Thứ Năm, 29 tháng 3, 2018

CHUYỆN VỀ HAI CON CÓC ĐÁ LÀNG CỰ ĐÀ


Cụ Hai Cối và hai con Cóc đá

Trích từ Cự Đà Nhân vật chí

Khi biết tôi viết chuyện Cụ Hai Cối, có mấy Ông trong làng ở Hà Nội và Sài Gòn tỏ ý không tán thành. Vì cho rằng Cụ không làm được điều gì công ích cho làng ta thì chép chuyện Cụ làm gì ? Tôi nghĩ rằng : đây là " Cự Đà nhân vật chí " , thì Cụ Hai Cối cũng là một dị nhân kỳ tích một thời ở làng, Cụ cũng là một mẫu người biểu tượng cho " tính nết Cự Đà " và để lại trong làng xóm bao nhiêu chuyện lý thú ? Đến nay lũ trẻ về làng thấy còn 2 cái trụ đá ở 2 đầu bên sông lối vào 2 xóm, có tạc hình con cóc, mà người lớn tuổi ở làng đều nói : " đây là con cóc đá của Cụ Hai Cối đấy ! " . Chúng sẽ ngẩn ngơ hỏi : Cụ Hai Cối là ai ? Cụ dựng trụ cóc để làm gì ?

- Cụ là con trai thứ hai của Cụ Hàn Hòe, em ruột của Cụ Bát Hồng và là anh ruột của Cụ Ba Còm. Cụ sinh ra ông Cả Tiêu, ông Hai Dụng và ông Ba Túc.

- Xuất thân là con nhà giàu lớn ở Cự Đà, được sung sướng đầy đủ từ lúc còn thơ ấu. Nhưng " cha mẹ sinh con, trời sinh tính" làm sao, mà Cụ lại tằn tiện, tiết kiệm, tính toán chi li đến thế !

- Tên thật của Cụ là Trịnh Văn Cối, thủơ bé, Cụ có được học chữ Nho nhiều năm. Nhưng chỉ đủ trình độ viết văn tự mua bán ruộng, đọc văn khấn gia tiên thôi. Lớn lên, cha mẹ mất, chia tài sản ruộng nương cho Cụ một phần cũng khá. Cụ lập gia thất với một bà họ Nguyễn, con gái Cụ Bá Chi ( Nguyễn Đình Chi ). Cụ Bá này là con thứ hai Cụ Trưởng Trống. Bà cụ Hai Cối tính tình đặc biệt, chi li cần kiệm y hệt ông chồng ! Hai ông bà cụ Hai Cối này chí thú làm giàu bằng nghề cho vay lãi và canh cầy rẽ các ruộng nương của Hai Cụ ở các làng khác, để thu hoa lời hàng năm Hai Cụ cũng có đến cả trăm mẫu ruộng chứ chả ít.

- Cụ Hai Cối tính tằn tiện, hiền lành, an phận, gần như cả đời chẳng ganh đua, giao thiệp tri kỷ với ai, ngoài bà vợ. Cứ thấy cụ đặt tên 3 con trai của Cụ đủ hiểu cụ an phận thủ thường thế nào rồi ! Tiêu Dụng Túc = tiêu xài dùng đủ thôi ! thật là duy vật và thực tế quá ! cần gì phải cao sang ?

- Thật ra, tính Cụ chi li tằn tiện thế thôi ? Chứ cụ rất nhã nhặn với bà con làng xóm. Cụ không cho ai cái gì và cũng chẳng lấy của ai cái gì cả. Cả đời Cụ, ít thấy cụ đến nhà ai ăn giỗ ( trừ nhà Cụ Bát Hồng làm giỗ cha mẹ Cụ thì cụ phải qua lại thôi ), ít ra dự việc làng, việc họ, không giao du phóng túng vơi bạn bè, hò hàng, làng xóm ! Có việc thì gặp, đến nhà ai có khi mời nước cụ cũng không uống của người ta. Bởi có mấy khi Cụ mời ai đến nhà Cụ uống chè tầu, uống rượu đâu ! Cụ biết thế chứ ! tức là quan điểm của Cụ từ hồi nào đến giờ vẫn " dân bất phiền, quan bất nhiễu " , giao thiệp rộng lắm chỉ tổ ... tốn tiền ! cho nên Cụ ... đếch vào chơi với ai !

