tri thức cao.
    Bằng cấp từ mảnh giấy chứng nhận học lực trình đô học vấn của con người trở thành công cụ tiến thân và là món hàng béo bở cho các quan ngành giáo dục.
    Cải cách giáo dục qua một thời gian dài mà không thu được kết quả như mong đợi.
    Theo tôi không cải tiến được thì ta nên cải lùi. Quay về như thời phong kiến. Cho các thầy dạy học tại nhà riêng như các thầy đồ ngày xưa. Học sinh muốn học thầy nào trường nào tuỳ thích theo trương trình thống nhất trong sách giáo khoa do Bộ giáo dục đào tạo phát hành, theo sở trường nguyện vọng và điều kiện hoàn cảnh của từng học sinh. Nhà nước chỉ giữ lại mỗi tỉnh một trường ở bậc THPT (gọi là phổ thông cấp)còn gọi là trường chuyên để thu hút đào tạo nhân tài.
    Đến cuối năm học nhà nước tổ chức kỳ thi tốt nghiệp (Cấp 1 cấp 2 cấp 3) theo đề thi chung của Bộ GD.
    Thí sinh nào đạt yêu cầu thì được cấp chứng nhận(Bằng tốt nghiệp) và tiếp tục được tham gia kỳ thi lên cấp học cao hơn cho đến Đại học và trên đại học.
    Những sỹ tử đạt kết quả tốt nghiệp các kỳ thì từ bậc Đại học trở lên được xét tuyển vào làm các cơ quan nhà nước theo ngành nghề đã học. Được các cơ quan doanh nghiệp xử dụng đưa vào làm trong công ty doanh nghiệp ngoài nhà nước.
    Có như vậy mới tạo ra một nền giáo dục lành mạnh không còn tình trạng chạy trường chạy điểm. Chạy bằng cấp.

    Trả lờiXóa
  9. Vụ tiêu cực này chỉ một người (Phó Phòng Khảo thí và QLCL Sở) thì không bao giờ làm được vì không đủ thời gian, sức lực và quyền hành để hoàn thành việc sửa điểm (sửa điểm, chuyển bài đi nơi khác, sửa bài cho khớp đáp án là một việc cần sự tỉ mỉ, chính xác cao độ,...). Phải có không dưới 4 người trực tiếp thực hiện. Muốn làm đến nơi đến chốn thì Bộ công an phải trực tiếp điều tra và phải chấp nhận "xóa sổ" một loạt quan chức "nhúng chàm". Ít nhất về trách nhiệm từ PCT tỉnh (trưởng ban chỉ đạo thi), Giám đốc Sở, Thanh tra Bộ giám sát chấm thi trắc nghiệm,...các bậc phụ huynh nhắn tin nhờ sửa điểm (thường thì phải có quyền, có tiền). Các vị này phải chịu trách nhiệm. Truy ngược lại 2 năm trước ở cả nước và xử lí nghiêm mới mong lấy lại niềm tin nhân dân.

    Trả lờiXóa
  10. Ung nhọt đã có từ lâu, hồi trước đi học tại chức, chuyên tu cũng phải thi đâu dễ như từ khi cải cách.
    Hiện nay,trường ĐH thì mở quá nhiều, mang tính chất kinh doanh, hàng năm số HS tốt nghiệp phổ thông không đủ cho các trường ĐH thì hỏi lấy đâu ra chất lượng.
    Bậy nhất là nhập 2 kỳ thi TN và ĐH làm một.
    Ngày xưa khoảng trước năm 1990 (ko biết có chính xác?) đậu ĐH là cả một vấn đề lớn, ai có khá giỏi mới vào được ĐH.

    Trả lờiXóa