Nhà báo Đoàn Bảo Châu phỏng vấn
kinh tế gia Phạm Chi Lan về Dự luật Đặc khu
Đông đảo người dân Việt Nam trong và ngoài nước, đủ mọi thành phần, hiện đang lên tiếng phản đối dự luật này, bởi họ lo ngại an ninh quốc gia bị đe dọa, khi những người thuê đất dài hạn kia là người Trung Quốc, hoặc người từ nước khác làm trung gian, giúp người Trung Quốc thuê đất ở những khu vực hiểm yếu tới 99 năm.
Nhân sự kiện này, nhà báo Đoàn Bảo Châu phỏng vấn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, bà Lan cho rằng: “Dự
luật này rất nên dừng lại, Quốc hội đừng thông qua vội, để hỏi ý kiến
thêm của các chuyên gia về các lĩnh vực khác nhau, không phải chỉ kinh
tế, mà cả xã hội, các chuyên gia về an ninh, quốc phòng nhìn từ nhiều
góc độ, để xem xét lại…”. Tiếng Dân xin được gỡ băng video clip phỏng vấn này, kính mời quý độc giả đọc tiếp.
____
5-6-2018
PV: Hiện
nay trên mạng XH cũng như trên báo chí cũng đang bàn luận rất nhiều về
việc Quốc hội chuẩn bị thông qua luật về đặc khu, bà đánh giá như thế
nào về dự luật này?
Bà Phạm Chi Lan:
Tôi nghĩ dự luật này rất nên dừng lại, Quốc hội đừng thông qua vội, để
hỏi thêm ý kiến của các chuyên gia về các lĩnh vực khác nhau, không phải
chỉ kinh tế, mà cả xã hội và chuyên gia về an ninh, quốc phòng nhìn từ
nhiều góc độ để xem xét lại.
Thứ
hai nữa là rất cần phải hỏi ý kiến của đông đảo người dân. Bởi vì trong
những ngày vừa qua, khi tôi đi các nơi, kể cả gặp những người rất bình
thường, hoặc là ngồi trên xe taxi, thì những người lái xe taxi cũng chia
sẻ với tôi nỗi bức xúc, lo lắng của họ trước [dự] luật này.
Hầu
hết mọi người đều cho rằng, đưa ra Luật Đặc khu này, nhất là với điều
kiện 99 năm thì có thể biến 3 đặc khu của VN thành vùng lãnh thổ trên
thực tế của nước láng giềng Trung Quốc. Một đất nước mà có rất nhiều
tham vọng về lãnh thổ, cũng như có những nhu cầu về di dân của họ, đi
khắp nơi để đỡ gánh nặng dân số trên mảnh đất của họ.
Tham
vọng của TQ đối với VN thì không hề che giấu trong suốt nhiều năm rồi,
tôi không nói đến lịch sử nghìn năm ai cũng thuộc, bất cứ người dân VN
nào ai cũng thuộc. Ngay cả trong lịch sử hiện đại VN, thì tham vọng lãnh
thổ của TQ kể từ những dấu mốc như cuộc chiến tranh biên giới vào những
năm ’79, rồi những cuộc chiếm các đảo của VN như Gạc Ma, rồi tất cả các
đảo khác của VN trong suốt thời gian vừa qua. Gần đây nhất như chuyện
TQ tăng cường vai trò của họ, quân sự hóa các bãi đá mà họ biến thành
đảo nhân tạo ở các vùng thuộc lãnh thổ VN ở Biển Đông, cho thấy rất rõ
tham vọng không hề che giấu đó.
Trong
điều kiện như vậy, mà nền kinh tế VN cũng đang bị lệ thuộc ngày càng
nặng nề nhiều hơn vào TQ về nguồn cung cho rất nhiều vật tư đầu vào cũng
như việc xuất khẩu một loạt các sản phẩm của VN, thì cái mối nguy của
việc 3 đặc khu, có thể biến thành những vùng lãnh thổ của TQ ở VN là rất
lớn. Chính vì vậy mà những người dân bình thường của VN cũng đều bày tỏ
sự lo lắng của họ.
