Thứ Hai, 23 tháng 7, 2018

ĐBQH Lê Thanh Vân: NGÀNH GIÁO DỤC PHẢI THAY ĐỔI CĂN BẢN


ĐBQH Lê Thanh Vân

Lời dẫn của tác giả: Sáng qua, tôi ngồi quán trà đá ven đường, nghe dân tình bàn tán tâm huyết về chuyện sai phạm trong kỳ thi PTTH năm nay với nỗi lo lắng rất lớn. Trong thâm tâm tôi, nỗi lo ấy cũng đã lớn từ lâu rồi! Vậy là lấy máy điện thoại ra viết, rồi gọi cho Mạnh Quân, Hoàng Tư GiangLê Kiên hỏi xem có đăng được không? Cuối giờ chiều, Lê Kiên là người hồi âm sớm nhất, nói rằng, Tuoitre sẽ đăng vào sáng thứ ba. Nghĩ là sẽ còn thời gian để tu chỉnh thêm bài viết ấy cho "đủ độ" lòng Dân, nên về đêm, tôi đã chỉnh sửa thêm chút nội dung. Nhưng, sáng nay Lê Kiên báo lại là Tòa soạn thấy hay, đã bỏ bài khác và đăng bài này rồi!


Khá khen Tuoitre thật nhanh như chớp ở thời 4.0!
______________

Và đây, là bài tôi đã chỉnh sửa đêm qua:

HẬU QUẢ CỦA KỲ THI THPT CHÍNH LÀ CƠ HỘI
ĐỂ NGÀNH GIÁO DỤC THAY ĐỔI CĂN BẢN

 
Từ xưa đến nay, giáo dục luôn được coi là quốc sách hàng đầu, bởi giáo dục tạo ra sản phẩm đặc biệt. Sản phẩm ấy là phẩm hạnh, nhận thức và hành vi của con người, với tư cách là một thành viên của xã hội, là công dân của đất nước. Một nền giáo dục lấy hướng thiện làm gốc rễ, lấy lợi ích dân tộc làm nền tảng, lấy khai phóng tư duy làm phương pháp sẽ tạo ra những cá nhân biết tự trọng, biết liêm sỉ; biết tự hào, bảo vệ và phát huy các giá trị ngàn đời của dân tộc; biết kế thừa, khai thác, phát triển các giá trị tinh hoa của nhân loại bằng tư duy khoa học để xây dựng và kiến thiết đất nước. Đó là sứ mệnh truyền đạo làm người, là sức mạnh của giáo dục quốc dân. Vì lẽ đó, mà cũng từ xưa đến nay, đạo trị quốc luôn lấy giáo dục làm đầu, coi nhân tài làm gốc.

Từ nhiều năm qua, đất nước trải mấy phen canh tân, quản lý có vài lần đổi mới, trong đó đã đầu tư cho cải cách giáo dục với nguồn lực không nhỏ. Nhưng, thử nhìn lại xem kết quả đạt được bao nhiêu?

Nếu thẳng thắn mà nhìn nhận có thể thấy, không những chất lượng giáo dục nước nhà chưa đạt như kỳ vọng, mà đạo đức xã hội cũng theo đó mà báo động muôn phần. Khi thói man trá lên ngôi, thì đạo làm người xuống thấp. Nguy khốn thay, hiện trạng ấy lại đang diễn ra không chỉ ở nơi quan trường, mà còn lây lan sang chốn trường thi, vốn được xem là phải thiêng liêng, nghiêm túc, bởi yêu cầu gốc rễ của quốc sách hàng đầu!
.
Bài đăng trên báo Tuổi Trẻ (giấy), sáng nay.

Từ kết quả bất thường của kỳ thi PTTH năm 2018 được xuất lộ ở Hà Giang, đã và đang có dấu hiện lan rộng ra các địa phương trong cả nước, cho thấy nhiều kẽ hở và nghịch lý trong chế độ thi tuyển hiện nay chưa được phát hiện và khắc phục kịp thời. Trước khi quyết định trình cấp có thẩm quyền lựa chọn kỳ thi “2 trong 1” để thực hiện mấy năm qua, thử hỏi: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cầu thị, lắng nghe đầy đủ ý kiến phản biện của xã hội chưa? Đã lường trước những hậu quả phát sinh, bởi tính hai mặt của chính sách chưa? Chắc chắn, không thể lấy hoa văn, mỹ ngữ để tụng ca cho thực trạng này!

