Thứ Hai, 26 tháng 3, 2018

CON TRAI CỤ PHẠM QUỲNH PHÁT BIỂU TRONG LỄ TÔN VINH CHA


BÀI PHÁT BIỂU CỦA NHẠC SĨ PHẠM TUYÊN
TẠI LỄ TRAO GIẢI THƯỞNG PHAN CHÂU TRINH
VỀ NHÀ VĂN HÓA PHẠM QUỲNH

Phạm Quỳnh sinh ngày 30/1/1893 (năm Nhâm Thìn) tại Hà Nội và mất tại Huế ngày 6/9/1945 (năm Ất Dậu), tức là sinh dưới thời Pháp thuộc và mất sau ngày nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ra đời.  Từ ngày mất, gần như Phạm Quỳnh “biến mất” trên trường chữ nghĩa Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, trừ một trường hợp độc đáo: nhà văn “tả thực” lớn nhất nước ta, đang lúc ở đỉnh cao danh vọng, được nhân dân cả nước yêu mến, thì Nguyễn Công Hoan cho ra mắt tác phẩm cuối đời, ngay giữa Thủ đô Hà Nội, tác phẩm Đời viết văn của tôi (NXB Văn Học-1972). Trong đó, ông dành hai trang 160-161 thành thật viết rõ là mình sáng tác truyện ngắn nổi tiếng Kép Tư Bền, chỉ vì thương… Phạm Quỳnh!

Mãi đến năm 1996, đất nước đổi mới tròn mười năm, cuốn sách ấy được NXB Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh tái bản với số lượng khiêm tốn, nhưng hai trang 181-182 vẫn còn nguyên văn phần nói về nhà văn viết Kép Tư Bền, chỉ vì thương Phạm Quỳnh.

Sau đó 10 năm, năm 2005, trong một mục nhỏ Ý kiến – Trao đổi của một tạp chí nhỏ ở tỉnh lẻ Hải Dương tờ Khoa học và Ứng dụng số 2 đã đăng trên hai trang 9-10 bài Phạm Quỳnh chủ bút báo Nam Phong của Giáo sư Văn Tạo, nguyên Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam, một người cùng quê Hải Dương với Phạm Quỳnh. Bài này, sau đó đăng lại trên tạp chí Tia Sáng của Bộ Khoa học và Công nghệ ngày 20/6/2006. Và ngày 10/7/2006 lại đăng trên tạp chí Khoa học và Tổ quốc cơ quan của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Cuối năm 1992, nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn đã viết một tham luận gửi hội thảo (không thành) do Viện Văn học tổ chức tại Hà Nội. Sau này, bài được đăng trên tạp chí Nghiên cứu văn học số tháng 7 năm 2005, đổi nhan đề và cắt đi một số đoạn. Đó là bài Phạm Quỳnh và quá trình tiếp nhận văn hóa phương Tây ở Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Cuối năm 2005, trên Tiền Phong Chủ Nhật các số 44, 45 và 46 đăng bài Những uẩn khúc trong cuộc đời ông chủ báo Nam Phong, tức bài Những điều chưa biết về nhà văn hóa Phạm Quỳnh của Xuân Ba, đã bị tổng biên tập hồi ấy đổi tên.

Trước đó 4 năm, NXB Văn học đã cho phát hành 700 bản Mười ngày ở Huế của Phạm Quỳnh. Năm 2003, NXB Văn Hóa Thông Tin – Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây phát hành 1000 bản Phạm Quỳnh – Luận giải văn học và triết học  do Trịnh Bá Đĩnh tuyển chọn và giới thiệu.

Năm 2004, NXB Hội Nhà văn xuất bản Pháp du hành trình nhật ký của Phạm Quỳnh do Vương Trí Nhàn chú giải. Tháng 3 năm 2007, NXB Trẻ phát hành 2000 bộ Du ký Việt Nam – Tạp chí Nam Phong 1917-1934 do Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm và giới thiệu. Sau này, năm 2013, chính Nguyễn Hữu Sơn đã sưu tầm và biên soạn Phạm Quỳnh tuyển tập du ký. 

