Nguyễn Việt Chiến
NGÀY 13-5-2008 BÁO THANH NIÊN ĐĂNG BÀI TRÀN TRANG: “2 NHÀ BÁO THANH NIÊN VÀ TUỔI TRẺ BỊ BẮT VÌ ĐƯA TIN VỤ PMU18”.
“Khi số phận chọn ta làm ngọn bút
Phất lên đầu sóng sữ một bài ca"
NGÀY 13-5-2008 BÁO THANH NIÊN ĐĂNG BÀI TRÀN TRANG: “2 NHÀ BÁO THANH NIÊN VÀ TUỔI TRẺ BỊ BẮT VÌ ĐƯA TIN VỤ PMU18”.
“Khi số phận chọn ta làm ngọn bút
Phất lên đầu sóng sữ một bài ca"
Hôm nay, tôi ngồi xem lại các bài viết trên Báo Thanh Niên 10 năm trước 13-5-2008: “2 nhà báo Thanh Niên và Tuổi trẻ bị bắt vì đưa tin vụ PMU18”; “Nhà báo Nguyễn Việt Chiến đã tác nghiệp như thế nào mà bị quy vào tội “lợi dụng chức vụ và quyền hạn khi thi hành công vụ”? “Có hơn 1.000 bài báo viết về vụ PMU 18 đăng trên gần 100 tờ báo, sao lại bắt 2 nhà báo của Thanh Niên và Tuổi Trẻ?”; “Những câu hỏi chờ được trả lời!”…
Trích nhật ký của nhà thơ, nhà báo Nguyễn Việt Chiến:
“…Chiều 12-5-2008, trong lúc ngồi uống nước chờ ký biên bản khám xét nhà, vợ tôi lấy hộp bánh ngọt ra mời mấy cậu điều tra viên ăn cho đỡ đói, vì đã tới bữa chiều mà còn nhiều việc phải làm. Chắc họ cũng khá mệt mỏi vì phải thi hành lệnh bắt giữ một nhà báo không chịu khuất phục như tôi? Còn tôi cũng rất mệt mỏi vì chuyện một nhà báo viết bài chống tham nhũng như mình không hiểu vì sao lại bị khởi tố? Đứa con trai lớn 28 tuổi của tôi, đang là phóng viên thể thao của báo điện tử Vnexpress, nghe tin bố bị bắt, vội hớt hải phóng xe máy đến, mang theo ít đồ ăn và các loại thuốc chữa bệnh cho tôi. Nhìn gương mặt tái nhợt của đứa con trai lớn và vẻ mặt héo rũ của người vợ, tôi cố nén sự đau đớn, tuyệt vọng trong phút chia tay. Đứa con trai vội phóng xe về toà soạn báo Thanh Niên, nơi họ sắp đưa tôi về khám xét nơi làm việc.
Tôi rời ngôi nhà thân thuộc của mình trong một chiều tháng năm oi bức. Vòm trời không mấy thanh bình bị cắt xén bởi những nóc nhà trong con ngõ nhỏ. Mấy cậu điều tra viên luôn kèm sát, không cho tôi cơ hội tiếp xúc với mấy phóng viên đang cố bám theo. Khi ra tới phố chính, truớc khi leo lên ô tô, tôi vẫn còn vẫy chào đồng nghiệp. Chạy được một đoạn phố, chiếc ô tô phải quay ngược lại vì tắc đường lúc tan tầm. Tôi chợt thấy vợ tôi còn đứng đầu ngõ, trả lời phỏng vấn mấy phóng viên đang xúm quanh. “Chắc sớm mai, báo chí toàn quốc được dịp bán chạy như tôm tươi. Và đề tài hai ông nhà báo chống tham nhũng bị bắt giam vì đưa tin vụ PMU18 sẽ là “mồi nhậu” ở khắp các quán xá trên đất nước này”-tôi bùi ngùi nghĩ thế.
Sau này, rất nhiều người hỏi vì sao lúc bị bắt giữ, tôi lại tự tin, cười tươi như “Như một anh hùng khi ra pháp trường vậy!”. Tôi trả lời: “Vì tôi tin rằng mình hoàn toàn vô tội, rằng việc bắt một nhà báo chống tham nhũng vì đưa tin về vụ án PMU18 sẽ bị dư luận trong và ngoài nước lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Và, trong thời khắc lâm nguy ấy, không hiểu sao trong tôi lại bừng ngộ một niềm tin vào lẽ phải, vào sự công bằng trong phán xét của đông đảo công chúng và dư luận xã hội (chứ không phải tin vào sự công bằng nơi những kẻ bắt giữ tôi)”. Tôi đã nuôi giữ niềm tin ấy như ngọn lửa hy vọng, như một thứ ánh sáng cứu rỗi trong những tháng ngày tù tội tối tăm mà mình phải trải qua…”
“… Chắc các bạn còn nhớ, trước khi bị đưa về nơi tạm giam, tôi còn ngẩng cao đầu khẳng khái tuyên bố rằng: “Tôi không có tội gì hết, tôi chỉ có tội duy nhất là tội tích cực chống tham nhũng. Tôi sẽ đấu tranh đến cùng để bảo vệ lẽ phải cho mình”. Tôi đã giữ đúng lời hứa ấy tại phiên tòa xét xử tôi sau đó 5 tháng.