Phương pháp trắc nghiệm là một phương pháp khoa học, nhưng không phải trong hoàn cảnh nào, điều kiện nào cũng đúng, nhất là khi tính tự giác, độ liêm sỉ, thói “ngáo danh lợi” trong xã hội ta đang ở mức báo động và không chỉ riêng trong lĩnh vực giáo dục.

Nếu theo dõi sát tâm lý xã hội những ngày qua, sẽ thấy hầu hết các ý kiến của mọi tầng lớp Nhân dân đều bất bình, thậm chí phần nộ với việc làm tày đình của Vũ Trọng Lương, và trên nữa là trách nhiệm của Bộ GDĐT cùng với người đứng đầu, phụ trách các cơ quan hữu trách khác.

Rõ ràng, những sai phạm đặc biệt nghiêm trọng trong kỳ thi PTTH năm nay đã trở thành vấn đề quốc gia đại sự, là một nỗi lo rất lớn của toàn Dân, không thể không khắc phục một cách triệt để. Đó là tấm gương tày liếp mà không biết đến bao giờ mới có thể gột sạch trong lịch sử giáo dục nước nhà. Đất nước sẽ đi về đâu, nếu đầu vào của giáo dục là sản phẩm của thói man trá, hư danh; của bảo kê, trơ tráo?

Việc này nhất định phải được chỉnh đốn nghiêm túc bởi luật pháp và không thể chậm trễ, với thưởng - phạt nghiêm minh. Những giáo viên và những ai đã phát hiện, dũng cảm tố cáo sai phạm này phải được trọng thưởng và tôn vinh. Hành vi sai phạm đặc biệt nghiêm trọng trong kỳ thi lần này nhất định phải bị trừng trị nghiêm khắc bằng pháp luật. Đó mới thực là kỷ cương, phép nước!

Từ xưa, hình phạt đối với người vi phạm trong thi cử là rất nghiêm khắc. Ai bị phát hiện mang tài liệu vào phòng thi sẽ bị gông (cùm) một tháng và còn bị đánh 100 roi. Nếu nói chuyện ồn ào, cả thí sinh lẫn các vị quan đốc học, giáo thụ và huấn đạo ở địa phương (nơi có thí sinh vi phạm), đều bị truy tội. Bởi thế, vì sửa điểm bài thi cho con quan cùng triều, mà Tiến sĩ Ngô Sách Tuân (thời Lê Trung hưng) mặc dù là bậc đại khoa, công thần đương thời, vẫn bị khép tội thắt cổ chết. Lê Quý Đôn, một bậc đại khoa lừng lẫy (thời chúa Trịnh Sâm), vì yêu quý sĩ tử tài năng do phạm huý, mà lấy muội đèn sửa chữa bài thi, đã suýt bị mất mạng.

Đương nhiên, vi phạm pháp luật phải bị trừng trị đích đáng. Nhưng, sửa chữa những sai lầm từ cơ chế, chính sách sau khi phát hiện ra, để ngăn chặn mọi sai lầm có thể tiếp diễn, mới thực sự là kỳ vọng của Nhân dân trong lúc này. Điều quan trọng là phải tổng kết, đánh giá thực trạng một cách nghiêm túc, chí thành và đưa ra được giải pháp tường minh, bền vững.

“Nhân vô thập toàn”. Một cá nhân cũng có thể từng mắc sai lầm, nhưng nhận ra sai lầm, coi đó là bài học nhớ đời để sửa chữa mới thực là giá trị cốt lõi của nhận thức tiến bộ và lòng quả cảm hy sinh, mà không phải ai cũng có thể làm được. Một con người, hay một tổ chức cũng vậy!

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Người đời ai cũng có khuyết điểm. Có làm việc thì có sai lầm”; “có hoạt động thì khó mà hoàn toàn tránh khỏi sai lầm. Chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa”. Bác Hồ còn khẳng định: “Đảng là người, Đảng là cán bộ, là đảng viên, tất nhiên là có sai lầm”. Và theo Người, “một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.

Quan điểm ấy không chỉ đúng với một đảng cầm quyền, mà còn luôn luôn đúng với mọi tổ chức, cá nhân.

