Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2018

VÀI ĐIỀU ĐẶC BIỆT QUANH TANG LỄ CỰU TT PHAN VĂN KHẢI

Di ảnh và thi hài nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tại nhà riêng ở huyện Củ Chi, 
TP.HCM trưa 17-3 - Ảnh: QUANG ĐỊNH.
Tôi kính trọng Ông Phan Văn Khải và gia đình. 

Di hài và đám tang Ông được quàn và tổ chức tại chính ngôi nhà ông, trong làng quê ông. 

19h ngày 17-3-2018, VTV1 mới CÁO PHÓ và thông báo QUỐC TANG bắt đầu từ ngày 20 tháng 3. Nhưng chẳng cần chờ trung ương đảng CSVN phát tang, đám tang ông đã cử hành tại nhà ông, làng ông từ trưa nay. Nhiều tổ chức và cá nhân đã đến viếng.

BỔ SUNG lúc 19h14: Có điều là sau đó, linh cữu ông lại phải di chuyển khoảng 80 km đến Hội trường Thống nhất để trung ương làm lễ Quốc tang. Sau hai ngày quốc tang, linh cữu lại quay trở lại về quê để an táng tại quê nhà.

Xin cầu nguyện anh linh ông thanh thản về cõi vĩnh hằng, đoàn tụ với các vị tổ tiên, trong niềm thương tiếc của gia đình, gia tộc và dân làng cùng nhân dân cả nước.


BÁO TUỔI TRẺ ĐƯA TIN LÚC 15h03 HÔM NAY:

Người dân ngậm ngùi tiếc thương nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải

Tuổi trẻ
17/03/2018 15:03 GMT+7

TTO - Tin nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từ trần khiến nhiều dân xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi, TP.HCM) ngậm ngùi, thương tiếc nguyên Thủ tướng sống bình dân, giản dị.

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải từ trần ở tuổi 85
Dấu ấn nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải với Luật doanh nghiệp

Trong đình Tân Thông tại quê nhà Thủ tướng (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM) có bức bình phong ghi khắc câu đối do chính ông Phan Văn Khải viết: "Vì Tổ quốc thời trai trẻ quyết ra đi - Yêu làng quê xin cống hiến tuổi già".

Sống bình dân, giản dị

Mỗi buổi sớm, đình Tân Thông vẫn mở cửa, các cao niên trong làng tề tựu đầy đủ về đình uống trà nói chuyện.

Gần ba tháng nay, trong những buổi trà, thiếu vắng ông Hai Khải (tên thân mật người dân trong làng gọi nguyên Thủ tướng). Hỏi về ông Khải, những người cao niên thay nhau kể đủ chuyện gắn bó của ông với dân làng.

Nhấp ngụm trà, ông Nguyễn Văn Khỏe (89 tuổi) - bạn học thuở thiếu thời với ông Hai Khải kể hồi nhỏ ông Khải sống với ông ngoại.

Những ngày tuổi thơ cơ cực, ông Khải thường theo chân ngoại cắt cỏ, chăn trâu, bắt cá. Ông cùng ngoại làm đủ nghề để kiếm cái ăn và được đến trường. Cuộc đời gian khổ, cho đến khi ông lớn lên rồi giác ngộ rời làng đi theo cách mạng.

Đoàn Đại học Quốc gia TP.HCM viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải tại nhà riêng
ở huyện Củ Chi, TP.HCM trưa 17-3 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nghỉ hưu về lại quê hương, ông không quên những tháng năm cơ cực. Ông sống hòa mình với bà con chòm xóm, khoảng cách Thủ tướng và người dân ngày càng gần gũi, thân tình.

Hằng ngày ông làm vườn, trồng đủ thứ cây quả. Đến khi cây ra trái, ông lại hái biếu bà con gần nhà. Trong làng có người đau ốm hay qua đời, ông đều ghé thăm hỏi. Nhà có tiệc gì, ông Hai Khải cũng mời bà con, chòm xóm đến chơi.

"Ông sống bình dân, từ con trẻ đến người già đều mến. Từ ngày nghe tin sức khỏe ông Hai Khải xấu đi, dân trong làng hồi hộp ngóng tin như người thân mình đau ốm", ông Khỏe tâm sự.

