Thứ Năm, 7 tháng 3, 2019

THAI GIÁO




Thai giáo

Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh, giải thích mục từ Thai giáo như sau:

Thai giáo: Sự giáo dục cho con cái từ khi có mang = Khi có mang, phàm tư tưởng, ngôn ngữ, hành động của người mẹ đều có ảnh hưởng đến tính cách đứa con, nên người mẹ phải giữ gìn cẩn thận.

Từ lâu nay, tôi cũng đã nghe về việc thai giáo. Được nghe rằng, trong dòng tộc chúa Trịnh có hẳn một cuốn sách cổ, có tên là Thai giáo để truyền dạy trong gia tộc. Tuy nhiên, đến nay, chưa ai từng nhìn thấy cuốn sách cổ này. Các vị dòng Chúa Trịnh khắp nơi nếu ai đang giữ hoặc biết cuốn này ở đâu, xin cho chúng tôi biết với. 

Nhân một lần thăm Đền bà Man Thiện - mẹ của Hai Bà Trưng, ở thôn Nam An [hay Nam Man] (Nam Nguyễn), xã Cam Thượng, thị xã Sơn Tây (ngoại thành Hà Nội) chúng tôi bắt gặp hai chữ "thai giáo".

Đây là một ngôi đền nhỏ, nằm trên một gò cao giữa đê lớn và đê bao sông Hồng. Đền Bà Man Thiện cách Chùa Mía (xã Đường Lâm quê tôi) khoảng hơn 1 km. Hồi còn nhỏ tôi cũng đã đến đây vài lần, nhưng chưa để ý đến những đôi câu đối chữ Hán trong đền.

Tại đây, tôi bắt gặp hai chữ Thai giáo (ảnh dưới) trên đôi câu đối thờ trong đền. Đây là lần đầu tiên tôi trông thấy hai chữ Thai giáo bằng chữ Hán.


Trước đây, một số nhà nghiên cứu đều đọc đôi câu đối này là:

Hát từ đĩnh xuất bằng di giáo 
Thạch động di lai hiển địa linh.


Nay, câu đối đó cần được đọc đúng là:

Hát từ dĩnh xuất bằng thai giáo
Thạch động di lai hiển địa linh 

(Hai người con ở đền Hát Môn sinh ra được giáo dưỡng ngay từ trong bào thai
Chốn Thạch động còn di tích để lại hiển hiện là đất thiêng)
*Thạch Động: Hiện tôi chưa rõ nói đến địa danh ở đâu.

Bên cạnh đó, còn đôi câu đối này:

Kiếm cung song mỹ quang từ phạm 
Trở đậu thiên thu hữu lệnh danh
 


(Sáng gương mẹ hiền, hai gái kiếm cung tài giỏi

Nổi tiếng truyền lưu, nghìn năm khói hương thành kính)





Bà họ Man tên Thiện, là chắt ngoại của Hùng Vương. Sinh thời tài sắc nhất vùng, có tài ứng biến, tinh thông võ nghệ. Bà kết duyên với Ông Hùng Định (sau đổi là Trung Định, hay Trung Nghĩa Dũng) là Lạc tướng đất Mê Linh - dòng dõi vua Hùng. Hai ông bà sinh được hai người con gái là Trưng Trắc và Trưng Nhị; và một con trai là Chu Bá.

Bà Man Thiện đi khắp nơi chiêu mộ hào kiệt anh hùng, tích trữ lương thảo chờ ngày khởi nghĩa tế cờ. Mùa Xuân năm 40, bà cùng các con và tướng lĩnh kéo quân về Hát Môn (Phúc Thọ) lập đàn tế cờ khởi nghĩa ở bãi Trường Sa, rồi rầm rộ tiến quân đánh đuổi giặc Tô Định, giành lại độc lập cho đất nước. Khi Trưng Trắc lên ngôi, xưng vương, phong mẹ là Man Hoàng hậu. Bà về đóng quân tại đồn Nam Nguyễn.


Ba năm sau, vua Hán sai Mã Viện sang đánh. Hai Bà Trưng cự lại không nổi, bị vây hãm ở núi Vua Bà. Bà Man Thiện đi giải vây cho con thì bị đánh úp. Bà dũng cảm chống cự, nhưng không cự được, bèn gieo mình xuống sông tuẫn tiết để khỏi sa vào tay giặc. Đó là ngày 10 tháng Chạp (al). Thi hài bà trôi về đến bến đò Nam Nguyễn thì dạt vào bờ, sắc diện vẫn hồng hào như đang còn sống. Nhân dân và quân sĩ vớt thi thể bà lên để làm lễ an táng trọng thể tại gò đất cao, nay gọi là gò Mả Dạ (Mả Dạ là từ Việt cổ chỉ một bà già được kính trọng). Nhân dân lập miếu thờ bà, gọi là Miếu Mèn (Miếu bà Man Thiện). Từ đó hàng năm cứ đến ngày 10 tháng Giêng (ngày sinh của bà) thì mở hội để tưởng nhớ công ơn. (Tham khảo bài của Hà Kỉnh (1924 - 1995) trong sách Người quê ta - Đất quê ta).


