Thứ Hai, 30 tháng 7, 2018

DÀNH CHO CÁC BẬC CHA MẸ HỌC SINH Ở HÀ NỘI


Các khoản trường công ở Hà Nội không được thu

Báo Giáo dục
14:26 30/07/18

(GDVN) - Ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu các khoản: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh,...

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa có Công văn số 3120/SGDĐT-KHTC về việc hướng dẫn tăng cường công tác quản lý thu chi năm học 2018 - 2019 gửi Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; các trường trung học phổ thông và các đơn vị trực thuộc.

Theo đó như văn bản, ngoài các khoản thu theo quy định, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các cơ sở giáo dục công lập phải tuân thủ nguyên tắc thu đủ, chi đủ, đúng mục đích, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội, thu nhập trên từng địa bàn.

Mức thu căn cứ trên cơ sở dự toán chi phí, nội dung chi, phải được thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ học sinh trên tinh thần tự nguyện, có sự thống nhất của Ban giám hiệu nhà trường và cơ quan quản lí cấp trên.
Đối với việc dạy thêm, học thêm: Nhà trường tổ chức thu, chi và công khai thanh quyết toán tiền học thêm thông qua bộ phân tài vụ của nhà trường.

Giáo viên dạy thêm không trực tiếp thu, chi tiền học thêm. Chấm dứt việc thu chi khoản đóng góp tự nguyện để sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm trang thiết bị của nhà trường.

Đối với kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh;

Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện, hoặc không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu các khoản như: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh, vệ sinh lớp học, vệ sinh trường, khen thưởng cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên nhà trường….

Sở yêu cầu các cơ sở giáo dục công lập chỉ được tiến hành thu các khoản thu khác sau khi có thống nhất bằng văn bản của cơ quan quản lý cấp trên;

Không trực tiếp thu kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Không thu gộp nhiều khoản thu vào đầu năm học.

Chấm dứt việc lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định.

Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa nhà trường với Ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc quản lý, sử dụng kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh đảm bảo thực hiện đúng theo quy định.

Đối với các khoản thu khác: Nhà trường có chế độ miễn, giảm phù hợp đối với học sinh có khó khăn về kinh tế.

Tuyệt đối không được để học sinh vì gia đình khó khăn không có tiền đóng góp mà phải bỏ học.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nêu rõ trách nhiệm: Thủ trưởng các cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên về các khoản thu chi sai quy định của nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh.

Đối với những khoản thu sai quy định yêu cầu phải trả lại học sinh. Tất cả các khoản thu chi phát sinh tại đơn vị phải được phản ánh và ghi sổ kế toán đầy đủ, kịp thời đúng quy định...
Thùy Linh
 
 
Ngày 26/7/2018, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có Công văn số 3120/SGDĐT-KHTC về việc hướng dẫn tăng cường công tác quản lý thu chi năm học 2018 - 2019 gửi UBND các quận, huyện, thị xã; các trường THPT và các đơn vị trực thuộc. Nội dung cụ thể của văn bản xin xem trong tệp đính kèm.

Tải file đính kèm tại đây (pdf)
 

4 nhận xét :

  1. Có mỗi việc " phí " đầu năm học mà " lấn cấn " hàng chục năm chả giải quyết được thì còn làm được gì ? . Phụ huynh cứ nghe từ " tự nguyện " với bao nhiêu thủ đoạn tinh vi mà ...lạnh toát sống lưng .

    Trả lờiXóa
  2. " Nói nhanh cho nó vuông " nhé , rằng thì là , trong khi thày cô giáo và học sinh vùng sâu vùng xa vô cùng khó khăn vất vả , thiếu thốn đủ bề . Dzưng mà , ở các thành phố (nhất là các thành phố lớn ) thì khác hẳn , thu nhập ngoài lương của các thày cô ( đa phần nhưng không là tất cả ) khá phong phú , cuộc sống sông sênh thoải mái . Ấy là nhờ các khoản " phí " và " tự nguyện đóng góp " của phụ huynh , các khoản " đi đêm " của con nhà giàu ... Tóm lại chỉ khổ con nhà nghèo, rạc cẳng chạy đua . Chả biết các thày có thông cảm chút nào không ?

    Trả lờiXóa
  3. Vì có cháu đang ở tuổi học phổ thông, mình quan tâm tải "Công văn số 3120/SGDĐT-KHTC" bản pdf về để tham khảo. Đọc xong 7 trang giấy mà mình chẳng hiểu mô tê răng rứa gì cả, bởi công văn này chẳng có gì cụ thể mà chỉ yêu cầu người đọc thực hiện theo quyết định a, quy định b, hướng dẫn c, thông tư d .... đếm ra có đến hơn 30 văn bản. Mà mình là dân ngu cu đen nên không biết các văn bản ấy tìm ở đâu? Đúng là mới làm phó thường dân cũng đã khổ sở vì các văn bản pháp luật, nói chi đến là "công chức" nhà nước.
    Đúng là quan chức nước Việt ta khổ thật!!!

    Trả lờiXóa
  4. Đầu năm học nào, cũng những văn bản tương tự...Lạm thu không giảm mà chỉ tăng không ngừng. Hóa ra, chỉ là những động tác mị dân...Đơn giản, giáo dục không thể không tuân theo luật chung: Xứ này, đồng tiền bất chính là chúa tể...

    Trả lờiXóa