Ngôi đình khang trang, chỗ ông Khải và các cao niên trong làng ngồi uống trà mỗi sáng cũng do chính ông ủng hộ tiền cất lại ngôi đình trên nền đất cũ.

Người dân xếp hàng vào viếng nguyên thủ tướng Phan Văn Khải tại nhà riêng
ở huyện củ chi - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Nguyễn Văn Hưng (75 tuổi) - người giữ đình Tân Thông từ sau năm 1975 đến nay kể ngôi đình không chỉ là nơi thờ cúng tâm linh mà còn là cơ sở cách mạng của nhân dân trong làng.

Những năm tháng chiến tranh, bom dội phá nát ngôi đình. Mái đình gãy nát, chỉ còn trơ trọi vài ba viên ngói âm dương.
Sau 1975, dân trong làng chỉ tạm che mưa, chống nắng để người dân có nơi chiêm bái linh thần. Trước khi dựng lại đình, ông Khải tự đi lên Tây Ninh xin cây sao dầu về cho dân trong làng trồng thành hàng thành lối xung quanh sân đình.

Người dân cặm cụi trồng mà không biết ông muốn làm gì. Sau này mọi người mới biết ông trồng hàng cây để có chỗ ngồi mát trò chuyện với dân làng hằng ngày.

Lúc còn khỏe, cứ buổi sáng, ông Khải lên uống trà nói chuyện cùng mấy cao niên trong làng. Mỗi sáng hai tiếng, vừa uống trà, ông Khải trò chuyện với các cao niên đủ chuyện về thời thơ ấu, chuyện làng xã, con cái học hành...

Từ ngày ông Khải đi chữa bệnh, gần ba tháng nay, những buổi trà sớm vắng bóng ông. Câu chuyện của dân làng cũng quay sang ngóng tin sức khỏe của ông.

"Ngày lễ đình, ông thương dân nên đặt cho dân hai suất hát cải lương. Nhưng từ nay ngày lễ đình thiếu vắng ông mãi mãi rồi", ông Hưng ngậm ngùi.

Những buổi trà của cao niên đình Tân Thông, xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi, TP.HCM), từ nay thiếu vắng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải - Ảnh: TIẾN LONG

Khuyến khích con em học tập

Về với làng quê nghèo khó, ông Khải còn khuyến khích con em của các hộ dân trong làng cố gắng học hành. Con em trong làng học giỏi nhưng chưa có việc làm, ông tìm cách giúp đỡ tìm việc. Gia đình em nào hoàn cảnh khó khăn, ông động viên bằng những "học bổng" hỗ trợ suốt thời gian theo học.

Ông Nguyễn Văn Trung (49 tuổi), kể năm 2010, ông có con gái đậu đại học nhưng hoàn cảnh khó khăn nên không đủ điều kiện cho con đi học.

Hôm trước uống trà ông còn mừng khoe với ông Khải việc con đậu đại học. Buổi sau, ông đã thở dài kể về hoàn cảnh nghèo phải cho con nghỉ học. Nghe chuyện, ông Khải đã hỗ trợ tiền cho con ông Trung trong bốn năm. Ra trường, ông còn giới thiệu xin việc cho cháu. "Không chỉ gia đình tôi, dân trong làng nhiều người mang ơn bác Khải lắm, có ông nhiều cháu ở làng mới ăn học có việc làm đầy đủ", ông Trung tâm sự.
Tiến Long

24 nhận xét :

  1. Ối giời, vẽ chuyện. Sao không làm lễ Quốc tang ngay tại tư gia của ông.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lắm chuyện rồi có làm tại tư gia cũng lắm xì xào .Ông là nguyên thủ quốc gia khhoong cầu kỳ.Nhung đây là tri ân của người biết tử tế

      Xóa
  2. Về ngôi đình Tân Thông Hội cần nhắc đến việc này. Khi lầm đình ông Khải tu chỉnh một góc để thờ tưởng nhớ mấy người Hòa Hảo bị chết khi cướp chính quyền. Số là khi binh đao người ta cho rằng ông chống lại lực lượng cách mạng mà bị giết. Ông Khải khi đó biết chuyện và biết chắc không phải mấy người này chống cách mạng. Nhờ có việc này mà nhiều gia đình được minh oan và nay con cháu ở nơi xa mỗi khi đến ngày đều về đây lễ viếng. Một lần mấy vị chức sắc phàn nàn về cái am thờ mà không đủ điều kiện để trình lên cấp trên xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Biết chuyện ấy, ông khải chỉ cười. Chúng tôi biết chuyện thì rất kính trọng ông về hành động này của ông góp phần vào hóa giải hận thù trong thực tế.