Trở lại với kỳ thi PTTH năm nay để thấy rằng, những hậu quả nhãn tiền mà ai ai cũng biết, có thể bắt nguồn từ những sai lầm mà Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ này đã thừa nhận. Đó có thể là sai lầm trong nền tảng triết lý giáo dục; là sai lầm trong phương châm, hay lựa chọn phương pháp chưa thích hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của nước ta; là sai lầm trong cơ chế kiểm soát hành vi công vụ của cán bộ và đội ngũ giáo viên; là sai lầm trong dự báo tình hình tiêu cực có thể nảy sinh sau khi ban hành chính sách...

Có lẽ muôn vàn ý kiến của mọi tầng lớp nhân dân lúc này chính là sự dũng cảm nhận ra sai lầm và sửa chữa sai lầm của những cá nhân, tổ chức có liên quan đến hậu quả của kỳ thi PTTH năm nay, đặc biệt trong đó có trách nhiệm của ngành giáo dục. Cho dù, khi hậu quả ấy vừa xuất lộ ở Hà Giang, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhanh chóng vào cuộc. Và, khi phát hiện ra sự lây lan ở các địa phương khác, Bộ này đã yêu cầu rà soát kết quả ở 63 tỉnh thành, nhưng có thể đó vẫn là điều quá muộn! Liệu có thể tin được nơi đã xảy ra sai phạm, lại có thể tự mình phát hiện ra sai phạm được không, nếu không có các đoàn thanh tra độc lập, khách quan?

Hậu quả của kỳ thi PTTH năm 2018 đã có. Và chính từ hậu quả ấy, ngành giáo dục có rút ra được bài học nào không? Có coi đây là cơ hội để thay đổi căn bản nền giáo dục nước nhà được không? Câu hỏi ấy đang được muôn người hướng về Tư lệnh ngành giáo dục - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cùng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - người trực tiếp giúp Thủ tướng và thay mặt Chính phủ phụ trách khối văn xã đấy!

ĐBQH LÊ THANH VÂN

12 nhận xét :

  1. Thực trạng này không phải do tự Bộ giáo dục sinh ra, và do đó cũng không thể tự Bộ giáo dục sữa chữa, khắc phục được.

    Trả lờiXóa
  2. Việc nước lớn hơn cũng nhiều cơ hội để thay đổi cơ bản trong yệ bình, nhưng đều bđể lỡ nhịp!

    Trả lờiXóa
  3. GIỜI ƠI! BAO NHIÊU CƠ HỘI RỒI!

    Trả lờiXóa
  4. Chưa thấy PTT VĐĐ lên tiếng !

    Trả lờiXóa
  5. GIÁO DỤC LÀ QUỐC SÁCH HÀNG ĐẦU,NÊN NGƯỜI TA CỘNG TĂNG THÊM ĐIỂM THI CHO HS ĐỂ THU GIÁ CHO HỢP LÍ.ẤY THẾ MÀ CẢ XÃ HỘI LÀM ẦM LÊN.

    Trả lờiXóa
  6. Thay đổi gì ? Thay đổi thế nào? Thì ông ĐBQH cho sáng kiến đi. Chỉ có một cách duy nhất để thay đổi là xóa sạch đi làm lại toàn diện mọi ngành mọi lĩnh vực như bàn cờ bày quân đánh ván mới và căn bản là xóa cái party thối nát đang ngồi xổm trên hiến pháp ý .

    Trả lờiXóa
  7. Ông Vân có đọc bài trả lời của bí thư Hà giang Triệu Tài Vinh không? Là quan đầu tỉnh, chính con và các cháu ông ta được nâng điểm. Ông ta vẫn leo lẻo nói không biết, vô can. Trong khi có thể coi đây là tội phạm quả tang. Với những đồng chí của ông như vậy. Hỏi có thay đổi được gì không?

    Trả lờiXóa
  8. Cây đã trồng từ hơn nửa thế kỷ trước. Bây giờ thì cứ lai rai thu hoạch quả chín thôi. Sẽ còn nhiều vụ bội thu hay ho hơn nữa. Sửa điểm thi có là gì đâu mà than với thở!