- Cụ cũng rất giàu với tài sản ruộng đất ông cha để lại cho cộng với sự tích lũy của Cụ do việc cầy thuê cấy rẽ, cộng thêm nếp sống hằng ngày cực kỳ tằn tiện, nên cụ càng giàu. Cụ chăm chỉ làm việc lắm ! làm cả ngày, ngày mùa tháng gặt, cụ đi xông xáo khắp các làng nào, cụ có ruộng ở đấy, thuê người cấy, hay cụ đi coi gặt, thì Cụ đội nón rứa đàng hoàng, đeo ống nhòm mua ở hiệu Tây ở Hà Nội đáng mấy chục bạc ( giá trị lúc đó to lắm, bằng cả lạng vàng) để cụ đứng trên chòi cao bằng dàn tre. Cụ nhìn khắp cả cánh đồng, nơi nào có ruộng của cụ thì cụ cắm 4 lá cờ đỏ ở 4 góc. Từ trên chòi cao, cụ bắc ống nhòm nhìn đứa nào gặt thuê mà giấu lúa thì bỏ mẹ nó với cụ! cho nên chẳng ai lấy được của Cụ một gié lúa ! Cụ cẩn thận thế đấy ?

- Chính vì Cụ có nếp sống tằn tiện quá ! Và ít giao thiệp với người làng xóm. Mà dân Cự Đà nổi tiếng là hay trêu chọc đùa nghịch có tiếng là … ác, đến nỗi các nhà sư trên chùa làng, xưa kia, ít vị tăng ni nào trụ trì lâu dài nổi ! Bởi bị một số dân làng tinh nghịch, đồn thổi bừa bãi, trêu ghẹo nhà sư !

- Cũng vì tính Cụ Hai Cối như thế, mà người trong làng đã kháo chuyện với nhau về Cụ. Đem Cụ làm đề tài châm biếm quá đáng, có khi thành vô ý thức ? chẳng biết hư thực ra sao ? Tôi cứ lượm lặt mà kể lại :

- Người ta đồn nhau: Mỗi bữa cơm gia đình, cả nhà Cụ ngồi vào chiế. Cụ gắp cho mỗi con 1, 2 miếng cà bát muối mặn và vài con tép, con cá con bé tí và dặn cứ liệu mà ăn cho hết bữa !

- Có một hôm Cụ Hai Cối lững thững đang đi bộ theo đường làng dọc sông Nhuệ lên Hà Đông xem phiên chợ Đơ. Xưa, hàng tháng cứ đến các ngày 5, 10, 15, 20, 25 và 29 hoặc 30 (tùy theo tháng thiếu đủ ) là ngày phiên chợ Đơ. Vừa lúc đó, Cụ Bát Hồng là Anh ruột Cụ đang ngồi trên đò thuê từ bến dưới Cự Đà đi lên, nhìn thấy em Cụ đi bộ ở đường làng Phú Diễn. Hữu Từ gì đó ? Cụ Bát bảo lái đò ghé thuyền vào bến ngày đó và gọi Cụ em Cụ lên đò đi cho đỡ mỏi chân. Vì cụ thuê bao cả chuyến đò, đi một thế cho vui, trong nhà cả, Cụ Hai Cối nghe lời anh, xuống đò ngồi. Cụ cứ ra gần mũi đò ngồi, buồng thõng hai chân xuống nước. Một lát đến bến chợ Đơ. Cụ Bát móc hầu bao ra trả tiền đò cả chuyến. Cụ Hai Cối, cũng cởi hầu bao ra, hỏi lái đò lấy giá 1 người bao nhiêu ? Anh lái đò lễ phép thưa: “cháu chở cứ một người là 1 hào ạ ! nhưng bữa nay có Ông Bát nhà ta thuê cả chuyến, xin ông khỏi phải trả ạ !” Cụ Hai Cối cứ móc năm xu ra trả anh lái đò và thản nhiên nói: “tối không phải phiền ông anh tôi trả hộ, đây tiền đò của tôi trả, sở dĩ tôi trả anh 5 xu là vì tôi ngồi có nửa người trên đò, con 2 chân tôi để dưới sông”, Cụ tỉnh bơ đi đi thẳng, không quên cám ơn. Ông anh ruột ngồi ngẩn người vì thái độ kỳ lạ của ông em ông. Cụ đi Hà Đông mua Bạc Hoa Xòe về chôn giấu đi để dành, vì theo Cụ đó là Bạc thật ! còn tiền là giấy là giấy lộn.