    Trả lờiXóa
  3. Những việc làm rất đỗi bình thường đối với nguyên TT Phan Văn Khải, đối với những nhà tri thức đúng nghĩa ... vân vân... tiếc thay, hầu hết cán bộ thời nay không những không làm được những điều đó mà còn đánh mất chính bản thân! Xin được chia buồn cùng gia đình. Xin thắp nén hương nguyện cầu cho vong hồn bác Khải sớm được siêu thoát. Cám ơn Bác Khải cho những năm tháng trăn trở cùng đất nước.

    Trả lờiXóa
  4. Người xưa có câu "xác đất, vật hèn". Người đời cứ mải lo giành giựt, đua tranh, tham sân si cho cố vào, đến khi nằm xuống cũng chỉ còn nắm tro tàn, bộ xương khô, tuyệt đối không mang được thứ gì của trần gian về bên kia thế giới. Mấy ai hiểu được rằng những gì giúp được cho họ sau khi họ qua đời không phải là những gì họ thu vén, tích góp được cho chính họ hoặc gia đình mà chính là những gì họ làm cho người khác, theo tiếng gọi của lương tâm và lẽ phải! Nghĩ và làm được như thế khi còn trẻ khoẻ thì hay hơn là khi hết thời hay khi nằm chờ chết thì cũng vô ích mà thôi.

    Trả lờiXóa
  5. Được tin Nguyên TT Phan Văn Khải qua đời, có không biết bao nhiêu tình cảm từ những người khả kính dành cho Ông. link dưới đây sẽ cho ta hiểu thêm về một vị cán bộ của dân. Trân trọng cám ơn Ông cho những năm tháng thực sự vì nước vì dân. https://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/ong-sau-khai-3724139.html

    Trả lờiXóa
  6. Kính cẩn cầu nguyện linh hồn Ông siêu thoát về cõi cực lạc!

    Trả lờiXóa
  7. Thành kính phân ưu cùng gia đình Thủ tướng. Cầu mong ông sớm siêu thoát, một người đáng kính. A Di Đà Phật

    Trả lờiXóa
  8. Anh Sáu ra đi. Chắc anh nghĩ cũng đã sống đủ. Một nén nhang kính viếng anh với tư cách một con người với một con người. Còn viếng anh lại thêm chữ "nguyên" nó cũng rườm rà lắm. Nhớ ngày xưa, khi anh học trường NAQ, anh được phân công hô hiệu lệnh chào cờ, anh hô: "Đ.M chào cờ chào". Sau anh bị kiểm điểm. Đó chỉ là thói quen cửa miệng của trẻ, có người lớn lên thì bỏ, có người trưởng thành vẫn giữ thói quen chết người đó. Anh tham gia CM từ nhỏ. Trước khi sinh anh, mẹ anh làm thuê cho địa chủ, và ông chủ đã ... hại mẹ ông, khi biết bà có bầu nên ông chủ đuổi. Tuổi thơ không có tình cha, thằng con trai nào chả buồn tủi. Cuộc sống quá vất vả nên anh đã sớm giác ngộ và theo Việt Minh. Báo tuổi trẻ đăng title: "Người dân ngậm ngùi tiếc thương nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải". Chắc là dân Củ Chi thôi, vì khi làm TT, anh giúp được dân quê mình nhiều lắm về cơ sở hạ tầng từ ngân sách nhà nước. Khi đó chưa có phong trào "xã hội hóa" như bây giờ, các đại gia còn ít nên phải chi tiền ngân sách. Không biết những người anh chị em cùng cha khác mẹ với anh có mặt ở đám tang không? nghe đâu sau giải phóng, những người này đều nghèo khổ và thất học. Chắc quả báo, đời cha ăn mặn, đời con khát nước. Anh được CM nuôi dưỡng cho ăn học thành cán bộ to. Âu cũng là ơn Đảng, Bác anh mới có. Khi anh nghỉ làm TTg, nếu chức TTg anh giao cho anh VK thì có lẽ giờ này anh Trọng không phải vất vả nhóm lò, đốt củi khô lẫn củi tươi như bây giờ.
    Kính mong anh ra đi thanh thản. Còn có thanh thản không thì chỉ có anh mới biết.
    Vĩnh biệt anh Sáu.

