Thứ Năm, 1 tháng 2, 2018

Kỷ Niệm Mậu thân 68: CUỘC CHIẾN ĐÃ ĐI QUA..

Họa phẩm Cuộc chiến đã đi qua. Courtesy Họa sĩ Phạm Tuấn Dũng

Cuộc chiến đã đi qua

Mặc Lâm

Năm nay nhà nước kỷ niệm “50 năm chiến thắng Mậu Thân” mà với nhiều người đó là nỗi đau của cả hai phía. Miền Bắc có những bà mẹ mất con, những góa phụ mất chồng vì cuộc chiến ấy. Miền Trung: hàng ngàn thường dân bị giết, bị chôn sống cùng với binh lính, nhân viên chính phủ Sài Gòn. Miền Nam: nhiều đô thị trở thành hoang phế, hàng chục ngàn người ly tán, mất cả người thân lẫn tài sản…

Cái Tết năm ấy có gì vui?

Bài viết về bức tranh “Cuộc chiến đã đi qua” của họa sĩ Phạm Tuấn Dũng do Mặc Lâm thực hiện có lẽ dành cho những người hô hào kỷ niệm cuộc chiến thắng Mậu Thân để họ đọc lại rồi thấy giá trị của súng đạn chỉ làm cho hàng vạn bộ xương khô thêm uất ức mà thôi.

Tết phải vui, nhưng vỗ tay trên những chiếc khăn tang của đồng bào mình thì thật là man rợ.
Họa phẩm Cuộc chiến đã đi qua. Courtesy Họa sĩ Phạm Tuấn Dũng

Họa sĩ Phạm Tuấn Dũng sinh năm 1942 tại Hà Nội, ham thích hội họa từ nhỏ nhưng không đậu được vào trường Mỹ thuật ông theo học vẽ với hai họa sĩ Phạm Viết Song và Đinh Minh.

Từ năm 1966 ông là họa sĩ chính cho báo Thiếu Niên Tiền Phong và sau đó chuyển sang báo Giao thông vận tải. Năm 1995 chuyển sang làm Phó TBT tạp chí Kho Bạc bây giờ là tạp chí Quản Lý Ngân Quỹ Quốc Gia.

Họa sĩ Phạm Tuấn Dũng đã có 5 cuộc triển lãm cá nhân, trong số đó một triển lãm do phòng Thương Mại Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội tổ chức và một triển lãm khác được thực hiện tại Đức.

Tranh của ông theo phong cách cổ điển, hầu hết chất liệu là sơn dầu trên bố. Chân dung và phong cảnh là hai chủ đề chính trên tranh Phạm Tuấn Dũng.

Họa sĩ mang tới cho người yêu tranh cảm nhận tầm nhìn sắc sảo của một cây cọ từng trải nghiệm các biến cố cuộc đời. Mỗi nét nhấn, mỗi cách xử lý màu sắc và ánh sáng ông đều đặt vào đấy sự sáng tạo rất nghiêm khắc và cẩn trọng:

“Mình không được đào tạo trong trường của nhà nước mình chỉ học với các họa sĩ bên ngoài thôi với họa sĩ Phạm Viết Song và họa sĩ Đinh Minh nhưng thời gian học không được nhiều vì lúc ấy nghèo lắm không có tiền đóng tiền học cho nên học cứ bập bà bập bõm tổng cộng lại thời gian đi học chưa được đến hai năm thế nhưng mình thành công vì mình rất yêu nghề, lúc nào cũng vẽ nên cũng có một số kết quả.”

Tranh Phạm Tuấn Dũng hiền lành và bàng bạc cái duyên của người Hà Nội cũ. Hầu hết tranh phong cảnh của ông sáng lên thứ ánh sáng của hy vọng vào một ngày mới cho dù ông vẽ mưa giông (Mưa buồn) hay gió bão (Mưa từ phía đảo). Ánh sáng vàng ươm lập đi lập lại trên những cành lá, chất óng ả của đất non khắc họa vào trí nhớ người xem từng góc khuất thời gian mà hơn một lần họ bắt gặp trong quá khứ.

