Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2018

GIA ĐÌNH MUỐN HAI BÉ BỊ TRAO NHẦM VỀ SỐNG CHUNG MỘT NHÀ

Bé Hải sà vào lòng mẹ nuôi, chị Hiền, khi đi học về. ảnh: Phan Dương.

Gia đình muốn hai bé bị trao nhầm 
về sống chung một nhà

VNE

Thứ sáu, 13/7/2018, 19:04 (GMT+7) 

Gia đình chị Hương nhất trí với đề xuất từ nhà anh Sơn, rằng sắp tới sẽ để hai bé sống cùng một nhà, cùng vào lớp một.

Sau khi phát hiện con bị trao nhầm 6 năm trước với chị Hương, gia đình anh Phùng Giang Sơn, 28 tuổi (Ba Vì, Hà Nội), mong muốn nhận con về sớm nhất có thể. Trong 4 tháng qua, vợ chồng anh dừng mọi công việc kinh doanh căng tin, thậm chí đã bán ôtô để có tài chính phục vụ quá trình.


Sáng 13/7, trong cuộc gặp mặt với đại diện Bệnh viện đa khoa Ba Vì, đơn vị để xảy ra sự cố trao nhầm con, anh Sơn bày tỏ: "Gia đình tôi chưa nói gì đến mức độ bồi thường, quan trọng nhất vẫn là con cái. Bây giờ không phải là lúc tranh cãi nhau lỗi do ai mà phải phối hợp khắc phục, để hai cháu tránh những vấn đề tâm lý".
 Anh Sơn lý giải sự cấp thiết, thứ nhất là thời điểm năm học mới sắp tới gần. Anh muốn sớm nhận bé Minh về thay đổi tên họ, làm thủ tục nhập học. Thứ hai, con đang có vấn đề viêm giác mạc. Dù chị Hương đã chữa trị trong thời gian qua, nhưng gia đình mong muốn sớm nhất cùng phối hợp chữa trị. Thêm vào đó, anh cũng lo lắng những vấn đề tâm lý của con đẻ mình khi sinh trưởng trong môi trường bố mẹ từng mâu thuẫn, đổ vỡ hôn nhân.

Gia đình anh Sơn chủ trương sẽ nuôi hai bé. Việc này đã nhận được sự đồng thuận của gia đình chị Hương. "Ông Phượng bố Sơn nói sẽ nhận nuôi tất cả các bé, sống cùng một nhà, để hai bé gần gũi với nhau", bà Vũ Thị Trọng, 75 tuổi, mẹ chị Hương cho biết.

Hai bên gia đình dự định, cuối tuần này chị Hương sẽ mang bé Minh về dự đám giỗ bên nhà bố mẹ đẻ. Sau đó Minh sẽ sống cùng Hải, bố Sơn, mẹ Hiền cùng em trai 3 tuổi. "Mong trong hai tháng Minh làm quen được nếp sống mới, gần gũi với gia đình, chăm sóc lẫn nhau để bước vào năm học mới tốt nhất", anh Sơn đặt hi vọng.

Bà Trọng, mẹ chị Hương cho biết hai gia đình đã thống nhất được phương án nuôi Hải 
và Minh tốt nhất. Ảnh: Phan Dương.

Chị Phùng Thị Hiền, vợ anh Sơn, mẹ đẻ bé Minh cho biết, từ lúc phát hiện trao nhầm con cuối tháng 3/2018 tới nay, hai gia đình có khoảng chục cuộc gặp mặt cho Minh và Hải. Trong đó có một lần Minh ngủ lại cùng chị. Một lần bé Hải cũng lên nhà ngoại gần gũi gia đình và ngủ với mẹ Hương.

"Lúc vừa phát hiện sự việc, chị Hương nói với Minh là từ nay con sẽ có thêm một bố, một mẹ, thêm một em trai. Đó là bố mẹ ruột của con. Tương tự, gia đình mình cũng nói với Hải con sẽ có thêm mẹ Hương, thêm em", chị Hiền nói.

Từ lúc đó hai bé cũng gọi bố mẹ, ông bà nội ngoại. Vợ chồng anh Sơn và phía chị Hương cũng từng tổ chức các bữa đi chơi, đi siêu thị và để cho Minh, Hải lựa chọn bất cứ món đồ chơi nào mình thích.

Phan Dương
_____
Sở Y tế Hà Nội ra hạn chót giải quyết vụ trao nhầm con 6 năm trước

VNE
Thứ bảy, 14/7/2018, 08:04 (GMT+7)
Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì phải giải quyết vụ việc trao nhầm con giữa hai gia đình anh Sơn và chị Hương trước ngày 20/7.


Gia đình ở Hà Nội kiện bệnh viện đã trao nhầm con 6 năm trước

Ngày 13/7, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội làm việc với Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì. Theo đó Sở yêu cầu bệnh viện phải giải quyết vụ việc này sớm và đảm bảo sự đồng thuận của hai gia đình bị trao nhầm con. Các vấn đề pháp lý, tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho trẻ... có thể thực hiện sau đó.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Ba Vì cho biết, sẽ sớm mời gia đình anh Sơn và chị Hương cùng gặp để thỏa thuận mọi việc. Riêng khoản hỗ trợ 300 triệu đồng như gia đình đề nghị, hiện Quỹ đền bù rủi ro của bệnh viện không đủ tiền để chi trả.

Gia đình anh Sơn đã gửi đơn kiện đến tòa án huyện Ba Vì để mong giải quyết sớm được nhận lại con. Tuy nhiên, hiện tòa chưa thụ lý vụ án vì còn một số vấn đề pháp lý vướng mắc. Trong khi đó, bệnh viện mong muốn không đưa sự việc ra tòa.