Đứng về góc độ kinh tế,
góc độ chuyên gia, chúng tôi cũng thấy trong thời đại của cách mạng
công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa hiện nay, trong bối cảnh VN đã tham gia
FTA, Hiệp định Thương mại Tự do với các nước khác nhau trên thế giới,
với những cam kết rất cao về mở cửa thị trường ở VN về tạo thuận lợi cho
nhà đầu tư từ các nước đến làm ăn kinh doanh với VN, thì những mô hình
như đặc khu kinh tế thực sự không cần thiết nữa.
Thứ hai nữa là, những
đặc khu đó được đưa ra trong dự thảo luật cùng với các văn bản, phụ lục
kèm theo, đưa ra những lợi ích vô cùng to lớn cho các nhà đầu tư vào đó,
thì điều đó trái với những cam kết FTA của VN để tạo môi trường bình
đẳng cho các nhà đầu tư khác nhau trên mảnh đất VN. Và đặc biệt nó gây
hiệu ứng chèn lấn đối với doanh nghiệp VN, đối với công dân VN, về rất
nhiều việc mà vốn dĩ luật pháp chưa cho người VN làm trên đất nước mình,
thì lại mở ra cho người nước ngoài làm.
Kể cả những điều kiện
kinh doanh (ĐKKD) chẳng hạn, vốn dĩ điều kiện kinh doanh được lập ra là
nhằm bảo vệ lợi ích cho xã hội, cho người dân, hoặc là môi trường, trong
những lĩnh vực cần kiểm soát, thì bây giờ vào đặc khu, cũng mở ra rất
nhiều ĐKKD, dỡ bỏ đi để cho nhà đầu tư tự do làm, thì điều đó có thể gây
phương hại vô cùng to lớn cho xã hội, cho người dân, không chỉ ở trong
đặc khu đó. Tôi cho là, có quá nhiều vấn đề trong dự luật đặc khu này
cần phải xem xét lại.
Tôi rất mong là Quốc hội lần này dừng
lại, chưa thông qua luật này, để có thể lắng nghe nhiều hơn ý kiến của
người dân, của doanh nghiệp, của tất cả các đối tượng khác trong xã hội,
đặc biệt là các chuyên gia đang vô cùng bức xúc về vấn đề này.
PV: Thế nhưng mà bà Chủ tịch
Quốc hội Nguyễn Thị Kim ngân có phát biểu rằng, Bộ chính trị (BCT) đã
thông qua, vậy thì QH cần phải bàn để đưa ra được luật, bà nghĩ sao về
phát biểu của bà Chủ tịch QH?
Bà Phạm Chi Lan: Tôi
nghĩ khi BCT thông qua thì có thể BCT đến những chủ trương lớn, đến một
chiến lược và mong muốn tạo cơ hội cho VN phát triển. Tôi cũng thực lòng
mong muốn và tin rằng BCT muốn thiết kế ra cách để VN phá triển một
cách đột phá, chứ không phải như nhiều người nghĩ là một cách để làm cho
VN bất lợi trước nước láng giềng. Tôi thực lòng mong muốn là như vậy.
Nhưng rất có thể là, khi thông qua chủ
trương lớn đó, thì BCT không xem xét được đến những nhân tố cụ thể,
những điều cụ thể được đưa vào trong luật. Và nhất là đưa vào trong các
phụ lục kèm theo luật mà nó mở toang cánh cửa của VN quá rộng cho các
nhà đầu tư nước ngoài, cũng như không được báo cáo hết hoặc tính toán
hết những tác động có thể có của dự luật này.
Vì vậy cho nên, có thể BCT có chủ trương
nhưng mà cũng vẫn không thấu đáo được, thì tôi vẫn mong là xưa nay chúng
ta vẫn nói đến “ý đảng, lòng dân”, thì lần này ý đảng nên nghe thêm
lòng dân, để có thể thực sự hòa hợp được với nhau. Và vì vậy, cho nên bà
Chủ tịch QH nói vậy tôi cũng vẫn mong là QH với tư cách là đại diện của
dân, làm sao kết hợp đưa được ý kiến của dân vào luật, chứ không chỉ
một chiều theo chủ trương lớn đã được đưa ra. Vì tôi thực sự e rằng, chủ
trương lớn đó thường không đi được vào các chi tiết, mà nhiều khi cái
chết là ở các chi tiết, chứ không phải ở bản thân các văn bản pháp luật.