    Trả lờiXóa
  9. Chả riêng giáo dục phải thay đổi căn bản và hiện nay ở Việt Nam rất nhiều vấn đề - có thể nói hầu hết phải thay đổi: Ví dụ Hiến pháp phải chuẩn mực, tiến bộ và khách quan, - khi nói ra phải thực hiện được quyền chứ không chơi chữ với dân lí do phục vụ lợi ích nhóm mà quên lợi ích nhân dân – mà ví dụ về quyền tự do biểu tình là 1 ví dụ (biểu tình theo luật chứ Hiến pháp không đủ quyền cho phép dân biểu tình). Kiểm soát quyền lực phải thực sự, quyền lực được kiểm tra bằng quyền lực, chứ quyền lực nhốt trong „lồng quyền lực“ thì ví von này làm người ta liên tưởng tới chuyện thần thoại và đời thường không nên làm những việc không thực tế là định phát minh những cái người ta đã làm từ lâu! Tham nhũng nếu coi là giặc (nội xâm) thì phải xử lý tương ứng, chứ nhặt vài con sâu to làm ví dụ thì còn 1 đàn sâu mới chính là tai họa và cho sâu „tự gột rửa“ … thì điều đó từ cổ chí kim, trong nước, ngoài nước chưa ai tiêu diệt „giặc“ bằng cách cho giặc tự phê bình, rút kinh nghiệm … Và việc cung cầu, đặt hàng hiện nay ở Việt nam đã đạt mức độ cực kỳ rộng lớn mà các cháu học sinh biết khá nhiều. Chả ngẫu nhiên học sinh Việt nam lại thích thi vào các trường công an, quân đội – điều cả thế giới không có vì vào đó ở nước ngoài thường là những cháu học bình thường mới đi học an ninh quân đội – vì đơn giản tương lai tiền tài, lương bổng lộc ở các môi trường đó quá lớn, quá hấp dẫn khiến các cháu cũng bị hấp dẫn, đam mê như say ma túy! Còn nhìn lại xã hội hiện nay lĩnh vực nào chả có thế giới ngầm gồm các kẻ có tiền và quan chức thậm chí cả luật sư … phối hợp kiếm tiền: đất đai sổ đỏ: thích xây bao nhiêu tầng, xây ở phố cổ Hà Nội cũng rất đơn giản nếu tìm đúng mối và chi đủ yêu cầu và cán bộ nhà đất nhiều kẻ không biết bao nhiêu nhà. Còn ai thích làm công việc gì cũng vậy và vì thế chỉ cần xem cán bộ tổ chức cấp quận thôi cũng đã thấy giầu nứt đố đổ vách. Rồi ô nhiễm, gây tiếng ồn: cứ đủ tiền chạy thì muốn ô nhiễm, ồn ào … mức nào thì cũng chẳng ai khiếu nại nổi - vì bảo kê không chỉ như ông Chủ tịch Hà Nội nói là ở lĩnh vực các quán bia vỉa hè –mà bảo kê hiện nay khắp mọi nơi, khắp mọi lĩnh vực. Tuy vậy cũng nên chấm điểm cho Chủ tịch Chung đã dám nói 1 phần nhỏ sự thực – điều mà các địa phương khác lãnh đạo đều ngậm miệng để ăn tiền!

    Trả lờiXóa
  10. Theo trí nhớ của Tôi thì (1) Ông Cao Bá Quát mới dùng nuội đèn mà chữa bài cho sỹ tử. (2) còn Ông Lê Quý Đôn "dạy" học trò giỏi nhất làm bài lấy tên con của Ông; ngược lại, cậu quý tử sẽ dùng tên anh học trò.

    Trả lờiXóa
  11. Thay đổi cơ bản là dành cho toàn xã hội. Giáo dục chỉ là một bộ phận. Thay đổi đó, ai làm được ? Chắc chắn, Toàn Dân, thưa ông Lê Thanh Vân. Đơn giản, một vài đại biểu còn chút tỉnh táo như ông không ngăn nổi gần 500 nghị gật sẽ thông qua cái gọi là luật đặc khu vào tháng 10...!?...

    Trả lờiXóa
  12. Đọc qua bài của đại biểu QH Trần thanh Vân thấy hay , nhưng không thấy hé ra tí nào về nguyên nhân sâu xa gốc rễ . Mọi sự là tại ông CHẾ .tự nhiên tôi nhớ câu thơ của ông tố hữu : Bạn ơi nguồn thảm sầu kia bởi , số phận hay do chế độ này .

    Trả lờiXóa