Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2018

CHƯA CÓ LUẬT BIỂU TÌNH, BIỂU TÌNH CÓ ĐƯỢC KHÔNG?




CHƯA CÓ LUẬT BIỂU TÌNH, 
BIỂU TÌNH CÓ ĐƯỢC KHÔNG?

Luật gia Trần Đình Thu

Một số bạn thắc mắc chưa có luật thì có biểu tình được không. Bài viết này giải thích góc độ pháp lý của quyền biểu tình.

Quyền biểu tình cùa công dân Việt Nam được ghi nhận trong hiến pháp.

Hiến pháp Việt Nam quy định một số quyền của công dân, trong đó có những quyền quy định kèm theo điều kiện có quyền không kèm theo điều kiện. Thí dụ quyền tự do tín ngưỡng không kèm điều kiện gì cả nhưng quyền tự do ngôn luận, lập hội, biểu tình… thì kèm theo điều kiện là việc thực hiện các quyền đó thì theo luật định.

Điều này có nghĩa là sau khi Hiến pháp ra đời, quyền nào không kèm theo điều kiện thì công dân thực hiện ngay, quyền nào kèm thêm điều kiện thì quốc hội sẽ (và phải) ban hành luật để công dân thực hiện.

Nhưng có những trường hợp chính phủ và quốc hội cùng nhau làm chậm việc ban hành luật (chính phủ không trình luật hoặc trình nhưng quốc hội không thông qua). Ví dụ như luật biểu tình, luật lập hội…

Điều này tạo ra một khoảng trống pháp lý.

Trước hết xét về lỗi thì việc để tồn tại một khoảng trống pháp lý như vậy là lỗi của chính phủ và quốc hội. Về mặt nguyên tắc là hiến pháp đã quy định, thì chính phủ và quốc hội phải thực hiện ngay. Còn nếu không muốn thực hiện vì các lý do nào đó, chẳng hạn như sợ ảnh hưởng đến an ninh chính trị… thì không đưa vào hiến pháp. Thí dụ như quyền biểu tình, quốc hội có thể loại ra khỏi hiến pháp cho đến khi nào thấy có thể đưa trở lại vào hiến pháp thì tiến hành sửa đổi hiến pháp để đưa vào trở lại. Nhưng nếu không loại ra từ đầu mà đã đưa vào hiến pháp, dù là kèm theo điều kiện, thì nó cũng đã là một quyền đương nhiên theo hiến pháp. Việc ban hành luật chỉ quy định cách thức thực hiện quyền ấy mà thôi chứ không phải chưa có luật thì công dân chưa có quyền ấy.

Như vậy thì dù chưa có luật biểu tình thì công dân cũng đã có quyền ấy.

Câu hỏi đặt ra: Thế còn việc thực hiện nó khi chưa có luật thì sao? Công dân có thể thực hiện quyền ấy được hay không?

Ở đây không có câu trả lời là có hay không nhưng có những tình huống pháp lý như sau:

- Người dân có thể chờ luật hướng dẫn để biểu tình đúng luật.

- Người dân không chờ luật vì khoảng trống pháp lý kéo dài quá nên họ thực hiện luôn việc biểu tình.

Trong trường hợp người dân biểu tình khi chưa có luật thì gọi là biểu tình tự phát.

Có 1 vài tình huống pháp tương tự như đình công tự phát chẳng hạn.

Biểu tình tự phát là một tình huống pháp lý không đúng luật về biểu tình vì không có luật để mà đúng nhưng cũng không trái luật về biểu tình vì không có luật để mà trái.

Biểu tình tự phát dĩ nhiên cũng không trái với các luật khác vì quyền biểu tình được hiến pháp thừa nhận.

Tuy nhiên cần lưu ý, nếu trong quá trình biểu tình, người biểu tình có các hành động trái với các luật khác thì cũng bị xử lý, cụ thể là trái với luật nào thì xử lý theo luật đó. Thí dụ trong quá trình biểu tình tự phát nhưng xảy ra hành hung gây thương tích thì xử lý theo quy định về tội cố ý gây thương tích của Bộ luật hình sự.

Biểu tình tự phát dĩ nhiên không tốt cho xã hội vì nó không có quy cũ, dễ dẫn đến các hệ lụy khác. Tuy nhiên đây là một tình huống pháp lý phải chấp nhận. Quốc hội để xảy ra tình huống biểu tình tự phát là có lỗi. Vì vậy quốc hội cần cân nhắc, nếu thấy chưa thể giao quyền biểu tình cho công dân thì sửa ngay hiến pháp, rút quyền này ra khỏi hiến pháp.

Còn nếu đã đưa vào hiến pháp thì phải ban hành luật ngay để công dân thực hiện theo luật. Chứ không thể đã đưa vào hiến pháp rồi để khoảng trống pháp lý kéo quá dài như hiện nay.

5 nhận xét :

  1. Quá Chuẩn!!! Cám ơn Luật gia Trần Đình Thu!

    Trả lờiXóa
  2. "Trong trường hợp người dân biểu tình khi chưa có luật thì gọi là biểu tình tự phát"

    Rất chính xác . Sau khi có luật rồi thì gọi là biểu tình được phép .

    Trả lờiXóa
  3. HÃY VÙNG LÊN ĐỨNG DẬY ĐỂ ĐƯỢC LÀM NGƯỜI, ĐỂ CHỐNG LẠI NGUY CƠ MẤT NƯỚC VÀ NGUY CƠ BỊ DIỆT VONG.

    Trả lờiXóa
  4. Có một nguyên tắc cần nêu lên để toàn dân biết đó là :
    1. Đối với người dân : Người dân có quyền làm bất kỳ việc gì mà pháp luật không cấm.
    2, Đối với cán bộ công chức nhà nước, các cơ quan công quyền: Chỉ được làm những việc mà pháp luật cho phép.
    Căn cứ nguyên tắc này, biểu tình không hề có văn bản pháp luật nào cấm, thậm chí còn được Hiến pháp cho phép và chính phủ VN đã cam kết với quốc tế (Thực thi quyền con người). Nếu nhà nước, quốc hội cố tình trì hoãn việc ban hành Luật biểu tình thì họ không hoàn thành nhiệm vụ mà hiến pháp quy định, họ phải chịu trách nhiệm trước nhân dân và quốc tế nơi họ đã cam kết thực hiên (Quyền con người).Người dân hoàn toàn có quyền biểu tình, mọi bất trắc xẩy ra trách nhiệm thuộc về quốc hội vì đã cố tình không thực hiện nhiệm vụ được giao. Người dân có quyền đòi hỏi quốc hội thực thi nhiệm vụ ban hành Luật biểu tình, không được cố tình trì hoãn (kể cả việc lập hội quy định trong hiến pháp 2013).

    Trả lờiXóa
  5. BIỂU lộ TÌNH cảm thì không cần luật liếc nào hết!

    Trả lờiXóa