Tôi cũng xin chia sẻ kinh nghiệm cá nhân
tôi tham gia rất nhiều vào việc đóng góp vào các dự thảo luật lâu nay,
cũng như các dự thảo chính sách của nhà nước VN, thì tôi luôn luôn e sợ
nhất là việc các nhóm lợi ích cài cắm những lợi ích riêng của mình.
Nhiều khi chỉ vào một vài từ trong văn bản pháp luật, thì nó có thể làm
lệch lạc hoàn toàn ý tưởng của luật đó đi.
Ví dụ, khi luật muốn tạo điều kiện tự do
kinh doanh hoặc cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp với nhau,
nhưng chỉ cần cài cắm vào đó vài điều thôi, như việc cụ thể này do chính
phủ ban hành các quy định. Như vậy thôi, cũng có thể làm cho những ý
tưởng của luật vốn dĩ là tốt, thì có thể bị méo mó, bị lệch lạc hết,
trong quá trình ban hành văn bản tiếp theo, nhất là trong quá trình thực
hiện sau này.
Nhìn vào Dự luật đặc khu này, tôi cũng có thể thấy rất nhiều điều cài cắm lợi ích theo kiểu đó.
PV: Với tư cách là một phóng
viên không chuyên về kinh tế, mong muốn bà góp thêm ý kiến về việc những
đặc khu được mở ra vào những năm 70, 80 ở thế kỷ trước, như Thẩm Quyến
chẳng hạn, tại sao họ thành công được bởi vì lúc đó nền kinh tế của họ
là nền kinh tế kế hoạch, và họ mở ra đặc khu để có những chính sách ưu
đãi về luật, về thuế… do vậy mới phát triển được. Bây giờ với thời đại
công nghệ 4.0 và thế giới phẳng thì việc mở ra những đặc khu liệu rằng
hiệu quả kinh tế nó được như người ta kỳ vọng hay không? Bởi vì mình
không thể chạy theo thế giới, một điều mà người ta đã làm 30-40 năm rồi,
trong khi mình đặt niềm tin vào một cái rất mơ hồ, sẽ mang nhiều rủi
ro. Bà có đồng ý với ý kiến đó không?
Bà Phạm Chi Lan: Tôi
đồng ý với ý kiến đó. Thực ra rõ ràng khi ở TQ, ông Đặng Tiểu Bình chủ
trương phát triển Thẩm Quyến là trong bối cảnh nền kinh tế TQ đang rất
muốn có cải cách kinh tế mạnh mẽ hơn. Từ những người có tư tưởng cải
cách mạnh mẽ như Đặng Tiểu Bình, nhưng không thể áp dụng rộng rãi trên
toàn quốc được, cho nên ông ta phải tìm một chỗ để thí điểm mô hình đó.
Từ đó chứng minh lợi ích của việc cải cách của những chính sách mới
thông thoáng, mở cửa hơn, thay vì chính sách tập trung vào trong tay nhà
nước như trước đó, để từ đó nhân rộng ra.
Tác dụng của Thẩm Quyến không phải chỉ
làm cho vùng Thẩm Quyến phát triển, mà quan trọng nhất là những thể chế
đó sau đó được áp dụng trên toàn TQ và làm cho TQ mạnh lên về mặt kinh
tế.
Đối với VN bây giờ cũng vậy, trải qua
ngần ấy năm cải cách rồi, như tôi đã nói, VN còn đang tham gia các FTA,
với những cam kết rất mạnh mẽ về mở cửa thị trường. Có thể nói, các FTA
thế hệ mới như TPTPP hoặc EVFTA mà VN đang tham gia là những FTA được
coi là của thế hệ mới, trong đó có những cam kết rất mạnh mẽ về đổi mới
thể chế ở VN nữa. Tôi cho rằng, với việc như vậy, VN nên tập trung vào
thực hiện những cam kết của mình đã có với các nước và nên xem xét lại
trong thời gian vừa qua, trong quá trình cải cách của mình, còn những gì
nữa cần phải thực hiện tiếp để cho nền kinh tế có thể phát triển mạnh
mẽ hơn trên cả nước.