    Trả lờiXóa
  9. Sau khi về "làm người tử tế" mà làm như vậy là được. Tiếc rằng thời đương chức không làm được gì nổi trội so với người tiền nhiệm. Sau, đưa người kế nhiệm càng không được như mong mỏi.

    Trả lờiXóa
  10. Ông và gia đình có cần cái "quốc tang" đâu, sao trung ương lại hành ông vậy? Bắt ông vừa đi vừa về 160km để làm gì?
    May mà nghĩa trang hàng nghìn tỷ cho các ông trung ương chưa xây chứ nếu không lại "lôi" ông đi hàng nghìn km ra Bắc để "an nghỉ" thì tội quá!.Trung ương ơi là trung ương!

    Trả lờiXóa
  11. Xem chừng về hưu, ông làm được nhiều việc có ích hơn khi đương chức.

    Trả lờiXóa
  12. Thủ tướng Phan Văn Khải được quàn tại quê nhà, rôi phải đưa đi 80km lên Thành phố quàn tiếp để làm quốc tang? Làm lễ theo nghi thức Quốc tang ở quê Củ Chi không được hay sao? Chỉ là Nghi thức thôi mà… Thấy có cái gì đó sai sai… theo phong tục người Việt (Chết không yên…)?. Có “bùa chú”tà thuật gì không đây?

    Trả lờiXóa
  13. Ông Phan Văn Khải có ba điều sướng:
    1/ Khi ông còn trẻ nhỏ thì được đảng nuôi dưỡng, chỉ việc ăn học thôi, chẳng phải làm gì. Sau đó đảng lại cho ông đi Liên Xô học tiếp.
    2/ Khi ông trưởng thành thì đảng cho ông chức vụ từ thấp rồi lên cao dần, lên đến tột đỉnh là thủ tướng, bộ chính trị. Ông đi đâu cũng có người bảo vệ, ăn của ngon vật lạ, sâm nhung quế phụ.
    3/KHi ông già thì nghỉ hưu nhàn nhã, cuộc sống giầu có, khi bệnh được đảng đem vào bệnh viện tốt nhất, tiền bạc không thành vấn đề. Ông mất thì tuổi rất cao, con cái ông thì giầu có, có nhà mấy chục triệu đô thì ông cũng an lòng, không phải bận tâm gì.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có chuyện này nghe đã lâu, nhân đây nói lại để ai biết thì nói rõ kẻo tiếng xấu cho ông PVK
      Vụ con trai ông PVK bắn chết ( mâu thuẫn gì đó ) con ông Phạm thế D. ...Có không vậy ?
      Nếu có thì ông Ấy mới TU THÂN, CHƯA TỀ GIA, Vậy sao bình quốc ĐƯỢC ?
      Nhiều lãnh đạo rất tốt, nhưng con cái hư hỏng, họ hàng cậy thế lực ... Dân biết mà chả thấy ( DÁM ) phê phán , mấy anh văn nghệ sỹ thì chuyên nâng bi ( Huy Đức, Xuân 3, Dương k/anh vv ... )

      Xóa
  14. Tấm hình của báo TT ghi ở dưới: "Người dân xếp hàng vào viếng nguyên thủ tướng Phan Văn Khải tại nhà riêng ở huyện củ chi - Ảnh: QUANG ĐỊNH". Việc chòm xóm đi viếng đám tang người cùng ấp, cùng xã là chuyện bình thường, một phong tục của người Việt đã có từ lâu đời.
    Ủa, dân Củ Chi nay văn minh quá trời. Mọi người mặc đồng phục đi viếng anh Sáu. Khi nói "dân", phải hiểu là dân thường, là "phó thường dân Nam bộ" chứ không phải người là doanh nghiệp hay cơ quan nhà nước. Nếu dân mà đồng loạt mặc đồ đồng phục đi viếng đám tang thì quả là nước ta sánh ngang với cường quốc năm châu được rồi, hỉ.

