Thứ Tư, 9 tháng 5, 2018

GS. NGUYỄN ĐỨC TỒN: "HỌ VU CÁO TÔI ĐẠO VĂN"


Giáo sư Nguyễn Đức Tồn: 
'Họ vu cáo tôi đạo văn'

BBC
09-5-2018


Một cựu Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học ở Việt Nam nói với BBC ông đã bị 'vu cáo' và 'xuyên tạc', sau khi có một bài báo trên tờ Phụ nữ Thủ Đô đưa ra cáo buộc ông đã 'đạo văn' của sinh viên đại học và học viên cao học, nghiên cứu sinh.

Trả lời BBC News Tiếng Việt hôm 08/5/2018, khi được yêu cầu đưa ra bình luận, phản ứng về nội dung bài báo có tựa đề "Vì sao 'đạo văn' mà vẫn được phong Giáo sư?", Giáo sư Nguyễn Đức Tồn nói:

"Những bằng chứng ấy là học sinh lấy của thầy, chứ không phải là thầy lấy của trò. Và tôi đã mang bản tiếng Nga từ bên Liên Xô về có bút tích khi tôi đi nghiên cứu sinh thì thầy của tôi chữa và mang về Việt Nam dùng.


"Anh Trần Ngọc Thêm, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành ngôn ngữ học đã đối chiếu những điều mà học sinh chép và khẳng định 'không phải thầy chép' của trò. Đấy là sự thật. Và do tôi gần đây công tác ở trên Mèo Vạc, tôi chưa thể chia sẻ, đưa cái đó lên phương tiện thông tin đại chúng được, đấy là bằng chứng hùng hồn 'họ vụ cáo tôi'.

"Việc này đã được Hội đồng chức danh Giáo sư ngành ngôn ngữ học do các Giáo sư Trần Ngọc Thêm, Giáo sư Hoàng Văn Xuân và Giáo sư Trần Chí Dõi v.v... đã xem xét, thụ lý và đã kết luận từ năm 2006-2007 rồi, cho nên năm 2008 tôi mới được công nhận Giáo sư.

Về các trường hợp mà theo đó ông Nguyễn Đức Tồn bị bài báo trên báo Phụ nữ Thủ Đô cáo buộc đã 'đạo văn' của sinh viên đại học và nghiên cứu sinh, nhà ngôn ngữ học này nói:

"Trường hợp Cao Thị Thu là cháu ruột... còn Nguyễn Thúy Khanh là học sinh của tôi, thì không bao giờ tôi lại đi lấy trộm sản phẩm mà tôi hướng dẫn cho cháu tôi, còn Nguyễn Thúy Khanh là người mà tôi hướng dẫn, bởi chị ấy không đọc được tiếng Nga, thì tôi cho chị ấy tham khảo trên lý thuyết bằng tiếng Nga cho chị ấy chép, thì nó dẫn đến sự hiểu lầm như thế, chứ không phải là tôi chép của học trò.

"Có thể tưởng tượng hiện nay tôi đã hướng dẫn gần 55 Thạc sỹ và 15-16 Tiến sỹ thì làm sao tôi lại đi chép của học trò tôi? Học trò tôi làm sao có đủ trình độ để cho thầy chép, thì cần gì tôi hướng dẫn? Đấy là sự ngược đời."

"Nguyễn Thị Thanh Hà là một cô nghiên cứu sinh của Viện, hai người viết chung bài trên tạp chí và khi tôi sử dụng thì tôi có chú, kể cả luận văn của Cao Thị Thu và Nguyễn Thúy Khanh, khi tôi sử dụng, tôi đều chú ở trong sách là hai phần này là tư liệu của học trò, luận văn tốt nghiệp đại học, hay luận án Tiến sỹ, hay là bài viết chung với Nguyễn Thị Thanh Hà, tôi đều có chú chứ không thể 'vu cáo' tôi là đạo trích của học trò được.

"Và điều này Giáo sư Trần Ngọc Thêm đã khẳng định, đã xem xét các bằng chứng, vật chứng, cho nên tôi mới được Giáo sư chứ, làm sao mà tôi lại được thế được?" 

'Từng dấu chấm, dấu phẩy'
Bình luận ý kiến của một số chuyên gia được báo Phụ nữ Thủ Đô dẫn ý kiến liên quan tới cáo buộc 'đạo văn' với ông, Giáo sư Nguyễn Đức Tồn nói:

"Bởi vì như thế này, Giáo sư Nguyễn Văn Lợi là một trong những người 'đi đầu' trong việc 'vu cáo' từ hồi tôi đấu tranh với các anh ấy ở Viện liên quan đến việc sử dụng kinh phí, anh Lợi là Phó Viện trưởng phụ trách khoa học, anh ấy 'chi tiêu kinh phí của Viện quá nhiều', tôi đấu tranh với các anh ấy, nên một trong những anh đấu tranh ấy 'trả thù' tôi. 