 
Họa sĩ Phạm Viết Song qua nét vẽ của họa sĩ Phạm Tuấn Dũng. Photo: Họa sĩ cung cấp

Nhưng trên hết, tranh của Phạm Tuấn Dũng cuốn hút người xem vẫn là chân dung.

Một vài nét nhấn đã làm cho nhà văn Nguyễn Xuân Khánh trở thành thơ mộng và có vẻ như muốn bước chân ra ngoài chiếc khung chật chội của tranh. Nhà văn Hồng Phi đi thẳng vào trí nhớ người xem bởi nét cọ mạnh bạo cùng sắc màu xưa cũ của 36 phố phường Hà Nội. Họa sĩ Phạm Ngọc Liệu rắn rõi, phong trần và càng nhìn thì chân dung của ông càng trở nên bí ẩn. Nếu một hiền triết xuất hiện cạnh bức tranh, ngay lập tức câu hỏi sẽ nảy sinh: ai mới thật sự là một nhà tư tưởng?

Trong tất cả tranh chân dung của Phạm Tuấn Dũng nếu được chọn bức ấn tượng nhất có lẽ không ít người sẽ chọn họa sĩ Phạm Viết Song.

Trên nền thô nhám của bố, nét vẽ theo kịp chuyển động của chiếc pipe chừng như khắc họa tiếng rít khoái cảm để đưa khói vào khí quản. Cái thần của bức tranh không căng mắt người xem mà ẩn hiện chừng mực trên từng khu sáng tối, đậm nhạt, ăn ý và nối kết nhau trên mỗi vuông nhỏ của canvas.

Và không phải lúc nào chân dung ông vẽ cũng diễn tả người đang sống. Ông vẽ cả chân dung của người không xuất hiện trong cuộc sống thực bởi những khuôn mặt ấy là tư tưởng, là khu vực sáng tạo mà người mẫu được hình thành từ góc khuất của nhận thức, của trăn trở và tâm trạng.

Trong sưu tập chân dung của Phạm Tuấn Dũng có lẽ “Cuộc chiến đã đi qua” sẽ làm cho nhiều người chú ý nhất. Nét cọ của ông truyền lại cái thần một bà mẹ được dẫn dắt bởi ký ức và trên cái nền cuộc chiến tranh đã qua vẫn đọng lại trong tâm tưởng người họa sĩ một mối cảm hoài khó cưỡng.

“Tôi vẽ bức tranh này một chiều một thước rưỡi còn một chiều là hai thước. Như tôi đã nói trong chiến tranh thời gian chống bom đạn của Mỹ thì một nhà điện ảnh Sô viết có làm một cuốn phim tài liệu lấy tên: “Trên đất nước rền vang tiếng súng” nói về đất nước Việt Nam và tôi rất ấn tượng cái phim ấy nên tôi cũng suy nghĩ về nó rất nhiều.

Họa hình Họa sĩ Phạm Ngọc Liệu của Họa sĩ Phạm Tuấn Dũng. Photo: Họa sĩ cung cấp

Từ khi biết suy nghĩ cho đến bây giờ tôi cảm nhận rằng tôi đã sống trên quê hương đất nước tôi, một đất nước nhỏ bé tồn tại từ xưa đến giờ nhưng luôn luôn phải chống với giặc để tồn tại, để bảo vệ quê hương của mình. Từ cái ý đồ ấy tôi vẽ một bức tranh và lấy tên là “Cuộc chiến đã đi qua”.

Tôi nghĩ rằng thời kỳ chiến tranh mà tôi cho là đau đớn nhất đó là cuộc chiến tranh của hai hệ tư tưởng khác nhau của người trong cùng một nước. Cuộc chiến tranh mà họ hàng, anh em ruột thịt bắn giết nhau để phục vụ cho ý đồ tư tưởng của mỗi bên khác nhau. Bức tranh tôi lấy tên “Cuộc chiến đã đi qua” để diễn tả cuộc chiến tranh đau đớn nhất.

