Thứ Năm, 29 tháng 3, 2018

Tin buồn: THƯƠNG TIẾC VĨNH BIỆT GS NGUYỄN KHẮC TỤNG


.
.
. .
.
.

TIN BUỒN
Chúng tôi vô cùng kính tiếc báo tin:

Phó Giáo sư, Tiến sĩ
NGUYỄN KHẮC TỤNG

Sinh ngày 15-11-1934; 
 Quê quán: Tình Cương, Cẩm Khê, Phú Thọ. 
đã từ trần hồi 8h20 ngày 29-3-2018 tại nhà riêng. 
Hưởng thọ 84 tuổi. 

 Lễ viếng bắt đầu từ 7h30 đến 9h30 ngày 31/3/2018 
tại Nhà tang lễ Bệnh viện Bạch Mai; 
Lễ truy điệu: 9h30-10h00 ngày 31/3/2018.

Hóa thân về cõi vĩnh hằng tại Đài hóa thân Hoàn vũ.

Tro cốt an táng hồi 10h ngày 4/4/2018 tại quê nhà:
xã Tình Cương - huyện Cẩm Khê - tỉnh Phú Thọ.
***
Thương tiếc vĩnh biệt và biết ơn Giáo sư Nguyễn Khắc Tụng, nhà dân tộc học xuất sắc đã để lại nhiều công trình về kiến trúc nhà ở dân gian Việt Nam, xin dâng lời cầu nguyện linh hồn Giáo sư yên nghỉ thanh thản cõi vĩnh hằng.
Và nghiêng mình chia buồn cùng tang quyến, thân hữu và các môn sinh của Giáo sư trước mất mát to lớn này.



Tưởng nhớ Nhà dân tộc học Nguyễn Khắc Tụng, xin trân trọng giới thiệu bài viết ngắn của TS Vương Xuân Tình, người học trò của Giáo sư Nguyễn Khắc Tụng viết khi người thầy vừa qua đời:

NHỚ VỀ PGS.TS. NGUYỄN KHẮC TỤNG

Vương Xuân Tình

Hôm nay nghe tin ông ra đi, dẫu đã chuẩn bị tâm thế vì ông ốm yếu đến gần chục năm rồi, song tôi vẫn không tránh khỏi nỗi xúc động lớn. Có nhiều điều, nhiều kỷ niệm để viết về ông, bởi tôi là học trò, lại bao năm làm việc cùng ông ở Viện Dân tộc học, song trong Stt này, tôi chỉ nói về đóng góp và nhân cách khoa học của ông.

Nhớ về PGS.TS. Nguyễn Khắc Tụng là nhớ về một người có tư duy logic đặc biệt, như trời sinh ra đã cho ông năng lực đó. Quả thật, lý lẽ khoa học của ông rất khó bắt bẻ. Nghiên cứu dân tộc học, ông chọn hướng nghiên cứu văn hóa vật chất, và trong loại hình văn hóa này, ông chọn nghiên cứu nhà cửa làm điểm ưu tiên; sau đó, còn tìm hiểu cả trang phục. Khi nghiên cứu nhà cửa, ông lại chọn việc xem xét kỹ thuật dân gian làm đầu. Có lần ông chia sẻ với tôi, nếu không quan tâm việc đó, sẽ thành ra tán chuyện dông dài, và nếu cần phục dựng ngôi nhà truyền thống của tộc người hay cư dân nào đó, lấy gì làm cơ sở? Song mặt khác, cũng không vì thế làm giảm đi đóng góp của ông trong nghiên cứu về nhà cửa dưới góc độ xã hội. Chứng cứ là, khái niệm “mặt bằng sinh hoạt” trong nghiên cứu nhà cửa chính do ông khởi xướng, để xem xét về một khía cạnh xã hội, văn hóa rất quan trọng của ngôi nhà, đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Và cụm công trình nghiên cứu về nhà cửa của ông, trong đó có luận án phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ) đã được tặng Giải thưởng nhà nước.

Có lẽ ở ngành dân tộc học Việt Nam, thế hệ của tôi không ai không biết tính cương trực của PGS.TS. Nguyễn Khắc Tụng, kể cả trong đời sống và trong khoa học. Minh bạch, sòng phẳng và tận tâm với công việc là một nguyên tắc bất di bất dịch của ông. Hình như vì thế nhiều người quý, song cũng không ít người ngại ông. Phải chăng giai đoạn lịch sử của thế hệ ông đã sinh ra không ít người có đức tính ấy. Song tôi nghĩ, nếu sống ở thời buổi hiện nay, ông vẫn như vậy và luôn như vậy.

Nhớ mãi thầy Nguyễn Khắc Tụng của tôi !

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét