Thứ Ba, 6 tháng 3, 2018

Luân Lê: NHỮNG ĐỨA TRẺ BỊ BỎ RƠI


Luân Lê

NHỮNG ĐỨA TRẺ BỊ BỎ RƠI

Tôi thấy thực sự lo lắng cho đa phần suy nghĩ của nhiều người trong xã hội thông qua việc phụ huynh bắt cô giáo quỳ, khi họ chỉ thực sự tập trung hầu hết mọi sự phẫn nộ dành cho giáo viên này mà gần như tuyệt nhiên không để tâm gì đến việc cô ta bắt học sinh quỳ gối, mà còn coi đó là điều có thể chấp nhận được.

Đây là một tư duy sai nghiêm trọng về logic và cũng đặc biệt nguy hiểm cho con người, nhất là trẻ em. Những đứa trẻ bị xâm hại lại bị bỏ mặc hoặc tiếp tay bởi sự lạc hậu của xã hội.

Cô giáo bị bắt quỳ gối thì mọi người phẫn nộ lên án, nhưng chính một đứa trẻ cũng bị bắt quỳ gối thì mọi người làm lơ và cho là không đáng nói. Vậy một người trưởng thành bị bắt quỳ vì làm một điều sai với một đứa trẻ còn chưa đủ thành niên bị bắt quỳ gối để trừng phạt vì học chưa tốt hoặc làm việc gì đó chưa hợp lý thì ai mới đáng phải được bảo vệ và hành vi nào đáng phải lên án hơn?

Không một nhà nước hay xã hội văn minh nào mà lại coi hành vi bắt trẻ em, học sinh quỳ gối là chấp nhận được, còn người lớn (nhân danh giáo dục và đào tạo, đầy đủ quyền hành) bị bắt quỳ thì lại là nghiêm trọng hơn. Trong hoạn nạn hoặc trong chính sách phúc lợi thì đứa trẻ được đặt lên đầu tiên, sau đó đến người tàn tật, người già và cuối cùng là mới là phụ nữ. Và trong luật pháp người ta đặt mọi chế độ bảo vệ trẻ em lên hàng đầu, nên chỉ có luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em chứ không có luật phụ nữ.

Người ta không thể được coi là nghiêm trọng hơn và đáng bị lên án hơn chỉ vì lý do nghề nghiệp đơn thuần trước một hành vi cùng tính chất, mức độ và nạn nhân lại là trẻ em. Hơn nữa, học sinh chính là một người “lệ thuộc” vào người dạy, nên hành vi của giáo viên còn đáng bị phải trừng phạt nặng hơn vì lợi dụng vị thế nghề nghiệp để hành hạ và xâm hại trẻ em. Và nếu nói về lý do, với kiểu lập luận đó, phụ huynh kia sẽ có thể cho rằng bắt cô giáo này quỳ cũng là để giáo dục lại và trừng phạt cô ta bởi một điều sai, điều đó là đúng đắn.

Cô ta còn được quyền để bắt học sinh quỳ, còn học sinh không đủ sức mạnh hay ý chí để lựa chọn việc không làm. Cô ta còn được chọn lựa việc không thực hiện quỳ gối vì đủ lý trí và vị thế độc lập để làm điều đó trước phụ huynh kia, còn đứa trẻ thì không có lựa chọn nào khác trước những hậu quả có thể xảy đến trong học tập và cả từ phía gia đình (nếu họ cũng tư duy theo kiểu việc bắt học sinh quỳ là không vấn đề gì).

Một đứa trẻ đáng bị quỳ hơn là giáo viên của đứa trẻ ấy? Và về đạo đức thì càng không ai cho phép một người dạy người khác bằng cách bắt nó phải quỳ xuống trước mặt người khác thì được gọi là lễ nghĩa hay là sự rèn giũa con người ở đây. Đó là sự bức hại ý chí, hành hạ thân xác, làm nhục danh dự, nhân phẩm và kể cả xâm hại sức khoẻ trẻ em (trẻ em chưa hoàn thiện về trí tuệ (nhận thức), năng lực hành vi và thể chất).

Tôi thấy đặc biệt lo lắng cho công tác giáo dục và trồng người khi còn nhiều lớp người được cho là trưởng thành chỉ tập trung vào phẫn nộ đối với hành vi bắt cô giáo quỳ mà bỏ qua (xuê xoa) hành vi chính cô giáo đó bắt học sinh của mình quỳ gối trong học tập.

Chúng ta sẽ lại tiếp tục giáo dục ra những thế hệ hư hỏng, bạo lực và dễ dàng quỳ gối trước cái sai của người khác và lớn lên nó sẽ lại thực hiện điều đó vì nó coi chuyện đó là bình thường và có thể là được phép trong một xã hội dễ dàng đồng thuận với hành vi đó.
 
 

10 nhận xét :

  1. Xưa nay, trên đất nước này, chuyện thầy cô đét đít, khẻ tay hay bắt học trò của mình phải quì gối khi có lỗi là chuyện thường tình .Còn chuyện phụ huynh bắt thầy của con mình phải quì gối vì tội đã bắt con mình quì gối thì nay mới thấy. Sở dĩ người ta phẩn nộ vì đây là chuyện xưa nay hiếm và lại đi ngược với truyền thống "tôn sư trọng đạo" của dân ta. Sao ông Luân Lê lại thực sự lo lắng vì sự phẩn nộ này ?

    Trả lờiXóa
  2. Hoàn toàn đồng ý với Luân Lê. Giáo dục ở VN chưa lấy học sinh làm trung tâm. Hay nói đúng hơn các thầy cô giáo ( và cả những người lớn khác )chưa được dạy để biết trẻ em cũng cần phải được tôn trọng. Ai chưa tôn trọng trẻ,thì đừng bắt trẻ phải tôn trọng mình. Ai phạt trẻ bằng bạo lực, thì cũng xứng đáng nhận hình phạt tương tự. Đã có biết bao trẻ mầm non bị bảo mẫu bạo hành. Đã từng có một cô giáo làm gãy chân một học sinh tiểu học trong trường mà còn cố gắng chạy tội. Người lớn ở VN cần biết rằng những gì mình không dám làm đối với người lớn khác thì cũng đừng nên làm đối với trẻ em

    Trả lờiXóa
  3. Tôi không hoàn toàn đồng ý với Luân Lê. Ở đây hình như LL bênh vực đồng nghiệp LS của mình. Nếu 1 thường dân bắt cô giáo quỳ thì không đáng tính vì do ít học, nhưng đây lại là 1 cán bộ ngành Luật bắt CG quỳ thì là chuyện rồi: Đây là cậy mình có quyền để hành người khác. Nếu việc này diễn ra trước mắt các HS thì các em nghĩ gì? Chắc chắn con của vị LS đó sẽ nói: cho chết, bố "tao" dạy cho bài học đã đời, xem từ nay có dám đụng đến “tao” nữa không. Rồi đến đám trẻ biết chuyện sẽ nghĩ gì? Chắc chắn chúng sẽ học được bài học: cứ mất nết hơn khi bị cô phạt quỳ, vì nghĩ rằng cô sẽ bị "xử" trả thù.

    Còn việc cô giáo nhận sai và cần làm gì khi nhận ra mình sai thì không cần bàn thêm.

    Trả lờiXóa
  4. Ở trường cho chúng quỳ để sau này ra xã hội chúng mới quen???

    Trả lờiXóa
  5. giáo dục ngày nay mọi người nghỉ một cách, hiểu một cách, không biết đâu mà lần. Dạy trẻ mà không có kỷ luật thì làm sao nên người.Cũng như trong quân đội nếu không có kỷ luật thì làm sao có thể bài binh bố trận được chứ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Làm nhục trẻ em để lại ảnh hưởng tâm lý rất lớn.

      Xóa
  6. Bài ni anh Luân hơi bị chưa chính xác rồi.
    Chuyện cô giáo bắt hs quỳ theo văn hóa Việt Nam thì bình thường ,thậm chí có phụ huynh còn nhờ gv phạt dùm.
    Về mặt luật pháp thì cô giáo đã sai 2 điểm . Thứ nhất là luật BVTE và Luật gd cấm phạt học sinh bằng nhục hình , thứ 2 là hs con của phụ huynh này không vi phạm nhưng vẫn bị phạt tập thể.
    Ông p/h làm bên tư pháp , thư ký hội luật gia nghĩa là cũng biết luật nhưng lại có lời nói và hành vi sai về pháp luật lẫn đạo đức và văn hóa Việt Nam .
    Nếu xã hội này cứ hành xử theo lối tự trừng phạt nhau bất chấp luật và đạo đức thì dân tộc này suy tàn.
    Nếu theo suy nghĩ của ls cho rằng lập luận của p/h đúng :Và nếu nói về lý do, với kiểu lập luận đó, phụ huynh kia sẽ có thể cho rằng bắt cô giáo này quỳ cũng là để giáo dục lại và trừng phạt cô ta bởi một điều sai, điều đó là đúng đắn.
    Cũng vì nhiều người cổ vũ cho tư duy này nên xứ này nát bét hoặc đang trên đường nát bét.
    Túm lại cô giáo sai là điều ko bàn cãi ,nhưng p/h làm bên luật hành động sai và tàn nhẫn với đạo đức thì sai hơn ( nếu báo chí tường thuật sự việc chính xác 100%).
    Ls viết bài này ý bên vực hs bị bỏ rơi là đúng ,nhưng giải bày và lập luận thêm cho bài viết thì không chính xác.
    Không ai luôn luôn đúng ,nhưng ls viết bài này thì uy tín hơi bị giảm đấy.Đây là điểm để dlv chúng mò vào chụp mũ đó.

