Đạo văn hay không đạo văn đều đáng bị tước học hàm Giáo sư!!!
Hoàng Dũng8- 5 - 2018
Vụ GSTS Nguyễn Đức Tồn đạo văn (xin xem http://baophunuthudo.vn/article/27447/176/vi-sao-dao-van-ma-van-duoc-phong-giao-su) đang ngày càng nóng lên.
Tuy nhiên, vẫn có người băn khoăn, chưa “tâm phục khẩu phục”, lấy cớ GS Tồn là người hướng dẫn cho chị Nguyễn Thúy Khanh, cho nên sự giống nhau giữa sách của GS Tồn (xuất bản năm 2002) và luận án của chị Nguyễn Thúy Khanh (bảo vệ năm 1996) là bình thường.
Cách đây 11 năm, trả lời báo Tiền Phong về cáo buộc đạo văn, GS (lúc ấy là PGS) Tồn giải thích sự giống nhau đó là do ông hướng dẫn nghiên cứu sinh “theo tư tưởng khoa học, lý luận và phương pháp nghiên cứu được lấy từ Luận án Phó tiến sĩ của tôi được bảo vệ tại Viện Ngôn ngữ học, Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô năm 1988” (xin xem https://www.tienphong.vn/giao-duc/hoi-am-bai-bao-mot-pgs-dao-van-73474.tpo). Lập luận này thật kỳ dị, nếu ta nhớ rằng (1 ) luận án của GS Tồn bằng tiếng Nga, còn luận án của chị Nguyễn Thúy Khanh bằng tiếng Việt; (2) luận án của GS Tồn nhan đề “Đặc điểm trường từ vựng - ngữ nghĩa các tên gọi bộ phận cơ thể người”, trong khi luận án của chị Nguyễn Thúy Khanh nhan đề “Đặc điểm trường từ vựng - ngữ nghĩa tên gọi động vật”. Như vậy, thì làm thế nào giải thích sự kiện luận án của chị Nguyễn Thúy Khanh có 96 trang chính thì đến 82 trang trùng với cuốn sách của GS Tồn, trong đó đa số trùng đến dấu chấm, dấu phẩy. Hơn nữa, có cả công trình của người không phải là do GS Tồn hướng dẫn: luận văn “Đặc điểm định danh và ngữ nghĩa trường từ vựng tên gọi thực vật trong tiếng Việt” của Cao Thị Thu phần chính có 74 trang thì 46 trang xuất hiện gần như nguyên xi trong sách của GS Tồn. Đó là chưa kể trong một cuốn sách khác “Những vấn đề dạy và học trong nhà trường, Phương pháp dạy và học tiếng Việt ở bậc trung học cơ sở”, GS Tồn đã bê nguyên xi làm của mình bài báo của chị Nguyễn Thị Thanh Hà, vốn công bố trước đó trên tạp chí Ngôn ngữ do ông làm Tổng Biên tập.
Tóm lại: Chỉ có thể kết luận là ĐẠO VĂN!
Kể ra, về mặt logic, GS Tồn có thể thoát được tội đạo văn NẾU trưng được bằng chứng trước đó GS Tồn có công trình bằng tiếng Việt giống như của ba chị Nguyễn Thúy Khanh, Cao Thị Thu và Nguyễn Thị Thanh Hà. Nhưng như thế thì (1) Các tác giả bị đạo văn sẽ bị buộc tội đạo văn và phải bị tước bằng; (2) Còn GS Tồn bị buộc vào một tội khác: là người hướng dẫn chị Nguyễn Thúy Khanh, đương nhiên biết rõ học trò đạo văn của mình, mà vẫn đồng ý cho học trò bảo vệ luận án, nghĩa là GS Tồn cố tình lừa dối hội đồng để có thành tích “hướng dẫn thành công luận án phó tiến sĩ/tiến sĩ”, đáp ứng được yêu cầu bắt buộc của việc phong học hàm Giáo sư.
Cái tình thế “tiến thoái lưỡng nan” này căng quá: GS Tồn đạo văn hay không đạo văn đều đáng bị tước học hàm Giáo sư!!!
Mang danh trí thức , điều đáng xấu hổ nhất là gian dối , đáng hổ thẹn nhất là mất danh dự ( nếu có ) .
Trả lờiXóaViệc " đạo " đã rõ ràng như vậy mà vẫn cố biện minh thì ô nhục chỉ càng thêm tăng mà thôi . Nếu còn một chút tự trọng , không đủ tư cách thì ông không nên giữ vai trò làm thày .
Chào giáo sư MỘC TỒN
Trả lờiXóaAi sẽ là Ct HĐ xét xử học hàm của ô. Nguyễn Đức Tồn ? Không lẽ lại là ô. Phùng Xuân Nhạ ? Cùng một phường như nhau có dám lôi nhau ra mà xử không ? Nói thế , chưa chắc gì đã có phiên xử này !
Trả lờiXóaNhập kho ông Tồn đi thôi !
Trả lờiXóa