“Khi đó sẽ mất rất nhiều thời gian để hai cháu có thể được trở về với gia đình của mình, đồng thời cũng ảnh hưởng đến gia đình và tâm lý của các trẻ”, ông Hùng nói.

Vợ chồng anh Sơn đã nghi ngờ và xét nghiệm ADN phát hiện nhầm con. 
Ảnh: Phan Dương.

Vụ trưởng Pháp chế (Bộ Y tế) Nguyễn Huy Quang cho rằng, trong sự việc này người lớn nên tôn trọng theo nguyện vọng của trẻ để thấy mọi việc đơn giản hơn. Vấn đề quan trọng là trẻ bị trao nhầm có chấp nhận cha mẹ mới và ngược lại, người cha người mẹ có chấp nhận đứa con mới mà thực tế đó mới là con ruột của mình. Lối sống, thói quen, cách nuôi dạy con ở mỗi gia đình cũng khác nhau...

“Làm sao để các bé dù có ở đâu, cùng gia đình nào cũng luôn nhận được tình yêu thương, đùm bọc của người lớn, vẫn được là con của cả hai gia đình”, ông Quang nói.

Theo ông Quang, hậu quả của việc nhầm lẫn con này rất nặng nề và khủng khiếp. Có lẽ chính vì sự tổn thương quá lớn về mặt tinh thần nên các bên khó tìm được cách giải quyết thấu tình đạt lý.

Sáng 1/11/2012, có 3 sản phụ chuyển dạ tại khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì (Hà Nội), trong đó có chị Hương và vợ anh Sơn. Hai bé trai ra đời cách nhau 20 phút, vô tình nữ hộ sinh đã trao nhầm con cho hai gia đình. Khi nhận con, vợ chồng anh Sơn đã nghi ngờ nhầm tã lót của bé nhưng bác sĩ khẳng định không có chuyện nhầm.

Bé càng lớn, vợ chồng anh Sơn càng thấy con có nhiều nét không giống mình. Đưa con đi xét nghiệm ADN, anh Sơn bất ngờ nhận kết quả con không cùng huyết thống với bố mẹ. Chị Hương cũng đã rất sốc khi nhận tin. Hai bên đã làm xét nghiệm ADN từ giữa tháng tư, kết quả khẳng định có sai sót trao nhầm con. Tuy nhiên, sau hơn 4 tháng hai gia đình vẫn chưa tiến hành trao đổi hai bé. Bản thân chị Hương cho biết chưa sẵn sàng tâm lý để đổi con, lo sợ nếu vội vàng sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của hai con. Ngoài ra, phía bệnh viện và gia đình cũng chưa thống nhất được khoản chi phí hỗ trợ.

Hai nữ hộ sinh liên quan sự việc đã xin lỗi hai gia đình, bị kỷ luật tạm dừng làm chuyên môn chuyển sang làm công việc giấy tờ. Một người cũng bị kỷ luật Đảng với hình thức khiển trách.


Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các bệnh viện rà soát lại toàn bộ quy trình chuyên môn, kỹ thuật của cơ sở; đặc biệt là quy trình chuyên môn trong chuyên ngành sản khoa và các quy trình khác liên quan đến việc tránh nhầm lẫn trẻ sơ sinh. Sở giao Bệnh viện phụ sản Hà Nội chủ trì về chuyên môn, rà soát quy trình trao nhận trẻ sơ sinh tại các bệnh viện.
Nam Phương

3 nhận xét :

  1. Cách đây mấy năm ở Bình Phước cũng có sự nhầm lẫn như vậy và VTV cũng đã đưa nhiều phóng sự về trường hợp này (hai cháu gái). Giờ các cháu đẫ ai về gia đình người ấy và sống rất vui vẻ, hạnh phúc, các cháu thường xuyên đến nhà nhau vui chơi. Hy vọng trường hợp ở Ba Vì cũng tốt đẹp như vậy.

    Trả lờiXóa
  2. Hệ thống có vấn đề chăng?! Bv không có tiền thì xin thành phố, TW, Bộ Chính trị, xin xã hội... Sai sót là khó tránh, tố chất người, tố chất lãnh đạo bộc lộ khi có sự cố. Gia đình người ta cay đắng, tủi nhục... đến thế là cùng, nay còn hành ra toà, hoá đơn, chứng từ.. botay.com! vocam.com! Hỗ trợ gấp 3-5 lần yêu cầu vẫn quá rẻ! Còn điều kiện sống cô Hương cho các con hoà nhập tự nhiên nữa. Bằng mấy m2 đất bù nửa trăm bán nửa tỷ? Bằng mấy băng rôn tượng đài lễ hội khai trương kỷ niệm mừng công tiếp tân nghỉ dưỡng...? Vụ này giải quyết ngoài nhân văn tự nhiên thì mọi diễn văn, rao giảng vô hiệu. Dân còn biết quý trọng lãnh đạo nào đây?. Hãy xem, hệ thống Thái lan ứng xử thế nào với sự cố đội bóng nhí Heo Rừng?. Chưa lãnh đạo nào xuất lộ là sơ xuất? Bệnh “chờ báo cáo” chữa bằng thuốc gì? Ai kê đơn? Ai sản xuất?.

    Trả lờiXóa
  3. Không được , sự việc hệ trọng , để lại hậu quả nặng nề mà chỉ sử lý tạm dừng chuyên môn như thể trò đùa thế thôi à ? phải là đuổi việc người trực tiếp , cách chức người quản lý , thế mới laf nghiêm minh

    Trả lờiXóa