Nếu không nuôi giữ được niềm tin cao cả ấy trong đời sống tinh thần của mình suốt 251 ngày hoạn nạn, thì làm sao tôi có thể ngẩng cao đầu gặp lại anh em bè bạn ngày trở về.Thấm thoát đã 10 năm kể từ ngày tôi gặp tai họa nghề nghiệp, bao nhiêu đau khổ, buồn bã cũng phần nào vơi đi trước tình cảm ấm áp, chia sẻ, đùm bọc của người thân trong gia đình và bạn bè văn chương, báo chí. Tôi biết rằng họ đã sống cho tôi và tôi cũng sống vì họ, vì niềm tin lành lặn nơi con người trên thế gian đầy bất trắc và nhiều thương đau này:
Nguyễn Việt Chiến
KHI SỐ PHẬN CHỌN TA LÀM NGỌN BÚT
Mùa đã vắng những cánh chim lẻ bạn
Đất ấm dần sông chảy mộng mơ hơn
Cái còn lại sẽ trở thành dĩ vãng
Cái mất rồi không phải đã hư vô
Cái mới gặp – người hồn nhiên đón nhận
Cái rời xa – ta nuối tiếc dầy vò
Cảm ơn bạn, những người tôi yêu mến
Như anh em như máu thịt của mình
Trong thế kỷ đã quá nhiều đổ vỡ
Ta gắn hàn chút giá trị mong manh
Xin đừng hỏi vì sao ta gục ngã
Ta yêu thương như Mẹ - núi sông này
Khi ngay thẳng sống làm người thật khó
Ta dọn mình cho bữa tiệc đắng cay
Xin đừng hỏi vì sao ta phải sống
Ta bản năng không chay tịnh thánh thần
Ta bụi bặm ta hồn nhiên đến thở
Trên chiếc giường của mộng mỵ ăn năn
Khi số phận chọn ta làm ngọn bút
Phất lên đầu sóng dữ một bài ca
Ai biết được ta sẽ chìm tận đáy
Rồi vượt lên bao bất hạnh, trầm kha
Ngày lại ấm từng câu thơ con viết
Mùa vẫn dài trong mắt mẹ buồn thương
Khi mẹ nhắc chiều muộn rồi con biết
Bài thơ kia đã ở sát chân tường
Khi bạn hỏi bóng tôi trên mặt sách
Câu thơ nào viết dưới đáy thời gian
Trong tuyệt vọng chỉ còn thơ là bạn
Chỉ còn thơ cứu rỗi mọi suy tàn
Nghe bạn hỏi bóng hoa trên mặt sách
Mùi hương nào thấm đẫm một chia phôi
Mai hay cúc, hay thuỷ tiên tưởng tượng
Bóng hoa đen ám ảnh chúng ta rồi
Trên gương mặt thời gian năm tháng ấy
Có một phần gương mặt của chúng tôi
Trán kiêu hãnh mang vần thơ hy vọng
Dẫu trái tim đa cảm bị thương rồi
Dẫu trái tim nhiệt huyết đã nguội rồi
Dẫu trái tim bị bòn rút cuối đời
Dẫu trái tim nhân bản nát tan rồi
Hãy tin rằng vẫn còn có chúng tôi
Bài thơ trên, tôi viết cách đây 10 năm, giờ đây lại như một lời tri ngộ để tôi biết ơn mọi người. Đối với cuộc đời tôi, con đường đầy gian truân, thử thách trong mấy chục năm làm báo đã trui rèn tôi,hun đúc tôi không ngưng nghỉ, đến mức tôi nghĩ mình luôn phải đối mặt, phải chiến đấu vì một lẽ cao cả bình thường tốt đẹp nào đó vì con người.Tôi không tin phẩm chất ấy lại là một sự sáo rỗng cao thượng, luôn tìm cách vẫy gọi và nhấn chìm con người trong những khoảnh khắc ngộ nhận. Và tôi tin rằng, để sống được trên cuộc đời này, con người ta không thể đầu hàng số phận và phải biết vượt lên như cách một nhà thơ vượt qua rào cản của mọi thể chế ngôn ngữ để ngợi ca cái đẹp và nâng cao con người.
Sau khi tôi được trả lại tự do, trong dịp nhà thơ Thanh Thảo ở Quảng Ngãi ra chơi Hà Nội với bạn bè, anh em chúng tôi gặp gỡ nhau, chia sẻ và thương cảm lắm. Tôi còn nhớ nhà thơ Thanh Thảo đã viết về tai họa nghề nghiệp của tôi như thế này:
“Nhà báo là một nghề nguy hiểm. Điều đó ai cũng biết, vì thế giới đã xếp hạng độ nguy hiểm của nghề này. Không chỉ trong chiến tranh, trong các cuộc xung đột và bạo loạn, những nhà báo bám sát hiện trường đưa tin phải chịu nguy hiểm đến tính mạng, mà ngay trong hòa bình, mỗi khi phải đối mặt với những thế lực đen tối như các băng nhóm mafia hay xã hội đen, những loại tội phạm có tổ chức, nhà báo cũng thường trực chịu nguy hiểm. Những nhà báo của chúng ta, trong đó đặc biệt là các nhà báo của Báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ- hai tờ báo luôn đi hàng đầu trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng dưới mọi hình thức nhằm bảo vệ sự trong sáng của cuộc sống cũng tức là góp phần tích cực bảo vệ chế độ này- đã không ít lần chịu nguy hiểm và đã cảm nhận rất rõ sự nguy hiểm đe dọa mình mỗi khí tác nghiệp.