Và nếu có thí điểm, thì thí điểm là những
chính sách khó, là những biện pháp khó cho những FTA thế hệ mới mà VN
chưa dám làm ngay trên quy mô cả nước, thì có thể làm trong phạm vi hẹp.
Ví dụ như việc người ta đưa ra những yêu
cầu về bảo hộ sở hữu trí tuệ để cho công nghệ cao có thể phát triển, thì
có thể trong các khu công nghệ cao rất cần áp dụng một chế độ bảo hộ sở
hữu trí tuệ thật mạnh, để làm cho các nhà đầu tư mạnh dạn chuyển giao
công nghệ cho VN. Đấy là cách thí điểm thể chế.
Mọi thí điểm thể chế là để sau đó nhân
rộng ra cho tất cả, chứ không phải gom lại mỗi đặc khu như thế này, nó
biến thành một quốc gia nhỏ trong một quốc gia lớn, trong đó có những
thể chế riêng biệt mà không áp dụng được cho cả nước. Tôi nghĩ cái đó
không phải. Hơn nữa VN cũng chưa cần phải học nhiều ở các nước khác, mà
học ngay bài học của chính mình. Ở VN lớn nhỏ đã có chừng gần 500 các
khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao… đã được
hình thành trong những năm vừa qua, hay như các khu kinh tế ven biển…
Nhưng trong thời gian vừa qua, kể cả một
số chính sách đặc biệt được tạo ra cũng vẫn chưa đủ để làm các đặc khu
này phát triển lên. Do vậy, VN cần phải có một nghiên cứu, đánh giá thấu
đáo, tại sao các chính sách này lại chưa làm được cho những khu mà VN
đã từng chủ trương tạo cho nó những cơ chế đặc biệt để phát triển, mà
lại chưa phát triển được. Trên cơ sở đó thì rút kinh nghiệm, thấy thể
chế nào cần bồi đắp cho nó thì tập trung bồi đắp, để cho những khu mà VN
đã hoạch định rồi có thể phát triển lên và từ đấy nhân rộng ra cả nước.
Tôi nghĩ đấy là cách đơn giản hơn nhiều.
Tôi chỉ muốn nói đến ví dụ khu công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc, vào tháng
3/2018 ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch QH đã đến thăm khu công nghệ
cao Hòa Lạc ở ngay Hà Nội, thì sau 20 năm, khu CNC Hòa Lạc vẫn chưa phát
triển được như VN mong muốn. Số nhà đầu tư nước ngoài mang công nghệ
cao vào đó vẫn còn rất hạn hẹp. Tại sao lại như vậy?
Khi ông Phùng Quốc Hiển cùng đoàn ĐBQH
đến thẩm tra mới hiểu ở đó, mặc dù chính phủ đã ban hành rất nhiều những
chính sách tốt cho khu CNC này, nhưng không áp dụng được trên thực tế,
bởi nó vướng 13 luật pháp khác chưa sửa, để làm cho những chính sách này
được thự thi. Và vì vướng ở 23 luật này, mà khu CNC Hòa Lạc không có
điều kiện để phát triển được.
Thế thì tôi nghĩ, đem luôn kinh nghiệm mà
ông Phùng Quốc Hiển đã thấy này, tập trung sửa những quy định trong 13
luật pháp đang cản trở khu CNC Hòa Lạc, áp dụng vào nó để xem CNC Hòa
Lạc có bật được lên hay không. Đấy là một cái cách để thí điểm thể chế,
đâu cần tìm những kinh nghiệm khác ở đâu xa nữa cho VN?
