Thứ Năm, 19 tháng 7, 2018

Hoàng Dũng: TÔI KỂ CHUYỆN NÀY MÀ NGHE ....

Hình minh họa. Ảnh: Chính phủ.

Hoàng Dũng

Có những sự thật được nghe kể, bạn không tin cho đến khi tận mắt chứng kiến hoặc tham gia.

Năm 1997, mình đăng ký thi Đại học Tài chính Kế toán Hà nội, nay là Học viện Tài chính. Ai nghe cũng bất ngờ, nhiều người khuyên đừng nên vì trường đó rất khó.

Đi dò điểm, khi ngón tay của mình dừng lại ở môn Văn (thi Toán Lý Văn) thì hàng chục cặp mắt ngưỡng mộ nhìn lần lần từ đầu ngón tay lên mặt mình xem là thằng nào mà điểm cao vậy. Thật ra đã được ngưỡng mộ ngay từ khi làm bài rồi, xin 3 tờ giấy trong khi hầu hết các bạn thí sinh khác cắn bút.

Năm học 2000-2001, mình là sinh viên năm cuối của trường, được chọn đi làm giám thị coi thi đầu vào. Mỗi lớp năm cuối sẽ chọn 2, 3 sinh viên như vậy, thường là Bí thư hoặc Lớp trưởng.

Ngày họp trước khi về các trường coi thi, các thầy cô trong trường đã í ới nhau những dãy số. Họ hỏi thăm nhau, hỏi cả sinh viên được đi làm giám thị, gửi gắm nhau dãy số với tất cả tấm chân tình. Hồi đó chưa nhiều điện thoại di động như bây giờ.

Tới ngày đầu tiên, mỗi phòng thi là 2 giám thị, 1 giáo viên và 1 sinh viên, hoặc 2 giáo viên. Sinh viên luôn là giám thị 2. Ôm tập giấy thi và danh sách thí sinh thì lúc này mình mới trắng mắt. Đúng là thi vào Tài chính khó thật. Danh sách thí sinh mỗi phòng thi có 2 bản khác nhau. 1 bản sạch và 1 bản có nhiều số báo danh được đánh dấu sao hoặc gạch đít, càng nhiều sao càng gớm.

Giám thị 1 là người sẽ đánh số báo danh lên bàn, theo sơ đồ được định sẵn. Một số thí sinh nhiều sao luôn được xếp vào vị trí tốt. Những em này giám thị không được đứng gần, nó muốn làm gì thì làm. Một phòng thường có khoảng 5-10 thí sinh như vậy trong khi thời đó tỷ lệ chọi Tài chính thường ở mức 25-35:1. Tức là mỗi phòng thi may ra đỗ 1 đứa. Vậy tức là bạn nếu con nông dân thì phải thật giỏi, đánh bật được đám sao số kia.

Đám sao số đó thường là con cháu trong ngành Tài chính, con cháu giáo viên hoặc mua suất vào trường. Số tiền để mua hồi mình thi là khoảng 30-40 triệu. Tương đương 300-400 triệu bây giờ.

Quay lại chuyện coi thi. Hai môn đầu mình uất ức lắm vì không hó hé được gì, không được vượt mặt giám thị 1. Có mắt như mù, có miệng như câm. Chỉ như bóng ma đi phát giấy thi. Điều buồn cười là trước khi có thanh tra đến, các giám thị hành lang sẽ đánh động trước để giám thị trong phòng đánh động thí sinh, tất cả đều nghiêm túc trở lại trong vài phút.

Có cái thằng ranh kia nó quay cóp ngang nhiên, mình cay quá bắt nó. Lúc sau giám thị 1 buộc mình phải trả lại tài liệu cho nó. Nghĩ nát nước cách nào để khỏi xấu hổ với các thí sinh khác, mình bèn cho tài liệu vào giữa tờ giấy thi rồi hỏi nó: Em cần giấy thi hả? Nó ú ớ chưa kịp trả lời thì tài liệu đã được trả lại.

Có những vụ thi hộ trắng trợn mà không thể can thiệp: Hai thí sinh có tên gần giống nhau, thằng Hùng sẽ làm bài cho thằng Hùng chép i nguyên hoặc thằng Thanh sẽ làm bài, Thanh kia ngồi cười vì chúng đổi số báo danh cho nhau.

Ơn đảng và bác hồ vĩ đại, tới môn cuối mình được đẩy lên làm giám thị 1, giám thị 2 là một em sinh viên gái ngoan ngoãn. Em ẻm cả buổi chết trân nhìn mình tung hoành ngang dọc. Tất cả tài liệu đều bị tịch thu bằng sạch. Không có bất cứ quay cóp nào qua mắt, dù mình không lập biên bản nào. Tao chỉ cần coi chặt tụi bây, là tụi bây có mọc cánh cũng không bay qua cổng trường Tài chính danh giá được.

Có thằng cu kia nhét cuốn sách vô bụng, mình không biết. Lúc xuống cuối lớp nhìn lên thấy 1 mẩu giấy trong ngăn bàn cu cậu, mình tiến lại gõ cộp cộp lên mặt bàn. Cu cậu mặt mũi tái xanh tái dại, kèm ánh mắt ngưỡng mộ rồi từ từ luồn tay vô bụng rút cuốn sách ra nộp. Phải cố gắng lắm mới không bật cười khi đó, giữ nguyên vẻ đạo mạo sư phạm của giám thị.

Có cái em gái Lạng Sơn bị tịch thu hết tài liệu, cắn bút chán quay sang ngắm mình. Ngắm chán con giời lăn mẹ ra ngủ ngon lành 😊😑

Chuyện này đã kể 1 lằn, nay nhân dịp Hà Giang kể thêm 1 lằn nữa. Bạn hoặc tham gia vào xã hội giả dối chúng ta đang sống, im lặng hưởng lợi và trở thành những kẻ dối trá. Hoặc bạn phản đối nó, cất tiếng nói đấu tranh. Từ đó, bạn là phản động.

Lúc ấy, bạn giống như chiếc xe cứu thương hú còi ầm ĩ nhưng bất lực giữa dòng xe cộ chật cứng ở Sài Gòn...

7 nhận xét :

  1. Bài của Hoàng Dũng hay phết.
    Nếu vụ gian lận ở Hà Giang không bị phát hiện thì không bao lâu nữa nước ta lại có thêm 144 "tiến sĩ" ở các lĩnh vực. Hú vía!

    Trả lờiXóa
  2. Đoạn văn và câu kết của bài là " Chuẩn không cần chỉnh " .

    Trả lờiXóa
  3. Chú Em Hoàng Dũng nên sưu tầm để viết một cuốn sách đặc biệt về THI CỬ VIỆT NAM THỜI HIỆN ĐẠI, hay lắm ta!

    Trả lờiXóa
  4. Nhiều thí sinh ngày đó nay đã là lãnh đạo !

    Trả lờiXóa
  5. Ngắn gọn, súc tích mà chân thực.

    Trả lờiXóa
  6. Hoàng Dũng ơi, Em thông minh nhưng chắc chắn em chậm tiến bộ đấy! Thẳng thắn như em khó được quy hoạch lắm ta!

    Trả lờiXóa
  7. Thế ra cái việc này đã có truyền thống mà chưa được lưu vào sử sách. Ai mà văn hay, chữ tốt lại có tí thời giờ nên biên lại để học đòi cái gọi là: Chuyện ngoài chính sử, như cái chiện bên Tầu ấy thì có nhẽ thêm phần hay ho cho ngành giáo dục nước ta được chăng?.

    Trả lờiXóa