Tôi biết anh Nguyễn Việt Chiến bắt đầu từ là nhà thơ, một nhà thơ có tài và đau đáu với những cách tân đổi mới thơ Việt đương đại. Một nhà thơ táo bạo nhưng lành sạch và sống có lý tưởng. Và từ khi đọc những bài viết của anh với tư cách là một nhà báo của Báo Thanh Niên, tôi càng yêu mến và quý trọng anh hơn. Nguyễn Việt Chiến đã đưa sự ngay thẳng, lành mạnh, nhạy bén của một nhà thơ vào nghề báo. Tôi nghĩ, dù phải chịu nghịch cảnh, nhưng bằng tấm lòng trong sáng với cuộc sống, bằng tình yêu đất nước và nhân dân mình thể hiện qua sự nghiệp báo chí, các anh đã và sẽ tiếp tục được nhân dân tin cậy và yêu mến. Sự đồng cảm của nhân dân sẽ là niềm an ủi thiết thực nhất. Tôi vẫn tin, rồi sự thật sẽ phân minh, và công lý sẽ chiến thắng”
Nhân kỷ niệm ngày tôi gặp tai họa nghề nghiệp vì việc đưa tin vụ án PMU18, nhà thơ Thanh Thảo nói với tôi: Em bị bắt vào mùa hạ, tới mùa thu thì ra tòa lãnh án, mùa đông thì ở tù, còn mùa xuân lại được trở về đọc thơ tại Ngày thơ Việt Nam ở Văn Miếu- Quốc Tử Giám. Vậy sau một năm, có thơ rằng:
Hạ ăn chuyên án, Thu ăn án
Đông tắm ao tù, Xuân tắm thơ
Hai câu thơ trên, nhà thơ Thanh Thảo đã mượn hai câu thơ của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm để “diễn giải” chuyện tai họa của tôi:
Thu ăn măng trúc, Đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, Hạ tắm ao
Trong buổi gặp gỡ ấy, nhà thơ Thanh Thảo nói vui: “Kể từ khi mày bị bắt, thu nhập nghề báo của anh giảm hẳn, các bài Chào buổi sáng trên Thanh Niên cứ thưa dần đi, mày ra rồi, may ra tao dần hồi phục…”.Anh em lại cười ra nước mắt, rồi Thanh Thảo kể tôi nghe chuyện, chỉ vài ngày sau khi tôi bị bắt, nhà thơ Ngô Thế Oanh ở Tạp chí Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam đưa chùm thơ 4 bài của tôi lên hỏi ý kiến nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam để in ngay trong số Tạp chí thơ tháng 5-2008. Mới đầu nhà thơ Hữu Thỉnh nói là để suy nghĩ cái đã, sau khi cân nhắc một giờ đồng hồ, ông quyết định in cả chùm thơ 4 bài của tôi. “Phải nói trong vụ này, Hữu Thỉnh được lắm đó”-Thanh Thảo cười nói. Ông kể thêm chuyện hôm ra họp Hội đồng thơ Hội nhà văn Việt Nam (khoảng 3 tháng sau khi tôi bị bắt),ông cùng hai nhà thơ Ngô Thế Oanh, Nguyễn Quang Thiều đề nghị mọi người quyên góp để chia sẻ với một nhà thơ đồng nghiệp gặp tai họa như tôi, và ý kiến ấy đã được nhiều người hưởng ứng.