Năm 2006 là năm đáng chú ý về hiện tượng Phạm Quỳnh xuất hiện trở lại trên xuất bản và báo chí Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Đầu năm, NXB Văn Học và công ty sách Thời Đại cho tái bản Thượng Chi văn tập của Phạm Quỳnh, chính thức được bán và quảng bá tại Hội sách thành phố Hồ Chí Minh tháng 3 năm đó. Tháng 8/2006 trong số 140 tạp chí hằng tháng Công giáo và Dân tộc có đăng bài Phạm Quỳnh, người nặng lòng với nước, rồi tháng 9, trong số 267 tạp chí Xưa và Nay, cơ quan của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam lại đăng bài Người nặng lòng với nước, tạp chí Nghiên cứu và phát triển ở Huế, số 3  năm 2006 đăng bài Phạm Quỳnh, người nặng lòng với nhà, rồi tháng 9, tạp chí Công giáo và Dân tộc lại đăng bài Phạm Quỳnh, người nặng lòng với tiếng ta. Tất cả mấy bài đăng trên mấy tạp chí Hà Nội, Huế, Sài Gòn kể trên đều là của Phạm Tôn.

Cuối năm 2007, NXB Tri Thức cho ra mắt Phạm Quỳnh – Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922-1932 – Essais 1922-1932,. Việc xuất bản tác phẩm này cũng như bộ ba tập Du ký Việt Nam nói trên khiến năm 2007 có nhiều cuộc thảo luận về Phạm Quỳnh nhân ra mắt sách và còn âm ỉ lâu dài trên báo chí. Người dân thoải mái nói về Phạm Quỳnh, đặc biệt là khen ngợi tài năng và đạo đức của ông.

Số 15/9/2008 Hồn Việt có bài Ông Phạm Quỳnh là người nặng lòng với nước và số 17/11 là bài Phạm Quỳnh, cuộc phiêu lưu không tránh khỏi bi đát… hai nhan đề này là do tòa soạn đặt. Nhan đề vốn có chỉ giản dị là Ông quả là người nặng lòng với nước.

Năm 2011, NXB Hội Nhà Văn và Công ty Nhã Nam xuất bản 2000 cuốn sách gồm những bài viết cuối đời của Phạm Quỳnh, bao gồm 11 bài tạp văn và 51 bản ông dịch thơ Đỗ Phủ lấy tên chung là Hoa Đường tùy bút.

Chúng tôi nghĩ sở dĩ có sự trở lại ngoạn mục của Phạm Quỳnh trên sách báo nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam một phần lớn là do trong Từ điển bách khoa Việt Nam xuất bản năm 2003, tập 3 đã có Mục Phạm Quỳnh, Nam Phong và có cả mục Pháp Việt đề huề với lời lẽ khá đúng mực, cởi mở hơn trước. Rồi năm 2004, Từ Điển Văn Học (bộ mới) của NXB Thế Giới ra mắt bạn đọc cũng đã có Mục Phạm Quỳnh do Nguyễn Huệ Chi viết và mục Nhóm Nam Phong do Phương Chi viết.

Một dấu hiệu chỉ rõ sự cởi mở hơn của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là ngoài những tác phẩm của Phạm Quỳnh được tái bản hoặc xuất bản lần đầu và những bài viết về ông đánh giá con người và sự nghiệp của ông công bằng hơn trước, còn có việc xuất hiện cả những sách viết về ông. Năm 2010, NXB Thanh Niên ấn hành 2000 cuốn Phạm Quỳnh, con người và thời gian của nhà giáo, nhà văn Khúc Hà Linh người cùng quê Hải Dương với Phạm Quỳnh. Đến đầu năm 2012, tác giả lại chỉnh sửa và bổ sung nhiều đến mức NXB Thanh Niên cho ra đời Phạm Quỳnh trong dòng chảy văn hóa dân tộc.

Quí 3 năm 2011, NXB Công an Nhân dân ấn hành 1000 cuốn Phạm Quỳnh, một góc nhìn của một người con xứ Huế, đại tá tiến sĩ sử học Nguyễn Văn Khoan. Đúng một năm sau, quí 3 năm 2012, lại cho ra mắt, Phạm Quỳnh, một góc nhìn (tập 2) của cùng tác giả. Nhà giáo kiêm nhà văn và đại tá kiêm tiến sĩ sử học ra hai tập sách đã dẫn đến hai cuộc hội thảo về Phạm Quỳnh, một ở Hải Dương, quê hương ông (tháng 6 năm 2010), một ở Huế, nơi ông sống những năm cuối đời và gửi lại nắm xương tàn (tháng 8 năm 2012). Cả hai cuộc hội thảo đều khẳng định Phạm Quỳnh là nhà văn hóa lớn, có công với nước trong việc xây dựng nền văn hóa dân tộc, nhất là ngôn ngữ dân tộc. Đặc biệt, cuộc hội thảo ở Hải Dương do chính Ủy ban Nhân dân tỉnh và ban tuyên huấn tỉnh ủy tổ chức. Cả hai buổi hội thảo đều được đưa lên truyền hình địa phương, hoàn toàn công khai, minh bạch với bàn dân thiên hạ.