"Thế còn PGS Phạm Văn Tình với PGS. Đỗ Ngọc Thống, anh Thống thì chẳng biết gì vì các anh ấy ở bên Bộ Giáo dục, còn anh Tình, anh ấy có ở Viện Ngôn ngữ đâu mà anh ấy biết. Cho nên tôi khẳng định đấy hoàn toàn là 'bịa đặt' và 'vu cáo', và tôi có đầy đủ bằng chứng bằng văn bản để chứng minh những cái là của tôi và tôi đang bị vu cáo thì tôi đã mang từ Liên Xô về, tôi viết bằng tiếng Nga và thầy giáo của tôi chữa bằng bút mực đỏ và tôi mang về Việt Nam và vẫn giữ ở trong tủ."


Hôm 8/5, bài báo trên Phụ nữ Thủ Đô ở phần mở đầu có đoạn viết: "Đạo văn" nghiêm trọng mà vì sao vẫn được phong hàm Giáo sư, là vấn đề đang gây bức xúc ở Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đặc biệt là trong giới Ngôn ngữ học."

Và tờ báo khẳng định với độc giả: 

"Tài liệu chứng minh đạo văn của ông Nguyễn Đức Tồn, với từng trang đối chiếu chính xác đến từng dấu chấm, dấu phẩy." 

Vấn đề 'đạo văn'  

BBC News Tiếng Việt chưa có điều kiện liên lạc với một số nhân vật và cơ quan, tổ chức được các phía đề cập, nhắc tên trong sự việc này. 

Tuy nhiên, hôm 08/5, trong một bình luận không chính thức với BBC News Tiếng Việt, một Giáo sư đầu ngành Ngôn ngữ học của Việt Nam đã nêu quan điểm riêng về vụ việc:

"Nhiều vị mũ cao áo dài Việt Nam đạo văn quá. Có phát hiện từ lúc một vị còn là Phó Giáo sư. Không hiểu sao vẫn 'leo lên' được Giáo sư. Chán kinh người!," ý kiến không muốn tiết lộ danh tính này nói với BBC.

Gần đây, một Giáo sư người Việt tại Pháp, ông Nguyễn Tiến Dũng có lên tiếng trên truyền thông về một trường hợp đạo văn trong ngành giáo dục của Việt Nam, sau đó ông cho BBC biết ông chưa hề nhận được phản hồi từ phía các cơ quan hữu trách của Việt Nam và đương sự là người mà ông gửi đơn thư và đưa ra cáo buộc.

Đạo văn được cho là một hiện tượng 'khá phổ biến' và được công luận Việt Nam ngày càng chú ý thời gian gần đây.

4 nhận xét :

  1. Ra ngõ gặp tiến sĩ . Về nhà dở bài ra thấy đạo văn ! Ôi ! Cái văn chương hạ giới VN thời XHCN phải nhờ cụ Tản Đà tái sinh thẩm định lại xem nó mắc hay rẻ ? Bèo lục bình bây giờ làm thủ công mỹ nghệ XK có giá lắm , không so sánh được đâu !

    Trả lờiXóa
  2. Tội nghiệp ông quá bị lộ mà , nhục thật .

    Trả lờiXóa
  3. Ngay cách trả lời của ông Tồn cũng cho thấy ông không xứng đáng giáo sư. Trả lời huyên thuyên! Chả lẽ cứ phải làm việc ở Viện Ngôn ngữ mới biết ông đạo văn hay không đạo văn? Để biết ông có đạo văn hay không thì cần đối chiếu văn bản. Người ta ở tít bên Pháp, bên Mỹ cũng làm được chuyện này, sao cứ phải là ở Viện ngôn ngữ. Mà cũng lạ, hồi ông đạo văn thì Phạm Văn Tình làm việc ở Viện ngôn ngữ, ông lại bảo không!! Tốt nhất Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước vào cuộc và tước danh hiệu Phó Giáo sư trước đây và Giáo sư hiện nay của ông Tồn! Người ta cũng nói nhiều về suy đồi đạo đức của ông Tồn chứ không chỉ có chuyện đạo văn. Tước hết học hàm của ông Tồn ngay lập tức, khỏi mất thời giờ tranh luận ăn cắp hay không ăn cắp! Hãy lập Hội đồng tranh luận thẳng, công khai!

    Trả lờiXóa
  4. Đề nghị Hội đồng chức danh giáo siw nhà nước thành lập mội Hội đồng thẩm định và cho kết luận vụ việc này. Trên cơ sở đó thu hồi học hàm của ông Tồn như đã làm trước đây đối với ông Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội!

    Trả lờiXóa