Dưới đây là 4 bài thơ của tôi đã in trong số Tạp chí Thơ ra tháng 5-2008. Năm tháng sau, 15-10-2008, sau phiên tòa xét xử hai nhà báo, tướng Phạm Xuân Quắc và thượng tá Đinh Văn Huynh, gia đình tôi mới gửi được vào trại cho tôi cuốn Tạp chí Thơ đáng ghi nhớ nói trên. Đêm ấy, khi đọc cho các bạn tù nghe 4 bài thơ mới in này, nước mắt tôi cứ trào ra không sao cầm được. Bởi lúc ấy, hơn bao giờ hết, tôi thấu hiểu rằng, chỉ có thơ mới cứu rỗi và nâng đỡ được con người qua tháng ngày khổ đau ấy- Thơ ơi, thơ đã ở trong tôi, đã sống cùng tôi, đã tuyệt vọng với tôi và đã bừng tỉnh hy vọng nơi tôi trong suốt 251 ngày u ám ấy…
Nguyễn Việt Chiến
NGUỒN GỐC CỦA THI CA
Ngôn ngữ đi qua em
Để thắp một ngọn đèn
Bình yên
Đưa con người vượt qua tăm tối
Âm nhạc chảy qua em
Để khơi nguồn một dòng sông
Cho con người ước mơ
Đêm nay
Trong một căn gác tối Hà Nội
Đêm nay
Bên cạnh một nỗi buồn bị lãng quên
Con người mơ thấy em
Khi đi tìm
Nguồn gốc của thi ca
Con người chợt nhận ra
Đời sống chỉ là một cơn mơ
Ngắn ngủi
Trong giấc ngủ dài tối tăm
Có tên là cái chết
Nhưng chính sự nẩy mầm
Của những câu thơ
Đã vượt lên cõi chết
Như một thông điệp đỏ
Của những hồng cầu đang đòi tái sinh
Khi một hạt cát
Tìm đường vượt qua
Cơn khát của chính số phận mình
Nó bị ngăn cản bởi một hạt cát khác
Cũng đang tìm đường vượt qua bóng đêm
Cứ thế những hạt cát cản đường nhau
Và trở thành sa mạc
Nhưng nếu chỉ thế
Cũng không có gì lạ
Bởi con lạc- đà -thi- ca
Đã từng cõng một cơn khát trên lưng
Đi qua bóng đêm của một cơn khát lớn hơn
Để vượt qua hoang mạc
GA HÀNG CỎ DỌC ĐƯỜNG NAM BỘ
Thưa mẹ
Ba mươi ba năm trước
Tiễn con đi từ ga Hàng Cỏ
Mẹ về
Nước mắt dọc đường Nam Bộ
Đứt từng khúc tầu đêm
Ba mươi ba năm sau
Ga không còn Hàng Cỏ
Phố không còn Nam Bộ
Con của mẹ
Vẫn mãi mười tám tuổi
Như chuyến tầu ngày ấy không về
Mẹ ở lại một mình
Không phố, không ga, không tất cả
Còn gì để nhớ
Ga Hàng Cỏ dọc đường Nam Bộ
Thưa mẹ
Hôm nay bàn chuyện thơ đi về đâu
Trong con vẫn còn một chuyến tầu
Ba mươi ba năm trước chưa trở về
Phải chăng vì thế những câu thơ bây giờ
Vẫn phải lên đường làm một cuộc ra đi
NGƯỜI VẼ
Tặng HS Thành Chương
Không gian của anh
Một thế giới
Đang thở
Trong sự sống của màu
Những cuốn sách bị dồn về một phía
Những đứa trẻ trốn chạy
Những đổ vỡ bị dồn về một phía
Cùng với niềm tin
Chỉ còn lại những bức tường
Trống rỗng và khản đặc
Cái đẹp bị dồn về một phía
Sự bất hạnh và cô đơn
Bị dồn về một phía
Và
Trong tuyệt vọng con người
Nét vẽ của anh
Như một cây cầu
Mong manh
Nối hai bờ đời sống
Có một người đàn bà
Đang cắm hoa
Trong một người đàn bà khác
Vừa rời bỏ bức vẽ này
Trở lại trần gian
Có một đứa trẻ
Cất giấu
Trong chiếc tủ bí mật của mình
Một đứa trẻ khác
Và anh
Nét vẽ giản đơn
Nâng đỡ cây cầu
BÀI CA CÔ ĐƠN
Buổi chiều vừa bị người say đập vỡ ngoài kia
Những mảnh cốc trong veo đáy trời
Rồi bóng đêm nuốt hết
Bên máy nước mùa thu
Hai người đàn bà cãi nhau
Mấy con chim bồ câu lặng lẽ chợt bay lên
Như cảm thông với nỗi khó nhọc của con người
Cái đám đông tụ tập trên đường
Xung quanh ông thầy bói mù huyên náo
Phán những điều mất còn của hạnh phúc rủi ro
Rót vào lỗ tai sự tiên tri sấp ngửa của hai đồng tiền cổ
Trong thành phố
Thay dần cho tiếng gà sớm bình yên
Là tiếng tru lên đục ngầu của bầy chó dữ
Biến ban mai thành chiếc giẻ lau nhầu nát
Trên cái mặt bàn ướt đẫm mồ hôi của những mưu toan
Những trâu bò sống trong rơm cỏ đã ngàn năm
Những giấc mơ bùn đất ngủ im giữa cuốc cày
Ta là kẻ lưu đầy trong nhẫn nhục
Chiếc váy của em khe khẽ hát bài ca thân thể
Sự chuyển động mơ màng từ ngực đến chân
Tiếng thở dài khoả thân trong giấc ngủ
Ngọn lửa thân hình em cháy xiết dưới ngực mình
Rồi bóng đêm nuốt hết
Nhưng nếu mọi thứ trên đời
Bóng đêm đều nuốt cả
Chúng mình còn gì để yêu nhau
Vượt qua bóng đêm
Anh tới ngồi bên những vì sao xa vắng
Khẽ hát bài ca cô đơn của những người luôn thất bại
Dẫu suốt đời không hiểu vì sao
Rồi bóng đêm nuốt hết
(4 bài thơ trên đã in trong số Tạp chí Thơ tháng 5-2008 của Hội nhà văn Việt Nam)
___________________
Dưới đây là những bài viết trên báo Thanh Niên ngày 13-5-2008:
Nhà báo Nguyễn Việt Chiến đã tác nghiệp như thế nào mà bị quy vào tội “lợi dụng chức vụ và quyền hạn khi thi hành công vụ”? * Có hơn 1.000 bài báo viết về vụ PMU 18 đăng trên gần 100 tờ báo, sao lại bắt 2 nhà báo của Thanh Niên và Tuổi Trẻ? * Những câu hỏi chờ được trả lời!