- Chuyện kể lại : cả đời Cụ Hai Cối ít mua giầy dép, vì Cụ thường đi đất, có việc đi đâu cần, Cụ 1 tay cắp cái ô lục soạn cũ, 1 nách kẹp đôi dép da trâu. Đi đến cửa nhà ai, cụ mới xỏ dép vào chân và khi ra khỏi ngõ, cụ lại tuột dép ra, dắt vào thắt lưng hay kẹp vào nách … thủng thằng về nhà !

- Cả đời cụ không hề ăn cơm thết của nhà ai hết ! không rõ Cụ có thết cơm ai không ? Khi đi đâu xa, đến bữa cơm, Cụ đói quá không hề ăn cơm hàng bao giờ ? chỉ tìm hàng bánh đúc, bánh hỏi, với tí nước chấm. Có khi Cụ đem theo cơm năm trong tay nải của Cụ với một chút muối vừng. Thế là xong bữa, đơn giản chả phiền gì hết. Vì lẽ đó, trong làng có kẻ tinh nghịch, đi chợ Đơ thấy Cụ Hai Cối cũng vào hàng bánh rán đường, mua một chinh Khải Định được 3 cái bánh. Cụ ngồi ăn rung đùi tít ! lúc về làng, anh ta khai ầm lên để trêu chọc Cụ , rằng : “hôm nay, ấy dư ! Ông Hai Cối đi chợ Đơ dám liều mình mua đến 1 chinh bánh rán ăn, sợ thật ! hoang ghê ! “Điều này cả làng ta trước năm 1945, đều nghe thấy lời đồn thổi đó ! Cụ Hai Tuân nhà tôi bảo :“ phải gió cái nhà bác cả Sàng dửng mỡ bịa ra trêu ông ấy đấy ? chứ còn ai ? Tôi thấy ông ấy đâu đến nỗi ! Hôm nọ tôi ra Hà Nội chơi gặp Ông Hai Cối vào hiệu Mỹ Kinh ăn cơm tàu. Ông ấy ở hiệu bước ra, mặt đỏ khé, rõ ràng ông chén tuýt mà !” ???

- Chuyện vui về Cụ Hai Cối còn nhiều, kể ra thì bất kính với Cụ, vì đa số là chuyện hài đàm, bịa ra hơn là thật !

- Còn chuyện hai con cóc đá ngồi trên 2 cái trụ vuông cạnh 40x40cm, cao đến 1m20, có khác 4 chữ nho văn vẻ triết lý ra phết ! VẠN CỔ NGHIỄM NHIÊN ( Muôn thủơ có vẻ trang trọng). Hai trụ cóc đá đó chon ở trên đầu bến sông lối vào 2 nhà riêng của Cụ Hai Cối, 1 ở xóm bà Chắt Tài, 1 ở đầu xóm Ba Gang, đến nay vẫn còn … “ Nghiễm Nhiên” trơ gan với tuế nguyệt ? trên mỗi đầu con cóc đá đó, có khoét 1 cái lỗ tròn cỡ để lọt chân 1 chiếc đèn dầu hỏa cỡ trung bình hoặc chiếc đèn bão. Để đến mùa lúa, Cụ Hai đi thu thóc lấy tô ở các làng dọc song Nhuệ mà Cụ có ruộng nương cho cấy thuê. Thuyền chở lúa đem về Cự Đà nếu gặp trời đêm tối, cứ nhìn dưới sông lên, bến nào có đèn dầu trên lưng cóc đá là xóm vào nhà Cụ. Cứ thế mà ghé vào, nhìn thấy nhà nào ở cửa có 2 con chó bằng đá ngồi thu lu hai bên. Đấy là nhà cụ Hai Cối ! Nhiều người không hiểu là ý nghĩa gì ? cha tôi bảo: “ Cụ Hai Cối tuổi Tuất (Bính Tuất 1886) nên Cụ ấy cho tạc 2 con chó đá để ở cửa là thế !” . Nhưng Cụ Trưởng Mưu bông lơn nói: “ ông Ba nói sai, ai bảo Ông Hai cối tuổi Tuất ? Ông ấy và ông Ba Khuê cùng lên lão 50 mà ! ông Ba Khuê tuổi Dậu thì làm sao ông Hai Cối tuổi tuất” Hai con chó đá của ông ấy là “ Thần giữ của”, “ chó đá vãi cứt” đấy ! còn 2 con cóc đá là cóc vàng Trịnh Văn Cối ! Thế mà không biết?”