Ở quê hương tôi nhất là từ vĩ tuyến 17 trở vào thì rất nhiều gia đình có hoàn cảnh, rất nhiều các bà mẹ có nỗi đau và tôi vẽ bức tranh này để phản ảnh những hình tường đó.

Tôi vẽ một bà mẹ có 12 đứa con hy sinh, một nửa phía bên này một nửa phía bên kia. Chiến tranh đã đi qua, đất nước đã thống nhất mà bà mẹ có còn gì đâu! Chằng còn gì cả. Vật chất thì trong bao nhiêu năm bom đạn đã bị hủy diệt hết, mẹ chỉ còn một sinh vật tồn tại cạnh mẹ là một con chó. Mẹ ngồi trên một chõng tre đã gãy hết cả nang và hằng ngày mẹ thương nhớ các con mẹ đã cúng cơm cho chúng bằng 12 cái bát, 12 cái bát mẻ và 12 đôi đũa tre một bát hương nghi ngút khói có lẽ đấy là thông điệp gọi các con về và chúng nó đã về. Bữa nào cúng cơm thì chúng đều về. Chúng yêu quý mẹ cả con trai cả con gái. Chúng vòng quanh mẹ bám víu chờ bám bờ vai gầy guộc của mẹ chúng chẳng hề hận thù căm ghét gì nhau mà thương yêu nhau quấn quýt nhau vì chúng là anh em ruột thịt.”

Tổng thể bức tranh là một tiếng thở dài, hay đúng hơn, một ám ảnh. Ánh nắng chiều vàng vọt yếu ớt chiếu xuyên khung cửa vào căn nhà hiu quạnh với nhang khói âm u tạo cho người xem cảm giác nặng trĩu không gian của quá khứ. Ánh nắng là cả một ẩn dụ, cắt ngọt phân nửa thân hình bà mẹ như ám thị rằng bà mẹ ấy cũng bị cắt phân nửa bởi 12 đứa con trong cuộc chiến. Sáu đứa bên này sáu đứa bên kia. Trong tư thế ngồi thẳng, mắt nhìn vào người xem như khẳng định bà là một hiện thân của hôm nay chứ không đến từ quá khứ mặc dù chung quanh bà là câu hỏi triền miên về những gì đã xảy ra cho các đứa con của bà. Tay chân bà khẳng khiu nhưng toát ra sức sống nội tâm mãnh liệt trong không gian chật ních hình bóng của những đứa con đã chết.

Những đứa con ấy lung linh ẩn hiện trên background của sắc cam chuyển dần sang đỏ, xám dần vì nhang khói cúng tế thần linh trong các đình miếu. Tác giả mượn thời kỳ thần thánh và linh hiển để ẩn dụ những khuôn mặt mờ nhạt như âm bản của một cuộn phim quá khứ. Cuộn phim nói về cái chết của những đứa con cùng một mẹ sinh ra nhưng chết cho hai thể chế khác nhau và những cái chết ấy cuộn tròn trong chiếc khăn tang chỉ có bà ngồi lặng im mân mê đau đớn.

“Toàn bộ nền tranh tôi dùng màu cam với hai sắc độ khác nhau mờ ảo. Màu cam như màu lửa chiến tranh, còn một màu cam như là tình thương yêu của anh em ruột thịt. Cuộc chiến tranh này anh em trong một nhà do một bà mẹ Việt Nam sinh ra. Một bà mẹ rất gầy guộc tóc đã bạc, tôi vẽ mẹ nhìn thẳng vào người xem như muốn hỏi rằng cuộc chiến tranh này chúng tôi được cái gì?

Vẽ xong bức tranh tôi có lần đọc được câu thơ của nhà thơ Nguyễn Duy: ‘Nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh, phe nào thắng thì nhân dân đều bại’.”

Những vật tưởng như lỉnh kỉnh trong tranh thật ra đã gắn kết rất thành công các mẫu tình tiết rời rạc. Chú chó vô tư nhìn con bướm lượn lờ như một chút sinh khí bên ngoài căn nhà mà tác giả muốn làm dịu bớt sức ép từ nhang đèn, đũa chén và nhất là nải chuối héo hắt nằm trên chiếc chõng tre cũng buồn hiu lặng lẽ.