Khi thực hiện lệnh khám xét tại nơi làm việc của nhà báo Nguyễn Việt Chiến, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an không đọc lệnh bắt tạm giam công khai đối với nhà báo Nguyễn Việt Chiến mặc dù được đại diện của Báo Thanh Niên yêu cầu. Trong buổi khám xét nơi làm việc, đại diện của Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Quốc Phong - Phó tổng biên tập đã phản ứng: "Tại sao lại đọc lệnh khởi tố bị can và bắt tạm giam ở nhà, trước mặt vợ và những đứa con còn nhỏ của anh Chiến mà không đọc tại Báo Thanh Niên - cơ quan quản lý của anh Chiến và cũng là nơi anh Chiến thực hiện các công việc có liên quan? Đọc quyết định như vậy có phải là một việc làm hợp tình người không?".
Cho đến cuối buổi khám xét, Báo Thanh Niên vẫn không được biết chính thức nhà báo Nguyễn Việt Chiến bị bắt giam với thời hạn bao lâu. Một nguồn tin cho hay, nhà báo Nguyễn Việt Chiến sẽ bị tạm giam ít nhất 4 tháng.
Báo Thanh Niên đã mời Văn phòng luật sư Hà Đăng và luật sư Hoàng Văn Quánh (Đoàn luật sư Hà Nội) đứng ra bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nhà báo Nguyễn Việt Chiến.
________________
NHÀ BÁO NGUYỄN VIỆT CHIẾN ĐÃ TÁC NGHIỆP
NHƯ THẾ NÀO?
Để rộng đường dư luận, Báo Thanh Niên xin cung cấp những thông tin xác thực đã được kiểm chứng liên quan đến quá trình phóng viên Nguyễn Việt Chiến đưa tin về vụ PMU 18.
Thời điểm tiến hành điều tra vụ PMU 18, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã khẳng định tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án.
Trả lời Báo Tiền Phong ngày 7.4.2006, đồng chí Trần Đại Hưng, Phó trưởng ban Nội chính Trung ương Đảng nói:
"Trong vụ án PMU18, đối tượng liên quan hầu hết là cán bộ Nhà nước, đặc biệt lại có thêm hành vi chạy tội. Vụ án này nghiêm trọng hơn hẳn các vụ án lớn trước đây như vụ Năm Cam và đồng bọn. Chúng đã tổ chức chạy án bằng 4 đường dây để chạy các cửa là các cơ quan chức năng. Tóm lại bọn chúng chạy đến các cơ quan trực tiếp điều tra và cả các cơ quan không trực tiếp đấu tranh nhưng có thể có tác động đến việc điều tra vụ án...".
Trả lời phỏng vấn TTXVN ngày 23.3.2006, đồng chí Vũ Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ:
"Vụ việc tiêu cực tại PMU 18 đã diễn ra từ lâu với nhiều đối tượng tham gia và sai phạm nghiêm trọng trên nhiều mặt. Tôi có thể khẳng định tổ chức Đảng ở PMU 18 bị tê liệt. Tại PMU 18 còn nhiều sai phạm khác, hầu hết các dự án của PMU 18 làm chủ đầu tư đều có vấn đề về chất lượng, riêng dự án cải tạo QL 18, đoạn Nội Bài - Bắc Ninh đã phải xuất toán trên 60 tỉ đồng. Việc tổ chức đấu thầu chỉ là hình thức, các nhà thầu đều là "sân sau", hoặc có đi có lại mới thắng thầu. Chúng ta cần bình tĩnh phanh phui đến cùng sự việc này...".
Đặc biệt, trả lời phỏng vấn Báo Nhân Dân ngày 27.3.2006, đồng chí Phan Diễn, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban chỉ đạo T.Ư 6 (2) đã nhấn mạnh:
"Vụ việc tiêu cực ở PMU 18 là vụ án nghiêm trọng, đánh bạc, cá độ với số tiền rất lớn, cũng là vụ án tham nhũng, đưa hối lộ và nhận hối lộ. Những người tham gia đánh bạc, cá độ có nhiều tài sản được hình thành một cách bất hợp pháp, do bòn rút của Nhà nước. Một số cán bộ nhà nước có sai phạm trong vụ án này đã tiến hành hối lộ và nhận hối lộ. Qua điều tra cho thấy, một số vụ việc xảy ra trước đây đã bị cho qua, bị che lấp đi. Như vậy, vụ án này cũng cho thấy tình trạng tiêu cực trong công tác điều tra, kiểm tra, thanh tra của một số cơ quan. Qua vụ án này, chúng ta thấy được sự suy thoái rất nghiêm trọng về phẩm chất đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có một số người giữ cương vị cao. Đảng và Nhà nước ta kiên quyết làm rõ những sai phạm của các tổ chức, cá nhân bất kể người đó là ai, những ai cản trở việc xử lý những người vi phạm cũng sẽ bị xử lý thích đáng...".