    Trả lờiXóa
  15. " Hổ chết để da, người chết để tiếng"

    Trả lờiXóa
  16. Ông Khải không đưa 3 Dũng lên làm Thủ tướng mà là do Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt đưa lên vì ơn cứu mạng của ba của 3 Dũng thời chống Pháp.

    Trả lờiXóa
  17. Có lẽ hiện nay và về sau , người Việt nhớ nhiều rất lâu ông Hổ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Võ văn Kiệt và Phan Văn Khải thời VNDCCH và CHXHCNVN ?

    Trả lờiXóa
  18. Nói thật với các bác, tôi chả tin lắm những thành tích mà nhiều người "vẽ" cho ông Khải hồi ông ấy làm Thủ tướng. Tôi chỉ nhận thấy, từ khi ông ấy làm Thủ tưởng thì tham nhũng ở VN tăng với tốc độ phi mã, sang thời anh y tá thì nó thành Quốc nạn. Nói gì thì nói, cũng là do ông ấy đặt "nền móng".
    Điều tôi "ấn tượng" nhất ở ông Khải là hồi ông ấy sang Mỹ, gặp tổng thống Bus, ông ấy cầm tờ giấy viết sẵn để đọc. Hik.
    Còn những chuyện ông ấy làm khi về hưu thì tôi tin, vì do chính người dân kể lại. Tuy nhiên, cũng phải nói thật lòng, tính cách người Việt Nam là "đánh đĩ chín phương để một phương lấy chồng', quan chức nào cũng tử tế với quê hương mình hết. Thường khi về hưu họ là mang tiền bạc ra tu sửa đình, chùa, làm đường sá, trường học, thư viện... Họ muốn lưu tiếng thơm ở quê. (Mà chả cứ quan chức, đến một anh sư quốc doanh thu được nhiều tiền cúng dường của thiên hạ cũng đem tiền về quê xây từ đường to vật).

    Trả lờiXóa
  19. Trưa nay nói chuyện với một anh bạn công tác trường CĐ CNTT Hữu nghị Việt - Hàn đóng ở Đà Nẵng. Mới hay trong chuyến thăm Hàn Quốc từ 15 đến 19/9/2003 của Thủ tướng Phan Văn Khải, Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo Hyun công bố tặng Thủ tướng VN món quà trị giá 10 triệu USD để VN xây dựng một ngôi trường gắn kết tình hữu nghị giữa hai đất nước. 15 năm qua,trường ngày một phát triển cả về diện tích xây dựng lẫn chất lượng giáo dục. Thầy và trò trường CĐ CNTT Hữu nghị Việt - Hàn luôn nhớ ơn nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, nghe nói họ sẽ cử một đoàn vào viếng hương vị ân nhân của mình.

    Trả lờiXóa
  20. Rời chính trường, ông coi mình như một người dân, đùm bọc làng xóm, chia ngọt sẻ bùi, hòa đồng thật bụng. Đó là điều đáng quý, cho thấy ông có thể được dân chọn trong những thể chế dân chủ. Và "sự nghiệp" của ông không thể chỉ có bấy. Tiếc trong nao lòng ! Nhất là đám tang một người dân, sao phải có công an, mà không chỉ một vị nhỉ...?...Dù sao, kính chúc ông được thanh thản nơi chín suối...

    Trả lờiXóa
  21. Ông thủ tướng Phan Văn Khải an táng tại nghĩa trang quê nhà, Thế mà có bọn quan ngu đòi dân bỏ ra 1400 tỷ để xây nghĩa trang cho riêng chúng nó. Chỗ đó dành cho bọn quan tham, quan liêm chính không bao giờ cần chỗ đó.

    Trả lờiXóa
  22. "Vì Tổ quốc thời trai trẻ quyết ra đi
    Yêu làng quê xin cống hiến tuổi già".
    Câu đối đối không chuẩn. Xin chỉnh lại một chút:
    "Vì Tổ quốc thời trai trẻ quyết ra đi Yêu làng quê tuổi già xin cống hiến".

    /Đỗ Chí Việt

    Trả lờiXóa