Như vậy, việc Thai giáo không phải chỉ riêng của dòng chúa Trịnh mới có, mà các nhà Nho ta xưa cũng đã rất hiểu và quan tâm đến việc Thai giáo. Đây là một vấn đề chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em cần được nghiên cứu sâu hơn. 


Xin giới thiệu 14 kỹ năng thai giáo cơ bản:.
- Ru và hát
- Nựng nịu
- Dỗ dành
- Xoa vỗ bụng người mẹ thật dịu dàng với tâm trạng yêu thương
- Nghe nhạc thích hợp, du dương, nhẹ nhàng.
- Đọc và nói diễn cảm, rành rọt, chuẩn mực, tận dụng ngữ điệu tiếng Việt nhịp nhàng, nhiều thanh điệu.
- Nghĩ về và nghĩ đến thai nhi với tâm trạng trân trọng, chờ mong.
- Tư thế đi đứng, nằm ngồi đàng hoàng, vững vàng.
- Thầm kể, chuyện trò, khuyên nhủ thai nhi.
- Luôn luôn hỏi han bé: Hôm nay bé khỏe không, bé ngoan chứ? Bé có thấy bàn tay của ba sờ bé không?
- Miêu tả, bình phẩm tranh nghệ thuật
- Quan tâm chăm sóc thai phụ, tránh căng thẳng, kịp thời hoá giải những ưu phiền, mặc cảm.
- Tạo không khí, khung cảnh, quan hệ tốt đẹp trong gia đình.
- Đồng bộ cả nhà cùng làm thai giáo.

(Tham khảo website Chơi cùng bé).

Nguyễn Xuân Diện bổ sung thêm:

Về ăn uống:
- Không ăn đồ lạnh hoặc đồ quá nóng. Không ăn đồ ôi thiu, đồ để tủ lạnh quá lâu ngày.
- Hạn chế ăn đồ gỏi, sống, hoặc trứng lộn.
- Không ăn quá cay, quá đắng, quá chua.

Kính chúc các độc giả là các bà mẹ mang thai nhiều sức khỏe và niềm vui, sinh nở được "mẹ tròn con vuông", nuôi dạy con cái nên người! 

Nguyễn Xuân Diện tổng hợp

4 nhận xét :

  1. Một bài viết rất hay, nhưng tôi không hiểu những kẻ cướp ngày hiện nay có được các bà mẹ nuôi dưỡng bằng thai giáo "đặc biệt"?

    Trả lờiXóa
  2. Thật là ý nghĩa ! Xin cảm ơn TS Nguyễn Xuân Diện.

    Trả lờiXóa
  3. Hoan nghenh Xuân Diện đề cập vấn đề nàyTôi thêm.Người Viêt Nam đầu tiên (như tôi biết) đã viết trong sách vấn đề này là cụ Ngô Thời Nhậm. Trong Trúc Lâm Tông chỉ Nguyên Thanh,mục Kiến Thanh cụ viết mẹnhư sau:"Cổ nhân giáo dục từ trong bào thai. Ngườimẹ chỉ muốn tiếp xúc với vương công đại nhân, nghe nghĩa lý trong thi thư. Cho nên sinh con thì diện mạo đoan chính, tư bẩm thông minh.Ngày nay những con em thế gia không giống với con em thứ dân về tư chất diện mạo. Như thế không phải chỉ vì tính khí thanh nhuần, phúc trạch lớn dày mà cũng còn vì nơi ăn chốn ở, cách thức bồi bổ khác với kẻ thường dân vậy..."
    Đáng tiếc vấn đề nàyđã không đươc chú ý nhiều ở nước ta. Gần đây đang có những nhóm nghiên cứutruyền thông thuyết "Giáo dục sớm" đã đặt ra vấn đề thai giáo, nhưng chưa được rộng rãi. Nguyễn Khắc Mai

    Trả lờiXóa
  4. Tôi nghĩ rằng cách tính tuổi "ta" hợp lý hơn cách tính tuổi "tây". Các cụ ta xưa nay tính tuổi cho ai vẫn tính thêm một tuổi gọi là "tuổi mụ", tức coi thời gian thai nhi là một tuổi. Phương Tây thì họ coi trẻ mới sinh ra là 0 tuổi, đến sinh nhật lần đầu tiên mới là 1 tuổi. Cho đến trước sinh nhật lần thứ hai họ vẫn coi đứa trẻ đó 1 tuổi (có thể thêm tháng và ngày nếu muốn chính xác, ví dụ 1 tuổi 9 tháng 5 ngày).
    Tôi ủng hộ quan điểm cho rằng thai nhi cũng đã là một con người nên "thai giáo" là cần thiết và quan trọng cho sự phát triển của trẻ sau này.

    Trả lờiXóa