Những ý kiến đó, đặc biệt là ý kiến của đồng chí Phan Diễn đăng trên cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam là những ý kiến chỉ đạo các cơ quan bảo vệ pháp luật và báo chí làm hết trách nhiệm trong việc điều tra, xử lý vụ án đặc biệt nghiêm trọng này.
Điều chắc chắn là các đồng chí lãnh đạo nói trên đã được nghe báo cáo trực tiếp từ Ban chuyên án, nên mới có thể có những khẳng định như vậy.
Và điều chắc chắn các nhà báo trong thời điểm diễn ra việc điều tra vụ PMU 18 cũng rất tin tưởng vào sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng mà đại diện là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn. Báo chí không có mục đích nào khác là thực hiện lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước, nêu cao trách nhiệm nhà báo và nghĩa vụ công dân, hậu thuẫn cho Đảng và Nhà nước đấu tranh chống tham nhũng, chống tiêu cực để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ.
Thế nhưng từ nửa cuối năm 2007, có hàng loạt nhà báo đã bị gọi lên Cơ quan an ninh điều tra để hỏi về các căn cứ khi viết bài về vụ án PMU 18 (diễn ra từ năm 2006). Trong đó, hai người bị hỏi nhiều nhất là nhà báo Nguyễn Việt Chiến (Báo Thanh Niên), và nhà báo Nguyễn Văn Hải (Báo Tuổi Trẻ TP.HCM).
THANH NIÊN
________________
NHỮNG CÂU HỎI CHỜ ĐƯỢC TRẢ LỜI!
Điều mà hầu hết những người làm báo không ngờ tới cuối cùng đã xảy ra, cơ quan an ninh điều tra đã ra lệnh khởi tố, bắt tạm giam hai phóng viên Báo Thanh Niên và Báo Tuổi Trẻ. Có quá nhiều băn khoăn, khó hiểu xung quanh sự kiện gây chấn động dư luận này.
Có thể nói thời điểm vụ PMU 18 nổ ra (đầu năm 2006) là thời điểm nóng nhất của báo chí Việt Nam kể từ vụ án Năm Cam hồi năm 2001. Đã có hàng trăm nhà báo của hàng chục cơ quan báo chí được huy động để đưa tin về vụ án này. Hầu hết các nhà báo lao vào điểm nóng ấy chỉ với một mong muốn: Vụ án sẽ được làm đến cùng, những kẻ sâu mọt tham nhũng tiền thuế của dân sẽ bị trừng trị nghiêm khắc.
Chúng tôi, những phóng viên Báo Thanh Niên tham gia đưa tin về vụ án PMU 18 đã thường trực 24/24 tại mọi nơi từ nhà riêng đối tượng tình nghi đến trực chiến tại cổng Cơ quan điều tra C14, mở mọi mối quan hệ từ các nguồn tin với một mong muốn duy nhất: đưa tin chính xác nhất, nóng nhất đến với hàng triệu độc giả của Báo Thanh Niên.
Trớ trêu thay, một năm sau khi "vụ án điểm PMU 18" nổ ra, hàng chục người viết bài chống tiêu cực vụ PMU 18 đã bị gọi lên lấy lời khai trước cơ quan an ninh điều tra. Trong nhiều ngày liền, phóng viên Việt Chiến (đã 56 tuổi) liên tục bị hỏi về nguồn tin khi viết các bài báo liên quan đến vụ PMU 18…
Và hai năm sau khi những kẻ đánh bạc, tham nhũng bị khởi tố và đưa vào nhà giam, tháng 5.2008 hai phóng viên (thuộc hàng những nhà báo giỏi nhất trong làng phóng viên nội chính phía Bắc) đã bị bắt. Họ bị bắt với tội danh: Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Tổng số đã có hơn 1.000 bài báo viết về vụ PMU 18 đăng trên gần 100 tờ báo, trong đó có một số bài có thông tin không chính xác đăng trên khoảng hơn chục tờ báo, thậm chí có cả bài báo sai sự thật. Trong năm 2007 và đầu năm 2008, đã có hàng chục phóng viên bị gọi lên lấy lời khai tại cơ quan an ninh điều tra (trong đó có cả phóng viên trong ngành công an). Nhưng cuối cùng, cho đến nay chỉ có 2 phóng viên bị khởi tố, trớ trêu thay, đó lại là hai phóng viên của hai tờ báo luôn đi hàng đầu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực - Báo Thanh Niên, Báo Tuổi Trẻ. Điều này có công bằng không? Có đúng đường lối, quan điểm và quyết tâm chống tham nhũng, chống tiêu cực của Đảng và Nhà nước không?
Về mặt pháp lý: Người phạm tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo pháp luật, là người vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ quyền hạn làm trái công vụ, gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích của công dân.
