Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2018

TÀU ANH VÀO BIỂN ĐÔNG THỰC THI "QUYỀN TỰ DO ĐI LẠI"


Tàu Anh vào Biển Đông thực thi 'quyền tự do đi lại'

BBC tiếng Việt
2-6-2018

Anh Quốc chú trọng tới việc duy trì quy tắc 'tự do đi lại trên biển' và thể hiện thái độ bằng việc cho các tàu hải quân đi qua Biển Đông, nhà nghiên cứu Bill Hayton nêu vấn đề trong một bài viết đăng trên Chattham House hôm 1/06/2018.

Đây là quy tắc đã giúp ngăn việc làm nổ ra xung đột giữa các cường quốc từ 70 năm qua, tác giả viết.

Trong tháng Năm vừa qua, các tàu Anh HMS Albion và HMS Sutherland đã đi qua các vùng biển mà Trung Quốc đang tìm cách hạn chế quyền đi lại.

TQ nói tàu hải quân Mỹ 'khiêu khích'
Tàu chiến Mỹ áp sát các đảo TQ tuyên bố chủ quyền ở Hoàng Sa
Tàu sân bay Mỹ 'tái xuất' ở Biển Đông


HMS Albion đi qua Quần đảo Trường Sa hồi đầu tháng, trên đường từ Brunei tới Nhật Bản.

Không rõ HSM Sutherland đi vào thời điểm nào, nhưng tàu này gần đây đã đi từ Nhật Bản tới Singapore với hải trình cũng đi qua vùng biển đó.

Các sự kiện trên cho thấy Anh nhìn nhận tầm quan trọng của việc cần làm sống lại lợi ích của Anh trong vấn đề an ninh châu Á sau bốn năm không có chiếc tàu nào của hải quân Anh tới vùng châu Á - Thái Bình Dương, tác giả Bill Hayton nhận xét.

Lý giải nguyên nhân khiến Anh coi trọng việc tàu thuyền đi qua những vùng biển nằm rất xa nước Anh, Bill Hayton nói rằng lý do rất đơn giản.

Đó là bởi Trung Quốc đang tìm cách đi ngược lại điều đã được quốc tế đồng thuận từ nhiều năm nay khi muốn đóng cửa các vùng biển, không cho tàu bè quân sự qua lại.

Nếu thái độ của Bắc Kinh không bị phản ứng thì thế giới sẽ quay trở lại kỷ nguyên xưa, khi mà các lực lượng hải quân phải giành giật tìm cách đi qua các rào cản, và khi việc giao thương trên biển, mạch máu chính của nền kinh tế toàn cầu, bị phụ thuộc vào các quốc gia ven biển.

Do vậy, việc Anh cho tàu đi qua Quần đảo Trường Sa là động tác của Anh nhằm đẩy lui nỗ lực của Bắc Kinh trong việc 'rào dậu' vùng biển này, và nhằm đứng lên bảo vệ quyền tự do đi lại trên biển cho toàn thế giới, và Trung Quốc nên đứng lên nói rõ rằng họ cũng tôn trọng các quyền trên, Bill Hayton viết.
 
Luật pháp quốc tế quy định thế nào về quyền tự do đi lại trên biển?

Theo Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển (UNCLOS), tàu thuyền quân sự các nước được phép đi tới hầu như bất kỳ nơi nào.

Nói cách khác, việc tàu hải quân các nước đi vào các vùng biển, kể cả những nơi có tranh chấp căng thẳng như Biển Đông, là hoàn toàn hợp pháp.

Luật quốc tế quy định rằng các quốc gia chỉ có quyền 'sở hữu' biển tới phạm vi cách bờ biển nước mình tối đa là 12 hải lý.

VN yêu cầu TQ chấm dứt đưa phi cơ ném bom đến Hoàng Sa
Phi cơ ném bom TQ hạ cánh xuống Biển Đông
Đá Subi sẽ là căn cứ lớn của TQ ở Trường Sa?
Trung Quốc đang đặt hệ thống tên lửa Biển Đông?

Nhưng ngay cả như vậy, luật vẫn cho phép tàu quân sự được đi qua 'vùng lãnh hải' đó, tới tận sát bờ biển nước chủ nhà, với điều kiện là không làm gì đe dọa đến 'hòa bình, trật tự hoặc an ninh', và không gây phương hại tới sự an toàn của bất kỳ ai.

Đây là điều khoản mà bản thân Trung Quốc từng vận dụng, Bill Hayton nói.

Nhà nghiên cứu từ Chattham House, đồng thời là phóng viên BBC nhìn lại sự kiện hồi 7/2017, khi ba tàu hải quân Trung Quốc, trong đó có tàu khu trục mang theo tên lửa dẫn đường Lớp 052D, đi qua eo biển Manche giữa Anh và Pháp, để minh họa.

Eo biển này ở chỗ hẹp nhất chỉ rộng có 18 hải lý, và do đó đoàn tàu của Trung Quốc phải đi qua vùng lãnh hải hoặc của Anh, hoặc của Pháp.

Hải quân Trung Quốc đã dùng quyền 'đi qua vô hại' để tiến vào Biển Baltic tham dự tập trận với hải quân Nga, bằng cách đi ngang qua các căn cứ hải quân của Anh ở Plymouth và Portmouth mà không hề bị ai phản đối.

Đó là một ví dụ rõ ràng về quyền tự do đi lại trên biển.

Để so sánh, nếu Anh có thái độ giống như thái độ của Bắc Kinh ở Biển Đông đối với các tàu hải quân của Mỹ, thì Anh đã có thể chặn đường, không cho các tàu hải quân Trung Quốc đi qua eo biển này.

Tương tự, ở Á châu, các nước Indonesia, Malaysia và Singapore cũng có thể lập luận tương tự để chặn Eo biển Malacca, không cho tàu Trung Quốc qua.

Và giả sử các nước ven biển đều làm vậy, thì hậu quả đối với hòa bình quốc tế sẽ vô cùng thảm khốc.

Hồi cuối tháng Năm, hai tàu chiến của Hải quân Mỹ vừa áp sát các hòn đảo thuộc vùng biển Quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Ngay lập tức, Trung Quốc lên tiếng phản đối, gọi đó là hành động "vi phạm pháp luật Trung Quốc và pháp luật quốc tế" và "làm tổn hại niềm tin giữa quân đội hai nước".

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lục Khảng khi đó nói rằng khu trục hạm Higgins và tuần dương hạm Antietam của hải quân Mỹ đã đi vào vùng lãnh hải của Trung Quốc khi chưa được chính phủ Trung Quốc cho phép.


4 nhận xét :

  1. Anh, Pháp, Mỹ, Nhật, Ấn, Úc (chàng Nga chắc không dám làm phật ý Tầu) lần lượt hiện diện ở Biển Đông thực hiện quyền tự do hàng hải (nhưng thực ra là ngầm ủng hộ VN chống lại giặc Tầu). "Người ngoài" còn như vậy, hà cớ gì QH lại cứ im lặng?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Các cường quốc cứ bung ra , VN càng co rút vào lòng TC !

      Xóa
  2. Bị TQ thả lưỡi câu vào họng rồi. Nên Việt Nam im lặng.

    Trả lờiXóa
  3. Trần Thị Thảolúc 17:36 3 tháng 6, 2018

    Dù Mĩ và phương Tây có cố gắng bao nhiêu thì cuối cùng CSVN vẫn lệ thuộc vào ông bạn vàng 4 tốt , sự lệ thuộc này có thể khẳng định ngắn gọn rằng : CÀNG NGÀY CÀNG SÂU RỘNG .

    Trả lờiXóa