Họa hình Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh của Họa sĩ Phạm Tuấn Dũng.

Những vật dụng quen thuộc chung quanh bà trở nên tỏa sáng khi bên cạnh chúng là nỗi cô đơn của một người mẹ ngồi nhớ đến con. Bà ngồi như tượng bởi bà đã sống quá lâu trong không gian ấy. Không gian của những bóng ma cũ và mới. Không gian của người sống kẻ chết xen lẫn nhau, bởi hơn ai hết bà đang sống cùng với quá khứ, chia sẻ quá khứ và mặc nhiên bà nghĩ mình đang thở cái không khí của ngày hôm qua, khi những đứa con bà lần lượt ra đi.

“Năm 2012 tôi có mở một cuộc triển lãm riêng tôi có bày bức tranh này và dưới bức tranh tôi có lấy hai câu thơ của Nguyễn Duy để ở dưới.

Tôi nhớ trong cuộc triển lãm ấy có hai họa sĩ người Mỹ tới xem và xem rất kỹ, sau đó họ có nhờ một anh bạn tôi phiên dịch lại với tôi như thề này. Chúng tôi đã được xem nhiều tranh về đề tài chiến tranh nhưng tranh này của ông không hề thấy có súng và khói lửa, bom đạn nhưng sự ghê rợn đau đớn khốc liệt của chiến tranh thì đã bao trùm toàn bộ bức tranh này, xin cám ơn ông. Đấy là câu mà hai họa sĩ người Mỹ đã nói.”

Bức tranh đã xô đẩy người xem ngã nghiêng cùng những suy tưởng rất riêng. Bạn có thể bật dậy khi đã về tới nhà và nhớ lại một chi tiết nào đó mà khi xem tranh bạn chưa phát hiện ra. Bạn cũng có thể thay đổi thái độ trước nét vô tư của con bướm, vật duy nhất không bị chi phối bởi những cái chết. Nét vô tư ấy đã cân bằng bớt tâm trạng mà bức tranh mang tới. Tác giả có muốn bạn bị ám ảnh hay không không phải là điều quan trọng, mà chính bạn, bạn có tự cho phép mình bị ám ảnh hay không lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.

“Tôi nghĩ rằng ngày 30 tháng 4 ấy nếu chiến thắng thì chiến thắng của cả dân tộc. Ngày 30 tháng 4 là ngày thông nhất đất nước, chiến thắng của một dân tộc không có sự phân chia nào cả. Bây giờ thì có điều mà tôi suy nghĩ là cái dân tộc này phải thống nhất lại để bảo vệ kẻ thù phương Bắc luôn luôn lúc nào cũng dòm ngó từ ngày dựng nước hàng mấy nghìn năm nay cho đến bây giờ không khi nào nó buông tha ý đồ xâm lược ở bờ biển, đất nước của chúng ta.”

Câu chuyện 40 năm gói gọn trong một bức tranh là điều khó làm.

Dấu ấn 40 năm qua hình ảnh của bà mẹ gắn với niềm nhớ nhung các con của bà là chiếc gai nhọn làm cho chúng ta, những người xem tranh, khó tránh được trầy xướt. Vết thương chiến tranh vẫn tiếp tục rỉ máu mỗi khi có người nhắc lại như một chiến thắng hào hùng.

Còn bà, có lẽ vết thương không còn nữa vì con cái vẫn bao quanh mỗi lần khói nhang dậy mùi trong căn nhà ọp ẹp. Mỗi một bát nhang tàn tro là một niềm vui, cho dù niềm vui ấy thật khó mà diễn đạt bằng lời.

Phạm Tuấn Dũng đã rất thành công khi kéo dài niềm vui đơn sơ và ngắn ngủi ấy của bà mẹ qua cách mà ông diễn đạt: “Cuộc chiến đã đi qua”.