Đối chiếu với điều trên, PV Nguyễn Việt Chiến là người có bề dày trong việc viết bài chống tham nhũng, từng góp phần làm rõ, đưa ra công luận nhiều vụ án nóng như vụ Năm Cam, vụ cầu thủ bán độ, vụ Khánh trắng, vụ lấn chiếm xây dựng trái phép trên đê Yên Phụ... PV Nguyễn Việt Chiến nói riêng và các nhà báo nước nhà nói chung đều hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Chính phủ quyết liệt đấu tranh chống tham nhũng mà không quản vất vả, hiểm nguy để săn tin, kiểm chứng thông tin, đưa đến bạn đọc những thông tin chính xác và nóng nhất.
Trong vụ việc này, PV Nguyễn Việt Chiến hoàn toàn làm theo chức phận của một nhà báo, là đưa tin (với những thông tin lấy từ nguồn tin có căn cứ) cung cấp đến bạn đọc, để chống tiêu cực. Anh không hề có động cơ cá nhân, không vì vụ lợi, không vượt quyền hạn cho phép. Tất cả chỉ vì một động cơ: Chống tham nhũng, bảo vệ chế độ. Vậy tại sao phóng viên này lại bị khép tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ"?
Những thông tin mà PV Nguyễn Việt Chiến có được đều từ các nguồn tin có căn cứ, nguồn tin từ cơ quan điều tra, từ Viện Kiểm sát... mà phóng viên này đã xây dựng suốt hơn 10 năm làm mảng nội chính của Báo Thanh Niên. Động cơ phóng viên viết bài hoàn toàn trong sáng. Còn về hậu quả, nếu vụ án PMU 18 có oan sai, có làm dư luận hiểu sai về một số cán bộ, cơ quan nhà nước thì lỗi đó trước hết thuộc về những người từ cơ quan tố tụng đã cung cấp thông tin cho nhà báo. Không thể vì có oan sai mà đổ hoàn toàn lỗi này cho các nhà báo. Và nếu như trong thời điểm nào đó các nhà báo chân chính có sai sót, thì các cơ quan chức năng có thể góp ý rút kinh nghiệm trên tinh thần đồng chí, trên tinh thần đồng đội cùng chiến hào chống tham nhũng, chống tiêu cực.
Trong một cuộc họp gần đây với lãnh đạo các cơ quan báo chí do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo chủ trì, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên, nhà báo Nguyễn Quốc Phong đã bày tỏ mối băn khoăn về thông tin đang lan truyền sẽ có khởi tố bị can những người viết bài liên quan đến vụ PMU 18. Ông Phong có nêu: Không rõ vụ việc nói trên cơ quan pháp luật có trao đổi với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo với tư cách là những cơ quan định hướng dư luận, quản lý nhà nước và bảo vệ quyền lợi nhà báo? Ông Phong nhắc lại câu chuyện cũ cách đây khoảng chục năm. Khi đó, cũng tại một buổi họp với báo chí, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, ông Hữu Thọ đã kể lại một câu chuyện: khi cơ quan pháp luật ra lệnh bắt giam nhà báo Hoàng Linh, Tổng biên tập Báo Doanh nghiệp Việt Nam, ông Hữu Thọ có nói rằng khi nghe phong thanh có chuyện bắt Tổng biên tập Hoàng Linh, ông Thọ đã bày tỏ quan điểm là phải thật thận trọng. Nhưng vì không có sự trao đổi nên phía Ban Tư tưởng Văn hóa lúc đó cũng không có văn bản bày tỏ quan điểm chính thống. Đến khi vụ án Nguyễn Hoàng Linh không xử được, thì các cơ quan pháp luật có đặt vấn đề tham khảo ý kiến ông Hữu Thọ, ông đã trả lời: "Lúc bắt có hỏi tôi đâu, đến khi không kết tội được và muốn thả, thì mới hỏi tôi là thế nào?"... Không biết trong vụ việc bắt hai nhà báo lần này, các cơ quan trên có được tham khảo ý kiến?
Về trách nhiệm của Bộ Công an. Trong 2 năm phản ánh về diễn biến vụ án PMU 18, tòa soạn và Ban Biên tập Báo Thanh Niên không hề nhận được bất cứ một văn bản nào từ cơ quan điều tra vụ án, từ Tổng cục Cảnh sát, từ Bộ Công an, từ Viện KSND tối cao thông báo về việc báo đăng tin, bài không chính xác về vụ PMU 18. Tại sao Bộ Công an có người phát ngôn nhưng không công khai đưa ra những thông tin cảnh báo báo chí từ khi các cơ quan báo chí mới đưa tin về vụ án này. Tại sao Bộ Công an không cung cấp thông tin chính thống từ phía Bộ? Nếu cho rằng báo chí có nhiều sai sót trong việc phản ánh vụ án PMU 18, thì trước hết, Bộ Công an cần làm rõ trách nhiệm của một số đồng chí lãnh đạo Bộ Công an và Tổng cục Cảnh sát, Cơ quan điều tra vụ án, trách nhiệm người phát ngôn Bộ Công an, của Văn phòng Bộ Công an, của Trung tâm báo chí Bộ Công an... là những người, những cơ quan đã không liên lạc với báo chí trong suốt 2 năm qua để điều chỉnh những thông tin mà họ cho là báo chí đã đưa không chính xác về vụ PMU 18. Những phóng viên theo dõi ngành, trong suốt 2 năm qua đã dự rất nhiều cuộc họp với các cơ quan của Bộ Công an để tuyên truyền công tác cho ngành, nhưng chưa có cuộc họp nào nhắc nhở kịp thời về những thông tin sai (nếu có). Trong suốt thời gian báo chí đăng nhiều tin, bài về vụ án PMU 18, chúng tôi cũng không hề thấy Bộ Công an phối hợp kịp thời với Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương trong các thời điểm "nóng" để chỉ ra những thông tin chưa chính xác của báo chí và có hướng điều chỉnh. Vậy sự "im lặng" kéo dài của Bộ Công an trong thời gian này có nguyên cớ gì?