- Nam 1978 và 1985, tôi về thăm cố hương, còn nhìn thấy trụ đá con cóc ấy, vẫn còn nguyên hang chữ : Vạn Cổ Nghiễm Nhiên ! Vật di tích còn, người xưa đã khuất.

- Cần kiệm chí thú như Cụ Hai Cối là một đức tính tốt và truyền thống Cự Đà ! Nhưng tằn tiền quá ! đến nỗi cả làng nói trộm là “ Vắt cổ chày ra nước” hay “ đãi cứt sao lấy hạt đa, đãi cứt gà nhặt tấm mắn” thì không thế ai noi theo được ! Họa có Bác Ba Tạo là đồng chí với Cụ ?

- Dù sao, chuyện Cụ Hai Cối đi sâu vào lòng nhân dân Cự Đà một thời trước 1975. Cũng nên nhắc lại!

(1988, trích “Cự Đà Nhân Vật Chí” ).
Ảnh và bài lấy từ fb Làng cổ Cự Đà.

4 nhận xét :

  1. Tôi thích loại bài như thế này, nó nhẹ nhangfmaf thấm thía. Tôi người làng Đại Định cạnh làng Cự Đà, đi qua lại làng này từ bé, biết làng này rất giầu có nhiều nhà tư sản nổi tiếng ví như các 'Cự', đường làng có cột điện, số nhà như thị thành từ trước 1945. Học đòi, tôi cũng viết một cuốn sách về 'làng tôi'.

    Trả lờiXóa
  2. Những người theo "duy vật biện chứng" giờ họ là "duy vật dở chứng"
    Tác giả dùng từ "duy vật" trong bài theo tôi nghe không ổn. Bởi giờ họ xài kinh khủng lắm...
    (Tiêu Dụng Túc = tiêu xài dùng đủ thôi ! thật là duy vật và thực tế quá !)

    Trả lờiXóa
  3. Làng tôi ở xã Ngọc Sơn huyện Kim Bảng tỉnh Hà Nam có vợ chồng nông dân cũng hà tiện không kém, nhưng lại khá giàu. Chuyện kể rằng có lần bà đi chợ huyện vào hàng đồng hỏi mua mâm đồng, ông chủ tấy bà ăn mặc có vẻ khốn khổ nên nói mát là không bán mà bà cũng làm gì có tiền mà mua. Bà dõng dạc tuyên bố: Đừng thấy vách rách mà kinh/Tuy rằng váy rách trong mình ních xu. Và bà sang hàng bên cạnh mua một lúc 10 cái mâm đồng. Đó là chuyện vợ chồng bà giàu có. Còn chuyện hà tiện thì có lần bà đi làm đồng bà bị cảm nôn ra. Bà lấy lá khoai gói cái thực phẩm bà vừa nôn ra đấy để mang về cho lợn. Nếu bà cần đi tiểu, bà sẽ tìm hòn đất nỏ tiểu vào đấy rồi mang về đưa vào gốc rau. Hà tiện đến thế mới giàu hay sao?

    Trả lờiXóa
  4. Cần kiệm cũng là một đức tính quý của người nông dân Việt Nam. Có cần kiệm thì mới nên cơ nghiệp được, chẳng có gì xấu cả.
    Ngày nay, sự cần kiệm đang bị coi thường, do đó nảy sinh ra một đám người "làm chơi ăn thật". Từ đó quan chức cũng điều hành đất nước theo kiểu "bóc ngắn cắn dài" dẫn đến nợ như chúa chổm.

    Trả lờiXóa