Thứ Năm, 18 tháng 1, 2018

UB TỈNH THANH HÓA CHO PHÉP ĐỔ BÙN THẢI ĐỘC XUỐNG BIỂN

 
Thanh Hóa cho nhận chìm 1,3 triệu m3 bùn thải xuống biển

Dân trí 
Thứ năm, 18/01/2018 - 13:30
 
Ngày 16/1, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký Quyết định số 194/QĐ-UBND về việc Phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án nạo vét bổ sung công trình Cảng Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn để tiếp nhận tàu 40.000 DWT và nhận chìm vật chất nạo vét tại khu vực biển xã Hải Hòa, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Công ty lọc hóa dầu Nghi Sơn).

Theo quyết định này, căn cứ theo các quy định của Chính phủ, Bộ Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) và căn cứ các công văn, đề nghị của các ban ngành liên quan, UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định cho phép Công ty lọc hóa dầu Nghi Sơn nạo vét luồng với khối lượng khoảng hơn 1,3 triệu m3, chiều dài nạo vét 6,775 km với cao độ tự nhiên là -14,2 m, cao độ thiết kế là -14,8 m.

Quyết định cũng cho phép nạo vét khu vực bể cảng với khối lượng hơn 195.000 m3 với cao độ tự nhiên là -12,6, thiết kế là -12,8 m.

Đồng thời cho nhận chìm vất chất nạo vét trên diện tích khoảng 276 ha, chiều sâu nước biển là -18 m, sức chứa khoảng 3 triệu m3.

UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu chủ dự án thực hiện đúng, đầy đủ, nghiêm túc các nội dung bảo vệ môi trường nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; thực hiện thi công nạo vét theo đúng trình tự biện pháp thi công được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. thực hiện nhận chìm vật chất nạo vét đúng vị trí đã được chấp thuận…

Trong quyết định này, tỉnh Thanh Hóa cũng đưa ra các điều kiện kèm theo như xây dựng và thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu; hợp tác tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan quản lý về bảo vệ môi trường kiểm tra việc thực hiện kế hoạch quản lý môi trường và việc triển khai thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường, phòng ngừa và ứng phó với sự cố môi trường.

Đặc biệt, trong quá trình thực hiện dự án, nếu để xảy ra sự cố gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng môi trường, hệ sinh thái khu vực và sức khỏe cộng đồng phải dừng ngay hoạt động của dự án gây ra sự cố, tổ chức ứng cứu khắc phục, thông báo khẩn cấp cho cơ quan quản lý về môi trường cấp tỉnh và các cơ quan liên quan.

Trước đó, tháng 10/2016, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã cấp giấy phép cho Công ty CP gang thép Nghi Sơn (tại khu kinh tế Nghi Sơn) nhận chìm hơn 2,1 triệu m3 vật, chất nạo vét cảng ra biển.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Đào Trọng Quy, Giám đốc Sở TN-MT Thanh Hóa cho biết, việc cho nhận chìm chất thải nạo vét của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã được Bộ TN-MT cho chủ trương nạo vét “Vì luồng tàu đi nên phải cho chủ trương nạo vét, nếu đổ trên bờ thì ô nhiễm trên bờ, nhưng tìm chỗ không phải luồng tàu đi thì đa dạng sinh học vẫn ổn định, không bị ảnh hưởng đến môi trường” - ông Quy nói.
Nguyễn Thùy

1 nhận xét :

  1. “Vì luồng tàu đi nên phải cho chủ trương nạo vét, nếu đổ trên bờ thì ô nhiễm trên bờ, nhưng tìm chỗ không phải luồng tàu đi thì đa dạng sinh học vẫn ổn định, không bị ảnh hưởng đến môi trường” - ông Đào Trọng Quy nói.
    Quan chức như các ông Quy, ông Nguyễn Đức Quyền đang coi rẻ sự an toàn của môi trường thiên nhiên của Việt Nam và đang tiếp tay huỷ hoại nó.
    Theo ý ông Quy - 1,3 triệu m3 bùn thải này là có chất độc, không thể để ô nhiễm trên bờ, vì vậy đổ xuống biển ở chỗ sẽ lắng xuống đáy biển và vì vậy không ảnh hưởng xấu đến môi trường. Vậy cho tôi hỏi ông Quy, ông Quyền:
    1/" Các sinh vật hay thực vật nơi đáy biển chỗ các ông đổ bùn thải độc đó làm sao sống được? Vậy là các ông đã huỷ hoại môi trường đáy biển Việt Nam với một diện tích rất lớn!"
    2/ Nước biển có phải một cục sắt đứng yên một chỗ không? thuỷ triều, gió, bão, các luồng nước di chuyển dưới đáy biển, sẽ mang theo chất độc trong bùn thải của các ông đổ xuống đi khắp nơi, các ông làm sao chặn?"
    3/ Làm sao các ông kiểm soát được luồng tàu đi ngoài biển? Có thể hôm nay các ông cho luồng tàu đi nơi khác để tránh, mai đây lỡ có luồng tàu nào đi ngang đó thì sao? các ông làm sao đặt bảng cấm ở nơi đổ bùn ? Ai biết chỗ nào đổ bùn chỗ nào không? Nếu tàu của quốc tế đi ngang thì sao?
    Trên đây là những câu hỏi của dân thường như tôi, chắc chắn là nhiều nhà khoa học sẽ có những câu hỏi khác để chất vấn các ông.
    Tôi phản đối các ông đổ bùn thải độc xuống biển!

    Trả lờiXóa