Cuối năm 2013, NXB Tri Thức ấn hành Chúng tôi đã sống như thế của Phó giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Ánh Tuyết tại Hà Nội, và nhà văn nữ Hà Khánh Linh xứ Huế có tác phẩm Những dấu chân của mẹ (NXB Văn Học). Cả hai tác phẩm đều có viết về ông với lòng kính yêu vô hạn.

Như thế là giờ đây, Phạm Quỳnh con người suốt đời trung với nước, hiếu với dân, mặc dù có số phận oan nghiệt đã có thể ngậm cười nơi chín suối: Tâm nguyện của ông đã được thực hiện, nước đã độc lập, dân đã ngày càng được sống tự do và no ấm hơn. Và những đóng góp của ông cho nước, cho dân ngày càng được nhìn nhận công bằng hơn và vẫn giúp ích cho đời cứ như ông vẫn sống trong cuộc đời này.

Giải thưởng Văn hóa Pham Châu Trinh (lần XI.2018) đã đáp ứng lòng mong mỏi của đông đảo giới trí thức trong cả nước khi vinh danh nhà văn hóa Phạm Quỳnh với những đóng góp về văn hóa và tinh thần yêu nước sâu sắc của Cụ đầu thế kỷ 20.

Đối với con cháu Cụ Phạm thì đây là một niềm tự hào lớn và là một sự ghi nhận của xã hội về sự đóng góp của Cụ cho nền văn hóa Việt Nam.

11 nhận xét :

  1. Năm 1893 không phải la nhầm thìn

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có lẽ là tháng Chạp năm Nhâm Thìn ( 1892 ) !

      Xóa
  2. Kinh trọng và thương nhớ cụ Thượng Chi
    Vinh danh giải thưởng PHAN CHÂU TRINH!

    Trả lờiXóa
  3. Phạm Tuyên không xứng đáng nói về Phạm Quỳnh! Hãy câm miệng lại để được thông cảm!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sao Cao Xuan Lý ăn nói cộc cằn thế. Dù Phạm Tuyên có luôn cất cao lời ca ngợi đảng nhưng ông cũng đáng được tôn trọng vì biết bỏ qua hận thù để hòa hợp với thời cuộc.

      Xóa
  4. Đọc bài này, tôi có cảm giác đây là một "bản liệt kê" những bài viết về cụ Phạm Quỳnh trong khoảng thời gian từ 1972 tới nay. Việc này những người yêu mến cụ Phạm Quỳnh nếu chịu khó cũng có thể sưu tầm và tập hợp được, có khi còn đầy đủ hơn.
    Thế thì dấu ấn của "con trai" cụ Phạm Quỳnh, tức là ông Phạm Tuyên ở đâu trong bài này?

    Trả lờiXóa
  5. Không biết đến bây giờ, NS Phạm Tuyên đã được đảng làm cho "sáng mắt sáng lòng" đến mức nào rồi nhỉ? Chắc không còn phải đeo kính đen nữa.

    Trả lờiXóa
  6. Tiêu đề bài báo thật chuẩn xác : " Con trai cụ Phạm Quỳnh .... " - là nhạc sĩ nổi tiếng với các ca khúc , cũng nổi tiếng là người con trai bất hiếu , bất tri !

    Trả lờiXóa
  7. Ông Phạm tuyên này đã lú lẫn rồi , xưa nay ông chỉ có CHA GIÀ chứ đâu có cha đẻ bao giờ !!!

    Trả lờiXóa
  8. Ở miền Nam thì Phạm Quỳnh, Nguyễn văn Vĩnh với Nam Phong tạp chí hay Tri Tân tạp chí đã chiếm 1 phần của chương trình Văn lớp 11,Họ được nhận xét đánh giá một cách khách quan,công bằng ,nên đối với người dân miền Nam Họ là những học giả,nhà văn hóa có công phát triển,truyền bá chữ quốc ngữ

    Trả lờiXóa
  9. Thất vọng về bài này của Phạm Tuyên, vô hồn, vô cảm. Ai cần bản liệt kê các tác phẩm của Phạm Quỳnh và công trình nghiên cứu về Phạm Quỳnh được xuất bản năm nào, ở đâu. Trong Lễ vinh danh Cha mình, phải viết khác chứ

    Trả lờiXóa