    Trả lờiXóa
  7. Giá như bài viết của Luân Lê xảy ra trước khi cô giáo phải quỳ thì tôi nghe thuận hơn (cô giáo bắt học sinh quỳ không phải là hình thức kỷ luật tốt nhất). Bài viết ở thời điểm này (và cả ý kiến của một số bạn đọc) tạo cho tôi cảm tưởng "đáng đời", vì cô kia làm vậy nên bị như vậy là hệ quả thôi! Thực tình thì tôi thấy gây gây vì hình tượng một nhóm người xúm lại bắt một cô giáo phải quỳ, cái cảm giác vài ngày trước xem 1 cảnh quay vài người xúm lại lột quần áo của một cô học sinh.

    Hôm nay đọc trên Yahoo thấy cái clip này ở Mỹ, xin chia xẻ với các bạn. Ông bố này có cậu con 10 tuổi. Cậu này lên xe trường luôn bặt nạt đánh và chọc phá các học sinh yếu thế hơn (tiếng Anh là bullying). Nhân viên lái xe trường đã cấm cậu đi xe buýt trường ngày hôm sau để kỷ luật. Chuyện xảy ra đến lần thứ 3 và ông bố bắt cậu con chạy bộ đến trường (1 mile = 1.7 km) trong mưa lạnh khi ông lái xe theo phía sau (để bảo đảm cậu không quá giang xe, không bị bắt cóc, không tai nạn)
    Có bạn đọc cho rằng ông quá đáng, áp dụng kỷ luật nhà binh (có lẽ ông bố là lính), nhưng đa số đồng ý với ông. Ông bô thì nói là cậu con đã ngoan ngoãn hơn và ông không muốn con ông lớn lên làm kẻ hiếp đáp (bullying) người khác hay kẻ đem súng đến bắn bạn ở trường.

    https://www.yahoo.com/lifestyle/whats-line-old-fashioned-discipline-bullying-210243383.html

    Trả lờiXóa
  8. Nhiều triệu người đang đội con lên đầu và cái giá phải trả trong tương lai sẽ rất khủng khiếp ! Hãy đợi đấy !

    Trả lờiXóa
  9. Luân Lê viết nhiều bài rất tâm huyết và đầy tính nhân văn đạo lý, song quan điểm trong bài này thì không chấp nhận được!Thử hỏi nếu trẻ con trong nhà làm bố mẹ không hài lòng việc gì đấy mà việc ấy không được phép tái diễn thì bố mẹ phải có hình thức dạy dỗ chúng thế nào ? Nếu bảo ban chúng nhẹ nhàng nhiều lần mà chúng vẫn không nghe thì có biện pháp gì hữu hiệu hơn các biện pháp thông thường mà các bậc phụ huynh thường bực mình phải sử dụng là doạ nạt,la mắng,phạt roi không?(mà có phạt roi thì cũng sót con mà giơ cao đánh khẽ, thầm mong cho nó sợ rối rít lạy van : từ nay con xin chừa không dám thế nữa là thở phào nhẹ nhõm dừng lại ngay ) .Nếu coi các biện pháp này là "bức hại ý chí,hành hạ thân xác,làm nhục danh dự nhân phẩm,xâm hại sức khoẻ"như Luân Lê lên án thì có phải do nghề nghiệp đã khiến luật sư dùng lời lẽ hình sự nghiêm khắc quá không? Trở lại chuyện xảy ra ở trường học tỉnh Long An,nếu cô giáo chỉ được dùng lời khuyên học trò mà chúng không nghe làm ngăn trở việc giảng dạy của cô thì cô phải làm thế nào? Hình thức nhẹ nhàng để phạt học sinh mà các cụ ta thường làm là bắt học sinh phạm lỗi phải quay mặt vào tường hoặc quỳ xuống nền lớp học ; hình thức này có gì là quá đáng ? Ngày nay ta cứ hay lợi dụng từ"bình đẳng,dân chủ..." ở mọi trường hợp là không đúng .Cùng với đề án cải cách chương trình giáo dục đang làm cho xã hội bức xúc,nên chăng có một đề án về cách ứng xử trong trường học để định hướng hành động của thày trò và phụ huynh học sinh nhằm làm cho xã hội thống nhất quan điểm về giáo dục,tránh mọi hiện tượng quan điểm trái chiều như hiện nay?

    Trả lờiXóa