Thật đáng tiếc, trong khi Đảng, Chính phủ kêu gọi chống tham nhũng và đánh giá cao vai trò của báo chí trong công cuộc chống tham nhũng thì hai phóng viên "nhiệt huyết, có nghề" của hai tờ báo có uy tín đã bị bắt. Trước khi bị đưa đến nơi tạm giam, nhà báo Nguyễn Việt Chiến vẫn khẳng khái: "Tôi không có tội gì, tôi chỉ có tội duy nhất là tội tích cực chống tham nhũng. Tôi đã mời hai luật sư bảo vệ cho tôi, và tôi sẽ đấu tranh đến cùng để bảo vệ lẽ phải cho mình".
Báo Thanh Niên hoàn toàn ủng hộ và sẽ đứng bên cạnh nhà báo Nguyễn Việt Chiến trong cuộc đấu tranh này. Chúng tôi tin tưởng bạn đọc sẽ tiếp tục đặt lòng tin vào Báo Thanh Niên và tất cả các nhà báo chân chính, đồng thời sẽ hợp tác chặt chẽ với cơ quan pháp luật làm sáng tỏ sự việc vì lợi ích của đất nước và dân tộc.
THANH NIÊN
Đòn trả thù hèn hạ của thằng cha "răng chắc cặc bền" chẳng những không làm nhụt chí nhà báo Việt Chiến mà còn làm cho anh ấy vững vàng hơn,tự tin hơn.
Trả lờiXóaVì anh ấy biết rằng,đứng sau lưng anh ấy là hàng triệu người chân chính luôn ủng hộ và tìm mọi cách để tiếp thêm sức mạnh cho anh.
Chính xác, do Mạnh mượt và đồng đảng 3X làm chuyện này.
Trả lờiXóaChả còn gì để nói nữa, cũng như vừa rồi Trần Ích Tắc được tôn vinh thì mới rõ cái gì đã và đang diễn ra ở chế độ này.
Trả lờiXóaTừ ngày đó rất nhiều nhà báo đã ngại viết bài về tham nhũng, đó là điều mà các quan tham đã ngăn ngừa được. Và như mọi người đã biết : tham nhũng ngày càng nhiều !
Trả lờiXóaXin được hỏi nhà Báo Nguyễn Việt Chiến một câu :
Trả lờiXóaai ở Bộ Công an ra lệnh bắt 2 nhà báo. Khi không đủ căn cứ để bỏ tù nhà báo, lúc trả tự do cho 2 nhà Báo, họ có xin lỗi không ?
Những người ra lệnh và tham gia bắt các nhà Báo hiện nay họ thế nào, có bị kỷ luật gì không ?
Báo Thanh Niên và Tuổi Trẻ nay đã bị vô hiệu hóa rồi.
Trả lờiXóaMà bây giờ gần như chẳng ai đọc báo chí cách mạng nữa.
Ngày đã tàn, đêm đen bao trùm. Nhưng có thể ngày mới đang đến...
Bản thân tôi, một độc giả trung thành của báo Tuổi Trẻ từ khi ra mắt, cũng bỏ báo Tuổi Trẻ cả năm nay rồi . Bây giờ nhìn thấy tờ báo lạnh nhạt rửng rưng !
XóaNhà báo Nguyễn Việt Chiến nói:
Trả lờiXóa"Tôi không có tội gì, tôi chỉ có tội duy nhất là tội tích cực chống tham nhũng. Tôi đã mời hai luật sư bảo vệ cho tôi, và tôi sẽ đấu tranh đến cùng để bảo vệ lẽ phải cho mình". (hết trích)
Tội của nhà báo Nguyễn Việt Chiến lại chính là chỗ này! Ở cái thời điểm ấy, chống tham nhũng tức là chống lãnh đạo rồi!
Các ông lãnh đạo có suy nghĩ khác với nhà báo Nguyễn Việt Chiến, mấy ông ấy cho rằng tòa soạn báo hoạt động được là do mấy ông ấy cấp ngân sách, thế thì muốn viết gì thì viết, nhưng đừng chọc ngoáy người cấp ngân sách. Vì thế các nhà báo sau này chuyên viết chuyện cướp, giết, hiếp trong xã hội cho nó lành!
Trả lờiXóa