Thứ Năm, 12 tháng 4, 2018

MỘT NHÀ BÁO ĐÃ KHÓC KHI ĐI TÀU RA TRƯỜNG SA, QUA GẠC MA


Trường Sa!

Ngô Nguyệt Hữu
12-4-2018

Phải đến Trường Sa, qua đảo chìm đảo nổi, qua con sóng lắc lư thân tàu, qua cái nắng cháy da cái nước biển đọng muối trên cánh tay, mới thương tha thiết biển đảo quê mình.

Thương Song Tử Tây bời bời gió, thương lá cây tra, thương hoa phong ba, thương trái bàng vuông. Thương cả mẩu san hô bé xíu đang bồi đắp cho đảo.

Qua Đá Nam, Đá Thị, Phan Vinh… thương những toà nhà màu vàng đậm sững sững giữa biển khơi. Thương cái màu xanh trong quanh đảo mà mấy anh hải quân gọi là hồ. Thương con ốc nhảy, thương con cá bò, con tôm hùm. Thương cả cây cầu nối liền hòn đảo nhỏ này hòn đảo nhỏ kia. Thương cái thè lưỡi của mấy con chó theo chiến sĩ canh gác.

Qua Trường Sa Lớn, thương lũ trẻ con nhoẻn miệng cười chào khách, thương từng hàng cây bị cơn bão hôm Noel quăng quật khẳng khiu. Thương hai liệt sĩ trẻ măng nằm lại với biển.

Thương cả quân dân trên đảo ra tàu cảng chào tàu, “Trường Sa vì cả nước”. Trên tàu đáp vang, “Cả nước vì Trường Sa”. Anh Cao Minh Hiển khóc nức nở, mình không dám hô tạm biệt, cất lời chắc mình cũng khóc theo mất.

Thương tiếng còi tàu chào đảo đến vô cùng.

Qua Nam Yết, đứng trước nghĩa trang những Hà, những Cường, những Phương… những chàng trai nước Việt tuổi mới hai mươi đã hiến thân mình cho cương thổ, trong khói nhang dưới bóng râm vòi vọi, nước mắt mình cứ chảy quanh.

Qua Nhà giàn, cheo leo giữa biển, sóng ập cao từng hồi. Nghe mới biết để có nhà giàn giữ chủ quyền vùng biển, quân chủng hải quân đã phải đổ máu và cả sinh mạng mình. Những cơn bão giữa biển khơi đi qua, di ảnh anh linh lại hiện hữu.

Qua đêm qua ngày, qua “sông núi linh thiêng”, mình đứng trên tàu nhìn về Gạc Ma, loa phát bài Hồn Tử Sĩ, 64 người con của trời Nam này đã ngã xuống hôm xưa, 14-3-1988, để rồi ngay cả khi trọng thương, vẫn cố điều khiển tàu lao lên bãi san hô khẳng định chủ quyền đảo Len Đao.

Mình thắp hương, rải hoa cúc vàng xuống biển tưởng nhớ các anh, mắt nhìn về hướng Gạc Ma đang bị Trung Quốc chiếm đóng và xây dựng.

Lần này, mình khóc thiệt.
 

2 nhận xét :

  1. Cảm ơn và chúc mừng nhà báo Ngô Nguyệt Hữu và bác Cao Minh Hiển...Dù rằng có thể, có những khi, anh cũng phải dằn lòng. Tôi dám chắc rất nhiều người đang và sẽ khóc theo mẩu tin của anh. Chợt nhớ nhà văn Khuất Quang Thụy, khi về thăm chiến trường xưa ở Quảng Trị, cũng đã khóc nức nở. Vâng, Nhân Dân đổ bao máu xương không phải để thấy Đất nước bị sỉ nhục như thế, không phải để thấy con em của mình dửng dưng với đồng bào, với Mồ hôi, Nước mắt và Máu xương bị phản bội !...

    Trả lờiXóa
  2. Mình cũng đã khóc và lại càng vô cùng căm giận kẻ phản nước hại dân.

    Trả lờiXóa