Vâng, cuộc chiến đã đi qua nhưng đâu đó trên những con đường Việt Nam lưu lạc khắp cùng thế giới vẫn sót lại biết bao là mảnh vỡ.
Mặc Lâm


6 nhận xét :

  1. VTV khơi lại nỗi đau Mậu Thân thì người dân xa lánh đảng.
    Và thật lạ kỳ, không kể sự kiện Mậu Thân, đảng này chẳng bao giờ nhận lỗi vì cái gì cả, nhưng thành tựu nhỏ nhất của nhân dan thì cứ nhận vào mình!

    Trả lờiXóa
  2. Giao thưa bao giờ cũng là thời khắc thiêng liêng với mọi người dân VN. Giao thừa Mậu Thân cũng thế. Dân Miền Nam vui mừng vì có thỏa thuận ngừng bắn trong dịp này. Nhiều đơn vị quân đội VNCH cũng được cho nghỉ dịp này. Họ không biết rằng, "bên thắng cuộc" đang âm thầm chuẩn bị cho một sự phản bội lệnh ngừng bắn.
    Thế mà 50 năm sau vẫn tung hô "thắng lợi vĩ đại", "thắng lợi chiến lược" (mặc dù đã thảm bại). Đúng là bậc thầy về tuyên truyền!

    Trả lờiXóa
  3. 50 năm sau trận chiến Tết Mậu Thân, hàng vạn gia đình phải làm đám giỗ vào dịp tết Cổ truyền. Cho nên, ai xem trận chiến này là thành tích thì người đó có còn là con dân nước Việt!

    Trả lờiXóa
  4. Hiện nay nước Cam Bốt đã từ bỏ chủ nghĩa Mác Lê và quay về Quân chủ Lập Hiến, tại sao họ có thể từ bó thê chế CS như vất một cái áo cũ mà không thắc mắc gì cả, vì ngay tại quốc gia sinh sản ra nó la Nga đã bị đào thải từ thế kỷ trước
    Tại sao Việt Nam, không thế làm được điều đó, có phải chăng là lãnh đạo
    của Việt Nam không thể nhìn nhận một sự thật hiển nhiên, và níu kéo
    những tư tưởng cũ rích và đã đưa toàn thể dân tộc Việt Nam đi ngược lại dòng tiến của Nhân Loại. va` Họ cố bám víu vào đó để bảo vệ những đặc quyền của họ và các đàn em


    Trả lờiXóa
  5. Ai đã từng tham gia trong cuộc chiến mới thấm thía nỗi buồn của chiến tranh, đừng có chiến tranh mà người dân vẫn hưởng thái bình, no ấm thì đó là cái tài của người lãnh đạo. Khơi mãi về cuộc chiến thì chả khác gì cậy công, một đất nước mà có nhiều kẻ cậy công thì phát triển gì nữa.

    Trả lờiXóa
  6. Những ai đã từng sống trong thời kỳ chiến tranh ở cả 2 miền đều biết khi đến tết âm lịch các bên đều tuyên bố ngừng bắn để ăn tết và năm 1968 kẻ nào đã tự nuốt lời tuyên bố ngừng bắn để làm chiến dịch đánh trộm " tồng tấn công Mậu thân " khắp miền nam . Vậy mà cho đến ngày nay họ vẫn tiếp tục trơ chẽn nói thắng này thắng nọ trong cái trò cắn trộm đó . Chính vì vậy trong bức tranh bà mẹ VN và mẹt cơm cúng , họa sĩ Phạm Tuấn Dũng đã dùng hình ảnh con " chó " trăng , đen nằm trong ba mức độ ánh sáng và chính giữa cái chữ " Đ " được hiện nổi bằng tia sáng , con chó đang cong đuổi để con bứơm bay vào ngửi đít . Đó là tâm điểm của bửc tranh , kẻ đã giết mẹ VN. Nhìn tổng thể cả bức tranh bằng một mắt lim rim ta sẽ thấy mẹ VN đang cháy trong lò thiêu xác ( nếu nhìn chưa ra ta có thể xoè một bàn tay , đưa đi đua lại và mặt nhìn như trên nói ). Một họa sỹ tài ba , một bức tranh đẹp.!

    Trả lờiXóa