Điều cuối cùng tôi muốn nói là, trong
thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 như thế này, thì không có những ngành
nghề, những lĩnh vực gì nó kéo dài quá đâu. Nếu VN cứ mong muốn là dùng
những chính sách ưu đãi thật nhiều, kéo dài thật lâu về thuế, về tiền
thuê đất, về thời hạn sử dụng đất… thì những cái đó cũng vô nghĩa. Trong
thời đại hiện nay, nó không có tác dụng thực sự với những người đầu tư
sử dụng công nghệ mà tuổi thọ hay vòng đời của các sản phẩm nó ngắn lại
rất đáng kể và nó phải thay đổi liên tục để cạnh tranh, trong khi đó nó
lại chỉ tạo cơ hội cho những người đầu cơ, đặc biệt là đầu cơ trục lợi
trên đất đai.
PV: Bà Chủ tịch Quốc hội có
nói rằng, những đặc khu kinh tế, nếu bỏ vào 1 đồng thì sẽ thu về 10 đồng
hoặc 100 đồng. Với tư cách là một người dân, tôi nghe như vậy, tôi cảm
thấy rất là mơ hồ. Bởi vì khi phát thảo ra đặc khu kinh tế thì phải có
một ý tưởng rõ ràng, có thể dự đoán rằng, trong 10 năm, 20 năm, 30 năm
nữa, thì đặc khu kinh tế đó, có thể mang về lợi ích kinh tế gì cho đất
nước. Nhưng mà tôi sợ rằng, phát biểu của bà Kim Ngân hoàn toàn vô căn
cứ và mang tính cảm tính. Bà có đồng ý với quan điểm này không?
Bà Phạm Chi Lan: Tôi nghĩ có thể bà Kim Ngân đã được
ai đó, chuyên gia nào đó tư vấn và gợi mở cho bà ấy con số đó. Cá nhân
tôi thật sự không tin con số đó. Có thể là có dòng vốn đầu tư vào, khi
mà nói bỏ ra 1 đồng, có người bỏ ra 100 đồng thì tôi nghĩ là dòng vốn
của nhà nhà đầu tư nào đó mang vào, có thể là như vậy. Nhưng trên thực
tế, ít nhất là 2 trong 3 đặc khu này là Vân Đồn và Phú Quốc, thì chưa
cần có chính sách đặc khu gì, người ta đã mua đất, đã xây dựng, đã làm
rất nhiều thứ rồi.
Đất đai ở Phú Quốc gần như đã hết, cho các khu resort, cho các khu
nghỉ dưỡng, cho các dịch vụ du lịch khác nhau, mà chưa cần có chính sách
ưu đãi gì. Tôi nghĩ, khi người ta thấy có cơ hội kinh doanh, là các nhà
đầu tư có thể nhảy vào. Thì trong trường hợp này, chúng ta không cần bỏ
1 đồng ưu đãi về thuế, về đất, đã có thể có nhiều đồng của các nhà đầu
tư vào rồi. Cho nên tôi nghĩ là, cứ nhìn vào Phú Quốc như vậy rồi lại
nghĩ khi trở thành đặc khu thì nhiều hơn. Tôi cho là không phải như vậy
đâu. Vả lại số tiền người ta bỏ vào bao nhiêu, không quan trọng bằng lợi
ích thực sự là VN có được bao nhiêu.
Lâu nay có thể nói là trong chính sách đầu tư nước ngoài, VN thu hút
được nhiều dự án đầu tư nước ngoài, nhưng lợi ích giành lại cho đất nước
VN, nói thật, khiêm tốn lắm. VN bị tình trạng như ngôn ngữ của tổ chức
IFC (International Finance Corporation) của ngân hàng thế giới, người ta
vẫn gọi là ở VN vẫn hay theo cuộc đua xuống đáy, theo cái cách gọi là
“lấy của người nghèo cho người giàu”, khi chúng ta miễn thuế nhiều quá
cho các nhà đầu tư lớn. Trên thực tế, VN tình trạng chuyển giá, tình
trạng né thuế ở VN, báo cáo lỗ hoài trong nhiều năm, nhưng vẫn xin mở
rộng dự án đầu tư là có thật trong nhiều năm nay ở VN mà đến bây giờ vẫn
chưa khắc phục được. Cho nên, nói về lợi ích có thể mang lại cho VN thì
phải cần rất thận trọng.
Họ có thể mang lại được tốc độ tăng trưởng GDP, về hình thức thì cao,
xuất khẩu cao, nhưng mà tăng trưởng cao, về những nguyên tố này thì cái
chính, cốt lõi nhất đối với người VN vẫn phải xem là, vậy thì nền kinh
tế VN, người dân VN được hưởng lợi ích gì từ tất cả những cái này, hay
là lợi ích chủ yếu vẫn chảy vào túi của các nhà đầu tư nhiều hơn.
PV: Vừa rồi có đoàn phóng viên đi thăm Thẩm Quyến về,
đồng loạt họ lên bài, ca ngợi mô hình đặc khu, cộng thêm nỗi lo lắng của
người dân và thật ra thì ai cũng biết rằng khi mà mở đặc khu kinh tế
thì người TQ sẽ nhảy vào, gần như điều này là chắc chắn. Nhưng mà ngược
lại, như tôi quan sát và dự đoán, luật về đặc khu sẽ được thông qua. Và
như vậy, nó sẽ mang lại hiểm họa vô cùng to lớn cho đất nước. Bà có đồng
ý với nhận định của tôi không?
Bà Phạm Chi Lan: Tôi nghĩ, cách đi tham quan nhiều
khi không giúp được nhiều cho người ta mở mắt thật sự, bởi vì tham quan
nếu mà muốn hiểu đầy đủ về mô hình đặc khu thì cần xem cả những thành
công và những cái thất bại của đất nước khác nữa. Những tổng kết của
Ngân hàng Thế giới và các nơi đưa ra thì vẫn thường đánh giá là 50/50.
Có khoảng 50% thành công, cũng có khoảng 50% thất bại nặng nề. Và khi
thất bại thì cái giá phải trả của nền kinh tế và của người dân là rất
lớn. Điều thứ hai là mối lo về vai trò của Trung Quốc thì không chỉ ở
VN, nhưng gần đây ở các nước như Sri Lanca chẳng hạn, tiếp nhận đầu tư
từ TQ vào một cảng biển, cuối cùng không có tiền trả cho TQ và phải bán
toàn bộ quyền sử dụng, khai thác cảng biển đó cho TQ, là bài học đau đớn
mà nhiều nơi đã nhận thấy.
Châu Phi chẳng hạn, cũng tiếp nhận rất nhiều dự án đầu tư của TQ, để
trở thành con nợ của TQ, đó là điều mà ai cũng lo sợ. Tôi nghĩ là đối
với VN, là nước kề cận TQ mà như tôi đã nói từ đầu về tham vọng của TQ
đối với VN không phải che giấu, thì đương nhiên nó gây nên mối lo lắng
trong bất kỳ người dân VN nào có tinh thần dân tộc hoặc biết lo lắng đến
vận mệnh của đất nước, đến tương lai của con em, mối lo là TQ có thể là
những nhà đầu tư chính trong các đặc khu này. Cũng có thể là ban đầu họ
chưa vào nhiều đâu, bởi vì họ có thể mang danh là nhà đầu tư VN, mang
danh là nhà đầu tư đâu đó, trong thế giới hiện nay, với việc chuyển tịch
rất nhanh của dòng vốn đầu tư của những người chủ, từ ông chủ A sang
ông chủ B rất dễ dàng nhanh chóng, với những hình thức như mua lại, sáp
nhập, rồi mua bán với nhau. Và quyền tự do đặc khu dành cho các nhà đầu
tư về mua bán doanh nghiệp đó, rất có thể chỉ là một số năm ít ỏi thôi.
Chưa chắc đã cần chờ đến 50 năm, 70 năm hay 99 năm đâu, thì các đặc khu
này có thể rơi vào tay người TQ ở mức độ rất cao, đến mức họ khống chế
hoàn toàn. Đấy là điều thật sự tôi lo lắng.
PV: Cảm ơn bà rất là nhiều, xin chúc bà nhiều sức khỏe.
© Copyright Tiếng Dân – Bản đánh máy
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét